Phật Học Online

Viết Cho Con: 1- Được Làm Con Người Là Điều Đáng Quý!
Nguyên Thảo

Lời Thưa Của Tác Giả: Đây là những bài (gồm 17 bài giáo dục) trong loạt bài “Viết Cho Con” mà tôi đã viết cho con mình cũng như Thanh Thiếu Niên khoảng mười năm trước đây. Nay tôi gởi đến trang nhà Đạo Phật Ngày Nay để gọi là góp công sức cùng với các bậc cha mẹ trong việc hướng dẫn con cái đến chỗ nên người. Mong chúng sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu chính yếu đó. Hi vọng vậy lắm thay!

Con ạ, Thần thoại Hi Lạp đã coi con người là sản phẩm cuối cùng của Thần Zeus (Thần mặt trời). Sau khi đã nặn ra muôn loài rồi, còn lại chút ít đất, Thần Zeus mới nghĩ đến việc nên nặn một loài mới đi bằng hai chân, biết ngẫng đầu lên để chiêm ngưỡng, tán thán Ngài: Thế là con người ra đời! Và giống nầy sức lực không mạnh bằng các loài khác, không có khả năng chạy nhanh, bay lên cao, hay lặn xuống nước; nhưng lại có trí khôn biết tự tạo cho mình các khả năng ấy; đồng thời biết cách chế ngự muôn loài. Mà quả thật, hiện tại con có nhận xét được gì không? Loài người với trí tuệ, suy nghĩ, tìm tòi, khám phá đã nâng cao cuộc sống của mình một cách vượt bực. Và do sự tiến vào ngành điện tử, máy vi tính trong thế kỷ 20, con người đã nối dài khả năng, bộ óc để đẩy mạnh các việc sản xuất, thông tin hoặc giúp ích rất nhiều trong ngành không gian lẫn y học, đem mọi người của các quốc gia trên thế giới sát lại gần nhau.

Con có nhận định được rằng: Trên thế gian nầy không có một loài vật nào có đủ khả năng để thay thế con người không? Con người biết khắc phục mọi hoàn cảnh, thiên nhiên; biết xẻ núi, ngăn sông; biết ngăn biển để tạo nên những phương tiện, điều kiện thuận lợi cho cuộc sống được đầy đủ và sung túc hơn. Họ biết lợi dụng sức nước, thủy triều, sức gió để xay bột; lấy nước từ các mạch nước, hoặc biến thành điện, vân.. vân... Biết dùng sức voi, sức ngựa, trâu bò, lạc đà để chuyên chở, cày bừa. Biết suy nghĩ để chế tạo động cơ, máy móc nhằm thay thế sức người mà năng suất lại tăng rất cao, đúng như nhà tư tưởng của Pháp Pascal đã nói: "Con người là một cây sậy, nhưng cây sậy có tư tưởng".

Con ạ,

Hôm nay con đã được làm con người rồi, con có thích thú không? Con có hãnh diện không? Ba thấy rằng con nên hiểu và hãnh diện mình đã được là con người. Con biết con đang làm cái gì? Con đang suy nghĩ đến điều gì? Con biết cắp sách đến trường, con biết học cách nào để thừa hưởng thành quả trí óc của người đi trước, để tạo được những điều mới cho mai sau. Con biết điều hay, lẽ phải; biết loại bỏ các cái xấu, điều không tốt; biết nhận định đúng, sai. Nói tóm các điều ấy lại bằng ba chữ: Chân, Thiện, Mỹ mà trong Triết học và Tôn giáo người ta hay nói đến.

Này con,

Con có biết làm con người quý đến bậc nào không? Không những trên thực tế, loài người đã vượt trội các loài trên thế gian nầy, mà trong Tôn giáo cũng được nhắc đến luôn.

Đối với Phật giáo, con người không phải là giống siêu việt trong vũ trụ, nhưng lại là cần thiết để có thể tu và thành Bậc Giác Ngộ. Thế giới con người ở là cõi Nam Diêm Phù Đề, hay còn gọi là Nam Thiệm Bộ Châu. Cõi nầy có vui, có khổ; có sướng, có cực; khổ nhiều hơn vui! Ngoài ra còn có cõi Bắc Câu Lư Châu, người ở đấy cao lớn, họ giàu sang, văn minh lắm. Và giống người ở Đông Thắng Thần Châu, hoặc Tây Ngưu Hóa Châu thì thấp, cũng thông minh, sung sướng không kém. Nhưng các giống người ở cõi đó, muốn thành Phật, thành "Bậc Giác Ngộ" thì cũng phải tái sanh làm người như chúng ta.

Trong sáu đường (lục đạo) luân hồi: Thiên (Trời), Nhân (Người), A tu la (Thần), Địa ngục, Ngạ quỷ (Quỷ đói), và Súc sinh (súc vật), thì chỉ có làm người mới có thể tu để đạt quả Giải Thoát, tiến đến Niết Bàn. 

Con yêu dấu,

Ba viết để chứng minh cho con biết và hiểu: Được làm con người rất quý như thế nào?  Không những trên phương diện của các loài vật ở thế gian nầy, mà còn đưa con vào tôn giáo để con thấy: Làm con người không phải là không công dụng. Từ đó, con có thể hiểu và con sẽ quý cái thân xác con người của con, con sẽ bảo vệ, chăm sóc, lo lắng cho nó cả tâm hồn để mỗi ngày được tiến bộ và trở thành có ích cho mình, cho người, cho xã hội ở mai sau.

 

Nguyên Thảo (Theo DPNN)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage