Phật Học Online

Hai mặt của hiện thực
Ajahn Chah

       Trong cuộc sống chúng ta có hai khả năng: hoặc là chìm đắm trong lạc thú trần gian hoặc vượt qua nó. Đức Phật là người đã vượt thoát ra khỏi lạc thú trần gian và đạt được sự tự do tự tại.

      Cũng như thế, có hai loại hiểu biết – hiểu biết về cõi trần gian và hiểu biết về tâm linh hay giác ngộ thật sự. Nếu chúng ta chưa tu tập và rèn luyện, thì dù kiến thức của chúng ta có cao siêu đến đâu, nó vẫn mang tính chất trần thế và không giúp giải thoát chúng ta được.

hai-mat-hien-thuc

       Hãy suy nghĩ và quan sát cho kỹ! Đức Phật đã nói rằng mọi thứ ở trần gian làm cho thế giới vần xoay. Chạy theo trần gian thì tâm trí sẽ dính mắc vào trần gian; thì dù đến dù đi nó cũng làm cho mình mắc kẹt, chẳng bao giờ hài lòng. Người trần luôn luôn chạy đuổi theo một cái gì đó – chẳng bao giờ thấy đủ. Kiến thức về cõi trần chính thật là vô minh; nó không phải là loại hiểu hiểu biết thật sự rõ ràng. Cho nên nó chẳng bao giờ có chỗ tận cùng. Nó xoay vần theo các mục tiêu trần thế, đó là tích lũy của cải, tìm kiếm địa vị, mong cầu tiếng tăm và lạc thú; đó là một khối ảo tưởng làm cho chúng ta mắc kẹt.

       Một khi chúng ta đạt được một cái gì thì ngay đó có sự ganh tỵ, có lo âu, và có ích kỷ. Và khi chúng ta thấy mình bị đe dọa không thế nào xua đuổi đi mối đe dọa đó thì tâm trí liền nghĩ ra bao nhiêu phương cách, tìm kiếm bao nhiêu loại vũ khí và thậm chí là bom đạn hạt nhân, chỉ để hủy diệt nhau. Tại sao lại rắc rối, phức tạp đến như vậy?

        Bởi vì đó là cách vận hành của thế gian. Đức Phật đã nói nếu chúng ta chạy đuổi theo nó thì chẳng bao giờ có chỗ tận cùng.

       Hãy đến đây và tu tập để giải thoát! Dĩ nhiên không phải dễ dàng sống theo tuệ giác, nhưng bất cứ ai mong mỏi tìm Đạo và đạo quả thì có thể đi đến nơi niết bàn tịch diệt. Phải chịu khó, và bằng lòng với rất ít thứ: ăn ít, ngủ ít, nói ít; và sống trong sự điều độ. Bằng cách đó chúng ta sẽ chấm dứt mọi ô nhiễm, chìm đắm của trần gian.

      Nếu hạt giống trần gian chưa bị bứt rễ, thì chúng ta sẽ tiếp tục bị rắc rối và lẩn quẩn hoài trong một vòng tròn vô tận. Cho dù là quí vị đã xuất gia, thì cõi trần này vẫn cuốn quí vị đi. Nó sẽ tạo ra cho mình nào là quan niệm, nào là ý kiến, nó tô điểm và trang hoàng các tư tưởng của mình – thế gian này là như thế.

       Người ta thường không nhận thức được điều ấy. Họ cho rằng họ sẽ hoàn thành các mục tiêu trong đời. Họ luôn nuôi hy vọng thành tựu một cái gì đó. Giống như một ông bộ trưởng chính phủ khi bắt đầu nhận chức. Ông ta cho rằng mình đã có giải pháp cho mọi vấn đề, ông sẽ dọn dẹp mọi thứ của triều đại trước và nói, “Hãy nhìn đây! Tôi sẽ làm cho mà xem!” Thế rồi ra tay, vứt cái này ra, đưa cái kia vào, và cuối cùng thì chẳng xong một cái gì. Người ta chẳng bao giờ thật sự hoàn thành một cái gì cả.

      Quí vị chẳng bao giờ làm một cái gì có thể làm vừa lòng mọi người. Người thì thích ít hơn, kẻ thích nhiều hơn; người thích ngắn, kẻ thích dài, người thích mặn, kể thích nhạt. Làm sao cho mọi người xích lại gần nhau, đồng thuận với nhau là điều chẳng bao giờ đạt được.

      Tất cả chúng ta đều muốn thành tựu một cái gì đó trong đời. Nhưng thế giới này với bao nhiêu là phức tạp của nó làm cho không thể nào hoàn thành một cái gì. Thậm chí là Đức Phật, sinh ra với địa vị của một hoàng thái tử cũng nhận thấy không thể nào thành tựu một cái gì trong cuộc sống trần gian.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64 | Trần Ngọc Bảo trích dịch từ Food for The heart

Share this:



© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage