Phật Học Online

Nghị lực của một cô gái bị bệnh xương thủy tinh

Phạm Tú Anh là con thứ hai trong một gia đình có bốn anh chị em. Số phận không may đã cướp đi quyền được chạy nhảy, nô đùa với chúng bạn ngay từ khi chị lọt lòng. Năm 1973, Tú Anh cất tiếng khóc trong niềm vui mừng, hạnh phúc của bố mẹ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cô bé bị gãy xương chân ngay khi mới chào đời. Liên tục trong thời gian ngắn sau, cứ vài tháng một lần, chỉ sơ ý vận động mạnh cô lại phải đi bó bột. Hơn 40 năm chị Tú Anh đã sống chung với căn bệnh xương thủy tinh. Cũng vì xương dễ gãy nên Tú Anh không có điều kiện đi học như chúng bạn cùng trang lứa. Tuổi thơ của chị là những tháng ngày triền miên bên giường bệnh và bốn bức tường nhà.

Nhưng khát vọng được đi học chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong chị. Không được đến trường, chị Tú Anh tự mày mò học ở nhà; học chữ rồi học thêu thùa, may vá, làm đồ thủ công. Cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ chị còn học tiếng Anh và vi tính rất khá. Nhờ vậy mà chị có thể giao tiếp, truy cập internet thành thạo. Mở rộng hiểu biết về thế giới bên ngoài. Thương bố mẹ vì còn phải lo cho các em và sớm ý thức tình trạng của căn bệnh xương thủy tinh quái ác, chị quyết tâm rèn cho mình một lối sống cứng cáp để không là gánh nặng cho những người thân xung quanh. Năm hơn 20 tuổi, qua xem các chương trình về người khuyết tật (NKT) trên ti vi, chị Tú Anh xin mẹ cho lên Hà Nội để tìm hiểu thêm về các phong trào và tổ chức dành cho những NKT như mình. Bởi khi ấy ở nông thôn chưa có những tổ chức dành cho NKT. Bản thân chị Tú Anh luôn ý thức được rằng NKT hoàn toàn có thể được sống một cuộc sống bình thường. Biến ý nghĩ thành hành động, năm 2002, chị cùng một người bạn đứng ra thành lập CLB Tiếng nói trái tim, quy tụ các thành viên là những NKT, con em nạn nhân chất độc da cam tại địa phương với mục đích giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh vượt lên số phận. Đến năm 2009, CLB được đổi tên thành CLB Thanh niên khuyết tật huyện Đông Hưng. Thời gian đầu, chị Tú Anh đã tìm đến từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, vận động NKT tham gia CLB. Đôi chân không đi lại được nhưng không cản bước chị Tú Anh nỗ lực cố gắng. Với chiếc xe tự chế, cứ thế, hơn 10 năm, hình ảnh “cô bé” với đôi chân teo nhỏ trên chiếc xe lăn tự chế đi khắp các ngả thôn quê đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những người dân nhiều nơi. Khi CLB hoạt động ổn định, chị tiếp tục tìm kiếm những chương trình hỗ trợ, những dự án phi chính phủ dành cho NKT, góp phần tạo niềm tin, nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức cho các thành viên, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Với khả năng và sự nỗ lực của mình, hiện tại, bên cạnh vai trò Chủ nhiệm CLB TNKT huyện Đông Hưng, chị Tú Anh còn là Phó Chủ tịch Hội NKT tỉnh kiêm Phó Chủ nhiệm CLB TNKT tỉnh Thái Bình. Bên cạnh công tác ở Hội NKT, chị Tú Anh luôn tìm tòi, khám phá ra những mô hình mới để phát triển. Thời gian trước đó, chị Tú Anh sở hữu cho mình một xưởng thủ công sản xuất chuồn chuồn tre, những sản phẩm thủ công này đã được Tổ chức mái nhà Việt Nam mang sang Nhật Bản để bán và số tiền đó dùng để làm học bổng toàn phần cho các em học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Thái Bình. Hiện tại, chị Tú Anh đang phát triển mô hình kinh doanh qua mạng. Chị Tú Anh cho rằng đây cũng là một sự trải nghiệm thực tế vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa để có thêm kinh nghiệm chia sẻ với các bạn NKT nặng cùng làm, nhằm giúp những người khuyết tật nặng có thể tự kiếm sống bằng chính khả năng, bắt kịp xu thế hiện đại. Trò chuyện với Tú Anh, chúng tôi cảm nhận được sự thật tâm mà Tú Anh dành cho cuộc đời, dành cho công việc mà Tú Anh đang làm. “Hôm nay ai đến” tin rằng, câu chuyện và những nụ cười thật tươi của Tú Anh sẽ còn được lan tỏa, tiếp thêm động lực cho rất nhiều người.

Cô Tú Anh tham dự khóa tu dành cho người khuyết tật tại chùa Từ Xuyên - Ảnh: Nhuận Nguyện

“Duyên lành con được gặp Phật Pháp từ những năm trước. Con thấy tâm bình an khi tìm hiểu lời Phật dạy. Hơn ai hết con hiểu tâm trạng của NKT và cũng hiểu sự ảnh hưởng của luật nhân quả với số phận của NKT. Qua truyền thông, con được biết chùa Từ Xuyên thường tổ chức khóa tu cho thanh niên Phật tử nên con mạnh dạn bàn với Ban Thường vụ về chùa xin quý Thầy hướng đạo chúng con. Khi được tham gia khóa tu đầu tiên, các bạn NKT rất vui, được quý Thầy tạo điều kiện cho kinh phí đi lại, trợ duyên thêm cho các bạn yên tâm tu tập. Được nghe các Thầy giảng pháp các anh chị NKT thêm sáng tâm ra nhiều, sống an vui hơn. Các bạn chờ đón ngày tu tới, được về chùa và còn đưa người thân về chùa cùng tu. Cảm nhận của con khi nghe Thầy giảng về ý nghĩa cuộc sống thì nhiều lắm. Con hiểu thêm rằng, mỗi người cần sống giản dị và yêu thương nhiều hơn, hãy hành động thiết thực để biến ý nghĩ yêu thương thành việc làm chia sẻ cho cộng đồng. Niệm Phật giúp con an lành trong tâm. Mỗi khi muốn làm việc gì cho người yếu thế trong xã hội, con luôn niệm Phật và xin Ngài gia hộ cho con có thêm sức mạnh vượt khó, giúp cộng đồng”, cô Tú Anh tâm sự.

Theo chương trình “Hôm nay ai đến” – VTV Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo chương trình “Hôm nay ai đến” – VTV Đài Truyền hình Việt Nam.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage