Phật Học Online

Con đường dấn thân >>> Kỳ 3: Sinh viên đi hoằng pháp vùng xa

Còn ngồi trên ghế giảng đường Học viện nhưng quý thầy, sư cô trẻ trong Ban Hoằng pháp Tăng Ni sinh viên thiện nguyện đã có những chuyến dấn thân vào đời, đến với trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa... 

>>
Con đường dấn thân - Kỳ 1: Làm việc với người trẻ
>>Con đường dấn thân>> Kỳ 2: Hạnh phúc không của riêng ai!

Mái nhà chung

Ban Hoằng pháp sinh viên (BHPSV) là tên gọi tắt của Ban Hoằng pháp Tăng Ni SV thiện nguyện được Phòng SV vụ Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM ký quyết định thành lập từ ngày 23-3-2007. Đến nay BHPSV đã có một quá trình cống hiến, trưởng thành hơn 2 năm rưỡi - một khoảng thời gian đủ để cho quý Tăng Ni sinh chứng minh khả năng và sức trẻ. Một khóa học có 4 năm thì quý thầy cô lớp đầu tiên của BHPSV chính là những thầy, cô khóa VI (nay đã ra trường) có đến 2 năm gắn bó. Trong đó, ĐĐ.Thích Minh Khương, Trưởng ban, là một trong những người thành lập BHPSV, đã chứng kiến sự ra đời và phát triển của ban trong suốt 2 năm rưỡi khẳng định: “Vai trò của mỗi thành viên trong BHPSV là góp phần đưa Phật pháp vào đời, đặc biệt là những thanh thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa. Những chuyến đi của quý thầy, cô - SV Học viện còn là cơ hội để thực tập giảng dạy, vun bồi nội lực, trưởng dưỡng thiện tâm”.

hoangphapvung-xa.gif

Lớp giáo lý do Tăng Ni BHPSV tổ chức

ĐĐ.Minh Khương kể cho chúng tôi hàng loạt những chuyến đi ra ngoài Bắc, lên Tây Nguyên, xuống miền Tây rồi về miền Trung tổ chức sinh hoạt, dạy học và trao quà từ thiện… Mỗi chuyến đi đều ghi dấu những kỷ niệm và khắc vào tinh thần những SV thiện nguyện bài học của sự sẻ chia, rút ra thành lẽ sống: “Cho và nhận là một quá trình song song”. Điều đó được thầy Thích Minh Khương dẫn chứng từ chính bản thân mình rằng: “Tôi đã trưởng thành hơn nhờ làm việc, nhờ học hỏi từ huynh đệ trong ban cũng như những nơi mà chúng tôi phối hợp làm chương trình”.

Thầy Lệ Đạo, thầy Nguyên An, thầy Quang Minh, thầy Minh Thắng, thầy Thiện Hạnh, SC.Diệu Thuận, SC.Tâm Thịnh… là những vị thường trực, năng nổ đóng góp cho BHPSV trong hầu khắp các chương trình. Quý thầy, quý cô ấy tự rèn bản thân mình thành những tu sĩ đa năng: vừa có thể giảng dạy, tổ chức chơi trò chơi, làm xướng ngôn viên, vừa lên kịch bản, kế hoạch thực hiện… Tất tần tật những chi tiết từ nhỏ đến lớn trong một hoạt động nào đó quý thầy, sư cô đều đảm nhiệm được để khi đi đến các đạo tràng có thể yểm trợ nhiều mặt.

Có những chuyến đi về Tây Nguyên với nhiều khó khăn khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc, hoặc hoằng pháp cho trẻ em vùng biên giới, dân tộc Khmer… đều là những bài học mới toanh được quý thầy, sư cô gom lại thành những “giáo trình” cho khóa sau. “Đó cũng là cách truyền thừa để cho mỗi khóa SV đi vào Học viện, đến với BHPSV có những chất liệu để xây dựng ngôi nhà chung ấy trở nên lớn mạnh, đóng góp được nhiều hơn, phù hợp hơn trong thời đại hội nhập và phát triển”, quý thầy bộc bạch.

Khuyến học hoằng pháp

Đấy chính là hình thức mà BHPSV đeo đuổi thực hiện, xem đó như con đường riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của các thành viên. Lấy chuyện học ngoài đời làm phương tiện để tải chuyện đạo, nói về nếp sống chân chính trong cuộc đời nhằm “xây dựng một xã hội kiểu mẫu nhân bản”, đó là ý tưởng của ban. Vì vậy, hễ ở đâu các em nhỏ, học sinh thiếu cái gì và cần thứ gì là quý thầy, sư cô liền xắn tay góp sức. Có những chuyến đi mang theo tập vở, bút viết… để gửi cho học sinh và sinh hoạt với các em. Có chuyến lại đi tổ chức hội trại cho Phật tử trẻ, xông xáo hòa nhập với đối tượng trẻ - mầm xanh của đất nước và Phật giáo, gửi đến các em ấy bài học về nhân nghĩa, yêu thương, nhân quả. Thế mà thấm và nhiều em có những chuyển biến nhất định về thái độ sống.

Từ lúc mới thành lập đến giờ đã có 15 tỉnh, thành từ Bắc chí Nam có dấu chân chia sẻ của BHPSV. Đi đến đâu BHPSV cũng đều nhận được sự đón nhận nhiệt thành của quý thầy, sư cô trú xứ ở địa phương cũng như các bạn thanh thiếu nhi nơi ấy. ĐĐ.Thích Chúc Khả, một vị Tăng có điều kiện đi học tập, tham vấn Phật pháp ở nhiều nước và khi có duyên tham gia cùng BHPSV đã nhận định: “Quý thầy, cô SV Học viện đã tự tạo việc để làm, cống hiến cho chúng sanh và Phật giáo - đây là hoạt động rất trẻ, rất cần thiết”. Còn thầy Quảng Thiện, trưởng phòng SV vụ mỗi khi nhắc đến BHPSV đã rất hoan hỷ bởi những việc làm thiện nguyện, lợi đạo, ích đời của những SV mà thầy là người trực tiếp quản lý, cố vấn: “Các thầy, cô tham gia vào các ban ngành là để học tập và trau dồi kỹ năng, đồng thời cũng là thực hiện lý tưởng hoằng pháp lợi sinh”.

CHÚC THIỆU


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage