Phật Học Online

Hy sinh cứu người
Diệu Hạnh dịch


Xem hình

Ðức Phật nói sát, đạo, dâm, vọng như là bốn biển đen ngòm làm cho bạn phải trầm luân trong biển khổ, còn từ, bi, hỷ, xả giống như bốn bức thành thánh thiện, bên trong có rất nhiều bảo vật, bạn có thể lấy hoài không hết, dùng hoài cũng không hề suy giảm.

Có một hôm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giáo hóa chúng sinh ở tinh xá Trúc Lâm thành Xá Vệ, tôn giả A Nan từ trong pháp hội đứng dậy chắp tay hỏi đức Phật :

- Thế Tôn, lúc ban đầu Phật tại vườn Lộc Uyển sơ chuyển pháp luân, thuyết diệu pháp Tứ Thánh Ðế cho năm vị tỳ kheo khiến họ đắc quả A La Hán. Trong đời trước năm vị tỳ kheo ấy đã có nhân duyên thù thắng nào với Phật mà được nghe Phật pháp lúc trống pháp mới được gióng lên lần đầu tiên, và đắc được pháp vị cam lồ ? Cúi xin Thế Tôn rũ lòng lân mẫn giải thích cho chúng con được tường tận.

Ðức Phật trả lơi cho A Nan và đại chúng rằng :

- Năm vị tỳ kheo ấy đã từng ăn thịt của ta trong một kiếp trước để tự bảo vệ mạng sống của mình, do lẽ ấy nên kiếp này họ là những người đầu tiên thọ nhận pháp vị và được giải thoát.

Nghe những lời ấy ai cũng lấy làm kỳ lạ, nên A Nan lại đứng dậy hỏi rằng :

- Bạch Thế Tôn ! Tại sao họ lại ăn thịt Phật trong một kiếp trước ?

Lúc ấy bốn phương đều im phăng phắc, tuy có hơn cả vạn người ngồi trong giảng đường nhưng không có lấy một tiếng động, đến cả tiếng thở mạnh cũng không có, đại chúng yên tịnh chờ đợi đức Phật thuyết về nhân duyên của năm vị tỳ kheo.

Trên bảo tòa, đức Phật bắt đầu thuyết :

- Trước kia có một thế giới, vua tên là Thí Ðặc Cần, đức độ, tài giỏi, và từ bi cao cả, nhân dân vài trăm ngàn người sống một cuộc sống an lành thái bình dưới sự lãnh đạo hiền từ và thương mến bảo bọc của ông.

Nhưng "hoa đẹp không nở hoài, cảnh đẹp không tồn tại mãi", đất nước an lạc và sung sướng ấy rồi cũng có lúc gặp khốn khó. Thật là trời không thương người chút nào, năm ấy không chỗ nào có mưa, nạn hạn hán bắt đầu hoành hành. Dân chúng khát nước đến khô cháy cả người, lúa mạ gì cũng chết cháy hết. Theo lời những vị thiên văn học gia dự đoán thì nạn hạn hán này có thể kéo dài tới 12 năm nữa.

Vua nghe thế vô cùng ưu sầu, thiên tai kéo dài 12 năm thì mạng sống con dân trong nước có cầm cự được không ? Một nước không có dân thì làm sao thành lập ? Vì thế ông bèn triệu tập các đại thần để cùng bàn luận tìm cách giải cứu. Cuối cùng họ lấy quyết định gom lại tất cả những tài vật mà nhân dân trong toàn quốc đã tích trữ được, nhập vào toàn bộ kho tàng của quốc gia và sau đó làm thống kê nhân khẩu, rồi mỗi ngày trích ra số lượng tối thiểu nhất đem ra phân phát cho mỗi người dân trong nước đủ cho họ sống qua ngày hôm đó. Vua lại ra lệnh từ ngày hôm đó trở đi quyết nghị kia sẽ được thi hành, vì thế nhân dân tuy sống trong cảnh khốn khổ nhưng chưa có ai phải chết đói.

Tháng này qua tháng khác, một năm rồi một năm nữa trôi qua, lương thực kiệt quệ dần, ruộng vườn khô cằn không trồng trọt được. Vua lại lo lắng buồn rầu, nặn óc suy nghĩ mãi, rồi lấy quyết định hy sinh mạng sống của mình để giữ gìn mạng sống của tất cả những người khác. Ông bèn tuyên bố rằng :

- Ta muốn đi sang nước ngoài nghỉ ngơi và du lịch trong một thời gian không giới hạn. Ai muốn đi theo ta thì đi, còn ai muốn ở lại thì cứ ở.

Nghe vua sắp đi du lịch ở nước ngoài, khoảng 20 ngàn người cũng muốn đi theo. Ngày khởi hành họ đi đến một ngọn núi nhỏ, ai nấy đều mệt mỏi không đi tiếp được nữa. Vua Thí Ðặc Cần dẫn họ đến một khu rừng rậm rạp và ra hiệu cho mọi người tùy ý nghỉ ngơi. Quá mệt mỏi và thiếu thốn nên 20 ngàn người ấy chẳng mấy chốc đã chìm sâu trong giấc ngủ. Còn lại vua một mình ngồi tại một địa điểm rất cao nhìn xuống mọi người đang say ngủ, ông hướng về bốn phía lễ lậy xong âm thầm phát nguyện rằng :

- Hiện nay quốc dân đang gặp cảnh đói khổ, nếu tình trạng này kéo dài thì e họ sẽ chết hết. Vì muốn cứu mạng sống cho mọi người, tôi nguyện hy sinh chính mạng sống của tôi, và lại nguyện kiếp sau sinh ra làm con cá lớn, lấy thịt trên thân tôi mà cứu tất cả mọi người khỏi cơn đói kém. Nguyện rằng họ có thể lấy thịt của tôi mà ăn, ăn mãi không bao giờ hết.

Cầu nguyện như thế xong, vua Thí Ðặc Cần bèn trèo lên một ngọn cây rất cao gieo mình xuống, tắt thở chết ngay tại chỗ.

Vua chết rồi thì đúng theo lời nguyện của ông, liền hóa sinh thành một con cá trong biển lớn. Con cá này thân dài tới 500 do tuần (mỗi do tuần là 40 dặm, 500 do tuần tức là 20 000 dặm).

Lúc ấy trong thành có 5 người thợ gỗ và thợ đồ gốm, một hôm đến bờ biển làm việc, bị con cá trong biển trông thấy, cá bèn dùng tiếng người mà nói :

- Nếu các ông có đói thì hãy cắt thịt tôi mà ăn cho đỡ đói, nhưng xin các ông ăn no rồi thì hãy cố hết sức cắt thêm thịt đem về thành mà phân phát cho người khác ăn. Hôm nay các ông là những người đầu tiên ăn thịt của tôi, tương lai tôi tu hành chứng quả rồi, chắc chắn sẽ độ cho các ông thoát khỏi đau khổ.

Con cá lớn nói tới đây, ngừng lại một chút rồi nói tiếp :

- Lúc các ông trở về, hãy nói với tất cả mọi người trong nước, bảo rằng ai cần đều có thể tới đây lấy thịt của tôi về ăn.

Năm người thợ nghe cá nói thế, vui mừng đem dao bén ra cắt lấy thịt trên thân cá mà ăn, ăn no rồi lại đem rất nhiều thịt về. Vào đến thành, gặp ai họ cũng kể lại chuyện trên khiến cho tin đồn kia truyền lan đi cả nước. Rất nhiều, rất nhiều người ra bờ biển lấy thịt cá về ăn, nhưng thật là bất khả tư nghì, tuy số người cắt thịt cá mà ăn rất đông mà thịt trên thân cá cứ vĩnh viễn còn hoài, không làm sao cắt hết được.

12 năm đói kém trôi qua như thế, không có một người nào phải chết đói.

A Nan, ông đã hiểu vì sao ta nói câu chuyện kiếp trước này phải không ? Vua Thí Ðặc Cần lúc ấy chính là tiền kiếp của ta. Nhớ lại lúc ban đầu phát nguyện thành Phật, ta thường hy sinh thân mạng để làm lợi ích cho chúng sinh. Và 5 người thợ làm gỗ và đồ gốm kia chính là 5 vị tỳ kheo trong kiếp này, hôm nay ngồi xung quanh ta có 8 vạn người, tất cả đều đã từng ăn thịt của ta.

Ðức Phật nói đến đây, các vị đệ tử của Ngài ai cũng cảm động rơi nước mắt và đồng nguyện rằng sẽ luôn luôn tu học giáo pháp của Phật, nỗ lực tu hành để sớm chứng quả.

Diệu Hạnh dịch (Theo Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage