Phật Học Online

Phật là ai? Đạo Phật là gì?

Phật là ai? Đạo Phật là gì? Nếu không tìm hiểu những khái niệm này một cách thật thấu đáo thì e rằng sẽ có một số người cho rằng Đạo Phật là quá xa vời mà sanh tâm không muốn tiếp cận.

2009-04-phat1_430608986.jpg

Trước hết, chúng ta cần phải nhận thấy rằng, trước khi thành Phật, Đức Phật là một danh nhân có thật trong lịch sử, sinh ra tại Ấn Độ vào năm 624 trước Tây Lịch và đã tu hành thành Phật, chứ không phải là một sự hư cấu hay truyền thuyết. Ngài chính là Thái tử Tất Đạt Đa, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Ya, là một người con mà vua cha rất kỳ vọng sau này sẽ nối ngôi.

Thuở thiếu thời, Thái tử tỏ ra rất thông minh và tài giỏi hầu như trên mọi lĩnh vực, văn võ song toàn. Nhưng đặc biệt hơn hết là Ngài có một tấm lòng từ bi cao độ. Mỗi lần nhìn thấy chúng sanh bị nạn, Ngài rất thương xót và tìm mọi cách cứu giúp.

Một lần nọ, trong dịp tham gia lễ hạ điền (Lễ cày ruộng đầu năm) cùng vua cha, lúc nắng nóng, Thái tử tìm đến bên bóng mát gốc cây ngồi xếp bằng tĩnh lặng như những vị tu sĩ và cảm thấy tâm hồn thật thư thái. Ngài lớn lên trong cung vàng điện ngọc và người hầu kẻ hạ không thiếu gì, chỉ cần đến ngày là lên ngai vàng làm vua.

Nhưng một ngày kia, khi ra ngoài cửa thành dạo chơi cùng với cận vệ, Thái tử gặp phải những cảnh tượng đau khổ của Già, Bệnh, Chết đã làm cho Thái tử phải thức tỉnh. Chẳng lẽ ai rồi cũng có một kết cục bi thảm thế này sao? Lần dạo chơi thứ tư, Thái tử gặp một vị tu sĩ đang ngồi an nhiên tĩnh toạ trông rất an lạc.

Và thế rồi, một đêm khuya, Thái tử đã quyết định từ bỏ mọi giàu sang phú quý, cung vàng điện ngọc để ra đi xuất gia cầu đạo và quyết tâm đi tìm con đường giải thoát ra khỏi sanh tử.

Với sự thông minh nhanh trí của mình, tất cả mọi pháp môn tu hành của các đạo tại Ấn Độ thời đó chẳng bao lâu Ngài đều thực hành đến chỗ thông suốt nhưng chưa có một đạo nào mà có thể giải quyết được nỗi trăn trở của Ngài là thoát sanh liễu tử.

Sau đó, Ngài vào rừng tu khổ hạnh sáu năm chỉ còn lại da bọc xương nhưng cũng vẫn không tìm được gì mới hơn. Cuối cùng, trên Con Đường Trung Đạo, nhớ lại những phút giây tĩnh lặng của nội tâm dưới gốc cây trong lễ hạ điền ngày nọ, Ngài liền đến dưới cội Bồ-Đề phát đại thệ nguyện. Dù cho thân tan thịt nát nếu không thấy Đạo quyết không rời bỏ nơi này.

Trải qua 49 ngày đêm thiền định và quán thật tướng các pháp, hàng phục ma quân, cho đến một hôm khi sao mai vừa mọc, Ngài đã viên mãn thành Phật và hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Chứng được Tam minh, Lục thông: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông: Nghĩa là có thể thấy, nghe và thấu hiểu tất cả những tâm niệm của mọi loài chúng sinh mà không cần phải đi đến chỗ đó; Thần túc thông, Túc mạng thông : Tức là có đầy đủ thần thông tự tại và nhìn thấu suốt tất cả các kiếp về trước của mình. Nhưng cao tột nhất vẫn là Ngài đã chứng được Lậu tận thông, tức là vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi. Lúc đó, Ngài đã thốt lên rằng: “Lạ thay, tất cả mọi chúng sanh đều có Đức tướng, Trí tuệ Như Lai nhưng vì vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc”.

Với lời thỉnh cầu của Chư Thiên, Ngài đã chuyển pháp luân và thế là Đạo Phật đã ra đời từ đó. Ngài chỉ dạy cho chúng sanh con đường tu hành để khôi phục lại tự tánh, Phật tánh vốn có của mình và cũng sẽ thành Phật. Trải qua 49 năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng Đức Phật đã nhập Niết-bàn ở tuổi 80 và đã để lại cho thế gian, nhân loại một kho báu Pháp Bảo vô cùng thậm thâm vi diệu.          

Vậy Phật là gì? Cho đến nay có rất nhiều cách hiểu về Phật như: Phật là Giác ngộ, là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Phật là Từ Bi Hỷ Xả, là bậc có Đại Trí Tuệ thấu biết tất cả sự vật hiện tượng theo đúng lẽ thật của nó. Là bậc đã giải thoát hoàn toàn ra khỏi sanh tử. Là Thầy của trời người. Là Cha lành của ba cõi, bốn loài. Tuy nhiên, với những người mới học Phật, trước tiên chúng ta chỉ cần nghĩ đến một ý nghĩa tuy thật đơn giản, dễ hiểu nhưng lại rất thiết thực. Đó là: Phật có nghĩa là Tỉnh Thức, Đạo Phật là Đạo Tỉnh thức và Phật có nghĩa là Người Tỉnh Thức. Tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là Budh, Người Tỉnh Thức là Buddha. Cách nói này, cùng cách xưng hô này của mọi người thời bấy giờ cũng đã được Đức Phật hoan hỷ chấp nhận ngay từ ngày đầu tiên sau khi thành Đạo.

Vậy Tỉnh Thức là gì? Đó chính là sự Thức Tỉnh lại toàn bộ thân tâm mình và từ đó tu sửa lại sao cho hợp với đạo lý rồi giác ngộ giải thoát. Trước đây ta làm việc gì (Thân), nói việc gì (Khẩu) và nghĩ việc gì (Ý) thì hầu hết đều làm theo quán tính, cảm tính và tập khí. Vô tình những hành động, lời nói hay ý nghĩ của ta đã để lại cho chính mình, mọi người và cả pháp giới chúng sanh những nỗi buồn và khổ đau khôn lường.   


http://www.phattuvietnam.net

Trích từ sách: Khuyên người học Phật


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage