Phật Học Online

Phật giáo ảnh hưởng đến nghề nghiệp của siêu mẫu Trương Thị May

Làm việc với May phải biết rằng Làm việc với May phải biết rằng cô sẽ không bao giờ chụp bikini. Thử  Google đi, đố ai thấy một tấm ảnh nào cô người mẫu đang “hot” này mặc bikini ngoại trừ vài tấm khi cô phải mặc trang phục này để thi hoa hậu.

Mang trong mình dòng máu lai Việt-Khmer, cô gái có đôi mắt to nằm dưới hàng lông mày đậm có cái nhìn khắc khoải làm người đối diện phải ngoái lại, phân vân. Vào nghề đủ lâu để có thể gọi là thành công, đằng sau ánh nhìn kia của cô, chắc chắn là một câu chuyện đặc biệt. Nhưng cô lại khá kín tiếng, và cái chi tiết liên quan tới “bikini” kia thì phải “đụng chuyện” mới biết.

Tuổi thơ trong tiếng chuông chùa

May được sinh ra ở Phnom Penh, nhưng những cuộc di chuyển liên tục giữa nhà ngoại ở An Giang và nhà ba mẹ ở thủ đô Campuchia làm ký ức tuổi thơ của cô có vẻ hơi lộn xộn. Cô bảo mình vẫn nhớ được ngôi nhà lớn mà gia đình mình ở, nhưng sao vẫn cứ lẫn lộn với giàn mướp ngoại cô trồng, xanh um, đổ bóng xuống sân, mà ngay ở đó cô từng chơi nhảy dây, chơi lò cò, cùng đám bạn. Có lẽ vì ở cả hai nơi, ngay cạnh bên đều là những ngôi chùa, với tiếng kinh tiếng mõ sớm tối luôn tràn ngập, để làm dịu không gian, làm thanh tịnh con người.

Điều may mắn nhất mà May bảo cô có được, chính là việc đi về giữa hai nước được gia đình cô thực hiện liên tục, nên dù sinh ra không phải trên đất Việt, sống khá lâu trong môi trường ngôn ngữ khác, nhưng tiếng Việt của cô rất tốt. May kể rằng ba cô rất đẹp và lịch lãm, ba mẹ rất đẹp đôi. Gia đình sống khá sung túc, nhưng chẳng may ba cô mất sớm để lại mấy mẹ con không có kinh nghiệm, công việc làm ăn thất bát, đến độ phải bồng bế nhau về nhà ngoại tá túc. Dù sau đó cũng có người đến ngỏ lời chắp nối, nhưng mẹ May vì thương con nên đã bỏ ngoài tai tất cả, ráng làm ăn nuôi nấng chị em cô cho đến tận bây giờ. Là con đầu thấy mẹ vất vả nhưng May cũng chẳng giúp được gì nhiều vì còn quá nhỏ, cho đến khi có cơ hội như ngày hôm nay, cô luôn nhủ lòng phải cố gắng, càng nhiều càng tốt để phụ giúp mẹ lo cho gia đình, mà không việc gì khác hơn là cố gắng làm việc thật nhiều, thật hết mình.

Nói tới ba, cô dường như muốn khóc. Cô bảo cô không có diễm phúc được tựa đầu bên đôi vai ba, không được ba dẫn vào lớp học như những bạn đồng trang lứa, cô cũng không được tâm sự hay nhõng nhẽo với ba trong những lúc bị mẹ la rầy, đánh đòn. Cô thèm có được điều đó, và hình ảnh  của ba luôn in đậm trong ký ức May, dù mẹ luôn thay thế ba được trong tất cả mọi việc, nhưng “giá mà mẹ không phải làm việc ấy!”.

Thích nghi với Sài Gòn

Nhiều người thường hỏi, vì sao một cô gái lớn lên ở Campuchia  và ở miền quê Việt Nam lại có thể thích nghi với cuộc sống ở đô thị lớn như Sài Gòn.

Thực ra Sài Gòn không xa lạ với May, ngay từ tấm bé cô đã được đến Sài Gòn nhiều lần, ngôi nhà hiện nay cô ở là của ông bà cố. Lúc đầu May định lên để học nghề… trang điểm. Anh Phúc Nguyễn lúc đó phụ trách lớp thấy May có tiềm năng nên đã giúp ghi danh cho May tham dự cuộc thi Người đẹp qua ảnh do báo Thế Giới Phụ Nữ tổ chức năm 2006, không ngờ ngay từ lần đầu tiên ấy May đã được ngôi Á hậu. Sau lần ấy phải mất hơn nửa năm về An Giang lo chuyện gia đình May mới chuyển lên sống hẳn ở Sài Gòn.

May bảo cô là người rất dễ thích nghi, nhưng có một điều không thích nghi được khi sống ở Sài Gòn là đi xe gắn máy. Thật sự thì cô cũng biết đi xe, nhưng từ hồi nào tới giờ đi đâu cũng có mẹ đi cùng, mẹ chở, mẹ dẫn đường, riết rồi thành quen, việc ngồi đằng trước cầm tay lái xe dường như không cần thiết nữa.

Làm người mẫu nhưng May gần như không gắn mình với bất cứ một công ty người mẫu nào. Theo May việc đứng tên trong công ty người mẫu gần giống với việc đi làm công ăn lương, ngay cả khi không có việc thì vẫn yên tâm rằng cuộc sống sẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng cũng đồng nghĩa với việc giờ giấc hoạt động sẽ bị bó buộc rất nhiều, trong khi cuộc sống của cô còn một phần không nhỏ là việc cần phải thức hiện nghĩa vụ của một Phât tử, đi nghe Pháp và làm từ thiện, phần mà đối với cô quan trọng hơn tất cả những thứ khác.

Ảnh hưởng của Phật giáo tới nghề nghiệp

Nhắc đến chuyện mặc bikini khi thi hoa hậu,  May bảo cô đã “mắc cỡ cùng mình”, nhưng cũng đành cố và thề với lòng rằng để giữ trọn hình ảnh của một người phật tử thuần thành, cô sẽ không bao giờ lặp lại việc đó lần nào nữa. Ngay cả với tôi, một người làm việc với cô khá nhiều, cũng chỉ biết được chi tiết này khi “đụng chuyện”. Có lần tôi được giao thực hiện hình ảnh cho một tờ báo dành cho nam giới nọ, sau khi ngồi gần 2 giờ để làm tóc và trang điểm cô đành phải xin lỗi cả ê - kíp làm việc vì không thể mặc bikini chụp, dù là chụp chung với nhiều người. Chính May cũng kể với tôi rằng đã mất rất nhiều các hợp đồng quảng cáo vì chuyện không chịu mặc bikini chụp hình, nhưng cô vẫn sẽ không bao giờ thay đổi quyết định đó.

Năng khiếu diễn xuất trời phú đã khiến May không mấy khó khăn khi bước đi trên sàn catwalk, hay khi chụp ảnh thời trang. Có lẽ, điều khó khăn với cô là phải ứng xử thế nào trong thế giới người mẫu vốn nhiều cạnh tranh, bởi đã có những lần May là nạn nhân của sự chèn ép từ những đồng nghiệp. Nhưng May cho biết, thường thì trong trường hơp đó May đều ráng nín nhịn, trong đầu cô luôn tồn tại chữ Nhẫn. Cô bảo nếu gặp chuyện mà không biết nhịn thì phiền não sẽ nối tiếp phiền não, mà người chịu khổ đầu tiên sẽ là chính mình. “Cứ làm vài lần như vậy mà thấy mình không phản ứng gì thì người ta cũng tự động thôi không làm việc đó nữa, hay ít nhất họ cũng sẽ phải nghĩ lại về hành động của mình” - May nói.

May ăn chay trường ai cũng biết, điều này có được là do sư bà ở Quan Âm tu viện Biên Hòa, người đã giúp May khai sáng, quy y và đặt tên cho May là Tâm Lạc gần 10 năm trước. May luôn luôn nghiêm túc thực hành nghĩa vụ của một Phật tử tại gia, luôn giữ nếp dậy sớm từ 4 giờ 30 sáng, ngồi thiền, trì chú niệm Phật và sám hối, lễ Phật và tụng kinh là điều không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của May dù công việc có bận rộn đến đâu.

Tôi vặn vẹo rằng người làm nghệ thuật cần phải tự mình chinh phục càng nhiều đỉnh cao càng tốt, ý muốn chinh phục và ngay cả sự chinh phục cũng chính là nguồn cơn của Tham-Sân-Si, người như May làm gì để có thể giữ mình trong lúc hoạt động nghệ thuật để không rơi vào vòng Tham-Sân-Si ấy. May đã suy nghĩ rất lâu để trả lời câu hỏi này,  dù tôi, sau cùng, vẫn không ưng ý cho lắm với những gì nhận từ được.  May cho rằng Tham-Sân-Si có sẵn trong mỗi cá nhân, dù có đỉnh cao để chinh phục hay không thì tam độc này vẫn cứ tồn tại, cái chính là để nó tồn tại ở mức độ nào, May bảo cô luôn dặn lòng phải biết tiết độ, biết kiềm chế bản thân để cho ba độc kia không có cơ hội ngóc đầu lên làm hại, mà điều đầu tiên là không cố chấp, ép mình phải làm gì đó cho bằng được, thấy những thứ chưa đến nhân duyên thì yên lòng chấp nhận, điều đó là một cách để làm duy nhất đúng theo tinh thần Phật pháp trong trường hợp này.

Tôi cắc cớ bảo May làm thế chẳng khác nào một người nghệ sĩ mà không muốn có những đỉnh cao vậy, làm nghệ thuật mà không tham vọng thì làm để làm gì. May cũng rất đắn đo mà rằng làm nghệ thuật chính là làm đẹp cho đời, cho mọi người và cho mình, đỉnh cao của mỗi người chính là con người ấy và đỉnh cao của May chính là mỗi ngày cô sống an nhiên, không cần hơn thua ai, không cần so kè ai mà chỉ với chính mình, thế là đủ. Ngày hôm nay May cho cuộc đời thấy vẻ đẹp của trang phục này, ngày hôm sau sự trình diễn của May làm cho trang phục ấy nổi bật hơn, sống động hơn, đó chính là một đỉnh cao mới, mà nghệ sĩ nhiều khi chỉ cần một tràng pháo tay thôi là đã đến đỉnh cao rồi.

Mơ ước đời sống chốn thiền môn

May tâm sự rằng điều mà chính cô đang tìm kiếm không phải là những ánh đèn sân khấu hay những quần là áo lượt hàng ngày cô khoác vào người để trình diễn, mà điều cô mơ ước thật sự là đời sống chốn thiền môn, ngày hai buổi tiếp kệ lời kinh, cuộc sống không gia đình, không ràng buộc, nhưng có lẽ cô chỉ dám mơ ước thế, vì cho đến giờ này, cô còn phải giúp mẹ lo cho kinh tế gia đình. Cô còn mẹ, còn bà, còn các em, ngần ấy con người yêu thương đang cần cô đến thế đã níu cô lại, tiếp thêm nghị lực để cô sải bước trên sàn diễn, mỗi ngày.

May nói thêm rằng Phật dạy không luyến tiếc quá khứ, không vọng tưởng tương lai, đó là một cách sống tuyệt vời, làm cho con người thanh thản trong giây phút hiện tại. Với May quá khứ là những bài học kinh nghiệm, tương lai là những ước mơ đẹp gắn với nhân duyên. Nếu cho May được sống lại những ngày đã sống May mong được đi trọn vẹn trên con đường học vấn chứ không ra đời quá sớm như từng phải làm, còn mọi thứ xin cứ lặp lại như cũ và điều tiên quyết phải lặp lại là May vẫn mãi là một Phật tử như May từng là. “Đó là điều quan trọng nhất giúp May có được an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống” - cô nhấn mạnh.

* May có xài hàng hiệu không? Món đắt tiền nhất mà chị  từng mang trên người là món nào?

Trong tủ đồ của mình, May cũng có một số món đồ đắt tiền, trong đó quí nhất là chiếc túi Burberry được mẹ mua tặng nhân dịp may đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc năm 2009 vừa rồi.

*  May nói rằng sẽ  không lập gia đình, vậy chị đã cư xử thế nào với những người  theo đuổi mình?

Chuyện bị người ta theo đuổi thì gần như không gặp. Có lẽ tại đi đâu cũng có mẹ đi cùng nên mấy người đó ngại, ngay cả việc nhận tin nhắn hay điện thoại May cũng không phải lo luôn vì thường bao giờ muốn gặp May thì mẹ cũng là người nhấc máy hỏi trước, ai có “tà ý” gì mà gặp phải rào cản đó chắc chắn họ sẽ phải cài số de trước rồi (cười lớn). Có phải như vậy là May chưa đủ duyên không?

Theo Phạm Hoài Nam - TNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage