Phật Học Online

“Buông kiếm” vào chùa

6 năm nay, sư Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang ở thôn Dạ Lê, phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế rất nổi tiếng qua việc hỗ trợ, cưu mang hàng ngàn người nghèo; mở lớp dạy học miễn phí cho hàng trăm học sinh... bằng kinh phí do bán các tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình và vận động Phật tử, các nhà hảo tâm quyên góp.


Nhưng ít  người biết rằng, sư Chơn Hữu từng là một “đại ca” giang hồ khét tiếng đất Tây Nguyên nhiều năm trước.

Nghe công đức từ thiện của chùa Định Quang và bí ẩn cuộc đời của trụ trì Thích Chơn Hữu, tôi nhiều lần đến xin diện kiến nhưng sư thầy từ chối với lý do: “Làm từ thiện cần cái tâm và không đòi hỏi gì nhiều nên chùa không muốn phô trương. Còn cuộc đời riêng của thầy nên để vào quá khứ thì hơn”. Thuyết phục mãi vẫn không được. Cho đến một ngày, tôi buộc phải dùng “chiêu” cuối cùng là đem pháp danh Nguyên Bình cùng việc ăn chay niệm Phật của mình ra làm bảo chứng, sư mới động tâm mở lòng.

“Đại ca” khét tiếng...

Sinh năm 1971 tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Mới 4 tuổi, Huỳnh Thiện Hữu (tên tục của sư Chơn Hữu) cùng gia đình đến Lâm Đồng lập nghiệp. Suốt quãng thời gian học cấp I, II, cậu bé Hữu chăm ngoan, học giỏi, thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi văn của Đà Lạt. Đang học lớp 9, bất hạnh ập lên gia đình Hữu khi cha qua đời vì tai nạn giao thông, để lại 5 đứa con nhỏ cho người mẹ quanh năm đau ốm. Hữu thấy hụt hẫng, chán nản khi thiếu vắng tình thương của cha và nỗi đau của mẹ.

Cậu bé gắng gượng đi học, nhưng rồi những trang văn hay cứ thưa dần. Những ngày đó, Hữu thường trốn học theo các học sinh cá biệt quậy phá trong trường. Hữu đi học võ và dần khẳng định được vị thế “đàn anh” qua những lần đánh nhau, dằn mặt những học sinh không nghe theo mình. Mẹ Hữu không ít lần được mời lên họp phụ huynh vì những trò quậy phá của Hữu. Cho đến một lúc, thầy cô, nhà trường đành bất lực với cậu học trò “côn đồ” này nên phó mặc cho gia đình.

Sư Chơn Hữu và lớp học tình thương dành cho HS nghèo ở địa phương.    Ảnh: Nguyên Bình

Sư Chơn Hữu và lớp học tình thương dành cho HS nghèo ở địa phương. Ảnh: Nguyên Bình

Năm 16 tuổi, Hữu gia nhập nhóm “Ánh Sáng” - một băng giang hồ lớn ở Đà Lạt, chuyên đâm thuê chém mướn, làm luật rừng ở các quán bar, vũ trường và tổ chức đua xe trái phép. Băng này với 20-30 thanh niên liều lĩnh, có võ nghệ. Ngày ngủ, đêm đến, Hữu và chiến hữu đến các vũ trường chơi bời, làm bảo kê, đòi nợ thuê và dằn mặt những kẻ nào dám chơi trội, vượt mặt, chống lại bang hội mình; “che chở” cho vũ nữ, gái điếm... và thu lệ phí của họ.

Sư Chơn Hữu nhớ lại: “Lúc bấy giờ, băng Ánh Sáng ở địa vị số một. Ai cũng lạnh lùng, tàn nhẫn, sẵn sàng đè đầu cưỡi cổ, sát phạt đối phương bằng mọi cách để đạt được mục đích”. Giơ ngón trỏ tay trái bị cụt lên, sư  kể: “Một lần thanh toán nhau giành địa bàn, “Ánh Sáng” thắng lợi, còn nhiều người khác bị chém trọng thương, đau đớn quằn quại. Mình muốn thử nỗi đau xác thịt nên lấy tay đưa vào miệng cắn gần đứt rồi lấy dao chặt đứt luôn”. Tôi thắc mắc về vết thương dài từ bả vai xuống khuỷu tay phải, sư cười: “Một lần, nhóm giang hồ từ Sài Gòn được một phụ nữ thuê lên lên Đà Lạt để xử một cô vũ nữ ở vũ trường Minh Tâm vì dám vụng trộm với chồng mình.

Sư Chơn Hữu cũng chiếc bình bát - vật bất ly thân để đi khất thực.

Sư Chơn Hữu cũng chiếc bình bát - vật bất ly thân để đi khất thực.

Cô kia chạy đến cầu cứu, “Ánh Sáng” phải ra tay dàn xếp. Bằng sức mạnh, lợi thế chủ nhà và sự liều lĩnh, “Ánh Sáng” đánh tan nhóm kia, họ tháo chạy tán loạn. Các anh em truy đuổi định chém chết kẻ cầm đầu. Không hiểu thế nào mà mình lao đến đỡ một nhát chém quyết định và nói anh em cho họ con đường sống”. “Ánh Sáng” còn tổ chức đua xe trái phép và Hữu là một tay đua cừ khôi. Chiếc Cup 67 được mệnh danh là “hung thần đường đua” và mang về cho Hữu những khoản tiền lớn.

“Ánh Sáng gây nhiều tội lỗi như vậy, công an và chính quyền không làm gì sao?” - tôi hỏi. Sư Chơn Hữu bảo, bang hội thường “xử” các đối tượng ở nơi kín đáo, xoá hết dấu vết và các nạn nhân rất sợ nên không ai dám khai báo.

Vào chùa

Bốn năm sau, Hữu thành lập bang hội mới và cầm đầu 20 “đệ tử” rồi kéo nhau lên bãi vàng Tà In (huyện Đức Trọng) làm ăn. Đây cũng là cách để anh tránh cho gia đình những phiền phức bởi kẻ thù của anh rất nhiều. Nhóm của Hữu gồm những thành phần bất hảo, liều lĩnh nên nhanh chóng chiếm được vị thế ở bãi vàng và ăn nên làm ra. Hữu mua máy ảnh để thoả sở thích yêu thiên nhiên của mình. Quanh năm ngày tháng, cuộc sống chìm ngập trong chém giết, cướp bóc, Hữu dần thấy chán. Thỉnh thoảng, anh đi lang thang chụp ảnh, gặp gỡ những du khách, người lao động bình thường và tìm thấy niềm vui.

Ở rừng thiêng nước độc lâu ngày, một hôm Hữu bị sốt rét nặng phải đi bệnh viện. Lúc mê man, anh mơ thấy cảnh chém giết, hồn chết lởn vởn quanh mình. Anh thấy cả những đồng bọn chết vì nghiện ngập, tai nạn, đánh nhau... Tỉnh dậy, Hữu thấy mẹ nằm bên đã kiệt sức vì khóc con. Suốt mấy đêm, bà thức để chăm sóc anh. Hữu nghĩ, một ngày không xa, mình cũng nhận kết cục thảm như các đại ca khác. Cùng lúc đó, anh nhận được hung tin người bạn thân cũng là một đại ca khét tiếng chết vì bệnh “ết”; người bạn nữa cùng 2 em đều là những giang hồ lẫy lừng nhưng tự kết liễu cuộc đời bằng việc uống thuốc độc. Thấy 3 con chết đau đớn, người mẹ cũng không thiết sống nữa nên cùng... tự tử bằng thuốc độc. Bệnh sốt rét cùng những cái chết thương tâm của bạn bè, người thân dồn dập đến cùng lúc làm Hữu bừng tỉnh và ngộ ra được nhiều điều.  Sau khi lành bệnh, Hữu khóc, tạ lỗi với mẹ và hứa sẽ hoàn lương, nhưng lại từ chối về nhà vì lo mẹ sẽ khổ...

Sư Chơn Hữu (bên phải) trong một lần trao quà cứu trợ đồng bào bão lụt tại Huế.
Sư Chơn Hữu (bên phải) trong một lần trao quà cứu trợ đồng bào bão lụt tại Huế.

Sau khi rời bệnh viện, việc đầu tiên mà anh nghĩ tới là quy y cửa Phật nhằm giải thoát bế tắc cũng như gột rửa cho quá khứ tội lỗi cho mình. “Ý tưởng của mình lúc đó bị anh em phản đối vì bang hội đang ăn nên làm ra. Nhưng khi mình đã quyết điều gì rồi thì không ai có thể ngăn cản được”, anh kể. Nói là làm, sau khi tổ chức tiệc chia tay chiến hữu, anh rời bỏ giang hồ, tìm về quê cũ ở Thừa Thiên - Huế để làm lại cuộc sống. Anh tìm đến chùa Huyền Không Sơn Thượng, thuộc hệ phái Nam Tông ở Thừa Thiên - Huế xin làm công quả rồi xuất gia tu hành với pháp danh Thích Chơn Hữu. Hàng ngày, anh thức dậy ngồi thiền, đọc kinh Phật và đi khất thực khắp nơi, không chỉ ở Huế mà trong nước, rồi sang tận các nước Lào, Thái Lan...

Năm 2005, sư Chơn Hữu được hệ phái cử làm trụ trì chùa Định Quang. Lúc này, chùa chỉ là một đống đổ nát. Nhưng bằng nỗ lực và sự hỗ trợ của chính quyền, đóng góp của các nhà hảo tâm, bây giờ chùa đã có cơ ngơi khang trang, hàng trăm Phật tử sinh hoạt thường xuyên. Lúc rảnh rỗi, sư Chơn Hữu chụp ảnh nghệ thuật, ban đầu chỉ để chơi cho vui. Nhưng sau thấy những người trong giới khích lệ và đánh giá cao, sư đã tổ chức triển lãm, và đến thời điểm này, nhà sư đã 5 lần tổ chức triển lãm ảnh ở Thừa Thiên - Huế và toàn quốc. Không chỉ triển lãm, sư Chơn Hữu còn bán được rất nhiều ảnh và tiền bán ảnh được dùng hết vào việc làm từ thiện.

Năm 2009, nhà sư xây dựng một lớp học tình thương mang tên “Tuệ học đường” tại chùa, nhờ giáo viên về dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh khó khăn ở thị xã Hương Thuỷ. Hiện có 300 em đang theo học 9 lớp, trong đó, có 3 học sinh năm vừa rồi thi đậu vào Đại học Ngoại ngữ Huế, 8 người là học sinh giỏi, xuất sắc toàn thị xã. Nhắc đến sư Chơn Hữu, ông Trương Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Thuỷ Phương - tự hào và đánh giá rất cao: “6 năm qua, chùa Định Quang là một biểu tượng về tốt đời, đẹp đạo ở địa phương khi luôn có nhiều hoạt động thiết thực đối với những gia đình nghèo, người neo đơn, nạn nhân lũ lụt, người tàn tật, học sinh nghèo...”.

Sư Chơn Hữu tâm sự về việc làm từ thiện của chùa bằng một triết lý: “Một giọt nước ngoài đại dương chỉ bình thường là giọt nước, nhưng giọt nước ấy nếu vào đến sa mạc khô cằn thì trở nên quý giá vô cùng. Sự san sẻ cộng đồng sẽ sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh đang thổn thức, hấp hối”.

Theo Nguyên Bình - LĐ


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage