Phật Học Online

Lần đầu chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ (phần 3)

Hai nhà sư Thái - lan ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Đến Đất Phật nhiều thành viên trong Đoàn chúng tôi có dịp may lần đầu được gặp Hòa thượng Thích Huyền Diệu, trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodh Gaya (Ấn Độ) và ở Lumbini (Nepal). Ông còn cho nhiều lời khuyên làm sao để mỗi người có nhiều thành công và hạnh phúc trong cuộc đời.

Gặp người làm vườn kiêm quét chùa

Đọc cuốn sách của Thầy Thích Huyền Diệu có tựa đề “Khi hồng hạc bay về… và những điều mầu nhiệm”, còn được biết Thầy là tác giả một số bài viết, công trình nghiên cứu đăng tải trên một số báo trong nước với bút danh “Người làm vườn kiêm quét chùa”- một cái tên ông yêu thích và tâm đắc.


Bìa một cuốn sách được Thầy tặng.

Dù thời gian gặp gỡ khá ngắn ngủi ở sân bay thủ đô New Dehli và trên xe từ sân bay Gaya về Bồ Đề Đạo Tràng, vị sư kể sơ lược cho chúng tôi nghe quá trình công phu và gian khổ để xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở nơi Đức Phật khai minh và thành chính quả. Ông cũng là người ngoại quốc đầu tiên được chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng chùa Việt Nam tại vườn Lumbini (hay là Lâm Tỳ Ni) nơi Đức Phật Thích Ca sinh ra. Kể từ đó đến nay gần 30 nước khác hưởng ứng lần lượt xây dựng chùa của nước mình, tạo thành một Liên hợp quốc Phật giáo tại Lumbini.

 Qua tìm hiểu, chúng tôi lại càng cảm phục khi biết Thầy Thích Huyền Diệu là nhà sư Việt Nam nổi tiếng có công đầu trong việc thuyết phục các lực lượng du kích quân Maoist và Chính phủ Nepal ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp ước hoà bình, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 10 năm, làm hơn 13 nghìn con người thiệt mạng.  

Trong thời gian gần đây, với trọng trách là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế ở Lumbini, thầy Thích Huyền Diệu được Chính phủ Vương quốc Nepal quý trọng, xem như một nhân vật đã đóng góp công sức xây dựng, phát triển Lumbini thành một trung tâm văn hoá tâm linh quốc tế.

Qua đó, tên tuổi đất nước Nepal được người dân khắp nơi biết đến, từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân loại.


Thời gian qua, sách “Lòng Tri Ân: Sức mạnh và mầu nhiệm”
được đông đảo Phật tử trong và ngoài nước tìm đọc.

Phong thái giản dị và minh triết, thầy Huyền Diệu nhanh nhẹn hướng dẫn Đoàn tới thăm Bồ Đề Đạo Tràng và ngôi chùa quê hương. Trong câu chuyện trải nghiệm qua nhiều năm dạy học và nói thỉnh giảng, nói chuyện ở nhiều nước khác nhau trên thế giới và gần đây ở Việt Nam,  Thầy cho rằng, trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điềm mầu nhiệm. Nếu tĩnh tâm ta sẽ thấy chúng và nên nhận biết và phải biết hành động ngay, nếu không điều mầu nhiệm đó sẽ mất đi mãi mãi.

Trong cuốn sách “Lòng Tri Ân: Sức mạnh và mầu nhiệm”, Thầy viết: “Tôi viết quyển sách nhỏ này với lòng chân thành, viết từ con tim của tôi, và mong ước được thấy đất nước Việt Nam mình được phát triển, truyền thống được gìn giữ, mọi người sống trong hòa bình an lạc”.


Một ông lão thổi sáo ăn xin ở cổng vào Tháp Bồ Đề Đạo Tràng.
Ngay ở vùng Bodh Gaya và nhiều nơi trên Đất Phật
vẫn còn rất nhiều cảnh đời đau khổ và nghèo đói.

Theo Thầy: Một đất nước được gọi là giàu có và văn minh không thể chỉ căn cứ vào sự giàu có về vật chất không, mà còn phải có nhiều thứ khác nữa, trong đó, lòng tri ân cực kỳ quan trọng, mới có thể gọi là giàu có và văn minh. Người có lòng tri ân sẽ có biết bao nhiêu điều lợi ích, bao nhiêu phước báu, bao nhiêu là điều mầu nhiệm đến với họ trong đời này”.

Kể về một trong bao điều mầu nhiệm của mình, trong cuốn sách “Khi hồng hạc bay về… và những điều mầu nhiệmdo Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2007, Thầy viết: Những ngày đầu tiên lưu lại Lumbini - một vùng đất xanh tươi nằm dưới chân Hymalaya lóng lánh nhiều núi tuyết nơi Đức Phật giáng trần cách đây hơn 2.600 năm, tôi khám phá ra loài chim hồng hạc cực kỳ xinh đẹp và quý hiếm đang bị con người lẫn thú dữ đe dọa mạng sống. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu và ra sức bảo vệ chúng”…

Điều kỳ diệu đã đến. Từ một đôi vợ chồng chim hạc đến cư trú gần ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, sau hơn 10 năm, bầy hạc đã phát triển lên đến 44 con sống rải rác trong vùng Lâm Tỳ Ni!

Thầy Huyền Diệu viết: “Nếu ai cũng tâm niệm hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng cố gắng làm một việc thiện hay một điều tốt thì hiệu quả từ thiện tâm ấy mang lại có khi chúng ta không lường hết được. Và chỉ sau một thời gian mọi người sẽ nhận ra rằng cuộc đời mình thay đổi đến không ngờ...

Mặc dù phần lớn cuộc đời sinh sống ở nước ngoài, nhưng Thầy Thích Huyền Diệu luôn hướng về quê Cha đất Tổ, mong ước có cơ duyên làm được điều gì tốt cho đất nước, để nhớ công ơn bậc sinh thành, để tri ân đất nước mà tôi đã được sinh ra, tri ân những anh hùng dân tộc, những người đã hy sinh xương máu để gây dựng đất nước Việt Nam như ngày hôm nay.


Khung cảnh thanh tịnh và an lạc cho mỗi người
khi hành hương đến Đất Phật.

Thầy tâm sự, xây chùa ở Ấn Độ và Nepal cũng là thực hiện tâm nguyện làm cầu nối để gắn kết kiều bào Việt Nam với quê hương đất nước, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam tại quê hương linh thiêng của Phật giáo thế giới. - Nếu không sinh ra ở Việt Nam, thì tôi không làm được những việc như ngày hôm nay. Tôi đã học và áp dụng được phần triết học Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Thầy nói.

Trong những lần thuyết giảng với Phật tử các nước, Thầy từng chuyển tải một thông điệp làm lắng đọng lòng người. Thầy nói, một ngôi chùa mọc lên, tức là một nhà tù sẽ mất đi. Có dịp, Thầy cũng bày tỏ mơ ước, những người thợ đúc chuông Việt Nam sẽ đi khắp nơi để đúc chuông, làm cho tiếng chuông Việt Nam ngân vang lên khắp mọi năm châu bốn bể…

Bí quyết về hạnh phúc cuộc đời


Giữa trưa đứng nắng, dòng người vẫn nườm nượp
đi vào khuôn viên Cây Bồ Đề và Tháp Bồ Đề Đạo Tràng.

Chúng tôi được biết, vì những việc làm có ý nghĩa lớn và uy tín của mình, nhiều người đề nghị ông vào danh sách được trao tặng giải thưởng Nobel vì hòa bình. Là người tu hành, ông đã từ chối. Ông chỉ mong tìm được người có tâm trụ trì hai ngôi chùa ở Ấn Độ và Nepal để được thanh thản dưỡng tâm tu luyện trên núi Himalaya, có thời gian chăm sóc những con chim hồng hạc yêu quý, viết sách, giảng đạo…

Thầy Huyền Diệu nói mong ước nhìn thấy đất nước Việt Nam giàu mạnh, là một trong những nước tiên tiến trong thế kỷ 21. Muốn thế, Thầy cho rằng, người Việt phải đoàn kết, yêu thương chia sẻ, cùng nhau đóng góp vào xây dựng đất nước quê hương.


Thầy Thích Huyền Diệu nói chuyện với các phóng viên
tại sân bay New Dehli dịp đầu xuân.

Dịp này sang xứ Ấn cận kề Rằm tháng Giêng, tại cuộc nói chuyện chóng vánh với các Phật tử và anh em, chị em phóng viên chúng tôi, Thầy Huyền Diệu đưa ra chìa khóa vàng của sự thành công và hạnh phúc.

Theo Hòa thượng Huyền Diệu, vạn vật đều ẩn chứa sự bí mật huyền diệu trong đó. Bí quyết sống an lạc và hạnh phúc là phải tin Thuyết Nhân Quả, để không bao giờ làm chuyện sai trái, kính Phật và thực hành, tránh xa kẻ xấu, ác, tri ân những người giúp đỡ mình, tôn kính bậc đáng kính. Dù bận rộn đến đâu cũng phải dành thời gian an tĩnh tâm hồn và giữ gìn sức khỏe vì có sức khỏe thì mới làm được nhiều việc.

Thầy có lần giảng giải, nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp nối và phát triển nền tảng từ bi, vô ngã, vị tha và bình đẳng của Phật như là một người bạn đồng hành. Đó là một nguồn sinh lực không thể thiếu trong cơ thể để quân bình đời sống giữa vật chất và tâm linh cho mỗi con người qua nhiều thế hệ và thời đại của nhân loại, trong đó có đất nước và dân tộc Việt Nam.


Rất nhiều Phật tử trong trang phục khác lạ từ các nước
tới thăm viếng Bồ Đề Đạo Tràng.

Còn nhớ, năm ngoái, ông về thăm Việt Nam và tham gia hoạt động Đại lễ cầu siêu ở Côn Đảo cho vong linh những người đã mất do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Dịp trở về thăm quê hương, sư thầy Thích Huyền Diệu không giấu nổi xúc động. Thầy nói thực sự vui mừng được trở về sau nhiều năm xa quê hương đất nước. - Xa quê hương, song lúc nào chúng tôi cũng hướng về Tổ quốc, hướng về đạo Phật, muốn đóng góp một cái gì đó.

Phải chăng, đó cũng là cơ duyên để Thầy xây dựng chùa Việt Nam đầu tiên ở Ấn Độ, để bao người con Phật khi đến chiêm bái vùng đất thiêng liêng thanh tịnh và dừng chân nơi đây tìm được sự an lạc và mang tư tưởng, tinh thần của Người đến những ai chưa có cơ duyên đến đây dù chỉ một lần…

Ghi chép của Văn Nghiệp Chúc (ND)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage