Phật Học Online

Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh – Kỳ 1: Hành trình đi tìm gần 500 hài cốt liệt sĩ ở Tây Nguyên

Xem hình
Nhà báo Hoàng Anh Sướng
Những năm gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bạn đọc đã biết đến khả năng đặc biệt: tìm mộ từ xa của các nhà ngoại cảm Việt Nam. Những cái tên như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy, Thẩm Thuý Hoàn, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Nhã đã ít nhiều trở nên quen thuộc đối với chúng ta. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số hài cốt mà các nhà ngoại cảm tìm thấy trong thời gian vừa qua đã lên tới vài trăm ngàn. Địa bàn hoạt động của các nhà ngoại cảm không chỉ dừng ở 61 tỉnh thành mà còn vượt cả biên giới quốc gia, sang tận Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Việc tìm kiếm hài cốt, khi hội đủ duyên may thì ly kỳ, huyền hoặc như những thiên cổ tích. Song nếu chưa đủ duyên thì khó khăn như tìm bóng câu, tăm cá, khổ chủ sinh ra bất mãn, ngán ngẩm, chán chường. Chính vì thế đã xuất hiện những luồng dư luận trái chiều: người được chứng kiến việc tìm thấy mộ thì hết lời ngợi ca các nhà ngoại cảm, thậm chí còn thần thánh hoá khả năng đặc biệt của họ, người không tìm được mộ người thân hoặc cố tình không tin thì phủ nhận sạch trơn, thậm chí còn riết róng tố cáo họ là những kẻ đại bịp, lừa đảo.

Mong muốn có một cái nhìn chân xác về thế giới huyền bí này, suốt nửa năm trời đằng đẵng, tôi đã theo chân các nhà ngoại cảm lên rừng, xuống biển, đến những vùng thậm xa xôi để chứng kiến, ghi hình, tìm hiểu công việc làm đặc biệt của họ – tìm hài cốt. Tôi cũng đã gặp hàng trăm nhân chứng, hàng chục các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh huyền bí này để thu thập tài liệu, chứng cứ, kiểm chứng. Thiên phóng sự đặc biệt “Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh” là kết quả của những chuyến khoác ba lô vượt rừng, ngược suối ấy. Hàng trăm câu chuyện ly kỳ, huyền hoặc với hàng ngàn tình tiết hấp dẫn, đầy xúc động về chuyện nghề, chuyện đời của các nhà ngoại cảm đã được tôi ghi lại một cách trung thực, sinh động. Khởi đăng thiên phóng sự này, chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp ích phần nào cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến ngoại cảm trong việc vén bức màn bí mật của thế giới tâm linh kỳ bí. Và cũng có thể, sẽ giúp cho hàng ngàn những người mẹ, người vợ liệt sĩ sớm tìm thấy hài cốt của chồng con mình sau mấy chục năm dằng dặc đỏ mắt mỏi mòn ngóng trông.

Bài 1: Hành trình đi tìm gần 500 hài cốt liệt sĩ ở Tây Nguyên

Cuối cùng, chúng tôi cũng có mặt ở K’Nác, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai sau hành trình ngót 2 ngày đêm vượt 1.500 cây số bằng ô tô từ Hà Nội. Tây Nguyên vào tiết thu đẹp nao lòng. Trời ngằn ngặt xanh, mây trắng lốp, nắng vàng rượi, gió mơn man. Xa xa, dòng suối Đắc- lốp, nơi 41 năm trước đã nhuốm đỏ máu liệt sĩ vẫn rì rầm chảy giữa cỏ lau ngút ngàn. Ngọn đồi trước mặt, nơi căn cứ biệt kích của địch chiếm đóng xưa, nay là toà nhà 4 tầng khang trang, trụ sở của lâm trường Kông- Hà – Nừng. Dưới chân đồi, nơi từng diễn ra trận đánh khốc liệt, gần 500 chiến sĩ đã vùi xác, giờ chỗ là ao hồ, chỗ là nhà cửa, chuồng trại. Chao ôi cái sự xoá nhoà khắc nghiệt của thời gian.

Đang miên man nghĩ, bất giác, tôi chợt rùng mình khi nghe nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, người đang chắp tay trước bàn thờ thực hiện cuộc trò chuyện với các vong liệt sĩ từ sáng, quay sang chúng tôi nói, giọng nghèn nghẹn: “Liệt sĩ Ngô Trọng Đãi, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công 409, quân khu 5 khóc ghê quá. Chú ấy bảo: Ngót 40 năm, lâu quá rồi, thời gian đủ để xoá nhoà tất cả, kể cả chúng tôi, những người đã hy sinh vùi xác thân vĩnh viễn nơi này. Chỉ có các bạn là những người còn nhớ đến để đi tìm. Còn những người chúng tôi nằm xuống xanh cỏ để cho họ đỏ ngực, để được thăng quan tiến chức thì có bao giờ họ nghĩ đến chúng tôi đâu. Giá như họ nhớ đến chúng tôi chỉ một chút thôi và sớm hơn một chút thôi thì giờ đây, đâu đến nỗi các bạn phải khổ sở và nhất là chúng tôi, mấy trăm con người phải vùi thịt xương nơi rừng xanh núi đỏ, không một nén hương tàn. Tôi không nỡ bỏ anh em ở lại núi rừng để mà về quê dù rất thương em trai tôi. Các em ở đây chúng còn trẻ quá. Hầu hết mới 18 – 19 tuổi đầu. Tôi phải đưa bằng được họ về với quê. Tôi sẽ chỉ dẫn cho các bạn tìm hài cốt của họ”.

Kỳ 1: Gần trọn một đời tìm anh

Khởi hành gian nan


Nếu không có cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt người anh thân yêu của giám đốc công ty S-fone Phạm Văn Mẫn thì có lẽ mãi mãi, người đời sẽ chẳng biết gì về trận đánh khốc liệt vào trường biệt kích của địch ở K’Nác năm xưa. Và chắc chắn, thịt xương của ngót năm trăm chiến sĩ sẽ vĩnh viễn chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy ao chuôm, chuồng trại, nhà cửa. Bởi lẽ, trong hầu hết các trang sử của những đơn vị bộ đội, chẳng có một dòng ghi chép nào nhắc đến trận đánh K’Nác tối ngày mồng 7 rạng ngày 8 tháng 3 năm 1965 buồn thảm ấy. Bộ đội ta hy sinh quá nhiều. Máu của các chiến sĩ đã nhuốm đỏ dòng suối Đắc – lốp. Xác các anh phơi trắng chân đồi. Theo thượng tướng Nguyễn Nam Khánh thì sở dĩ người ta cố tình quên đi vì sợ bị quy trách nhiệm. Cách hành xử ấy không những có lỗi với các chiến sĩ đã hy sinh mà còn có lỗi với thân nhân các gia đình liệt sĩ vì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho họ trong việc tìm kiếm hài cốt chồng con mình sau này.

Anh Mẫn thắp hương tại đền tưởng niệm các LS ở K’Nack

Trở lại câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ của anh Phạm Văn Mẫn. Mẫn có người anh trai tên Phạm Văn Thành, quê ở Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định, lên đường nhập ngũ năm 1964. Năm ấy, cậu bé Mẫn mới tròn 10 tuổi. Lúc lên xe, anh Thành đã dúi vào tay Mẫn nắm cơm, khẩu phần ăn duy nhất của anh trước lúc lên đường. Thương anh, mắt nhoè lệ, lòng quặn đau như kim châm, dao cứa.

Chiến trường ác liệt. Anh đi biền biệt không về. Chẳng một lá thư, một dòng nhắn gửi. Mẹ đỏ mắt ngóng chờ. Năm 1972, tin sét đánh ngang tai. Anh Thành đã hy sinh. Cả nhà chết lặng.

Hoà bình lập lại. Nhớ thương anh, Mẫn quyết chí đi tìm. Nhưng biết tìm ở đâu? Giấy báo tử chỉ vỏn vẹn ghi: “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Kệ, Mẫn cứ đi. Lúc bắt xe khách, khi cuốc bộ ngược đường Trường Sơn. Cứ thấy nghĩa trang liệt sĩ là anh vào. Lần tìm từng tấm bia trên mộ nhưng cái tên Phạm Văn Thành, quê Nam Định vẫn biệt vô âm tín. Thấm thoắt đã ngót 30 năm. Từ lúc tóc Mẫn còn xanh đến khi điểm bạc mà thông tin về phần mộ người anh vẫn biền biệt phương trời.

Đúng lúc tưởng như vô vọng nhất thì tình cờ anh gặp được đồng chí Trần Văn Thức, đồng đội cũ của anh Thành cùng trực tiếp tham gia trận đánh K’Nak. Anh Thức kể: “Tôi thuộc đơn vị bộ đội chủ lực tham gia hỗ trợ bộ đội Quân khu 5 đánh Trường biệt kích Tây Nguyên. Súng nổ mở màn lúc 23h 30′ thì chừng vài phút sau, tôi bị thương cùng với anh Thành. Nhưng mãi đến sáng mới được đưa ra Trạm xá Trung phẫu, cách K’Nác khoảng 8 -10 km. Tại đây, tôi có nhìn thấy dân công hoả tuyến đưa đồng chí Thành đi mai táng cạnh trạm Trung phẫu. Vị trí chôn cất thì không rõ lắm vì lúc đó tôi bị thương nặng, lúc tỉnh, lúc mê”. Thông tin ấy khiến cho anh Mẫn khấp khởi hy vọng và càng quyết chí đi tìm anh.

Từ đồng chí Thức, anh Mẫn đã gặp gỡ được nhiều nhân chứng vốn từng tham gia trận đánh K’Nak xưa. Gặp đồng chí Trần Duy Trung thuộc Trung đoàn 95 A, sư đoàn 325 bộ đội chủ lực, nay đang ở Xuân Trường, Nam Định. Gặp Trung tá Trần Tấn Ước, nguyên chính trị viên phó tiểu đoàn 409, hiện ở thị trấn Bình Sơn, Bình Định. Gặp trung tá, anh hùng Nguyên Ngọc Bình nguyên là đại đội trưởng đại đội 1 của tiểu đoàn 409, người được phong anh hùng trong trận đánh K’Nak. Gặp trung tá Nguyễn Văn ẩm, nguyên chính trị viên phó tiểu đoàn, phụ trách việc chôn cất các liệt sĩ cùng một số nhân chứng khác. Cả một trận đánh khốc liệt năm xưa chợt hiện về qua hồi ức của những người một thời vào sinh ra tử ấy.

Vén bức màn bí mật về trận đánh khốc liệt K’Nak

Căn cứ biệt kích K’Nak nằm trên 3 quả đồi chạy dọc Bắc Nam, có nhiều lợi thế quân sự. Nơi đây đồi núi lô nhô, thuận lợi cho việc xây dựng phòng thủ và bố trí binh lực, hoả lực, xuất phát tiến công. Lại có nhiều thung lũng sình lầy, có sông Ba và khe suối bao bọc, cản trở khi bị đối phương tiến công. Mỹ nguỵ đã xây dựng ở đây một cụm cứ điểm bao gồm đồn luỹ bảo vệ, sân bay dã chiến và trại pháo nhằm chặn cắt đường giao liên giữa Bình Định và Gia Lai. Quân ta đã nhiều lần tập kích căn cứ này nhưng đều không thành công. Mùa xuân năm 1963, Đảng uỷ, Bộ tư lệnh quân khu 5 và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng trên quy mô lớn tấn công căn cứ này. Lực lượng ta gấp 3 số lượng địch, gồm: Tiểu đoàn đặc công 409 quân khu 5, một đơn vị đặc công của tỉnh Bình Định, trung đoàn số 10 và Bộ phận chỉ huy tiền phương quân khu 5. Tổng quân số lên tới gần 750 người.

14h ngày 7 tháng 3 năm 1965, bộ đội ta xuất quân từ Kông-Hà-Nừng, cách K’Nak hơn 20 km. 18h, cách suối khô 500m. 19h, bắt đầu tiếp cận. Đến 23h, quân ta đã chiếm lĩnh xong các vị trí quy định. Theo kế hoạch, đặc công mở cửa diệt các vị trí trọng yếu. Sau đó, bộ binh dùng xung lực mạnh giảI quyết trận địa. Song do quá trình trinh sát địa hình chuẩn bị trận đánh trước đó một tháng đã để lộ dấu vết nên địch biết trước kế hoạch tấn công của ta. 23h 30′, bộ đội ta vấp phải mìn nổ, mìn sáng. Địch lập tức nổ súng trùm lên toàn bộ đội hình của ta. Pháo sáng chúng bắn sáng rực như ban ngày. Ta tiến công cưỡng hành. Bộ đội ta chiến đấu cực kỳ dũng cảm, đã đánh chiếm được điểm cao phía Bắc và phía Nam nhưng hướng chủ yếu ở giữa chỉ chiếm được “đầu cầu”. Lô cốt cố thủ của địch bắn chặn quyết liệt. Đến 0h 30′ ngày 8 tháng 3, quân ta thương vong gần hết. Xác của các chiến sĩ nằm la liệt trắng cả ven suối và chân đồi K’Nak. Lực lượng còn lại buộc phải rút lui. Địch vẫn bắn truy kích dữ dội. Gần 500 thương binh và tử sĩ của ta không mang theo được. Một phần địch gom lại, đổ xăng đốt. Số còn lại, dùng xe ủi đào từng hố hất các liệt sĩ xuống rồi san phẳng.

Đồng chí Nguyễn Văn ẩm, chính trị viên phó Tiểu đoàn 409, phụ trách công tác thương binh ở trạm trung phẫu (cách vị trí địch khoảng 8km) cho đào sẵn 50 huyệt mai táng. Mỗi hàng 10 huyệt, cách nhau 60 – 80cm nhưng duy nhất chỉ mai táng được 8 đồng chí, trong đó có tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi và liệt sĩ Phạm Văn Thành. 8 đồng chí này bị thương ngay từ đầu trận đánh nên mới đưa ra được phía sau. Lực lượng cứu thương và dân công hoả tuyến (đều là người dân tộc) cũng hy sinh hết cả nên không còn người cấp cứu và tải thương ra cứ được. Nếu tính cả lực lượng này, hơn 1.000 người đã để lại xương thịt ở trận địa K’Nak.

Cuộc điện đàm… huyền hoặc

Chuyện tìm hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Thành giờ tưởng chừng dễ dàng như trong lòng bàn tay. Nhưng khi đưa các nhân chứng vào K’Nak, anh Mẫn đã bật khóc nức nở. Ngót 37 năm trời dằng dặc, cảnh vật thay đổi quá nhiều. Trạm trung phẫu trước kia có 4 cây đa cổ thụ to lắm, che chắn cho trạm xá, nay chỉ còn một cây. Suối Đắc-lốp giờ đã ngăn dòng làm đập thuỷ điện. Đồng đội cũ của anh Thành giờ đều tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút nên việc xác định vị trí ngôi mộ rất khó khăn. Nhiều lần, anh Mẫn phải cầu viện đến các nhà ngoại cảm. 9 nhà ngoại cảm nổi tiếng từ Bắc chí Nam anh đều đã vời vào nhưng không hiểu sao, người ra đến sân bay thì cáo ốm xin về, người bước đến cửa rừng thì kêu: “khu rừng này thiêng lắm, sợ lắm, không tìm được đâu” rồi hớt hải bỏ về. Có nhà ngoại cảm vừa đào đào bới bới bỗng lăn đùng ra đất, tay ôm chặt đầu lăn lộn, miệng kêu gào: “Ôi! đau đầu quá! Đau quá”. Lần cuối cùng, ngày 26 tháng 12 năm 2001, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy cùng anh Mẫn đi Tây Nguyên. Trước khi đi, nhà ngoại cảm bằng khả năng đặc biệt đã cung cấp những thông tin ban đầu khá chính xác:

-           Nơi liệt sĩ Thành nằm còn có 7 người nữa.

-           Khu mộ cách con suối từ 20 – 50m, có nhiều bụi rậm, trong đó có một cây cụt.

-           Anh Thành nằm hàng thứ 2, ngôi thứ 2 từ phải qua trái. Ngôi đầu, hàng đầu là một người chỉ huy.

Nhưng vào làm việc tại thực địa, nhà ngoại cảm cho khai quật một số điểm đều không thấy. Tranh luận nổ ra. Một số người trong đoàn giảm niềm tin và chán nản. Lúc đó, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy mới gọi điện thoại di động trao đổi với thiếu tướng Nguyễn Chu Phác – chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người), rồi chuyển điện thoại cho anh Mẫn trực tiếp nói chuyện. Từ Hà Nội, thiếu tướng Chu Phác hỏi: “ở đấy ai là Thành?”. Anh Mẫn đáp: “Thưa chú! Thành là anh ruột cháu. Anh ấy là liệt sĩ. Chúng cháu đang tìm nhưng không thấy”. Thiếu tướng lại hỏi: “ở đấy có ông chỉ huy tên Ngô Trọng Đãi đeo súng ngắn hy sinh không?”. “Thưa chú! Chú Ngô Trọng Đãi là tiểu đoàn trưởng, hy sinh cùng anh cháu”. Thiếu tướng bảo: “Ông ấy đeo súng lục, tay cầm cái gậy, đuổi các cậu về và nói: ở đây có hàng trăm liệt sĩ, chúng nó không tìm mà chỉ nhăm nhăm đi tìm một người là Thành – anh nó thì không cho tìm”. Thiếu tướng trùng giọng: “Thôi! Các cậu về đi. Về ngay để nghiên cứu, tổ chức lại cuộc tìm mộ này”.

Ngày 20 tháng 2 năm 2002, anh Phạm Văn Mẫn đã làm một lá đơn gửi Bộ môn cận tâm lý và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người nhờ giúp đỡ tìm mộ anh trai và đồng đội ở K’Nak. Hơn một tháng sau, Bộ môn đã cử một đoàn công tác đặc biệt gồm 3 nhà ngoại cảm nổi tiếng: Phan Thị Bích Hằng, Thẩm Thuý Hoàn, Nguyễn Khắc Bảy do Đại tá Hàn Thuỵ Vũ phụ trách trở lại Tây Nguyên. Anh Phạm Văn Mẫn đã trực tiếp mời Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Phó tư lệnh quân khu 5 cùng nhiều nhân chứng khác tham gia đoàn. Trước khi lên đường trở lại chiến trường xưa, Đoàn và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, bằng khả năng đặc biệt đã mời vong linh liệt sĩ Ngô Trọng Đãi, tiểu đoàn trưởng và vong linh liệt sĩ Phạm Văn Thành về nhà riêng ở Khu tập thể Kim Liên để xin ý kiến. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ trong bảng lảng hương khói và nước mắt với rất nhiều thông tin của liệt sĩ Ngô Trọng Đãi đã mở ra hướng đi mới cho việc tìm mộ tập thể liệt sĩ ở Tây Nguyên.

Thiên phóng sự đặc sắc của Hoàng Anh Sướng

Source: Phatgiaovnn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage