Phật Học Online

“Cái vô hạn trong lòng bàn tay”
Mai Sơn

Theo M. Ricard, những khía cạnh quyến rũ nhất của sự gặp gỡ giữa các khoa học tự nhiên và Phật giáo nằm ở việc phân tích hiện thực tối hậu của sự vật. Quan điểm nền tảng của Phật giáo là: “Các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau, không có gì tồn tại tự thân và là nguyên nhân của chính mình. Một vật chỉ có thể được xác định trong mối quan hệ với các vật khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau là thiết yếu cho sự thể hiện của các hiện tượng… Hiện thực không thể bị khu biệt và chia nhỏ, mà phải được xem là một tổng thể”.

image


Theo Trịnh Xuân Thuận, tính tổng thể của hiện thực này đã được nhiều thực nghiệm vật lý khẳng định. Trong thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử, các thí nghiệm loại EPR cho chúng ta biết rằng hiện thực là “không thể phân tách”.

Còn đối với thế giới vĩ mô, tính tổng thể của nó đã được thể hiện qua dao động của con lắc Foucault, theo đó dao động này phù hợp không chỉ với môi trường xung quanh mà với toàn bộ vũ trụ. Trịnh Xuân Thuận còn lấy thuyết tương đối của Einstein để ủng hộ quan niệm “các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau” của Phật giáo. Thật vậy, thuyết tương đối phát biểu: “Chừng nào chưa có một sự quy chiếu nào với bên ngoài thì chừng đó chuyển động còn tương đương với đứng yên… Chuyển động chỉ có tính hiện thực đối với cảnh quan mà nó đi qua”.

Từ chỗ gặp gỡ tối hậu và trừu tượng này, hai ông đã dẫn chúng ta đến một hệ luận gần gũi của không gian nhân văn: con người trên trái đất này phụ thuộc lẫn nhau. Và nếu chúng ta để cho lòng vị tha dẫn dắt nhằm phát huy trách nhiệm toàn nhân loại thì những vấn nạn trên thế giới đều có thể được giải quyết.

Để nói về sự vô thường của thế giới hiện tượng, M. Ricard dẫn lời Đức Phật: “Vô thường là ý tưởng quan trọng nhất mà người tu hành có thể thiền định” còn Trịnh Xuân Thuận có một mô tả rất khoa học và quyến rũ đến mức nổi da gà: “không gian xung quanh mà chúng ta tưởng là trống rỗng và không hoạt động gì thực chất lại có vô số các hạt “ảo” xuất hiện và biến mất với nhịp độ chóng mặt…”.

Nhưng không phải chỉ có sự đồng thuận. Nhiều chỗ hai ông tranh luận rất gay gắt, chẳng hạn trong đề tài “đi tìm người thợ đồng hồ vĩ đại” hay là nguyên lý sáng thế. Có lúc, nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã viện dẫn đến câu hỏi từng làm chết đứng bao thế hệ triết gia của Leibniz: “Tại sao lại có một cái gì thay vì không có gì cả?”.

Tuy nhiên, như bức hình chụp chung cho thấy nét hiền minh trên khuôn mặt mỗi người, họ đã mang theo khối từ tính nhân văn để thu hút đến tối đa những gì đẹp nhất, hữu ích nhất cho nhân loại từ trong cuộc vận hành không dứt của khoa học và Phật giáo. “Khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần tới khoa học. Nhưng con người, để trở nên toàn thiện, thì phải cần cả hai”, Trịnh Xuân Thuận đã nói như thế.

(*) Song thoại giữa Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận; Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch; Nhà Xuất bản Trẻ phát hành năm 2005.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage