Ở Hà Nội, dù không được trồng nhiều trên
đường phố nhưng cây bồ đề luôn được trồng ở những nơi tôn nghiêm như
đền, chùa, đài tưởng niệm… Nhiều gốc bồ đề đã trở thành những di tích
sống, mang giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử và tâm linh.
Một
trong những cây bồ đề nổi tiếng của Hà Nội là cây nằm bên chợ 19/2 (hay
còn được gọi là chợ Âm phủ, nay là Đường 19-12, thuộc quận Hoàn Kiếm).
Khu vực này vốn là khu mộ tập thể của các nạn nhân chết trong khu vực
Hàng Bông – Cửa Nam trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Từ đó đến nay,
dưới cây bồ đề luôn có một bàn thờ nhỏ tưởng nhớ đến những nạn nhân
của chiến tranh năm xưa.
Thế nhưng vào đầu tháng 11/2010, cây
bồ đề trên đường 19-12 đã bị một công ty xây dựng bứng bỏ. Trước sức ép
của dư luận, công ty này đã phải trồng lại cây bồ đề ở vị trí cũ. Tuy
nhiên, với những tổn thương rất lớn (ngọn bị cưa cụt, trên thân có một
vết cưa gần đứt ngang, rễ cây bị cắt trụi...) cùng thời tiết khắc
nghiệt của mùa đông ở Hà Nội, khả năng tồn tại của cây là khá mong manh.
Dù vậy, sau 2 tháng, nhờ những nỗ lực bền bỉ của các nhân viên của Công
ty TNHH một thành viên Cây xanh Hà Nội, cây bồ đề đã hồi sinh trở lại
sau khi được hưởng một chế độ chăm sóc đặc biệt.
Nhìn cây bồ
đề giữa cái rét cắt da của những ngày cuối năm, có thể nhìn thấy những
chồi xanh mơn mởn đang nhú lên mạnh mẽ từ tấm thân tàn phế tưởng như đã
không còn khả năng hồi phục của cội cây thiêng.
Một số hình ảnh ghi nhận của PV:
- Dưới cơn mưa rét, dáng đứng khắc khổ,
trơ trọi của cây bồ đề hiện lên phía sau hàng rào tôn
ở một góc đường 19-12 khiến người qua đường không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
- Tuy vậy, khi đến gần có thể nhận ra sự hồi sinh của cây
với những chồi non mơn mởn nhú lên trên ngọn cây từng bị cưa cụt.
- Nhìn qua khe hàng rào, có thể thấy trên phần thân cây đã có nhiều mảng lá lên xanh tốt.
- Đây là thành quả sau 2 tháng các nhân viên công ty Cây xanh Hà Nội thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho cây.
- Trong chế độ chăm sóc này, cây đã được đắp bùn trộn thuốc kích thích sinh trưởng lên gốc
và các rễ bị cắt, trải hỗn hợp dưới hố trồng, bó rơm quanh thân cây để giữ ẩm và và tưới nước hàng ngày.
- Trước những biểu hiện tiến triển tốt, các chuyên gia khẳng định cây đã vượt qua được
giai đoạn khó khăn nhất và khả năng sinh trưởng, phát triển sẽ được bảo đảm trong tương lai.
- Sự hồi sinh của cây bồ đề đã khiến người dân trong khu vực rất phấn khởi.
- Sự phẫn nộ của người dân đối với đơn vị thi công xây dựng
Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Chợ 19-12, thủ phạm đốn bỏ cây bồ đề, cũng được xoa dịu phần nào.
- Cây bồ đề là một loài cây có ý nghĩa tâm linh thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng người Việt.
- Loài cây này được coi là biểu trưng của trí tuệ và tinh thần khoan dung của Phật giáo.
- Và cây bồ đề trên đường 19-12 đã chứng minh được sức sống mãnh liệt của mình.
- Tuy vậy, sẽ còn mất rất nhiều thời gian để cây lấy lại được vóc dáng như ban đầu.
Theo Hồng Quân - ĐV
Ngỡ ngàng xem cây bồ đề trăm tuổi hồi sinh
Cây bồ đề trăm tuổi sau khi được trồng lại đã thể hiện sức sống mãnh liệt, đến nay hàng chục mầm non đã mọc ra, vươn cao.
Ngày 28-12, trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám
đốc Công ty TNHH một thành viên Cây xanh Hà Nội cho hay: Từ ngày cây bồ
đề trăm tuổi “mất tích” được mang về trồng lại vào ngày 4-11-2010 đến
nay đã gần tròn 2 tháng. Đến nay, chúng tôi đã thể thở phào mà khẳng
định, cây đã hồi sinh trở lại.
Theo quan sát của phóng viên, dù thời tiết Hà Nội hiện đang rất lạnh
không thuận tiện cho việc sinh trưởng, song trên ngọn cây bồ đề (ở cả 3
cành chính) đã có rất nhiều nhánh, mầm non mọc lên, cao chừng 30cm.
Chưa kể, ở giữa thân cây cũng có rất nhiều nhánh, mầm tương tự đang
tiếp tục chồi lên, thể hiện sức sống mãnh liệt của cây.
Anh Lê Văn Phương, lái xe một hãng taxi thường đợi khách quanh khu
vực đường 19-12, là người quan sát thường xuyên sự hồi sinh của cây bồ
đề tấm tắc: “Phải nói là tôi khâm phục mấy anh chị chăm sóc cây. Nhớ
cái hôm mang về, rễ rồi cành bị chặt cụt lủn, trông không khác gì khúc
củi khô. Thế mà giờ lại mọc nhánh ra được.”
Hàng chục nhánh nhỏ đã mọc chồi lên trên cả 3 cành chính của cây bồ đề
“Trong suốt thời gian 2 tháng qua, các công nhân đã tiến hành chế độ
chăm sóc cây đặc biệt” - ông Hưng nói - “Ban đầu khi cấp cứu cây, chúng
tôi đã phải trộn thuốc kích thích sinh trưởng lẫn vào bùn, trét lên
gốc cây, các rễ bị cắt… đồng thời trải khá dày hỗn hợp này dưới hố
trồng. UBND quận Hoàn Kiếm (HN) đã cho rào quây bằng tôn xung quanh cây
để tránh việc có nhiều người tới làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của
cây, và giao cho chúng tôi một chìa khóa ra vào. Sau đó hàng ngày các
công nhân đều đặn tưới nước 2 lần cho cây”.
Liên quan đến sự hồi sinh của cây bồ đề trăm tuổi, ông Hưng cũng cho
biết thêm về các phương án đã được Sở Xây dựng Hà Nội trình lên UBND
thành phố về vị trí trồng cây bồ đề, nhắm tới sự ổn định lâu dài cho
cây.
Theo đó phương án thứ nhất: Đợi sau khi cây ra lá, sẽ đánh chuyển vào
bồn hoa cách vị trí cũ khoảng 8,5m về phía tiếp giáp giữa Khách sạn
Melia với Trung tâm Thương mại dịch vụ và chợ 19/12. Đồng thời yêu cầu
UBND phường Trần Hưng Đạo không cho xây bệ thờ bao quanh gốc cây, gây
mất mỹ quan đô thị. Phương án thứ hai, sau khi cây bén rễ sẽ di chuyển
về Công viên Hòa Bình. Phương án thứ ba, giữ lại cây theo hiện trạng,
phần đất bảo vệ gốc có đường kính khoảng 2,5m. Nhiều khả năng phương án
đầu tiên sẽ được chấp thuận.
Theo Cao Minh - ANTĐ