Phật Học Online

Bí ẩn đầm sen trắng ở ngôi chùa mang tên Sư Nữ

Đối với những phật tử và người dân sống xung quanh đầm sen trắng trước cửa chùa Sư Nữ (hay còn tên gọi khác là chùa Cần Linh) nằm ở phía Tây Nam TP. Vinh (Nghệ An), luôn chứa những bí ẩn tâm linh, khó lý giải. Đã hơn 10 năm kể từ ngày khai hoang, gieo giống, đầm sen này đã khiến cho người dân ngạc nhiên về những sự lạ chưa từng gặp.


Kỳ lạ sen trắng có khởi nguồn từ sắc hồng

Tương truyền, chùa Sư Nữ là cổ tự nổi tiếng bậc nhất xứ Nghệ với hơn 1.000 năm tuổi được xây dựng vào thời tiền Lê (năm 886), có tên là Linh Vân Tự. Hiện nay, người ta biết đến ngôi chùa với cái tên gọi vừa mộc mạc vừa lạ: Chùa Sư Nữ, bởi điểm tạo nên nét khác biệt của ngôi chùa so với những nơi khác là các vị sư trụ trì từ trước đến nay đều là ni sư.

Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn, trụ trì chùa Cần Linh đang chia sẻ với PV.
Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn, trụ trì chùa Cần Linh đang chia sẻ với PV.

Sự linh thiêng của ngôi chùa đã kéo bước chân người trong Nam ngoài Bắc tìm về tịnh tâm và thưởng ngoạn. Những ai bước chân trên con đường tĩnh lặng dẫn vào chùa, đều không quên đưa mắt sang đầm sen bên cạnh, dẫu mùa hoa nở hay đã tàn.

Được thiết kế rộng rãi, thoáng, uốn mình ôm trọn khuôn viên chùa, những đầm sen trắng xanh mát, tỏa hương thơm ngan ngát. Không ít người, thường xuyên ghé chùa rỉ tai nhau, sen trắng Cần Linh có tuổi thọ kéo dài hơn tuổi sen vốn có. Khi trời đã dịch chuyển về cuối hạ, các đầm ao sen bên ngoài đã phai màu kết hạt, nhưng sen chùa vẫn chúm chím tinh nguyên, với những búp trắng xanh to e ấp. Dường như có sự thoát tục kỳ diệu giữa đầm sen mênh mang nơi vườn chùa, với dòng đời hối hả ngược xuôi bên đường.

Theo hồi ức của nhiều phật tử gắn bó với chùa, cách đây khoảng hơn chục năm, đầm sen ngày ấy, là một bãi cỏ lác dày rậm, cao lổm ngổm. Sự rậm rịt của nó bao trùm lên toàn bộ cảnh chùa một nỗi u mịch. Muốn tìm một sự thoáng đãng cho chùa cũng như trong lòng người đến vãn cảnh, sư cụ Diệu Nhẫn đã quyết định cải tạo hoàn toàn cảnh quan xung quanh chùa, với tâm nguyện mang lại một bộ mặt mới cho ngôi cổ tự vốn đã linh thiêng này.

Đầm sen do chính tay các sư nữ của chùa Sư Nữ kiến tạo, thay đất, thay nước và thả những cây sen đầu tiên. Vì sao chỉ có độc một loài sen trắng trường tồn được ở đây (dù ngày đầu gây giống sen, giống sen rất đa dạng - không chỉ có sen trắng mà cả sen hồng) thì hiện vẫn là một ẩn số. Xác nhận điều này, những người dân ở gần chùa cho biết, sáng nào họ cũng đi bộ tập thể dục qua đầm sen và trực tiếp chứng kiến sự thay đổi kỳ lạ này. Có thời điểm, tại đầm xuất hiện những búp sen hồng rực nhưng sau đó tuyệt nhiên không thấy nữa, những cánh hồng đều dần  chuyển màu trắng xanh.

Sen tàn cúc lại nở hoa, ấy vậy mà, khi những bông cúc lúm chúm nở vàng trong tiết gió se se lạnh, sen ở chùa Sư Nữ vẫn căng mình vươn vai  phủ kín khắp mặt đầm. Xen giữa màu xanh đầy nhựa sống của lá là những bông sen trắng muốt tinh khôi. Đứng trước sự lạ ấy, không ít người đến dâng hương, vãn cảnh chùa chỉ biết cúi đầu, chắp tay cung kính.

Bức ảnh đầm sen trước cổng chùa đã theo chân sư Diệu Nhẫn đi khắp thế giới.
Bức ảnh đầm sen trước cổng chùa đã theo chân sư Diệu Nhẫn đi khắp thế giới.

Biểu tượng cho sự thanh khiết

Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn, trụ trì chùa Sư Nữ chính là người phát tâm kiến tạo đầm sen trước cửa chùa. Khi gợi câu chuyện về loài  sen lạ này, chúng tôi thấy ở người tu hành đó, đôi mắt sáng rực, sự hào hứng trong cách chia sẻ. Sư Diệu Nhẫn kể, vùng đất trồng sen bây giờ vốn là đất dân bỏ hoang, cỏ cây, bèo tây, rồi cỏ lác mọc lên bạt ngàn, che khuất tầm nhìn của chùa.

Từ khi bước chân vào chốn tu hành, chiều chiều quét rác cổng chùa, sư Diệu Nhẫn chống cằm lên cán chổi nhìn ra xa với ước muốn được biến mảnh đất hoang thành hồ sen. Nhưng vì điều kiện lúc đó còn khó khăn nên chưa thực hiện được. Năm 2000, chỉ sau một năm lên trụ trì chùa Cần Linh, sư Diệu Nhẫn đã bắt tay thực hiện tâm nguyện bấy lâu, bằng cách mượn đất của dân để cải tạo trồng sen.

Toàn bộ diện tích đất hoang ấy được nhà chùa làm sạch, vén cỏ lác, bèo tây về một nơi rồi đào sâu hàng mét đất, chọn lớp đất màu phơi khô, xới tơi, cải tạo. Sau đó mới thả nước sạch và cấy giống sen vào hồ. Tuy sống thích ứng trong bùn, nhưng sen lại là giống rất kỵ bẩn, nhà chùa phải thường xuyên chèo thuyền đi vớt rác trong đầm. Thân sen vươn mình mạnh mẽ, cứng cáp với những tán lá xèo ra căng dầy, hoa sen có bông lớn hơn bên ngoài, khiến người ngắm cảm nhận một nội lực mạnh mẽ từ trong loài cây vốn dĩ yếu mềm này.

Chia sẻ về tâm nguyện màu hoa, vị trụ trì này cho hay: “Sen trắng là đóa hoa của Phật, là biểu tượng của đức hạnh và linh hồn của lòng từ bi thanh tịnh. Nhụy hoa vừa ra bông đã có đài sen để kết hạt, thể hiện giáo lý nhân quả của nhà Phật. Bông sen trong trắng, hương sen mang lại vượng khí đặc biệt tốt cho sức khỏe con người. Khi tất cả đang còn bận rộn cảnh trần gian thì mỗi lần đến vãn cảnh chùa, dừng chân trước vườn sen sẽ được hưởng phước của Tam bảo, tâm không còn phiền não, tính không còn tham sân si mà quay đầu hướng thiện”.

Ở  chùa Sư Nữ không chỉ hoa sen nở 2 mùa trong năm, mà hoa mai, hoa lộc vừng đều tự tin khoe sắc ngay cả thời điểm trái mùa. Đối với loài hoa của Phật, sư Diệu Nhẫn cười hiền hậu cho biết: “Đầm sen Cần Linh trước đây, năm nào cũng hai lần ra hoa, sau này vì lo nở quanh năm khi đến mùa chính là mùa Phật đản và sinh nhật Bác thì hoa kém đẹp nên tôi phải phanh lại, còn bí quyết hãm hoa như thế nào, tôi xin được giữ bí mật không tiện chia sẻ”.

Trước hiện tượng đầm sen kỳ lạ tại chùa Cần Linh, các giáo sư Trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra phán đoán về mặt khoa học. Việc sen chỉ ra hoa màu trắng, rất có thể là do sự cạnh tranh sinh học tại đầm, trong đó sen trắng đã là một quần thể lớn, có sức sinh trưởng mạnh hơn, hoàn toàn lấn át không cho các giống sen khác lạc vào.

Đi tìm lời giải cho hiện tượng sen nở hai mùa một năm, các giáo sư đã tạm đưa ra một hướng phán đoán: Có thể, tại đầm sen chùa Sư Nữ đang tồn tại hai giống sen khác nhau, mọc ở hai lứa khác nhau và cùng dạng hoa trắng nhưng nở lệch nhau, dẫn đến hiện tượng sen nở hai mùa một năm như người dân phản ánh. Tuy nhiên, để đưa ra câu trả lời chính xác nhất về đầm sen trắng kỳ lạ trên cần phải tiến hành nghiên cứu thêm. Có thể nói, đầm sen trắng nở tinh khiết trước cổng chùa là một niềm tự hào của những người khởi tạo nên nó, tự khi nào đó đã là bản sắc riêng của chùa Sư Nữ.

Hình ảnh đầm sen tuyệt đẹp đã theo chân vị ni sư trụ trì đi khắp nơi trên thế giới, như một biểu tượng thanh khiết của tâm hồn ở một nước Việt yêu chuộng hòa bình. Tất tả sau một ngày tác nghiệp, bước chân có phần chùng lại giữa những mệt mỏi của đời thường, tôi cùng một đồng nghiệp tìm về ghé mình bên đầm sen trắng Cần Linh, hít lấy những tinh khí của đất trời ướp mùi sen phảng trong gió nhẹ, lắng nghe tiếng chuông chùa, cảm nhận một sự tươi mới, thanh thản tự tâm hồn mình.

Thảnh thơi cùng sắc trắng thanh tao toả hương theo gió

Với một màu trắng nõn nà, hương thanh đạm hòa lẫn trong gió, khiến bước người tu hành hay phật tử về chùa Sư Nữ, trước khi vào nương náu nơi cửa Phật cũng phải dừng bước, chắp tay cúi đầu chiêm bái trước đầm sen thiêng…Hoa sen ở chùa Sư Nữ nổi tiếng có búp to, màu trắng nõn pha sắc xanh, hương thơm tỏa lẫn vào gió mang đến cho người mệt mỏi sự sảng khoái, thanh tịnh lạ thường. Hoa ở chùa không ai đưa đi mua bán ngoài chợ, mà chỉ dùng vào những việc dâng kính, trang trọng. Đến nay, nhiều người xứ Nghệ chưa hẳn đã biết, đầm này là nơi cung cấp hoa sen duy nhất cho khu tưởng niệm Bác Hồ ở quê nhà.

Theo Loan Nguyễn
Người Đưa Tin


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage