Phật Học Online

Vấn đề tuổi tác và duyên số trong hôn nhân

Hỏi: Kính bạch thầy, con thấy có nhiều gia đình Phật tử, vợ chồng cũng có học thức cao, kinh tế gia đình của họ cũng khá đầy đủ, nhưng không hiểu sao gia đình của họ không có hạnh phúc. Vợ chồng cứ gây gổ lục đục nhau hoài. Như vậy, có phải là do tuổi tác của họ không hợp? Hay là do duyên số, định nghiệp của họ, nên họ phải chịu quả báo như vậy. Kính xin Thầy giải thích cho con được rõ, trường hợp nầy như thế nào ?


Đáp: Đây là trường hợp hầu như đại đa số gia đình không ít thì nhiều đều vướng phải. Vấn đề hạnh phúc hôn nhân không thể hoàn toàn đặt định trên vấn đề kiến thức, lại càng không phải do tuổi tác hay kinh tế vật chất tạo nên. Nếu đặt định tin tưởng như thế, chưa đủ yếu tố để xây dựng hạnh phúc gia đình. Học thức cao, kinh tế đầy đủ, cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố khác. Mặc dù hai yếu tố nầy rất cần thiết trong đời sống lứa đôi. Ngoài hai yếu tố nầy ra, nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Theo Phật giáo, là cần phải hội đủ nhân duyên. Nói đến nhân duyên, tất nhiên, phải có chánh nhân và trợ nhân hay trợ duyên. Thí dụ hiểu và thương là chánh nhân. Ngoài ra, những yếu tố khác có thể nói đều là trợ duyên.


Ở đây, thiết nghĩ, chúng tôi cũng cần nói rõ minh định lập trường của Phật giáo trước sau như một. Phật giáo, ngoài việc chủ xướng đề cao lý nhân quả ra, Phật giáo không bao giờ chủ trương người Phật tử tin vào những điều gì khác, có tánh cách tà tín, nhứt là vấn đề bói toán, xem tuổi tác và ngày giờ tốt xấu để phán xét, đoán định vận mạng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai. Phật giáo chủ trương và luôn khuyến khích người Phật tử tin sâu lý nhân quả nghiệp báo, với mục đích là để chúng ta tìm ra nguyên nhân hình thành ác nghiệp, để từ đó tìm mọi phương cách khắc phục, hoán cải, những nhân xấu để trở thành nhân tốt. Đồng thời, cũng chuyển hóa những ác nghiệp trở thành thiện nghiệp. Có thế, thì mới cải thiện được đời sống của chúng ta ngày càng thăng hoa tốt đẹp hơn .

Do đó, theo Phật giáo, những chuyện xảy ra cơm không lành canh không ngọt, mất hòa khí trong gia đình, không phải là do tuổi tác không hợp, mà là do tập khí chủng nghiệp của mỗi người huân tập ở những môi trường sống khác nhau, mà người ta thường nói là tánh tình không hợp. Khi nói tánh tình không hợp, ta phải xét tìm nguyên nhân lý do tại sao? Nếu bảo rằng, do tuổi tác, thì lẽ ra từ đầu chí cuối phải là xung khắc luôn luôn, chớ tại sao khi hợp khi khắc? Khi vui thì hợp, khi buồn thì khắc. Khi vừa ý thì hợp, khi trái ý thì khắc. Như vậy, sự xung khắc bất hòa nầy do đâu? Tại sao mỗi người không chịu tìm hiểu lại chính mình mà đổ thừa cho tuổi tác?

Từ nhỏ đến lớn, trước khi thành vợ chồng, mỗi người có một đời sống hoàn cảnh khác nhau. Không ai hoàn toàn giống ai. Chỉ hợp nhau ở một khía cạnh nào đó, như trình độ học vấn, sở thích, cá tánh… Đây mới chỉ là hợp nhau trong bước đầu. Hợp nhau trong cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Bước đầu bao giờ cũng rất là đẹp. Vì hai bên đều giữ kín những tật tánh xấu của mình. Không ai dám để lộ ra cái chân tướng của mình cho đối phương biết rõ. Nhưng khi thành vợ chồng chung sống với nhau một thời gian, bấy giờ nó mới hiện ra rất nhiều thứ không hợp. Những thứ không hợp nầy, nó ẩn khuất tiềm tàng sâu kín, mà cả hai khó tìm thấy nhau. Nếu biết rõ nhau ngay từ lúc đầu, thì nguyện ước hôn nhân khó thành. Cho nên, cả hai đều phải che giấu.

Nhưng khi sống chung, thì biệt nghiệp cá tánh của mỗi người đều hiện rõ. Từ đó, cả hai mới nhận thấy có nhiều điểm bất đồng. Và mọi việc không còn như ý muốn ban đầu. Và cũng từ đó chiến tranh lạnh bắt đầu có cơ bộc phát. Vậy nguyên nhân bất hòa gây ra chiến tranh nầy do đâu? Vì cả hai không chịu tìm hiểu, bởi tìm hiểu thì mỗi người sẽ để lộ chân tướng xấu của mình ra, rồi vì bản ngã, vì tự ái, nên bây giờ chỉ còn có cách đổ thừa cho tuổi tác, cho ông tơ bà nguyệt se duyên không đúng, hay là do duyên nghiệp trớ trêu v.v… Nghĩa là phải tìm đủ mọi cách để chạy tội đổ thừa trách nhiệm cho kỳ được, chớ không ai chịu tìm hiểu lại lỗi lầm của chính mình. Phật giáo, với cái nhìn của tuệ giác, không thể chấp nhận cho việc tránh né đổ thừa nầy.

Thử hỏi trên đời có ai làm vừa ý mình hết không? Chính mình có đôi khi còn không vừa ý với chính mình, thì có ai mà làm vừa ý mình. Như vậy, rõ ràng không phải do tuổi tác xung khắc mà là do nhiều yếu tố khác. Yếu tố nào gây ra sự bất hòa? Đó là điều mà người Phật tử cần phải truy nguyên tận nguồn gốc của sự bất hòa đó. Trên đời nầy, không có gì là không có nguyên nhân. Thường chúng ta hay mắc phải chứng bệnh chủ quan. Mà bệnh chủ quan là con đẻ của bệnh chấp ngã. Vì chấp ngã, nên cái gì mình cũng đúng hết. Mọi lỗi lầm đều do người kia gây ra, mà chúng ta không chịu tìm hiểu căn nguyên vấn đề của chính mình.

Đạo Phật dạy rằng, sự sống hình thành bởi nghiệp và chính nghiệp trở lại chi phối đời sống của ta. Như người có tánh nóng nảy, đụng tới là lửa sân hận nổi lên đốt cháy người khác. Tánh nóng nảy, đó là một tập khí do huân tập mà có, tự tánh của nó là không. Vì vậy, cho nên khi gặp nghịch duyên bất như ý là nổi sân lên, đến khi vừa ý, thì lại êm dịu.

Như vậy, tánh nóng nảy kia đâu phải là có thật. Tuy nó không thật, nhưng chính nó lại là nguyên nhân chi phối đời sống chúng ta. Hạnh phúc bị đổ vở, phần lớn cũng do một trong hai người thiếu sự bình tĩnh. Từ mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt, cho nên lửa sân nổi lên đốt cháy hoành hành. Thế là từ việc bé xé thành to. Do đó, Phật dạy, người Phật tử cần phải thường xuyên tu tập để chuyển hóa thân tâm.

Muốn chuyển hóa thân tâm, từ những hạt giống xấu trở thành những hạt giống tốt, thì cần phải có trí huệ. Trí huệ hay chánh niệm rất thiết yếu trong đời sống. Khi có trí huệ hay chánh niệm kịp thời can thiệp, thì chắc chắn những hậu quả không tốt khó có thể xảy ra. Khi sự việc xảy ra, ta phải tìm rõ nguyên nhân, chớ không nên đổ thừa bừa bãi. Tại sao phải nổi nóng gây ra mất hòa khí trong gia đình? Do nguyên nhân nào? Do tuổi tác hay do tánh nóng? Hay do những thứ gì khác, mà mình không chịu tìm ra. Tại sao mình hay đổ thừa người khác? Lý do nào mình hay đổ trút tội lỗi lên đầu người ta?

Khi hai người bất hòa, hãy bình tĩnh ngồi xuống để tư duy tìm rõ nguyên nhân trong tinh thần hòa giải, hòa hợp để tìm cách thiết lập cảm thông, chớ không nên tranh nhau ăn thua đủ. Có tìm ra nguyên nhân, thì mới có hiểu và cảm thông nhau và từ đó mới có thể hóa giải mọi gút mắc bất hòa để rồi yêu thương quý kính nhau. Nếu thiếu hai yếu tố “Hiểu” và “Thương” nầy, thì khó có thể cởi mở, hỷ xả sống chung hòa hợp với nhau được.

Đời sống là một chuỗi dài trả nghiệp và gây nghiệp. Nghiệp đã gây tạo từ quá khứ và trong hiện tại, tất nhiên, không thể không trả. Nhưng nghiệp, ta có thể chuyển được, một khi đã tìm rõ nguyên nhân tác nghiệp. Tính chất cơ bản của nghiệp là bất định tính. Nghiệp luôn luôn chuyển biến theo chiều hướng thiện hoặc ác, tùy theo hành động của thân, khẩu, ý mà mỗi cá nhân gây ra. Dù rằng sự đổ vở hôn nhân, tuy có sự can dự vào của nghiệp nhân quá khứ, nhưng đó chưa phải là hoàn toàn chi phối quyết định tất cả. Mà phần lớn là do nghiệp nhân hiện tại gây nên. Cho nên, muốn tìm hiểu về nghiệp phải căn cứ trên chiều thời gian. Mà thời gian hiện tại mới là điều quan trọng để chúng ta chỉnh hướng cho hiện tại và tương lai.

Tóm lại, vấn đề hạnh phúc gia đình, cần nên cư xử tế nhị trong nhiều vấn đề. Mỗi người cần phải có cái nhìn sắc bén bằng tuệ giác trong việc cư xử với nhau. Vì sống chung với nhau không sao tránh khỏi những cá tánh bất đồng. Sự bất đồng đó, muốn dung hợp được, chỉ có một nhịp cầu duy nhứt nối liền hai đầu lại với nhau, đó là “Hiểu” và “Thương”. Có hiểu và thương thì mới có tương kính và nhường nhịn nhau. Thiếu nhịp cầu nầy, thật khó có sự cảm thông. Không cảm thông nhau, rất khó hòa hợp. Vì có tìm hiểu tánh tình, sở thích, và những cá tánh dị biệt khác, thì mới cảm thông và thương yêu nhau hơn. Từ đó mới có thể chuyển hóa mọi mâu thuẫn, xung khắc bất đồng cùng chảy về một dòng suối yêu thương và hạnh phúc. Có thế, thì người Phật tử mới có kỳ vọng xây dựng vững chắc được mái ấm hạnh phúc gia đình. Có hạnh phúc mới có an hưởng những niềm vui của những ngày tháng sống tạm bợ trên cuộc đời đầy khổ đau hệ lụy nầy.


TK Thich Phuoc Thai


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage