Phật Học Online

Chuông ngân trong miền ký ức

      Đêm khuya. Trăng rằm vành vạnh như chiếc đĩa vàng treo lơ lửng giữa không trung. Không gian mờ ảo một màu nhàn nhạt, huyền bí. 

     Gió nhè nhẹ, mơm man, len lỏi vào căn phòng của tôi - căn phòng của một khách sạn xếp vào hàng năm ba sao gì đó. Tôi không cần biết. Tôi bật đứng dậy bước đến cửa sổ. Tôi lắng nghe. Tôi nghe rất rõ. Như đâu đây, từng khúc nhạc thì thầm, vi vu vẳng lên giữa trời đêm. Trời và đêm ở Sài Gòn không gì khác so với nông thôn. 

1 chuong.jpg
Ảnh minh họa

    Sương vẫn rơi, chúng vẫn đọng lại lấp lánh trên cành lá, cỏ cây. Để rồi chẳng bao lâu, những hạt sương ấy đã vùi mình lăn xuống đất. Trong chốn xa lạ của màn đêm, tôi vừa ngắm cảnh, vừa băn khoăn về công việc ngày mai của mình. Tôi rất muốn làm một điều gì đó, dù chỉ là một phần nhỏ nhưng để chia sẻ với trẻ khuyết tật.

   Mờ mờ sáng, tôi gặp các em tại chùa Thiện Hiếu. Chùa lặng lẽ và khang trang, nằm ở ngoại ô thành phố. Lối ra vào cổng chùa hoa dại chen chúc nhau tỏa hương. Vừa đặt chân đến chùa, tôi đã tận hưởng ngay một bầu không khí yên bình, dễ chịu. Các em chạy đến cầm tay tôi  mừng rỡ. Nhìn các em vui mừng, tôi quên ngay cảm giác mệt nhọc của người phương xa đến. Niềm vui chen lẫn nỗi xót xa, cả hai hòa quyện vào nhau, dâng trào lên trong tôi. Các em ngây thơ và đáng yêu quá. Không một em nào ngại ngùng, e ấp khi đối diện với tôi. Một vài em đang đứng ở xa, chúng còn tiến đến cầm tay tôi, cười nói tíu tít. Tôi lẩn thẩn bước theo các em, như đi theo một mệnh lệnh. Các em vẫn cầm tay tôi, bẩy từng lóng. Bàn tay tôi, lóng tay nào cũng được các em lắc lư, kêu côm cốp. Chúng còn hộ tống tôi đi theo hướng một căn phòng nằm phía trước. Đám trẻ khác đang đứng trông chờ từ phía căn phòng. Chúng cũng chạy lăng xăng lại, vây lấy tôi như đang gặp người thân.

   Dừng chân ở căn phòng thoáng đãng, từ thái độ tự nhiên, tôi đưa mắt nhìn một lượt khắp nơi. Bỗng dưng, một cái gì đó vừa ngột ngạt vừa nặng trĩu bao trùm xuống tôi. Tôi thoáng ngộp, choáng váng. Tôi không thể tin, khi nhìn xuyên qua những khung giường sắt, nơi đó là những đứa trẻ dị dạng. Cho nên tôi phải cúi mặt xuống trần nhà, giữ cho tâm trạng bình thản. Nhưng khi ngẩng đầu lên, sư trụ trì đã đứng bên cạnh tôi. Đám trẻ tản mác dần dần khỏi nơi tôi đứng. Sư cô còn trẻ quá so với suy nghĩ của tôi. Cao lắm, bà khoảng bốn mươi tuổi. Nhìn tôi, bà mỉm cười, nhưng giọng nói lại trầm ngâm, buồn buồn. Sư đã ân cần giới thiệu với tôi về các em. 

    Dù sống chung, nhưng ở đây, mỗi em đều có một hoàn cảnh và một số phận khác nhau. Đứa câm điếc. Đứa không có khả năng hiểu biết. Đứa bại liệt cả chân lẫn tay… Nhưng, đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn và rất chăm chỉ. Tôi rất buồn, đứng bất động khá lâu, nghe Sư cô kể về thân phận các em. Không chút đắn đo, như nguyện vọng từ trước, tôi xin Sư cô được ở lại góp phần công sức nhỏ nhoi của mình để chăm sóc các em. Sư khá bất ngờ, tươi cười trước thiện chí của tôi và nhận lời.

   Tôi được phân công chăm sóc trẻ em ở phòng đặc biệt nên rất hồi hộp. Nhưng vừa đặt chân vào phòng, tôi thay đổi ngay tâm trạng. Căn phòng rất ngăn nắp, gọn gàng, chiếc bàn kê ngay cửa bước vào còn có một bình hoa dại. Một cô bé rất xinh nhìn tôi với ánh mắt sợ sệt. Bất chợt, ký ức tôi hiện ra một đứa trẻ ngày xưa - một đứa trẻ sống mãi với ký ức tuổi thơ của tôi. Em nhìn tôi một cách chăm chú. Như một luồng cảm xúc dồn nén từ lâu, nó chất chứa đến lúc tuôn trào, bộc phát. Tôi tiến thẳng đến gần con bé. Tôi choàng tay ôm chầm lấy em, kêu lên:

    - Anh Thư đã lớn quá rồi!

   Con bé rùng người. Sư cô bước vào nhìn tôi mỉm cười:

   - Con bé này đáng thương lắm. Ngày xưa mới vào đây, tôi tưởng vô phương cứu chữa! Nhưng sau này, nhờ được sống trong tình thương yêu của nhiều người, con bé mới dần dần hồi phục được chức năng hiểu biết.

   Con bé đó vẫn ngồi yên một chỗ. Nhìn con bé, tôi không thể cho mình nhầm lẫn. Đôi mắt, cánh mũi, khóe miệng, đôi lông mày… tất cả như in của Anh Thư ngày trước. Tôi quay sang Sư cô thắc mắc:

    - Ba mẹ cháu này có thường xuyên đến đây không thầy?

    Sư lắc đầu, thở dài:

   - Các cháu sống ở đây chủ yếu là nhờ vào những người thiện nguyện.

    Tôi bần thần ngồi xuống cạnh em. Hồi đó, cha tôi qua đời do một trận lũ. Gánh nặng gia đình, mỗi mình mẹ tôi cam chịu. Mẹ tôi tảo tần sớm hôm, năm anh em tôi vẫn đói ngày khát đêm. Nhà lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau. Tôi, đứa con gái mười bốn tuổi, không biết làm gì để giúp mẹ, nuôi em. Một hôm ra chợ, tôi lượm mót trái cây vứt bỏ sau các buổi chợ trưa. Tôi nghe lời mấy bà buôn trái cây cứ bàn tán xôn xao chuyện ở thành phố. Họ bảo ở thành phố dễ sống, kiếm tiền dễ ợt. Nghe loáng thoáng như vậy, tôi về nhà nằm nghĩ ngợi. Sau một đêm, tôi âm thầm nuôi giấc mơ phải từ bỏ căn nhà nghèo nàn này. Thế là một tháng sau, tôi có mặt ở thành phố.

    Đời đôi lúc đói quá, con người ta hay làm liều. Tôi cũng vậy. Cả ngày ở bến xe, tôi không có một đồng. Tôi bấm chuông một ngôi biệt thự để xin tiền. Cánh cửa bật ra, đối diện tôi một phụ nữ đẹp. Bà đẹp như mẹ tôi vậy. Có điều, bà rất sang trọng theo kiểu của những người giàu có. Thế là, cuộc đời tôi đã đổi thay từ khi gặp bà. Tôi được bà nhận vào giúp việc nhà. Công việc chẳng có gì nặng nhọc, ngoài việc chuyện trò chăm nom con bé dị tật khoảng năm bảy tuổi.

   Một buổi chiều, khách khứa đến đầy nhà. Họ ăn uống chuyện trò inh ỏi. Tôi và con bé lẩn tránh trong phòng riêng của bà chủ. Con bé có vẻ ham vui. Nó cứ nằng nặc đòi ra xem người ta. Tôi vừa hớ hênh, nó đã lết phong phóc ra bàn tiệc, lẽo đẽo theo ông chủ. Tôi chạy ra bế, nó khóc thét lên. Mỗi lần như vậy, ông chủ ngó nghiêng ngó ngửa tôi. Tôi hoảng hồn chạy đi tìm bà chủ. Bà chủ phớt lờ:

    - Nó mến cha. Con cứ mặc kệ nó.

    Thế nhưng, bàn tiệc vừa tàn, khách ra về chưa khỏi cửa, ông chủ hò hét, gầm gừ oang oang khắp nhà:

   - Tôi đã nói nhiều lần rồi, phải nhốt nó vào phòng mỗi khi có khách đến.

    Bà chủ đứng lặng im, nước mắt chứa chan. Tôi không dám nhúc nhích. Con bé vẫn lết tới lết lui dưới sàn nhà. Nhìn con bé, ông chủ lồng lộn, đập phá. Bà chủ nài nỉ đến đâu, ông chủ đập phá đồ đạc đến đó. Con bé đứng trặc trờ trặc trẹo trên đôi chân cong queo, mắt lấm lét nhìn cha mẹ, mếu máo. Ông vẫn cứ hằn học với bà vợ. Con bé ngẩng mặt nhìn cha, ngơ ngác. Ông chủ quay sang con bé như nổi điên. Ông vồ lấy con bé như con hổ vồ mồi. Ông gào to:

   -  Tao nhục nhã vì mày. Sao mày không đi cho tao nhờ?

   Con bé thét lên một tiếng thất thanh, rồi nằm quằn quại dưới gạch. Tôi như chết điếng. Tôi co chân lao ra khỏi nhà. Tiếng than khóc của bà chủ như còn vang lên phía sau.

   Để rồi hôm từ hôm đó, tôi đã từ giã bà chủ, từ giã căn nhà ấy. Tôi chưa biết số phận mình sẽ về đâu cũng như con bé đáng thương ấy sẽ như thế nào.

    Không ngờ cuộc đời trôi nổi, tôi giúp việc hết nhà này rồi đến nhà khác. Tâm trí tôi luôn khao khát được làm một việc gì đó cho trẻ khuyết tật. Không ngờ, tại ngôi chùa nuôi nấng trẻ khuyết tật,nơi tôi tìm đến, tôi lại gặp em. Cúi đầu nhìn con bé một lần nữa, trong tiếng lao nhao của những đứa trẻ khuyết tật khác, tôi ngậm ngùi. Càng nhìn, tôi càng xót xa và tội nghiệp em. Ai bắt em phải khổ sở vậy? Ai đã gieo cho em quá nhiều thiệt thòi và mất mát đến thế này? Còn người thân của em đâu? Sao họ lại nỡ nhẫn tâm với em, dù một lần đến thăm con cũng chưa có. 

   Tôi thấy tim mình tê buốt, nhói đau. Hình ảnh bà chủ ngày xưa cũng hiện ra trong tâm trí tôi, xinh đẹp và nhân hậu. Tôi lại nhìn em. Em cũng thế, em đẹp như mẹ. Ngoài nét mặt u buồn của em, tôi không thấy chút gì gọi là biểu hiện của người tật nguyền. Em vẫn ngồi cười hồn nhiên. Ngồi cạnh em, tôi nghe như có tiếng chuông ngân từ miền ký ức, nơi đó có tôi và em. Tôi mong được sống mãi cùng em ở ngôi chùa từ bi rộng mở này.

Truyện ngắn Huỳnh Mẫn Chi

Nguồn: Giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage