Phật Học Online

Thăm "nhà" Đức Phật
Trường Sơn

Từ Newdhli, tôi đi tàu lửa đến Gaya. Con tàu đông nghịt người. Phương tiện đi lại phổ biến nhất ở Ấn Độ là tàu lửa. Tại những nhà ga lớn, có hàng chục cặp đường ray song song, chồng chéo, rối cả mắt..

Khởi hành từ 7g tối, mãi đến 10g sáng hôm sau, con tàu mới vào ga Gaya. Một điều lạ là không hề có một thông báo nào khi tàu vào ga. Hành khách phải tự biết ga để xuống. Tàu chỉ đỗ trong vài phút. May mắn cho tôi, là có nhiều người xuống Gaya, và tôi chỉ việc đi theo.

Từ nhà ga, trên đoạn đường khoảng 15 cây số, hai bên treo, gắn đầy các tấm bảng "Chào mừng quý khách đến với đất Phật - Bohdgaya".

 


Đỉnh Linh Thứu - nơi Đức Phật gửi bình an đến toàn thế giới

 

Có cả trăm ngôi chùa xung quanh "Bồ đề đạo tràng", nơi Đức Phật tịnh tâm dưới gốc cây bồ đề để tìm con đường giải thoát. Nổi bật nhất là tượng Phật ngồi giữa trời lồng lộng, với độ cao 60m, một công trình của người Nhật. Ngôi chùa to nhất, chiếm khu đất rộng nhất là của người Srilanka. Chùa Tây Tạng với nét chạm trổ cầu kỳ, chùa Thái với mái cong vút như ngón tay có móng dài của thiếu nữ. Kiến trúc của chùa Trung Quốc lại rất đơn giản, mà sang trọng...

Hầu hết các chùa đều không có cảnh nhang đèn nghi ngút khói, cũng không trái cây hay các vật lễ. Người đến viếng chùa thường mang theo hoa, đi chân trần vào lạy Phật, rồi đi thêm một vòng theo chiều kim đồng hồ trong sân chùa để bố thí cho kẻ ăn xin.

 

Một thời là đại học Nalanda

 

Tôi đi tìm ngôi chùa Việt. Khi biết tôi là người Việt Nam, đám trẻ con Ấn Độ chắp tay và nói rất rõ: "Nam mô a di đà Phật". Chứng tỏ, đã có không ít người Việt ở đây, hoặc đến đây. Dò hỏi rất lâu, tôi mới tìm ra "Tịnh xá Kỳ Viên", cách "trung tâm" Bồ đề khá xa. Tịnh xá đang chờ giấy phép xây dựng, nên chỉ được che chắn tạm bợ. Thích Giác Viên, nhà sư của một ngôi chùa tại Vũng Tàu, sau một cuộc hành trình đến Ấn, đã chọn nơi đây tiếp tục đường tu. Ông cho biết, có đến sáu ngôi chùa Việt ở Bodhgaya.

Chiều tối, "Bồ đề đạo tràng" càng thêm náo nhiệt. Cây bồ đề che mát cho Phật ngày xưa đã chết. Thế nhưng, với người hành hương, cây bồ đề đời sau cũng thật thiêng liêng, họ cố tìm một chiếc lá mang về để có bằng chứng rằng mình đã đi đến tận nơi. Có lẽ cũng vì thế mà cây bồ đề được bảo vệ khá nghiêm ngặt, không ai có thể leo lên bứt lá, bẻ cành. Lá bồ đề khô đã được xử lý qua hóa chất trở thành mặt hàng bán khá chạy ở đây. Lời kinh đều đều vang lên mỗi đêm. Bên gốc cây, lúc nào cũng có nhiều người ngồi thiền, mặc cho dòng người qua lại.

Đỉnh Gridhakuta (Linh Thứu) thuộc vùng đất Rajgir – một trong những nơi đức Phật đến thuyết giảng là một mặt bằng giữa trời đất, chỉ đủ chứa khoảng 20 người. Khách du lịch lên núi bằng cáp treo, còn Phật tử hành hương thì đi bộ để chứng tỏ lòng thành. Trời nắng chang chang, vậy mà trên đỉnh vẫn đông người.

 


Người hành hương lên đỉnh Linh Thứu

 

Rajgir còn lưu giữ chân du khách, vì ở đây có trường đại học Nalanda, đại học đầu tiên của thế giới, ra đời từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Nhà sư Huyền Trang Tam Tạng của Trung Hoa, cũng từng ở đây ba năm và viết nhiều " ký sự" về ngôi trường này. Hôm nay, Nalanda hoang tàn, Rajgi cũng trở thành một vùng quê buồn tẻ. Nhưng, một điều làm ấm lòng các Phật tử hành hương là "đống gạch" xưa cũ kia vẫn đang được hậu thế bảo vệ với lòng thành kính. Cỏ cây xanh mướt lối đi vào. Lời kinh không còn nhưng lối sống từ bi vẫn lan tỏa nơi này.

Vượt hơn 200 cây số, tôi đến TP Varanasi, rẽ vào vùng đất Sarnath, đến vườn Lộc Uyển, là nơi Phật giảng bài kinh chuyển Pháp luân cho năm anh em Trần Kiều Như, những đệ tử đầu tiên, trong lần thuyết giảng đầu tiên của Người. Thời đó, Ashokan, vị vua hùng mạnh nhất trong lịch sử Ấn Độ, rất hâm mộ đạo Phật. Ông chọn mảnh đất hiền hòa này, để xây một "cung điện" cho Đức Phật. Một cây cột cao cả trăm mét, với bốn mặt là bốn con sư tử oai phong, biểu tượng của nhà vua đã được dựng lên trong vườn Lộc Uyển, như thay cho sự có mặt của nhà vua.

Nay, nơi đây chỉ còn trơ lại những đống gạch đổ nát hoang tàn. Nhưng lạ thay, tôi không nhìn thấy sự hoang tàn, mà cảm thấy dường như vẫn còn đó vết chân nhân đức của những chiếc áo cà sa lưu lại trên các bậc thềm.

Theo: phunuonline.com.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage