Phật Học Online

Chuyện ít biết về lão ni cô 10 năm tu luyện trong hang đá để chữa bệnh

73 tuổi, cái tuổi cần có con cháu ở bên vui vầy nhưng lão ni cô vẫn chọn nghiệp tu hành trong hang đá cheo leo trên sườn núi Ba Thê. Lúc trẻ, bà mắc một cơn bạo bệnh không có cách nào cứu chữa. Bà đã khấn nguyện với trời, Phật nếu qua khỏi sẽ theo đường tu, làm việc thiện để trả ơn.

Và nhiệm màu thay, bà khỏi bệnh rồi bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, lo lắng cho con cái mà quên đi lời nguyện cầu ngày trẻ. Đến khi con cái đã yên bề gia thất, bà an nhiên lên núi, chọn hang đá để ngày đêm tụng kinh niệm Phật.

40 năm một lời nguyện

Trên đường lên miếu thờ thạch đao ở đỉnh núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), chúng tôi đã chọn một phiến đá thật to để nghỉ ngơi, nghe tiếng gõ mõ tụng kinh phát ra từ vách đá, lại nhìn xuống thấy những bậc tam cấp bằng đá thiên nhiên dẫn xuống bên dưới. Một bên là con đường mòn được chính quyền đầu tư trải nhựa sạch sẽ, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Thế nên, những dấu hiệu cho thấy có người sống bên vách núi khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Một người phụ nữ chở theo một bé gái khoảng 13 tuổi, dừng xe lại ngay vị trí chúng tôi đang nghỉ ngơi. Họ loay hoay tìm cách vác hai cái bình ắc quy loại lớn xuống khe núi.

Thấy chúng tôi tò mò, chị Nguyễn Kha Ly (29 tuổi, ngụ thị trấn Óc Eo) nhanh miệng mời: "Hai đứa xuống đây chơi, nghỉ chân uống nước. Sư cô sống dưới này, cô hiền và dễ thương lắm". Không chút ngần ngại trước sự hiếu khách của người dân bản địa, chúng tôi dò dẫm từng bước chân chắc nịch, tay vịn vào vách đá bước xuống hang động. Một ni cô dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi còng, chân không dép, nở nụ cười hân hoan và chắp tay chào chúng tôi. Trong ánh mắt sáng ngời khó tin của người đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, chúng tôi đọc được niềm vui khác lạ của bà khi có khách lạ viếng thăm.

Ni cô già luôn miệng cười nói: "Tôi là Nguyễn Thị Nhiều, pháp danh Trung Phước, năm nay 73 tuổi. Tôi đến hang này tu cũng được gần 10 năm, đã xin phép qua chính quyền địa phương. Lâu nay, chưa ai viếng thăm hang Chơn Thiện (tên hang do bà Nhiều tự đặt-PV), vào ra chỉ có một mình tôi, may mà có hai cháu đây lâu lâu ghé qua giúp đỡ, khi thì đem bình ắc quy đi sạc điện, khi thì chở cho vài bao gạo, muối, đường, bột ngọt". Ni cô hướng ánh mắt đầy thiện cảm về phía người phụ nữ và bé gái mà chúng tôi gặp phía trên nóc hang. Nhà chị Ly nằm ở dốc cua trên con đường nhựa nhỏ dẫn lên đỉnh núi. Chị thường xuyên chở bé Tiên (em gái chị Ly) lên hang của ni cô phụ giúp quét dọn và thắp nhang.

"Trước đây, tôi làm giáo viên chuyên dạy nghiệp vụ cho các học viên đã đi làm. Nay tuổi già, về đây tu đạo, hễ thấy người trẻ trong lòng tôi vui lắm như thấy lại tuổi thanh xuân của mình. Tôi đã đi qua thời vàng son của một đời người, có nhiều điều để tiếc nuối. Khi chọn đường tu, tôi để tất cả ở phía sau lưng, giờ chỉ ngày đêm tụng kinh niệm Phật, cầu bình an cho con cháu, đất nước", ni cô nói say sưa sau bao năm mới được trò chuyện với người mình tâm đắc. Nhắc về duyên nghiệp dẫn đến đường tu, ni cô không buồn mà còn thể hiện sự vui sướng và tự hào khi chính bản thân được trải nghiệm sự hiển linh của Phật pháp vô biên.

"Năm gần 30 tuổi, tôi lâm trọng bệnh. Bác sỹ bảo tôi bị chứng tràn dịch màng phổi. Y học nước ta thời điểm đó còn rất nghèo nàn, nên nghe qua bệnh lý, tôi rất hoang mang, lo lắng rồi nghĩ đến đàn con nheo nhóc khi không còn mẹ bên cạnh. Một người bạn của tôi cũng bị mắc bệnh ung thư, hai đứa tìm đến nhau để than thở. Trong lúc bế tắc, chúng tôi nghĩ tìm vận may ở phật trời hiển linh, bèn rủ nhau xuống An Giang đi chùa cầu Phật. Lần đó, tôi đã nguyện "Mong Quan thế âm Bồ Tát phù hộ con vượt qua bệnh tật để nuôi dạy con thơ, con nguyện ăn chay và xuất gia hành đạo". Màu nhiệm thay, bệnh tôi không cần thuốc thang mà dần dần tự khỏi rồi tôi lao vào làm lụng nuôi các con khôn lớn. Cô bạn của tôi mắc chứng bệnh ung thư đến nay vẫn còn sống", ni cô nhớ lại.

10 năm sống trong hang đá

Cuộc sống xô bồ ở chốn Sài thành khiến người đàn bà không còn nhớ đến lời nguyện cầu khẩn thiết của hơn 40 năm về trước. Rồi cách đây khoảng 10 năm, bỗng nhiên, bà Nhiều trở bệnh, mắt bị mờ dần, đi điều trị ở bệnh viện Mắt TP.HCM cũng không khỏi. Sống trong bóng tối, bà tịnh tâm nghĩ về những điều đã qua trong một đời lam lũ. Bà nhớ lại lời hứa năm xưa vẫn chưa trọn vẹn. Thế là, bà tìm về hang đá mà bà và người bạn ngày trước đã miệt mài tìm kiếm, với ước nguyện sẽ về tu tập. Vậy là gần trọn 10 mùa xuân, bà không biết đến ngày Tết ở phố thị tấp nập, không còn màng đến tiền tài hư ảo.

Ni cô Trung Phước vẫn vui cười dẫu một bên là vực thẳm. Ảnh Ngọc Lài.

Bé Nguyễn Ngọc Phi Tiên (13 tuổi, ngụ thị trấn Óc Eo) hồn nhiên kể: "Em thường lên núi chơi nên biết ni cô sống dưới hang đá. Ni cô thương con nít lắm, em xuống chỗ bà chơi, bà cho ăn cơm chay, dạy em tụng kinh niệm Phật, cho em ngủ trưa. Bên trong hang mát lạnh, mưa không thấm vào, nắng không oi bức. Hang được ni cô bày biện các tượng Phật, cúng hoa quả chứ không có tài sản gì đặc biệt". Hang Chơn Thiện của lão ni cô được bày biện cực kỳ đơn giản và nguyên sơ. Một mảnh vỡ của chiếc ghế đá được ni cô mang về làm ghế ngồi trước khoảng sân nhỏ chưa đầy 1 mét vuông. Một cái bếp nhỏ làm bằng ba cục gạch ống đang nghi ngút khói đun ấm nước pha trà đãi khách. Một phiến đá rộng chìa ra giữa không trung, nơi mỗi tối ni cô thường ra ngồi thiền giữa gió lộng và sương khói rừng thiêng.

Chuyện của người từng chết đi sống lại

Lão ni cô còng lưng bước nhanh nhẹn giữa khoảng không chật chội và đầy nguy hiểm. Vực thẳm sâu hun hút cạnh bên mà không cần đến rào chắn, phiến đá bập bênh theo những cái chuyển người của ni cô khiến khách phải giật mình. Tuổi già, bà đi đứng không được nhiều nên mỗi tháng mới xuống chợ thị trấn ở dưới chân núi Ba Thê để đi chợ. Bận đi, bà một mình leo xuống ngọn núi cao hơn 200m với những đoạn dốc thẳng đứng. Lượt về, bà đi nhờ xe của bà con sống trên núi. Những khi có việc đột xuất như sạc bình, mua nước uống, bà lại nhờ chị em Ly làm giúp.

Cuộc sống nơi hang đá hoang vu dần cũng thành quen thuộc. Bà không còn sợ những đêm mưa, gió thốc mạnh vào hang đá khiến thân già đau nhức, lạnh buốt. Bà không lo lắng những vách đá rêu phong trở nên trơn trượt, gây khó dễ cho kẻ già yếu ớt. Bà không sợ những lần rắn hổ mang khổng lồ ghé qua hang động. Bởi người ni cô già này dám chắc, "mình ở hiền, ma quỷ, rắn rết cũng phải tránh né, nó phải sợ mình chứ hà cớ gì mình phải sợ nó". Con cái có cố ngăn cản, bà vẫn chọn cách sống thiền định nơi rừng núi hoang vu trong những ngày cuối đời.

Phật pháp vô biên

Ban đầu, các con giận bà nên bỏ mặc, nay thấy khuyên lơn mẹ không được đành chuyển sang ủng hộ. Một tháng, mấy đứa con ở thành thị lại mua một ít gạo lức, muối mè mang xuống An Giang cho mẹ già đổi vị sau những ngày rau rừng cháo núi. Ni cô bảo: "Tôi thấy mấy đứa con cứ bỏ công việc mà xuống thăm mình, tôi lo lắng và buộc tụi nhỏ vài tháng mới xuống. Nhiều lúc nghe con thủ thỉ, "mẹ ở đây chết lúc nào sao tụi con hay, sương gió lạnh lùng thân già buồn tẻ", tôi cũng có phần chùn chân trên nghiệp tu hành. Nhưng về nhà độ vài tháng, người thấy mệt mỏi vô cùng, rồi tôi lại cũng tìm về hang động, sống những ngày ẩn dật vui thú núi rừng. Âu cũng là số mệnh, chết nơi rừng núi linh thiêng cũng là phước phần của người đã chết đi một lần và hiểu được Phật pháp là vô biên như tôi".

Theo Ngọc Lài - Hà Nguyễn - Người đưa tin


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage