Phật Học Online

Lớp học chèo nơi cửa Phật

Đi trên Quốc lộ 5, hướng đi Hà Nội - Hải Phòng, khách thập phương dễ nhận thấy và có cơ hội ghé thăm chùa Đống Lim nằm bên hồ Thạch Bàn, thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Sau những tiếng tụng kinh, gõ mõ, ít ai biết rằng đây còn là nơi đào tạo rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên chèo. Người khởi xướng cũng như đứng ra tổ chức các lớp học chèo này không phải ai khác, chính là trụ trì chùa Đống Lim, Đại đức Thích Thanh Phương.

Nặng tình với nghệ thuật chèo

Gặp thầy Phương vào một buổi chiều hè mát mẻ. Bên bộ bàn đá trong sân chùa, sư thầy đã cởi mở, chia sẻ những kỷ niệm về quãng thời gian gắn liền với lớp chèo của mình. Thầy cho biết: "Đến nay, lớp học hát chèo của tôi đã chính thức mở được 21 năm. Sĩ số lớp chèo qua các năm không cố định nhưng chưa năm nào dưới 10 học viên”.

Các bạn trẻ có duyên với chèo được thầy Phương tuyển chọn rồi khổ công rèn dạy. “Chèo không giống như các môn nghệ thuật khác. Nó là nghề phải truyền tay, truyền miệng. Người bình thường không được đào tạo bài bản vẫn có thể hát, có thể sáng tác nhưng để có người diễn được chèo thì cần được truyền thụ cẩn thận. Người diễn nếu không thể biểu đạt đủ để toát lên được cái hồn của vai diễn, vở diễn là "giết chết" vở diễn ngay" - thầy Phương phân tích.

Dù còn nhiều bận rộn, khó khăn, nhưng lớp học chèo ở chùa Đống Lim vẫn được duy trì hàng ngày. Buổi học cụ thể thì còn tuỳ thuộc vào lịch làm việc của thầy Phương. Ở cương vị trụ trì, lại là người tài đức, được nhiều người trọng vọng nên thỉnh thoảng thầy còn có những chuyến đi xa về các tỉnh làm việc Phật. Tuy nhiên, không vì thế mà công việc học tập nơi đây bị gián đoạn. Nghề diễn chèo lại là nghề cần khổ luyện nên các học viên luôn ý thức được phải nỗ lực thật nhiều.

Nhờ vào các mối "giao hảo" từ trước, lâu lâu thầy Phương còn mời các giảng viên từ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư về dạy cho các trò. Kính trọng tấm lòng của một người con Phật luôn sống tốt đời đẹp đạo, lại trăn trở vì bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần nhạt phai, nên các thầy cô từ bên kia sông Hồng cũng không hề quản ngại khó khăn, xa xôi để đến đứng lớp cùng thầy.

Năm này qua năm khác, hàng trăm học viên từ "lớp chèo cửa Phật" đã trở về với cuộc sống thường ngày để tham gia vào các đoàn văn nghệ, hoạt động nghệ thuật.

Tiết mục biểu diễn của học viên lớp chèo chùa Đống Lim.

Vượt qua khó khăn

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian giàu tính dân tộc và phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Đặc điểm của nó là sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình nên rất phổ biến ở các hình thức sinh hoạt quần chúng. Ý nghĩa của chèo là vậy nhưng ngày nay cùng với sự đổ bộ của các phát minh công nghệ số và rất nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá hiện đại thì chèo cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống đang bị lãng quên, thiếu sự quan tâm... Các làng chèo truyền thống cũng đang dần lép vế để nhường chỗ cho các hình thức sân khấu hiện đại khác.

Đại đức Thích Thanh Phương tên thật là Lê Văn Quảng, con nghệ sĩ tuồng Lê Văn Chiêm (đoàn Tuồng Thăng Long những năm 1968 - 1976). Hơn 20 năm qua, sư thầy đã mở lớp đào tạo về chèo cho hơn 300 học viên. Hầu hết các học viên học xong lớp ở chùa Đống Lim đều về công tác ở các đoàn chèo các tỉnh, thành. Hiện, Đoàn Chèo Ninh Bình có 7 diễn viên từng theo học sư thầy.

Với nỗi niềm trăn trở vì sự tồn vong của nền sân khấu truyền thống dân tộc, Đại đức Thích Thanh Phương đau đáu giãi bày:

"Nhớ ngày nào, cách đây mấy mươi năm, khắp làng trên xóm dưới, từ già đến trẻ hễ cứ có đoàn chèo, tuồng các nơi về diễn là nô nức đi xem. Ngày nay, người đi xem diễn cũng đông nhưng họ xem cái khác rồi, xem những cái hiện đại hơn. Mọi người cùng nghề nghệ thuật truyền thống mỗi lần gặp nhau hàn huyên chỉ còn biết lắc đầu thở dài”.

Thầy Phương mở lớp và duy trì lớp vì vậy... Không giáo án, không quy tắc khắc nghiệt, nhưng tất cả các học viên đến với cửa chùa đều nhận được những ưu đãi đặc biệt. Nhà chùa nuôi ăn, ở 1 năm miễn phí.

Sau 1 năm, học viên nào muốn thi đại học sẽ được nhà chùa làm thủ tục thi, học viên nào muốn về quê công tác sẽ được nhà chùa giới thiệu việc làm. Nhiều lớp học như thế đã được mở, và thầy Phương khẳng định rằng ông sẽ còn tiếp tục theo đuổi “đại việc” của mình để giữ cho chèo sống mãi...

Theo Hoàng Minh - Dân Việt


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage