Phật Học Online

Giang hồ hoàn lương giúp đời

Gần nửa đời người trượt dài trong những vụ đâm chém đẫm máu, Lê Thừa Hùng đã quay về chọn cho mình một góc bình yên tại Hóc Môn, TP.HCM. Anh mở cơ sở điêu khắc, cưu mang và truyền nghề cho những đứa trẻ bụi đời, cơ nhỡ. “Nếu có một gia đình tử tế hay ít ra có một bàn tay chìa ra giúp đỡ, tôi đã không đi theo con đường đó” - anh Hùng mở đầu câu chuyện về quãng đời đầy tội lỗi của mình như thế.

Tuổi thơ cay đắng

Lê Thừa Hùng sinh ra ở một vùng biển nghèo xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Không chịu nổi những trận đòn roi của người cha dượng, cậu bé bảy tuổi đã nhảy tàu vào Huế, bắt đầu cuộc sống bụi đời. Lang thang ở chợ Đông Ba, Hùng làm đủ thứ nghề, từ bán trà đá ở ga tàu đến bốc vác. Nhiều lúc đói, Hùng chìa tay xin ăn nhưng không ai cho, lại bị đám bụi đời giành khách đánh đập không thương tiếc. Nhớ mẹ, Hùng quay về nhà sau hai năm dật dờ nơi đất khách. Tuy nhiên, cảnh sống bị cha dượng đày đọa mỗi ngày tiếp diễn nên Hùng lại bỏ nhà đi.

Lê Thừa Hùng bên cơ sở điêu khắc của mình. Ảnh: HOÀNG HOA

Hùng trở ra Huế, bắt đầu gia nhập băng nhóm đòi nợ mướn do đại ca Lê Lam cầm đầu và biệt danh “Hùng sầu” có từ đó. Giải thích cho biệt danh này, anh nói: “Lúc đó tôi hận đời nên cứ lầm lì, ít nói. Chỉ không thích ai là tôi cầm dao đâm, đuổi chém chứ không cãi cọ với ai”. Có lần, Hùng đang ngồi cắt tóc thì một tên giang hồ nhóm khác tìm đến đe dọa. Chẳng tỏ thái độ gì, Hùng chụp nhanh cái kéo đâm đối phương mấy nhát rồi bỏ chạy. Sau vụ đó, Hùng khét tiếng là ra đòn hiểm.

Hơn ai hết, Hùng hiểu rằng có một cái nghề và cảm nhận được yêu thương chính là con đường ngắn nhất thúc đẩy kẻ giang hồ hoàn lương.

Một lần khác, Hùng đi đòi nợ mướn ở xã bên. Giữa đường tạt vào quán uống nước, Hùng gặp một nhóm thanh niên xông vào chém. Ngay lập tức, Hùng chạy ra sau bếp vác dao chém rớt tay một tên. Vậy là số còn lại bỏ chạy hết. Chưa thỏa mãn, Hùng còn vác tay về đưa cho đại ca Lê Lam. Sau vụ đó, Hùng bị phát lệnh truy nã trên toàn quốc. Sau nhiều năm lẩn trốn, năm 1988 Hùng bị bắt tại TP.HCM khi đang là thành viên của một nhóm đòi nợ ở khu vực vòng xoay An Sương. Anh chịu án tù ba năm. Tính đến lúc hoàn lương, Lê Thừa Hùng đã vào tù ba lần. Đó là chưa kể mấy vụ anh bị bắt giam vài tháng.

Kể về chuỗi ngày giang hồ, mắt Hùng xa xăm: “Tội lỗi ngày ấy luôn làm tôi ray rứt. Tuy nhiên, có một ánh mắt luôn ám ảnh tôi mãi”. Đó là ánh mắt của người phụ nữ bị Hùng tước mất quyền làm mẹ khi đã mang thai đến tháng thứ tám. Chị là đối tượng đòi nợ của nhóm Hùng. Khi vào nhà xiết tài sản, Hùng đá vào bụng của người phụ nữ mấy phát khi chị cứ ôm chân Hùng van nài. Nhóm Hùng đã lấy chiếc xe Honda nữ cũ kỹ là tài sản duy nhất, cũng là phương tiện kiếm cơm của vợ chồng chị rồi tẩu thoát, bỏ mặc chị với vũng máu vì sảy thai. Hùng nhớ ánh mắt người phụ nữ lúc ấy không phải hằn lên sự thống khổ của một con nợ mà là sự căm hận đến tột cùng.

Quyết tâm hoàn lương

Cứ tưởng cuộc đời của tay giang hồ khét tiếng trên đất Huế lẫn Sài Gòn sẽ cứ trượt dài trong tội lỗi rồi chết vì ma túy. Bởi thời điểm năm 1997, Hùng là con nghiện nặng. Số tiền kiếm được không đủ để anh thỏa mãn những cơn đói thuốc.

Cho đến một buổi chiều, Hùng nghe tin đại ca Lê Lam ngày nào đã hoàn lương và quy y Phật pháp. Vừa tò mò xen lẫn lương tri thức tỉnh, anh tìm đến chùa Hang thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đôi chân tội lỗi ngày nào bỗng dưng khụy xuống. Anh tần ngần trước cổng chùa rất lâu mà không dám bước vào. Anh tự hỏi: “Những người mang đầy tội ác như mình có thể vào không?”. Rồi anh lại nghĩ Lê Lam vào được thì anh cũng vào được. Vậy là Hùng mạnh dạn bước vào.

Lê Thừa Hùng đang truyền nghề cho các em cơ nhỡ. Ảnh: HOÀNG HOA

Cái ngày định mệnh ấy đã kéo Hùng rút chân ra khỏi vũng bùn dơ của xã hội, quyết tâm quay về. Nói về sự hoàn lương của mình, anh giải thích: “Có người nghĩ đó là sự nhiệm màu của Phật pháp. Còn tôi, tôi chỉ chắc chắn rằng khi đến đó, tôi cảm thấy thanh thản lạ. Đó là thứ cảm giác mà tôi đánh mất bao năm qua”.

Với số tiền ít ỏi còn lại, Hùng thuê một phòng trọ nhỏ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, mua mấy thùng mì gói, nước lã về dự trữ. Anh khóa trái cửa, ném chìa khóa ra đường, quyết tâm tự mình cai nghiện. Đói ăn mì sống, khát uống nước suông. Thời gian như ngừng lại nơi những cơn đau đớn, vật vã vì đói thuốc. Nhưng với lòng quyết tâm, nghị lực, cuối cùng anh đã tự cai nghiện thành công.

Trả ơn cho đời

Lê Thừa Hùng biết rằng muốn làm người tử tế thì cần có cái nghề. Không có tiền học nghề và cũng không ai dám nhận một người như anh làm đệ tử, Hùng tự mày mò nghề điêu khắc. Anh mua từng khúc gỗ nhỏ đem về nhà đục đẽo, tạo hình. Anh đạp xe đến những xưởng điêu khắc hỏi thăm, học lóm. Sau ba năm kiên trì như thế, Hùng trở thành một thợ điêu khắc lành nghề. Sau một thời gian làm thợ để hoàn thiện tay nghề cũng như nuôi sống bản thân, Hùng dành dụm được một số tiền và quyết định mở xưởng điêu khắc riêng. Vậy là cơ sở điêu khắc Tịnh Tín, tại huyện Hóc Môn, TP.HCM ra đời.

Trải qua bao đau khổ, Hùng sống với tâm niệm: “Cái tôi là căn nguyên của mọi tội lỗi, khổ đau, buồn tủi. Hãy hạ thấp nó xuống để giúp đỡ người khác”. Anh đứng ra kêu gọi, khuyên nhủ những đàn em khi xưa của mình quay đầu hướng thiện. Tuy không dư dả gì nhiều, anh vẫn nuôi nấng, đùm bọc và truyền nghề miễn phí cho họ. Bởi hơn ai hết, anh hiểu rằng có một cái nghề và cảm nhận được yêu thương chính là con đường ngắn nhất thúc đẩy kẻ giang hồ hoàn lương.

Các em đang chăm chú làm việc tại cơ sở Tịnh Tín, Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG HOA

Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình từ khắp mọi miền đất nước mang những đứa con lêu lổng đến cơ sở của anh nhờ cảm hóa cũng như truyền nghề. Tính đến hôm nay, Hùng đã đào tạo được gần chục lớp học trò. Có người ở lại với anh để tiếp tục dạy dỗ lớp đàn em. Có người về quê mở xưởng gỗ riêng và làm chủ, sống cuộc đời lương thiện.

Bước vào cơ sở của Hùng, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều gương mặt với nhiều độ tuổi, nhiều chất giọng vùng miền khác nhau. Nhưng điểm chung ở họ là sự yêu thương lẫn nhau, quan tâm đến nhau và cảm thông cho nhau. Những cánh chim lẻ loi như tìm lại được tiếng gọi gia đình. “Hùng sầu” - tên đại ca khét tiếng ngày xưa không những đã quay đầu mà còn dang rộng vòng tay chở che, tình nguyện dẫn dắt những tâm hồn tội lỗi tìm về nẻo chính.

Theo Hoàng Hoa - PL TPHCM


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage