Phật Học Online

Vị sư già và tấm lòng vì những mảnh đời bất hạnh

Trải qua hơn 67 năm tuổi đời với 47 năm tuổi đạo, ông đã có những cống hiến thiết thực nhằm chăm lo, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng từ bi bác ái của ông, các đơn vị, tổ chức tại TPHCM và Trung ương đã trao tặng ông nhiều kỷ niệm chương, huy chương cao quý. Vị sư già đáng kính ấy là Thượng tọa Thích Từ Giang (SN 1943, thế danh Trương Văn Phát), Viện chủ Linh Quang Tịnh Xá, Q4, TPHCM. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)


Thượng tọa Thích Từ Giang trong một chuyến đi làm từ thiện tại Tây Nguyên

CỔ TÍCH MỘT NGÔI TRƯỜNG

Sinh ra vào thời chiến trong một gia đình gia giáo, giàu truyền thống yêu nước tại Q4, TPHCM, từ nhỏ ông đã phải chứng kiến cảnh loạn ly, cướp bóc, nên sớm hình thành tư tưởng  “diệt khổ, cứu độ chúng sinh”. Tuổi thiếu niên của ông gắn liền với thời kỳ chiến tranh ở miền Nam Việt Nam lên đến đỉnh điểm. Vốn thông minh, hiếu học, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông thi đậu vào trường y với tâm nguyện cứu chữa bệnh tật, thương tích cho người dân lao động nghèo và bộ đội ngay tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 1963, trong một lần tham gia thực tập tại bệnh viện, thấy tình cảnh đau đớn, vật vã của người bệnh và ý thức sâu sắc về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đang tiến hành, ông quyết định xuất gia, mong lấy tấm lòng từ bi hỉ xả cầu phước cho mọi người.  Đến năm 1983, sau 20 năm theo hầu thầy Bổn sư là Hòa thượng Thích Thiện Tấn (Viện chủ chùa Bửu Lâm, Vũng Tàu) và Tôn sư Thích Phổ Ứng (Viện chủ Linh Quang Tịnh Xá, Q4, TPHCM), ông chính thức nhận trách nhiệm trụ trì Linh Quang Tịnh Xá. Nhiều năm khổ hạnh, gần gũi với nhân dân lao động nghèo và thấu hiểu tình cảnh khốn khó của họ, ông quyết tâm vừa tu thân vừa làm từ thiện. Đến nay, Linh Quang Tịnh Xá dưới sự dẫn dắt của ông đã trở thành ngôi chùa được nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước biết đến bởi bề dày công đức. Mọi việc bắt đầu từ câu chuyện về một mái ấm nuôi dạy miễn phí những đứa trẻ bất hạnh bị dị tật tại TPHCM.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thành phố lấy năm 1989 là Năm Thiếu nhi, TT  Thích Từ Giang đề xuất với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Q4 xin được mở một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật miễn phí. Ngày đó, Q4 là vùng đất nghèo, bà con chủ yếu là lao động làm thuê nên trẻ khuyết tật thường bị bỏ rơi. Trong hoàn cảnh ấy, đề xuất của TT Thích Từ Giang được chính quyền hoan nghênh. Từ nền đất cũ của một nhà trẻ đã đổ nát do chính quyền cấp, sau nhiều ngày lao động vất vả, ông cùng các đệ tử đã cho ra đời một ngôi trường đặc biệt - Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4, TPHCM (91 Nguyễn Khoái, P1Q4) vào tháng 10-1989. Ở đây, mỗi em mang một hoặc nhiều chứng bệnh khác nhau như tâm thần, liệt chi, câm điếc, hội chứng Down... Trường thực hiện chế độ bán trú từ 7 giờ 30 đến 16 giờ hằng ngày. Không chỉ học chữ, các em còn được ăn uống, vui chơi, dạy nghề và luyện tập phục hồi chức năng mỗi ngày để sớm được hòa nhập với xã hội. Nhiều cá nhân, tập thể khi đến đây đã không khỏi chạnh lòng thương những con người hy sinh thầm lặng vì tiếng cười của trẻ em không may và kính phục lòng từ bi của TT Thích Từ Giang. Từ năm 1994, Công chúa Hoàng gia Anh Anne Elisabeth, Chủ tịch Hội cứu trợ Nhi đồng tại Anh đã nhiều lần đến thăm và ủng hộ cho trung tâm. Trong một lá thư gởi TT Thích Từ Giang, người đại diện của công chúa viết: “Công chúa vô cùng cảm kích trước những nỗ lực và sự cống hiến của Thượng tọa cùng toàn thể cán bộ trung tâm đã nuôi dạy, uốn nắn các trẻ em tật nguyền. Công chúa gởi lời cảm ơn chân thành đến Thượng tọa, kỷ niệm về trung tâm là niềm hạnh phúc và đáng nhớ của công chúa đối với đất nước xinh đẹp của Thượng tọa”. Cũng vì cảm phục lối sống “Tốt đời đẹp đạo”  của TT Thích Từ Giang mà đều đặn vào tháng 12 hằng năm, có hai vợ chồng người Mỹ là Charles White sang Việt Nam để làm ông già Noel tặng quà cho các em nhỏ ở Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4. Việc làm của họ đã mang đến những giây phút ngập tràn hạnh phúc cho các bé ở ngôi trường đặc biệt này.

Với những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì sự tồn tại của trung tâm cho đến ngày nay của TT Thích Từ Giang, Ủy ban Bảo vệ trẻ em Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND Q4, TPHCM đã trao tặng ông nhiều kỷ niệm chương, huy chương “Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam”, “Vì sự nghiệp chăm sóc & bảo vệ trẻ em Việt Nam”.

VÀ ÔNG THẦY TỪ THIỆN

Mấy mươi năm trong chốn thiền môn, chưa có ngày nào TT Thích Từ Giang thôi day dứt về những mảnh đời bất hạnh ngoài xã hội. Với đôi chân khất sĩ, ông cùng các đệ tử kiên trì đi khắp ba miền của đất nước để xây cầu, phát gạo, quà bánh, khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào bị bão lũ ở Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi,  Ninh Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre... Kinh phí cho mỗi chuyến đi do TT Thích Từ Giang cần mẫn gõ cửa từng Mạnh Thường Quân xin đóng góp. Cũng có nhiều trường hợp, phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tìm đến chùa để ủng hộ tiền, vật chất và gởi gắm niềm tin vào những chuyến đi của vị sư già nhiều tâm huyết với đời và đạo này.

Năm 1993, TT Thích Từ Giang cho lập Phòng khám bệnh nhân đạo Linh Quang ngay tại Linh Quang Tịnh Xá để khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo từ khắp các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ. Được sự giúp đỡ của Thành hội Chữ thập đỏ TPHCM, Mặt trận Tổ quốc Q4 cùng nhiều ban ngành đoàn thể tại địa phương, sau gần 17 năm hoạt động, Phòng khám nhân đạo Linh Quang đã khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt bệnh nhân, giúp nhiều người hòa nhập trở lại với cộng đồng, xóa đi mặc cảm bệnh tật và ổn định cuộc sống.

Ở tuổi 67, từng phải qua Trung Quốc thay thận, tuổi già sức yếu nhưng TT Thích Từ Giang vẫn  một lòng hướng về người nghèo với những chuyến đi từ thiện không ngơi nghỉ. Hiện nay, mong ước của ông là lập ra một viện dưỡng lão làm nơi sinh hoạt, chăm sóc lẫn nhau giữa những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Được một nhà hảo tâm cho 5 công đất tại huyện Củ Chi, TPHCM, ông dự định sau khi có đủ nguồn kinh phí sẽ báo cáo và xin chỉ đạo từ chính quyền thành phố để chính thức xây dựng viện dưỡng lão này như mơ ước cuối cùng của bản thân.
(Theo CA TP.HCM)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage