Phật Học Online

Đôi Lời Chia Sẻ Về Vấn Đề Hôn Nhân Khác Tôn Giáo
Minh Ngọc

Vừa qua trên diễn đàn phattuvietnam.net đang xôn xao bàn luận về vấn đề Công giáo, Tin lành cải đạo Phật tử vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và việc ứng xử của Phật tử như thế nào khi gặp phải tình huống éo le này. Quả thực đây là một vấn đề vừa tế nhị vừa khó vì nó liên quan lĩnh vực tôn giáo. Tôi xin trình bày vấn đề “ Hôn nhân khác tôn giáo” theo cái nhìn của một người Phật tử chứ không hề có ý định chia rẽ, đả kích tôn giáo. Trong bài viết, nếu có chỗ nào không phải, kính xin mọi người hoan hỉ góp ý xây dựng và bỏ qua.

Thuở xưa, sống trong xã hội với người Bàlamôn giáo, Đức Phật của chúng ta ôm người Bàlamôn nhưng không ôm đạo Bàlamôn. Ngày nay cũng thế, học theo Đức Thế Tôn, chúng ta có thể ôm người Hồi giáo nhưng không ôm đạo Hồi, ôm người Thiên Chúa giáo nhưng không ôm đạo Thiên Chúa….Đó là quan niệm của Phật giáo đối với ngoại đạo mà nói theo ngôn ngữ hiện nay là: “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Đạo Phật cũng không bao giờ lợi dụng hôn nhân dị giáo để lôi kéo, giành giật tín đồ. Đạo Phật chủ trương tu tâm, dưỡng tánh, làm lành lánh dữ, từ bi hỉ xả với mọi loài…để vượt qua sông mê quay về bờ Giác. Đức Phật là đấng toàn trí, toàn giác chứ không toàn năng, Ngài chẳng bao giờ ban phúc hay giáng họa cho bất cứ ai cả. Đạo Phật là đạo của lý trí, của trí tuệ, mọi người phải tự đốt lên ngọn đuốc chính kiến để tu tập mà không cần đến sự cứu rỗi nào. Tín đồ Phật giáo tin vào thuyết nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, không ai có thể chịu tội cho ai được, kể cả mẹ con máu mủ tình thâm. Và trong lịch sử hơn 2000 năm, Phật giáo không hề làm đổ một giọt máu nào của nhân loại. Phật giáo được Thế giới công nhận là đạo của hòa bình, trí tuệ, từ bi… Phật giáo cũng không hề cưỡng bách mọi người theo đạo Phật vì hôn nhân, vì tiền bạc, vật chất. Còn bên Công giáo thì sao? Không nói ra thì mọi người đã biết cả rồi, trong dân gian còn lưu truyền câu nói: “Theo Đạo có gạo mà ăn” là do đâu? Tín đồ Thiên Chúa giáo chỉ tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi của họ mà thôi, ai tin vào Chúa sẽ lên Thiên đàng với Chúa bất kể là tốt xấu ra sao và luôn lợi dụng hôn nhân dị giáo để lôi kéo tín đồ, mở rộng nước Chúa. Ca dao Việt Nam có câu:

“Tôi quỳ lạy Chúa Ba Ngôi

Tôi lấy được vợ, tôi thôi đi nhà thờ”.

Công giáo là đạo của đức tin, tin mà không cần hiểu và quên mình trong vâng phục, bất kể tốt xấu ra sao, có ảnh hưởng gì đến Tổ quốc, dân tộc, cha mẹ không. Đây là sự khác biệt rõ rệt giữa Phật giáo và Công giáo. Chắc những điều này mọi người đã biết cả rồi nhưng tôi vẫn nêu ra và so sánh vài nét giữa Phật giáo với Công giáo, Tin lành.

Hôn nhân là chuyện quan trọng của đời người. Thế nhưng theo tôi thì hai con tim cùng hòa chung một nhịp đập thì chưa đủ, nó chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Hai người thực sự yêu nhau thì điều trước tiên phải hiểu và thông cảm cho nhau, quan tâm lo lắng cho nhau và phải có nếp sinh hoạt tương đồng. Vậy có bất công hay không, có bình đẳng hay không, có tôn trọng nhau hay không khi một người phải cải đạo theo một người. Cùng là con người sống trong một dân tộc, sao một người vẫn giữ nguyên đạo gốc, một người phải cải đạo. Cứ hôn nhân dị giáo với Công giáo, Tin lành thì phần thiệt cứ y như rằng lại nghiêng về phía Phật giáo chúng ta. Nhiều người cứ thản nhiên cho đó là bình thường và cứ nghĩ là đạo nào cũng tốt, không hề gì, có gì phải bận tâm. Có thật là đạo nào cũng tốt không? Một bên cứ khư khư bắt người khác phải theo mình, bất kể người ấy có muốn không, muốn người khác phải vì mình, hi sinh cho mình chứ mình thì không vì người, không nhường người…

Có một thực tế đau lòng mà tôi thấy được từ các cuộc hôn nhân khác tôn giáo là sự không hòa hợp trong lối sống, xào xáo, đổ vỡ trong hôn nhân mặc dù trước kia họ yêu nhau thắm thiết. Điều này âu cũng dễ hiểu vì hôn nhân phải có sự thông cảm, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Tôi có quen một gia đình: người chồng theo Công giáo, vợ anh là một Phật tử. Phải vất vả, khó khăn lắm hai người cưới nhau mà đạo ai nấy giữ. Cuộc sống hôn nhân của họ luôn lục đục về vấn đề tôn giáo, nhất là khi vợ anh sinh con. Sau khi sinh con thì một bên bắt đứa trẻ đi rửa tội, một bên không chịu, đòi lớn lên đứa trẻ sẽ quyết định tôn giáo nó theo. Gia đình anh chồng không muốn anh về dự các lễ giỗ chạp bên vợ, không đồng ý cho vợ anh ăn chay vào ngày rằm, mồng một.

Mâu thuẫn hai bên sui gia Lương – Giáo càng ngày càng gay gắt, vợ anh cũng không chịu được áp lực từ phía gia đình chồng và chẳng bao lâu thì đường ai nấy đi. Là chỗ thân quen, anh tâm sự với tôi hết mọi điều, cũng tại gia đình anh quá khắt khe nên mới ra cớ sự. Anh bảo thà ngày trước chia tay nhau thì bây giờ chỉ một lần đau mà thôi. Bây giờ có con rồi thì tội cho đứa trẻ khi bố mẹ xa nhau, nội ngoại không nhìn nhau cũng vì khác tôn giáo. Anh khuyên tôi là sau này đừng nên kết hôn với người khác tôn giáo vì khó hòa nhập lắm. Tôi cũng chỉ biết an ủi và động viên anh mà thôi. Còn vợ anh thì tâm sự với gia đình rằng cũng may là chị không cải đạo chứ không thì vừa mất đạo, vừa mất gia đình, cứ phải cam chịu sống cảnh gò bó trong gia đình chồng quá khắt khe, phong kiến, cổ hủ mà không có lối thoát, không có tự do. Nay tôi xin chia sẻ câu chuyện buồn trên và lời chia sẻ của người trong cuộc đến mọi người.

Vậy khi người Phật tử mà gặp phải vấn đề hôn nhân khác tôn giáo, họ phải làm sao, ứng xử như thế nào cho phù hợp với đạo lý nhà Phật? Tôi xin được nêu vài suy nghĩ của riêng tôi về vấn đề này để chia sẻ với mọi người.

1/ Nếu có thể được, hai bạn hãy thuyết phục gia đình hai bên chấp nhận cuộc hôn nhân theo kiểu “đạo ai, nấy giữ”. Đây là phương án khả thi nhất theo mình. Hai bên tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng như nhau, tôn trọng tín ngưỡng của nhau, hợp tình hợp lý, không trọng bên nào, không nhẹ bên nào. Khi có con rồi, bạn cũng đừng bắt buộc con cái theo hay không theo tôn giáo này, tôn giáo kia, hãy để cho chúng tự chọn tôn giáo của mình khi lớn lên. Đây là phương án hòa bình, trung lập nhất mà người Phật tử chân chính thường chọn vì nó thể hiện tinh thần Từ bi, bình đẳng của đạo Phật, hòa đồng với mọi tôn giáo. Phật tử chúng ta cố gắng thực hiện phương án này vì nó thể hiện tính nhân văn, tinh thần hòa đồng của Phật giáo, cố gắng thuyết phục mãi cũng thành công, “mưa dầm thấm lâu” mà. Chúng ta có thể chia sẻ vời người kia về Phật giáo, về tính từ bi, trí tuệ của Phật giáo để người ấy có cái nhìn đúng đắn, không bị bóp méo thiên lệch về đạo Phật. Mỗi người cùng sống với một tôn giáo riêng của mình và cùng hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Đức Phật có dạy: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”. Thực sự, mình không muốn ai trong hai bạn phải đánh mất chính mình. Về phương diện pháp luật mà nói, thì hai người đã đủ tuổi kết hôn, nếu thực sự giữa hai người có tình yêu chân chính thì chẳng ai có thể ngăn cản được, “ đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều”. Đôi bạn có thể tự đi đăng kí kết hôn, pháp luật sẽ bảo vệ hai người. Chỉ cần pháp luật và tình yêu chân thành của hai người thôi, chả cần gì đến sự cứu rỗi, ban phước của thần linh nào.

2/ Nếu thực sự giữa hai người có tình yêu chân chính không vụ lợi thì cả hai phải thuyết phục gia đình mình, phải nêu lên chính kiến của mình chứ không thể đứng yên được. Cả hai phải cùng bảo vệ tình yêu của mình. Có lẽ nào người Công giáo quá nhu nhược không bảo vệ nổi tình yêu của mình, khiến người kia phải bỏ đạo? Hay là Phật tử bên mình quá yêu đơn phương, mù quáng? Nếu quả thực như thế thì cuộc hôn nhân này sẽ không có hạnh phúc đâu vì nó thiếu sự cảm thông, tôn trọng lẫn nhau chứ chưa nói đến là cả hai người đã góp phần đưa mình và gia đình vi phạm pháp luật về tự do tín ngưỡng. Theo mọi người, đôi bạn này có thực sự hạnh phúc không khi sống chung với một người chồng (hay vợ) quá ích kỉ, quá gia trưởng, phong kiến chỉ biết đến mình chứ không nghĩ đến người khác? Bạn nghĩ sao khi chỉ mình bạn hi sinh niềm tin tôn giáo, vượt qua cơn sóng gió này mà người kia lại không chia sẻ với bạn, đứng khoanh tay làm ngơ? Lúc đầu còn như vậy thì về lâu, về dài các bạn sống làm sao, có hòa hợp được không? Đức Từ Phụ có dạy “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” và “Thân người khó đặng, Phật Pháp khó nghe”. Trong chúng ta, ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể chứng quả Bồ Đề mà không cần đến sự hiệp thông với một Thượng đế tối cao nào. Phật tử chúng ta may mắn gặp được Phật pháp, học theo giáo pháp Như Lai để tự giải thoát cho mình vượt qua nẻo vô minh, qua bến mê để về bờ Giác thì cớ gì lại bỏ cuộc giữa đường, phải từ chối làm thân phận một con người, phải hạ mình xuống làm con chiên, con cừu cho người ta chăn dắt…Trong hoàn cảnh này, có lẽ “tình chỉ đẹp khi tình dang dở”, hai người nên dừng lại ở đây. Không kết nghĩa phu thê được thì trở thành bạn hữu của nhau, giữa hai người sẽ có một tình bạn đẹp, trong sáng. Nếu cả hai người đều không vượt qua được hố sâu ngăn cách tôn giáo thì có lẽ đây là kết cuộc của mối tình. Các bạn ạ, thà bạn đau một lần rồi thôi cũng giống như một người bệnh nặng chấp nhận một cuộc phẫu thuật lớn, đau một lần nhưng lành bệnh còn hơn phải sống trong đau đớn bệnh tật suốt đời.

3/ Và nếu bạn không thể nào vượt qua thử thách được, phải xa lìa đạo Từ Bi của mình thì bạn cũng đừng tuyệt vọng. Bạn hãy coi đây là chướng ngại của bạn trên bước đường tu học. Có một quan niệm sai lầm của nhiều người là khi cải đạo rồi, không còn là Phật tử nữa thì chẳng bao giờ vào chùa, chẳng bao giờ tham gia các Phật sự, chấm dứt hoàn toàn với Phật giáo. Thương thay cho họ quá nông cạn, quá hời hợt không hiểu rõ về đạo Phật nên mới bị ngoại đạo dụ dỗ, lôi kéo, và bị răn dạy những điều không đúng về Phật giáo. Thực sự, tôi giận họ thì ít mà thương cho họ thì nhiều. Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm các bạn ạ. Đức Phật có dạy rằng : “Không có sự phân biệt Tôn giáo và giai cấp, trong khi máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn”. Như vậy, Đức Thế Tôn vẫn luôn hòa đồng với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, chỉ có tâm chúng sanh là hẹp hòi ích kỉ mà thôi. Đây là một quan niệm đầy tính nhân văn của nhà Phật. Mặc dù không còn là Phật tử trên danh nghĩa nữa, nhưng các bạn có thể áp dụng nhửng lời dạy quý giá của Đức Phật vào cuộc sống, vẫn có thể vào chùa nghe nghe giảng, làm Phật sự, cúng dường Tam Bảo, ngồi thiền, niệm Phật tại nhà…Khi nhà chùa, Câu lạc bộ thanh niên Phật tử cần gì thì các bạn có thể ủng hộ, giúp đỡ nếu điều kiện cho phép. Phật giáo có chủ trương “Tâm tức Phật, Phật tức Tâm”, nếu Tâm bạn một lòng hướng Phật thì chẳng có lớp bụi trần nào làm phai mờ đi được. Cửa Từ Bi vẫn luôn mở rộng cửa đón chúng sanh, bất kể họ có là Phật tử hay không, có lỗi lầm trong quá khứ hay không. Sau này, nếu cơ duyên thích hợp thì các bạn vẫn có thể Quy y Tam Bảo lại mà không hề có chướng ngại nào cả.

PHẬT GIÁO CẦN LÀM GÌ TRƯỚC VẤN ĐỀ HÔN NHÂN KHÁC TÔN GIÁO

Trước hết, các Thầy, các Cô cần phải đẩy mạnh công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, nhất là thanh thiếu niên Phật tử. Tôi nhận thấy các lớp dạy giáo lý Phật giáo, những buổi sinh họat gia đình Phật tử, câu lạc bộ thanh niên Phật tử ngoài những bài giảng về Tứ Diệu Đế, Tam quy Ngũ giới… cần xen vào nội dung về vấn đề cải đạo qua hôn nhân, Phật tử phải làm gì, ứng xử như thế nào trước vấn đề này. Quý Thầy, Cô cần phải chia sẻ, giải thích, giáo hóa thanh thiếu niên Phật tử về vấn đề này để họ không bị bỡ ngỡ, lúng túng khi đối mặt với thực tế. Các vị Tăng Ni, Phật tử chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, đừng sống ở trên mây nữa, vì thời nay đã khác xưa nhiều lắm. Thực tế, Phật giáo còn thiếu và còn yếu về mục này trong công tác hoằng pháp. Phật tử dù có mộ đạo, có thâm hiểu giáo lý nhà Phật như thế nào đi chăng nữa mà đứng trước vấn đề này đều lúng túng, dễ mắc sai lầm vì bị tung hỏa mù là : “đạo nào cũng tốt, cũng dạy còn người ăn ở ngay thẳng”, huống chi là những người chưa hề tiếp xúc với Phật giáo. Tôi không chê trách các Phật tử bị cải đạo qua hôn nhân, mà thương cảm, tội nghiệp cho họ vì thiếu hiểu biết, nông cạn nên mới sa chân vào cạm bẫy người khác. Có trách là trách chúng ta, không giải thích, chỉ bảo cho họ ngay từ đầu, không làm cho họ thực sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn về đạo Phật.

Trong cuộc thi Phật pháp online lần 3 của diễn đàn thanhnienphattu.net có phần thi liên quan đến vấn đề hôn nhân khác tôn giáo. Tôi rất mừng vì câu hỏi tình huống rất hay, rất thời sự, vô cùng quý báu. Nhưng than ôi, số lượng bài thi gửi dự thi khá khiêm tốn so với các lần trước. Buồn thay.

Quý Tăng Ni, Phật tử cần thức tỉnh, nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Mọi người đừng bao giờ nhìn tôn giáo khác dưới lăng kính của tôn giáo mình và ậm ừ, dễ dãi cho là “đạo nào cũng tốt”. Nếu vậy thì chúng ta theo Phật giáo làm gì nhỉ? Mọi người hãy nín chút thời gian quý báu của mình để tìm hiểu vài nét sơ lược về các tôn giáo bạn từ lịch sử hình thành, cách truyền đạo, cưỡng ép theo đạo ra sao, giành giật tín đồ các tôn giáo khác như thế nào…để biết người, biết ta. Tôi xin lưu ý là biết để mà tránh chứ không phải để bài bác, đả kích vì Phật giáo không hề có chủ trương như vậy. Các cư sĩ Phật tử cần phải nắm rõ vấn đề này để chỉ bảo cho con cháu, họ hàng, bạn bè… được rõ, có chút kiến thức hiểu biết về hôn nhân dị giáo để người thân của mình không bị trở thành con mồi ngon mà ngọai đạo nhắm đến. Người Phật tử chúng ta cần phải trang bị hành trang tâm lý, tư tưởng cho con em của mình những kiến thức ứng xử, quan điểm, thái độ, lập trường… của người Phật tử về hôn nhân khác tôn giáo. Về việc này, tôi tin chắc là mọi người Phật tử sẽ làm tốt, sẽ thành công vì nó nằm trong tầm tay của người cư sĩ Phật tử tại gia và không mấy khó khăn. Các Phật tử cần hành động ngay trước khi quá muộn, đừng chờ đợi vào quý Thầy nữa. Tương lai của Phật giáo ra sao chính là do nhận thức và hành động của chúng ta ngày hôm nay.

Và cuối cùng, tôi cũng mong các bạn Thanh niên Phật tử nếu có thể thì hãy mạnh dạn tổ chức đám cưới ở chùa. Việc làm này còn xa lạ với nhiều người, họ chỉ quen thuộc với hình ảnh các đám cưới ở nhà thờ. Nhiều người cho rằng lễ cưới ở nhà thờ mới là hiện đại, tân tiến; còn chùa chiền chỉ dành cho những người già thôi. Mong các bạn Thanh niên Phật tử, các đoàn sinh Gia đình Phật tử hãy đem lại sinh khí mới cho Phật giáo và xóa đi những lối suy nghĩ lạc hậu này…

TPHCM, ngày 29/11/2009

Minh Ngọc. (Theo sachhiem.net)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage