Phật Học Online

Sức mạnh của tình bạn
Quảng Hiền

Trước khi chuyện này xảy ra, người dân châu Á thường nói rằng muôn đời không bao giờ voi và chó có thể kết bạn với nhau. Voi thì không thích chó, còn chó thì sợ voi. Khi chó cảm thấy sợ hãi trước những con vật lớn hơn mình, chó thường sủa thật lớn để át đi nỗi sợ của chúng.

Trước khi chuyện này xảy ra, người dân châu Á thường nói rằng muôn đời không bao giờ voi và chó có thể kết bạn với nhau. Voi thì không thích chó, còn chó thì sợ voi. Khi chó cảm thấy sợ hãi trước những con vật lớn hơn mình, chó thường sủa thật lớn để át đi nỗi sợ của chúng.

Khi gặp một con vật lớn như voi, chó càng sủa tợn, chó càng sủa càng khiến cho voi điên tiết, voi chỉ còn có nước rượt đuổi chó chạy đi chỗ khác để được yên thân. Do vậy, mỗi khi gặp chó, voi luôn mất kiên nhẫn, chúng tự động tấn công chó cho dẫu chó nằm yên, không sủa tiếng nào. Đây là lý do tại sao người ta nói rằng voi và chó là những “kẻ thù tự nhiên”, giống như sư tử và cọp hoặc chó và mèo.

Ngày xửa, ngày xưa, có một con voi đực sống trong cung của nhà vua, nó được chăm sóc và cho ăn rất cẩn thận. Sống lang thang gần nơi chuồng của voi là một con chó hoang, gầy trơ xương vì chẳng ai cho ăn uống.

 

Do bị quyến rũ bởi mùi gạo thơm mà người quản tượng cho voi ăn, chó bắt đầu lân la đến chuồng voi để  ăn những hạt cơm do voi ăn vung vãi trên mặt đất. Đối với một con chó hoang, những hạt cơm thừa kia mới ngon làm sao, vì vậy, chó chẳng còn muốn đi nơi nào khác để kiếm ăn.

 

Ban đầu, do mãi  ăn, con voi to lớn chẳng hề nhận thấy con chó hoang nhút nhát len lén đến gần chuồng của mình . Dần dà, do ăn những hạt cơm bổ dưỡng, con chó bị bỏ đói trở nên lớn hơn,   mạnh khỏe hơn và đẹp mã hơn. Đến lúc đó, con voi tốt bụng bắt đầu nhận ra và để ý đến con chó.

 

Do chó thường quanh quẩn bên chuồng voi nên nó quen dần với con voi và không còn thấy sợ con vật khổng lồ này nữa.  Vì không sợ, nên chó không sủa, voi do đó không cảm thấy bực mình với chó. Hai con vật làm quen với nhau và càng ngày càng trở nên thân thiện với nhau hơn. Chẳng bao lâu sau, chúng trở nên một đôi bạn rất thân, chúng chia sẽ thức ăn với nhau và con này sẽ không ăn nếu không có con kia cùng ăn.


Khi chơi đùa với nhau, chó thường ôm lấy chiếc voi to và nặng của voi để voi đưa nó từ thấp lên cao,  từ trước ra sau, từ phải qua trái và ngay cả quay theo vòng tròn như thể chơi đu quay.  Chúng vui chơi với nhau như thế và muốn rằng sẽ không bao giờ bị tách xa khỏi nhau.


Ngày nọ, có một người đàn ông lạ từ một vùng rất xa đến thăm kinh đô và đi ngang qua chuồng coi. Khi trông thấy con chó nghịch ngợm, mạnh khỏe và đẹp đẽ, ông ta muốn có con chó. Ông nói  người quản tượng bán con chó cho mình và người quản tượng đồng ý bán con chó mặc dù nó không phải là của ông ta. Người lạ mặt đem con chó về nhà của mình, và chẳng một ai biết nơi ông ta sinh sống ở đâu.

 

Con voi của nhà vua dĩ nhiên rất buồn vì nó đã bị mất người bạn thân của mình. Nó buồn đến nỗi chẳng còn muốn làm gì, ăn uống gì, nó cũng chẳng thiết đến tắm rửa. Người quản tượng lo sợ con voi bị bệnh nên tâu lên nhà vua tình trạng của nó, tuy nhiên ông ta không đả động gì đến chuyện ông ta đã bán con chó, người bạn thân của voi.

 

Thật may là nhà vua có một vị quan đại thần rất thông minh có thể hiểu được động vật, vị quan yêu cầu người quản tượng đưa ông đến chuồng voi để tìm hiểu sự việc.

 

Khi quan đại thần đến chuồng voi, ông nhận ngay ra rằng con voi rất buồn. Ông nghĩ thầm, “ Con voi đã từng hạnh phúc này chẳng có dấu hiệu gì là bị bệnh cả. Nhưng ta đã từng chứng kiến tình trạng này xảy ra giống nhau cho cả người và thú. Con voi này mòn mõi vì đau buồn, có thể là nó đã bị mất một người bạn thân.”

 

Ông hỏi những người lính gác và người phục vụ, “Ta thấy con voi này chẳng có triệu chứng bệnh tật gì, nó dường như bị đau khổ vì mất bạn. Các ngươi có biết là con voi này có kết thân với một người nào hay một con vật nào không?”


Bọn họ bèn tâu với vị quan đại thần rằng trước đây con voi và chó hoang là bạn thân của nhau. Vị quan đại thần hỏi, “ Chuyện gì xảy ra cho con chó hoang vậy?”

 

Họ đáp, “ Con chó đã bị một người lạ bắt đi và chúng tôi không biết hiện nay ông ta đang ở đâu.”

 

Quan đại thần trở về cung và tâu với nhà vua, “Thưa bệ hạ, thần xin tâu với bệ hạ là con voi không bị bệnh. Chuyện này nói ra nghe cũng lạ nhưng con voi chơi thân với một con chó hoang! Từ khi con chó hoang bị kẻ lạ mặt bắt đem đi, con voi đau buồn nên không còn muốn ăn,  uống, tắm rửa gì hết! Ý kiến của hạ thần là như vậy.”

 

Nhà vua nói, “ Tình bạn là một trong những điều tuyệt vời nhất. Này quan đại thần, làm sao có thể đưa con chó về với con voi về để nó được hạnh phúc trở lại?”

 

Quan đại thần đáp, “Thưa đức vua, hạ thần đề nghị ngài ra một thông báo chính thức truyền đi toàn quốc cho dân chúng được rõ rằng bất cứ ai giữ con chó từng sống tại chuồng voi của vua sẽ bị phạt nặng.”

 

Khi thông báo được truyền đi, người lạ mặt giữ con chó vội vàng thả con chó ra. Từ nhà của kẻ lạ mặt, con chó tìm đường lại ngay chuồng voi, nó phóng nhanh hết sức mình chạy thẳng về chuồng voi lòng tràn ngập hạnh phúc. Gặp lại bạn thân của mình, con voi vui mừng đến nỗi nó dùng vòi nhấc bổng con chó lên để đặt trên đầu của nó. Con chó hạnh phúc vẩy đuôi trong khi đôi mắt của con voi vui ánh lên niềm vui sướng. Hai con vật sống hạnh phúc bên nhau suốt đời kể từ đó.

 

Nhà vua rất mừng vì con voi đã hoàn toàn bình phục. Ngài cũng khâm phục và trọng thưởng vị quan đại thần, người dường như đã hiểu được tâm trạng của con voi.

 

Bài học rút ra từ câu chuyện: Ngay cả những “kẻ thù tự nhiên” cũng có thể trở thành bạn thân.

Người dịch: Quảng Hiền

Theo: Buddhist Jataka Tales

Nguồn: The New York Buddhist Vihara

PTVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage