Phật Học Online

Lược giải những pháp số căn bản: Số năm
Biên tập: Cư sĩ Hạnh Cơ

Số 5

NĂM CÁI THẤY SAI LẠC

(ngũ kiến - ngũ ác kiến)

 

“Kiến” là thấy, là nhận định, là quan điểm. Vì không tu học Phật pháp, vì không đủ sáng suốt, người ta thường bị mắc kẹt vào năm quan điểm sai lầm trong khi nhìn thực tại. Năm quan điểm sai lầm này cũng là năm trong mười loại phiền não gốc rễ (thập căn bản phiền não) – cũng gọi là mười động lực sai khiến (thập sử)(1), đã góp phần mạnh mẽ trong việc tạo khổ đau cho đời sống.

1. Cái thấy sai lạc về ngã (thân kiến).

Nhìn thân thể, người ta không thấy được đó là thành phẩm của hợp thể ngũ uẩn, không thấy được tính cách giả tạm của nó mà lại cho rằng thật có thân, và chính thân này là ta (ngã kiến). Từ quan điểm cho rằng “có thân ta” ấy mà nhìn ra chung quanh, người ta lại thấy có rất nhiều những người, những vật khác là “thuộc về ta” (ngã sở kiến); cái thấy “có thân ta”“thuộc về ta” ấy là cái thấy sai lạc về “ngã” – tức là “thân kiến”.

2. Cái thấy cực đoan (biên kiến).

Do cái thấy sai lạc về ngã mà sinh ra cái thấy cực đoan, hoặc cho rằng cái ngã kia sau khi chết là mất hẳn (đoạn kiến); hoặc nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, nếu là người thì muôn kiếp vẫn làm người, con heo con chó thì nghìn đời vẫn là con heo con chó (thường kiến). Những quan niệm cho rằng một là thế này, hai là thế nọ, như bảo mọi vật là có thật hay mọi vật là không; đã thích ai thì cứ cho người đó là hoàn toàn tốt, chỉ theo phục vụ, ca tụng, tâng bốc, tuyên truyền cho người đó, và coi những người khác là hoàn toàn xấu, đáng khinh khi v.v..., những cái thấy như thế đều là cực đoan; từ đó mà người ta hay chia phe, chia đảng, chia bè, chia phái để tranh giành lợi lộc, hơn thua, thị phi, rồi sinh ra hận thù, ganh ghét, hờn oán, phá hoại.

3. Cái thấy xuyên tạc, không đúng sự thật (tà kiến).

Một khi đã có quan điểm cố chấp về ngã và về tính cách thường còn hay mất hẳn của ngã thì người ta sẽ không thấy được lí duyên sinh, luật nhân quả cùng là các tính chất khổ, không, vô thường, vô ngã bất tịnh của vạn vật. Và khi đã không được soi sáng bằng các đạo lí trên thì cái thấy sẽ không thể nào đúng với sự thật; vả chăng, đó chỉ là cái thấy méo mó, xiêu vẹo, xuyên tạc sự thật.  Những quan niệm cho rằng mọi việc ở đời đều đã do trời định, đều đã được thượng đế an bài sẵn cả rồi; vạn vật trong vũ trụ là do một đấng sáng tạo sinh ra; đau bịnh, hoạn nạn là do ông thần này hành, bà thần kia phạt v.v..., đều là tà kiến.

4. Cố chấp vào những kiến thức đã có (kiến thủ kiến).

Đối với ba cái thấy ở trên (thân, biên và tà kiến), người có tu học Phật pháp, có thực tập quán chiếu, chắc chắn sẽ thấy được tính cách sai lầm của chúng; ngược lại, người không tu học Phật pháp sẽ cho đó là những quan điểm chính đáng. Vì cho là đúng nên họ khư khư ôm giữ lấy, và suốt đời cứ nhìn sự vật bằng các quan điểm ấy; không có gì làm cho sửa đổi được. Nguy hại này còn có thể lan tràn nếu họ có ý muốn tuyên truyền để thuyết phục hoặc cưỡng ép người khác phải theo quan điểm của họ. Thái độ cố chấp ấy gọi là “kiến thủ kiến”. Dĩ nhiên, những người có tu học thực sự thì nhận thức của họ chắc chắn sẽ được điều chỉnh, cái thấy của họ không còn sai lạc nữa mà trở nên đúng đắn, hợp với giáo pháp. Dù vậy, nếu họ lại tự mãn với những kiến thức đó, khư khư ôm giữ lấy, không chịu học hỏi thêm để tiến tới nữa, thì những kiến thức ấy, dù là đúng đắn, chính đáng đến đâu, cũng lại hóa thành một thứ kiến thủ kiến; bởi vì, khi mà trí tuệ giác ngộ chưa đạt được thì mọi kiến thức, dù là chính đáng, đều chưa phải là chân lí tuyệt đối, cần phải vượt bỏ để tiếp tục học hỏi và tiến tới nữa. Như leo lên bậc cấp, phải bỏ bậc cấp thứ nhất mới bước lên được bậc cấp thứ hai, và kế tiếp... Nếu không vượt bỏ kiến thức đã có thì hành giả phải bị mắc kẹt vào kiến thủ kiến, và sẽ không tiến thêm được trên nấc thang giác ngộ.

5. Cố chấp vào các giới cấm sai lạc (giới cấm thủ kiến).

Cũng như chữ “thủ” trong từ “kiến thủ” ở trên, chữ “thủ” ở đây có nghĩa là ôm giữ lấy, bảo vệ lấy, bị mắc kẹt vào một cái gì. Giới luật, như chúng ta đã có dịp đề cập tới trong mục “Ba Môn Học Giải Thoát” ở trước, là một trong ba yếu tố tu học căn bản đưa hành giả đến thành quả giác ngộ.  Nhưng trong thế giới loài người từ xưa đến nay, kể cả trong thế kỉ trụ thế của đức Phật, chúng ta thấy nhan nhản những loại giới cấm sai lầm, vô lí mà người ta hoặc bị mê hoặc, hoặc bị cưỡng bách phải tuân giữ. Ví dụ, có thứ giới cấm bảo rằng, người ta phải tôn kính con bò, không được ăn thịt hay đánh đập nó – dù nó có phá làng phá xóm hay húc chết người cũng không được đụng đến nó. Hoặc có thứ giáo điều bảo mọi người phải tin rằng trái đất hình vuông, hoặc mặt trời quay chung quanh trái đất, ai nói khác điều đó là phản loạn, phải bị hành hình! v.v... Những luật lệ như vậy đều là sai lạc, không phải là giới luật của người có trí tuệ. Mặt khác, có những người tu học Phật pháp, lấy giới luật Phật chế làm kim chỉ nam hành động, nhưng vì thiếu sáng suốt hay vì tính cố chấp, nông cạn, không thấy được bản chất của giới luật, nên trong lúc hành trì có thể gây hậu quả tai hại cho chính bản thân, và còn có khi cho cả những người chung quanh. Ví dụ, có người vì muốn hành trì giới “bất sát” một cách triệt để, đã nhịn ăn uống mà chết, vì nghĩ rằng, dù ăn một miếng cơm hay uống một ngụm nước, cũng đã giết hại không biết bao nhiêu là sinh mạng! Có người lại cho rằng, tu hành là đừng để tâm đến thế sự, rồi cứ ẩn cư thiền tọa, bỏ mặc cuộc đời đói khổ, đau thương, quên mất nhiệm vụ độ sinh cao cả của người tu học.  Đó đều là thái độ cố chấp vào giới luật của những người “y ngữ, bất y nghĩa”, trái ngược với ý thức “y nghĩa, bất y ngữ” (một trong “Bốn Sự Y Cứ” vừa trình bày ở trước) của người tu học chân chính, có được cái thấy sáng suốt về bản chất của giới luật và hành trì một cách thông minh để đem lại lợi lạc cho bản thân và cho cả môi trường sống chung quanh. 

CHÚ THÍCH 

(1) Xin xem mục “Mười Động Lực Sai Khiến” ở sau. 

 

 

NĂM DỤC VỌNG

(ngũ dục)

 

Tất cả những gì có sức quyến rũ con người trong cõi Dục này, được giáo lí Phật giáo bao gồm trong 5 thứ. Chúng là đối tượng ham muốn của con người; và cũng vì lòng tham đắm của con người sâu thăm thẳm, rộng không bờ bến, dai dẳng không ngưng nghỉ, bám chặt không buông thả, cho nên con người đã trở nên ích kỉ, mù quáng, ngông cuồng, hiểm ác, dã man, tàn bạo, để từ đó gây ra không biết bao nhiêu cảnh thống khổ, đau thương cho chính đồng loại, và cả đồng bào hoặc đồng tộc của mình. Năm thứ dục vọng ấy là:

1. Tiền của (tài): chỉ cho tất cả những thứ gì có thể làm thành tài sản vật chất của con người.

2. Sắc dục (sắc): cũng gọi là ái dục, tức là đời sống tình dục, lạc thú thể xác của con người do sự luyến ái giữa nam nữ đem lại.

3. Danh vị (danh): danh vọng và địa vị của con người trong xã hội.

4. Ăn uống (thực): những gì có thể nuôi sống thân mạng con người.

5. Ngủ nghỉ (thụy): sự ngủ nghỉ và tất cả những gì liên quan đến nó.

Mặt khác, trong kinh Hiền Nhân, năm thứ dục vọng được kể ra như sau:

1) Các thứ hình sắc tốt đẹp ở trần gian (sắc – đối tượng tham dục của mắt).

2) Các thứ âm thanh tuyệt diệu (thanh – đối tượng tham dục của tai).

3) Các loại mùi hương thơm quí (hương – đối tượng tham dục của mũi).

4) Các thức ngon vị ngọt (vị – đối tượng tham dục của lưỡi).

5) Các sự chạm xúc êm dịu, đê mê của da thịt (xúc – đối tượng tham dục của thân).

 

 

NĂM KHẢ NĂNG và NĂM SỨC MẠNH

(ngũ căn, ngũ lực)

 

“Căn” là gốc rễ (như trong từ “căn bản”), là điểm tựa (như trong từ “căn cứ”). “Ngũ căn” là năm nền tảng, năm điểm tựa, từ đó các pháp lành được phát sinh; hay nói cách khác, đó là năm khả năng phát sinh và nuôi lớn các thiện pháp. Năm khả năng đó là:

1. Lòng tin tưởng sâu đậm vào Ba Ngôi Báu (tín căn).

2. Chí kiên trì tu học và hành đạo (tinh tấn căn).

3. Thường trực sống trong tỉnh thức (niệm căn).

4. Tâm ý tập trung, tĩnh lặng (định căn).

5. Quán chiếu để thấy rõ chân lí (tuệ căn).

Khi “năm khả năng” (ngũ căn) trở nên lớn mạnh thì chúng sẽ là “năm sức mạnh” (ngũ lực) có thể đánh tan mọi phiền não, chướng ngại. Vì vậy, năm khả năng và năm sức mạnh bao giờ cũng liên quan mật thiết với nhau. Có được năm khả năng là có được năm sức mạnh:

1. Khi lòng tin tưởng vào Ba Ngôi Báu trở nên lớn mạnh (tín lực) thì có thể đánh tan được mọi tin tưởng sai lầm.

2. Khi chí kiên trì tu học và hành đạo trở nên lớn mạnh (tinh tấn lực) thì có thể đánh tan tính lười biếng, buông lung, hôn trầm của bản thân.

3. Khi nếp sống tỉnh thức đã trở nên lớn mạnh (niệm lực) thì không còn những tư tưởng sai quấy, không nghĩ đến những điều vô ích.

4. Khi sự tập trung của tâm ý trở nên lớn mạnh (định lực) thì mọi loạn tưởng sẽ tan biến hết.

5. Khi trí tuệ quán chiếu trở nên lớn mạnh (tuệ lực) thì mọi phiền não, kiến chấp, vô minh đều bị bật hết gốc rễ.

Do tính chất đó, năm khả năng và năm sức mạnh đã trở thành những trợ lực quan trọng cho hành giả trên tiến trình giác ngộ.

 

 

NĂM GIỚI

(ngũ giới)

 

Ý nghĩa của “giới” đã được đề cập tới trong mục “Ba Môn Học Giải Thoát” ở trước. Năm giới sau đây được dành riêng cho chúng tại gia. Dù vậy, chẳng những chúng làm căn bản đức hạnh cho chúng tại gia mà còn làm căn bản đức hạnh cho cả chúng xuất gia.

1. Không sát hại (bất sát sinh).

Không được giết hại sinh mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng. Phải chọn một nghề nghiệp không gây tàn hại cho con người, muôn vật và thiên nhiên.

2. Không trộm cướp (bất đạo).

Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải không phải do mình tạo ra, hoặc do người khác biếu tặng. Phải biết ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm giàu bất lương không kể gì đến sự đau khổ của những kẻ bị áp bức và thua thiệt.

3. Không tà dâm (bất tà dâm).

Không được ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng mình. Phải ý thức được những đau khổ mà mình có thể gây ra cho kẻ khác vì hành động bất chính của mình. Muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của người khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của người khác.

4. Không vọng ngữ (bất vọng ngữ).

Không được nói những điều sai với sự thật. Không được nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Không được loan truyền những tin tức mà không biết chắc là có thật. Không được phê bình và lên án những điều mình không biết chắc. Không được nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể. Phải nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải.

5. Không uống rượu và dùng các chất ma túy (bất ẩm tửu).

Không được uống rượu và dùng các chất ma túy. Phải ý thức được rằng thân thể mình là do tổ tiên và dòng họ trao truyền lại, và tàn hại thân thể mình bằng rượu và các chất ma túy là một tội bất hiếu đối với tổ tiên và dòng họ.

 

 

NĂM PHÉP QUÁN

(ngũ quán)

 

Có ba pháp số về “Năm Phép Quán”:

 

A. Năm Phép Quán Ngưng Loạn Tưởng (ngũ đình tâm quán).

Năm phép quán niệm này có công năng chận đứng loạn tưởng, dập tắt phiền não, làm cho tâm ý được định tĩnh, sáng suốt, là bước đầu của tiến trình tu định.

1. Quán niệm thân thể và vạn vật đều là nhiễm ô, không trong sạch (bất tịnh quán), do đó mà chận đứng được tâm tham dục.

2. Quán niệm để thấy mọi người và mọi loài đang phải sống khổ đau vì vô minh, do đó phát khởi tình thương rộng lớn (từ bi quán), và nhờ vậy mà dứt bỏ được tâm sân hận, oán thù.

3. Quán niệm về đạo lí duyên khởi trong quá trình sinh diệt của vạn hữu (nhân duyên quán) để thấy rõ chân tướng của thực tại, nhờ đó mà dứt bỏ được tâm ngu si, tà kiến, cố chấp.

4. Quán niệm về 6 nguyên tố (lục đại: rắn chắc, lưu nhuận, viêm nhiệt, chuyển động, trống rỗng, tâm thức) tạo thành bản thân, hoặc về 18 khu vực (thập bát giới) của thân (6 căn), cảnh (6 trần), và nhận thức (6 thức). Sự phân tích này giúp ta thấy được sự giả hợp của thân tâm mà ta thường cho đó là cái “ta”, nhằm đánh tan tâm chấp ngã (ngã kiến). Danh từ Phật học Hán Việt gọi phép quán niệm này là “giới phân biệt quán”. (“Giới” nghĩa là khu vực.)

5. Quán niệm hơi thở bằng cách đếm hơi thở vô, hơi thở ra (sổ tức quán), nhằm “cột” tâm lại, không để giây phút nào bị tán loạn, xao lãng.

Có chỗ lại cho rằng, vì phép quán niệm thứ tư (giới phân biệt quán) có cùng tính chất với phép quán niệm thứ ba (nhân duyên quán), nên gom lại thành một – chỉ có nhân duyên quán; và phép quán niệm thứ tư được thay bằng Phật quán, tức là quán niệm về thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh và các đức tính cao thượng của đức Phật, từ đó mà bao nhiêu phiền não, nghiệp chướng đều bị tiêu trừ.

 

B. Năm Phép Quán Trước Khi Ăn (thực thời ngũ quán). 

Ăn cơm có quán niệm là ăn cơm trong chánh niệm, ăn cơm trong tỉnh thức, ăn cơm trong an lạc. Quán niệm như sau:

1. Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về những nguồn lực đã làm cho có bát cơm, như: bác nông phu, con trâu, cái cày, hạt giống, đất, nước, ánh sáng, nhà máy xay lúa, phương tiện chuyên chở v.v... Quán niệm như vậy để thấy rằng, bát cơm đến với ta không phải là chuyện giản dị; không phải chỉ cần bỏ ra đồng bạc là có được bát cơm. Sự hiện hữu của bát cơm trước mặt ta đồng thời là sự hiện hữu của cả vũ trụ, trong đó có sự hiện hữu của ta. Bát cơm nuôi sống ta, đồng thời bảo cho ta biết là ta đang mang một nguồn ơn nghĩa vô tận mà ta có nhiệm vụ phải đáp đền.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác.”

2. Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về bản thân ta, xem có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm ấy không. Ta nên lặp lại câu nói ở trên: “không phải chỉ cần bỏ ra đồng bạc là có được bát cơm.” Có những người giàu có tiền muôn bạc triệu nhưng không có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm, hoặc có lúc không có được bát cơm để ăn. Trong thiền môn có câu châm ngôn : “Bất tác bất thực” (không làm thì không ăn).  Ý nghĩa của câu châm ngôn này là chính ta phải bỏ công sức ra để góp phần vào việc làm cho có bát cơm, để ta không phải hổ thẹn khi bưng bát cơm lên đưa vào miệng.  Bưng bát cơm lên mà không thấy hổ thẹn tức là ta được ăn cơm trong an lạc. Như trên vừa nói, sự hiện hữu của bát cơm trước mặt ta cũng đồng thời là sự hiện hữu của cả vũ trụ, vì vậy, không cứ gì phải trực tiếp cày cấy, xay lúa giã gạo mới là đóng góp công sức vào bát cơm, mà ta có thể cống hiến bất cứ khả năng nào mà ta có, cùng với thì giờ và tâm lực cho cuộc đời, là ta đã góp phần vào việc làm cho có bát cơm rồi vậy.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này.”

3. Nhìn bát cơm, dù ta đã quán niệm và tự biết mình có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm, nhưng không vì thế mà cho rằng “ta có quyền ăn cho thỏa thích!” Ta nên tiếp tục quán niệm để biết xót thương những người đang chịu đói khát ở khắp nơi trên thế giới. Quán niệm như thế ta sẽ bỏ được tính tham lam và phát triển tình thương trong ta, để một ngày nào đó, có thể lắm, ta sẽ làm được một cái gì để góp phần vào việc thay đổi tình trạng bất công của cuộc sống hiện nay.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật tham lam.”

4. Ngồi trước bát cơm mà lòng tham đã bị dập tắt thì hành giả sẽ thấy được rằng, bát cơm quả thật là phương thuốc mầu nhiệm để nuôi dưỡng và trị bệnh gầy yếu cho cơ thể. Khi đã thấy rõ như vậy, hành giả sẽ biết quí trọng thức ăn, và càng cẩn trọng trong việc chọn lựa thức ăn – nghĩa là chỉ ăn những thức ăn nào có tính chất nuôi dưỡng mà không gây tật bệnh cho cơ thể. Cẩn trọng như thế là vì hành giả luôn luôn có ý thức rằng, nếu hành giả khỏe mạnh, an vui thì những người liên hệ chung quanh cũng khỏe mạnh, an vui; nếu hành giả bệnh tật, đau khổ thì họ cũng bị ảnh hưởng y như vậy.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.”

5. Nếu sự đam mê ăn uống không làm cho hành giả tu học và hành đạo được thì đói khát cũng không thể nào làm cho hành giả tu học và hành đạo được. Cho nên, khi nhìn bát cơm để trước mặt, hành giả hãy quán niệm để thấy đó là nguồn năng mầu nhiệm để nuôi sống và bảo vệ thân mạng.  Thân mạng có được bảo vệ thì đạo nghiệp mới viên thành.  Không riêng gì cho hành giả, mà bát cơm cũng còn là nguồn năng mầu nhiệm để nuôi sống và bảo vệ thân mạng của bao nhiêu triệu người đang bị đói khổ trên thế giới, cũng như của muôn loài chúng sinh khác. Bệnh đói là một chứng bệnh vô cùng thê thảm trong đời sống nhân loại và mọi loài chúng sinh! Nếu ngồi trước bát cơm mà thấy được điều đó thì hành giả sẽ phát khởi tình thương rộng lớn và tâm nguyện vì đời phụng sự, đem khả năng và tâm lực giúp người cứu vật, cho đến khi thành tựu đạo nghiệp.

Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Vì muốn thành tựu đạo nghiệp nên thọ nhận thức ăn này.”

C. Năm Phép Quán của Bồ Tát Quán Thế Âm (Quán Âm ngũ quán).

Sở dĩ được gọi là “năm phép quán của Bồ Tát Quán Thế Âm” là vì năm phép quán niệm này được ghi trong kinh Pháp Hoa (phẩm “Phổ Môn”), khi đức Phật tán dương hạnh nguyện độ sinh của đức Bồ Tát Quán Thế Âm.

1. Chân quán: Quán chiếu về tính không của vạn hữu để trừ khử mọi kiến chấp và tư tưởng sai lạc, từ đó thấy rõ thật tướng bình đẳng của vạn hữu.

2. Thanh tịnh quán: Quán chiếu về tính giả của vạn hữu để diệt trừ tận gốc rễ mọi phiền não, dù là những loại phiền não vi tế nằm trong sâu thẳm tận cùng của tàng thức (a-lại-da), nhờ đó mà tâm thức hoàn toàn thanh tịnh.

3. Trí tuệ quán: Khi mọi gốc rễ thâm sâu của vô minh đã bị bật tung hết rồi, khi mà mọi chủng tử ô nhiễm đã chuyển hóa sang trạng thái thanh tịnh hết rồi, thì tuệ giác bừng sáng, chiếu rọi mười phương, diệu dụng tự tại vô ngại.

4. Bi quán: Do tâm nguyện độ sinh, Bồ-tát dùng ba phép quán ở trên quán chiếu mọi khổ não của chúng sinh để giúp họ diệt khổ.

5. Từ quán: Do tâm nguyện độ sinh, Bồ-tát dùng ba phép quán ở trên quán chiếu mọi khổ não của chúng sinh để đem niềm an vui đến cho họ.

Nếu đem so sánh, ta thấy ba phép quán đầu của năm phép quán này có phần phù hợp với ba phép quán của tông Thiên Thai(1):

- chân quán - - - - - - - - - - - - - - - - không quán

- thanh tịnh quán - - - - - - - - - - - -  giả quán

- trí tuệ quán - - - - - - - - - - - - - - - trung quán

Nhưng khác nhau ở chỗ, ba phép quán của tông Thiên Thai chỉ đề cập đến thành quả giác ngộ mà không đề cập đến hạnh nguyện độ sinh như ở năm phép quán của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Mặt khác, nếu so sánh với bốn trí tuệ của bậc giác ngộ(2), ta có thể coi chân quánbình đẳng tánh trí, thanh tịnh quánđại viên cảnh trí, trí tuệ quán diệu quan sát trí, và bi quán cùng với từ quán thành sở tác trí.

 

CHÚ THÍCH

(1) Xin xem lại mục “Một Tâm Ba Phép Quán” ở trước.

(2) Xin xem lại mục “Bốn Trí Tuệ” ở trước.

 

 

NĂM UẨN

(ngũ uẩn)

 

“Uẩn”(1) là nhóm, là tích tụ. Năm uẩn là năm yếu tố kết hợp tạo nên bản thân con người, gồm có:

1. Sắc (sắc uẩn), là tất cả các bộ phận sinh lí, nói chung là thân thể của con người.

2. Thọ (thọ uẩn), là cảm giác sinh lí sinh ra khi các giác quan của thân thể tiếp xúc với đối tượng của chúng. Cảm giác có thể là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).

3. Tưởng (tưởng uẩn), là tri giác, tức là sự nhận biết đối tượng của nhận thức con người. Ví dụ, nhìn tượng Phật thì biết là tượng Phật, nghe tiếng chuông thì biết là tiếng chuông, ngửi mùi nhang thì biết là mùi nhang v.v...

4. Hành (hành uẩn), là chỉ chung  cho tất cả mọi hiện tượng, mọi sự vật được hình thành do nhân và duyên, tức là vạn pháp trong vũ trụ (ở cả ba lĩnh vực: tâm, sinh, và vật lí). Riêng hành uẩn ở đây là chỉ cho “tâm hành”, tức là tất cả những hiện tượng tâm lí của con người. Duy Thức Học nói, có cả thảy 51 hiện tượng tâm lí – gọi là 51 tâm sở, trong đó có hai uẩn thọtưởng ở trên; nhưng vì phạm vi hoạt động của thọtưởng quá quan trọng – gần như suốt ngày, lúc nào ta cũng sống với thọ và tưởng – nên ở đây hai hành này được tách riêng thành ra hai uẩn, và 49 hành còn lại thì được gộp chung trong một uẩn“hành uẩn”.

5. Thức (thức uẩn), là tâm thức, nói tổng quát, đó là căn bản thức (Duy Thức Học gọi là thức a-lại-da), và nói chi tiết thì đó là tám thức: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, mạt-na và a-lại-da – Duy Thức Học gọi chúng là tâm vương, các kinh luận thường gọi một cách tổng quát là tâm, ý hay thức. Sở dĩ thức được gọi là “tâm vương” là vì ta nhìn thức ở phương diện căn bản, trong khi đó, nếu nhìn thức ở phương diện hành tướng, hiện khởi hay hoạt động thì ta có những hiện tượng tâm lí mà Duy Thức Học gọi là tâm sở – tức là nội dung của tâm vương. Tâm vương cũng giống như đại dương, còn tâm sở cũng giống như những ngọn sóng trên mặt đại dương. Ba uẩn trên kia: thọ, tưởng và hành, là thuộc về “tâm sở”.

Năm yếu tố kết hợp thành bản thân con người như trên chỉ là cách phân chia cho dễ thấy. Trong năm yếu tố đó thì yếu tố đầu (sắc) là vật chất, còn cả bốn yếu tố sau đều là tinh thần; vì vậy mà có chỗ chỉ phân chia con người làm hai phần, là danh (tinh thần, gồm cả 4 uẩn: thọ, tưởng, hành và thức) và sắc (thể xác, là sắc uẩn). Hai phần đó, nói theo cách thông thường tức là thân (sắc) và tâm (danh). Lại nữa, theo tinh thần Duy Thức Học thì thức (tức là tàng thức hay a-lại-da thức) là nơi sinh khởi ra mọi hiện tượng; cho nên rốt cuộc, năm uẩn cũng chỉ là một uẩn duy nhất mà thôi: đó là THỨC.

Mặt khác, khi ta nói về “bốn nguyên tố” (tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong) cấu thành thân thể con người, thì cả bốn nguyên tố này đều thuộc về “sắc uẩn”. Khi ta nói đến “sáu nguyên tố” (lục đại) tạo thành bản thân con người thì 5 nguyên tố đầu (địa, thủy, hỏa, phong, không) thuộc về sắc uẩn, còn nguyên tố thứ sáu (thức) thì bao gồm cả 4 uẩnthọ, tưởng, hành và thức.

 

CHÚ THÍCH 

(1) “Uẩn” cũng còn được gọi là “ấm”, nghĩa là ngăn che, tức là năm yếu tố này làm cho con người không thể thấy được thực tướng của vạn hữu.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage