Phật Học Online

An cư - duy trì sinh mạng Tăng-già

Tuần lễ Phật đản PL.2559 đã trôi qua. Dù vậy, âm hưởng thiêng liêng của Đại lễ vẫn còn lắng đọng trong tâm thức của những người con Phật.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào hình ảnh trang nghiêm, đầy cảm động của Đại lễ Phật đản diễn ra trên khắp cả nước, từ hình ảnh rước Phật, xe hoa diễu hành, hoa đăng trên sông, lồng đèn, cờ Phật giáo trên các ngả đường, cho đến các chương trình văn nghệ, thuyết pháp, phóng sinh, phát quà từ thiện… mừng ngày Khánh đản của Đức Từ phụ.

Tại các chùa, Đại lễ Phật đản thu hút sự quan tâm của hàng triệu người; đặc biệt, lễ tắm Phật - cầu nguyện hòa bình thế giới luôn được cộng đồng hoan hỷ hưởng ứng.

an cu11.jpg


Trong giờ quá đường mùa an cư kiết hạ - Ảnh: Tư liệu GN


Sau lễ Phật đản, Phật giáo các tỉnh thành chuẩn bị tổ chức khóa an cư kiết hạ. Đây là một truyền thống được duy trì liên tục trong Phật giáo từ thời Đức Phật còn tại thế. Về tầm quan trọng của nó, có thể nói, truyền thống an cư được duy trì thì sinh mạng Tăng-già được duy trì; ngược lại, truyền thống này mất thì sinh mạng Tăng-già cũng mất, hoặc chỉ còn cái vỏ hình thức.

Theo Phật Quang đại từ điển, An cư (tiếng Phạn: varsika, varsa; Pali: vassa; dịch ý là vũ kỳ - thời kỳ mưa) là một trong các chế độ tu hành quan trọng của Phật giáo, còn gọi là hạ an cư, vũ an cư, tọa hạ, kết hạ, kết chế v.v… Thời kỳ mưa ở Ấn Độ kéo dài suốt ba tháng mùa hạ. Trong ba tháng này, người xuất gia không được đi ra ngoài, mà phải ở yên một chỗ, dốc sức tu hành. Một mặt, việc ở yên một chỗ, hạn chế tối đa việc đi lại là để tránh giẫm đạp côn trùng, thể hiện lòng từ bi; nhưng mặt khác, quan trọng hơn, việc ở yên một chỗ, cùng nhau tu học của chư Tăng là nhằm củng cố và duy trì tính thanh tịnh và hòa hợp của đoàn thể Tăng-già.

Tăng-già (Sangha), thường gọi tắt là Tăng, dịch là Hòa hợp chúng, Hòa hợp Tăng, Hải chúng (chúng Tăng hòa hợp như nước biển chỉ có một vị) v.v… Thông thường, Tăng là từ dùng để chỉ cho một hội chúng Tỳ-kheo (Tăng, Ni) từ 4 người trở lên, sống thanh tịnh và hòa hợp. Thanh tịnh và hòa hợp chính là bản thể của Tăng.

Luật Tứ phần cho thấy, sống chung và hòa hợp trong cuộc sống thánh thiện cao cả, giáo giới và sách tấn lẫn nhau, đó là sinh mạng của Tăng-già. Và sự hòa hợp ấy được củng cố bằng ba tháng an cư. Yết-ma yếu chỉ nhấn mạnh, thời gian này thích hợp nhất cho sự tu tập để có những tiến bộ tâm linh đáng kể.

Như vậy, mặc dù Đức Phật ca ngợi các vị Tỳ-kheo sống đơn độc, nhưng Ngài không cho phép các vị sống hoàn toàn tách biệt với Tăng đoàn. Hàng mỗi nửa tháng, chư Tăng phải tập hợp lại theo từng trú xứ để bố-tát và hàng năm phải tập hợp ba tháng để an cư. Đây là điều hết sức cần thiết cho đời sống tu tập, và hơn nữa, cho sự tồn tại của Tăng đoàn.

Ở nước ta hiện nay, Phật giáo được xem là phát triển mạnh, Giáo hội vẫn luôn quan tâm, sách tấn và tạo điều kiện tốt nhất cho chư Tăng, Ni an cư trong ba tháng mùa hạ; các trường hạ cũng được tổ chức tại hầu hết các tỉnh thành. Đó là dấu hiệu đáng mừng, song, đáng mừng hơn nếu chư Tăng, Ni luôn sống trong thanh tịnh và hòa hợp nhằm duy trì sinh mạng của Tăng-già, làm lợi lạc cho quần sinh.

Thích Quảng Kiến

GiacNgo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage