Phật Học Online

Viết Cho Con: 2- Hãy Sống Xứng Đáng Là Một Con Người!
Nguyên Thảo

Hồi nhỏ trong hoàn cảnh của Ba, Ba không được sung sướng, thoải mái như con bây giờ đâu. Ngoài giờ học Ba phải phụ giúp công việc gia đình, nhưng Ba đã cố gắng học để cho bằng chúng bạn. Chắc nhờ sự quyết chí đó, mà Ba đã đeo đuổi việc học đến mức trên trung bình. Và mặc dù trí nhớ Ba kém, nhưng Ba cũng có được một số kiến thức tạm gọi là kha khá.

Bây giờ nghĩ lại, Ba không hối tiếc gì cả; dù rằng trong cuộc đời của Ba, Ba không tìm được một chút nào gọi là mùa xuân tuổi trẻ, lứa tuổi thơ mộng, yêu đương và sầu nhớ. Vào thời ấy, Ba lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn nhiều. Ba buồn lắm và nhiều lúc phải suy nghĩ, có nhiều đêm thức trắng. Ở đó, Ba tìm được một chân lý nhỏ nhoi. Hôm nay Ba viết cho con hiểu về chân lý ấy.

Con yêu dấu,

Mỗi con người sinh ra đời đều có mang theo những nét riêng, mà người ta gọi là "tánh trời ban cho", cùng với những khả năng riêng gọi là "thiên tư". Và đạo Phật gọi đó là cái "Quả" mà ta được, do việc gieo "Nhân" từ bao nhiêu kiếp trước. Dù gì đi nữa, khi lớn lên những điều ấy vẫn bám mãi theo con cho đến chết, giống như hình hài của con vậy! Con thông minh hay đần độn, con nhớ dai hay mau quên, làm việc gì khéo hay vụng về, ăn nói hấp dẫn hay tạo nhàm chán cho người nghe, có ý hay không có ý... Những điều ấy rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con. Nhưng trong cuộc sống, không phải chỉ có thiên tư mà còn có những tập tánh và cố gắng trau dồi luyện tập nữa. Những điểm nầy con được hướng dẫn từ Ba Mẹ, anh chị hay những người thân, hoặc bạn bè sau nầy, hoặc do môi trường xã hội chung quanh mà con đã và đang sống đó.

Con có để ý đến một đứa nhỏ chưa đầy một tuổi tập đứng và đi chưa? Con hãy quan sát nó đi!  Không phải là trời sinh ra là nó biết đi liền, nó phải tập vịn cái gì đó để đứng dậy; sau thời gian vài ngày, nó mới có thể tự mình đứng lên. Con thấy nó khum khum và run không? Nó chưa đứng được, nó phải ngồi xuống. Và rồi nó làm lại. Đâu phải một, hai lần mà nó đứng vững, nó phải tập nhiều lần. Rồi người lớn mới nắm tay nó để dìu nó bước đi. Rồi, tự nó chập chửng một bước, hai bước, ngày này qua ngày kia. Hình ảnh đó giống như con đi vào đời vậy. Con phải lần dò từng bước, con cần phải có sự dìu dắt của Ba Mẹ hay người thân hướng dẫn. Vì sao? Vì Ba Mẹ hay những người lớn tuổi đã trải qua giai đoạn ấy rồi, họ đã biết và chỉ dẫn, truyền lại cho con những nhận xét, kinh nghiệm để con tránh sự vấp ngã, thế thôi! Nhưng con ạ, thói thường lứa tuổi thanh niên của các con không bao giờ để ý đến điều đó. Tuổi của các con là tuổi đang sức ăn, đang sức lớn, sức lực dồi dào, trí óc đang phát triển mạnh, cho nên các con cứ ngỡ: Là các con sẽ làm được mọi chuyện, các con biết được nhiều điều mà các con nghĩ là những người lớn tuổi và Ba Mẹ không thể biết. Chính vì chỗ đó, mà con cái trong gia đình vào lứa tuổi các con thường không để ý đến lời cha mẹ hướng dẫn, hoặc đôi khi còn phản ứng mạnh bạo trở lại. Các con chỉ hiểu, biết được tình trạng ấy khi nào các con cũng có con, và cũng ở vào tình huống ấy mà thôi!

Con ạ,

Không phải ai cũng hát hay và nổi tiếng như Michael Jackson hay Madonna. Những người đó là do đã có thiên tư; nhưng họ vẫn phải học, tập luyện thường xuyên mới được như vậy. Thuở mới đầu con chưa biết hát, con phải ca theo ca sĩ trong "dĩa hát" khi con hát karaoké. Lúc đầu giọng con không dài, không ngân. Con hát lâu ngày thì mới giống phần nào như ca sĩ được. Rồi lúc nào đó con có thể hát một mình. Trời chỉ ban cho cái giọng hát tốt hay không tốt, truyền cảm, ấm, thu hút người nghe; còn ca đúng nhịp, đúng giọng, có ngân hay không là do chính con biết nghe, biết học và tập luyện. Con nghĩ xem điều Ba viết có đúng không? Từ đó, con cố gắng lấy làm tiêu chuẩn để nhận xét vào một số vấn đề khác.

Này con,

Ta được thân con người là đã quý rồi. Nhưng ta biết sống đúng với thân xác, trí tuệ con người lại càng quý hơn! Con có thấy cây cỏ không? Mùa mưa đủ nước tươi tốt, mùa nắng nó khô cháy và bị rụi đi. Thân xác cây cỏ vẫn còn nằm trên mặt đất. Đợi mưa xuống làm phân bón cho lớp cỏ mọc lên sau. Cây cỏ vô tri như vậy, nhưng ít ra đời cây cỏ vẫn ích lợi cho lớp cỏ mọc lên sau. Còn con người thì như thế nào? Không lẽ ta lại thua kém hơn cây cỏ ư? Con nên ráng học, tập luyện để mình trở nên có ích. Nếu không có ích cho xã hội thì ít ra cũng sống một đời sống có ích cho chính mình và gia đình. Nếu không được như thế nữa, thì con cũng nên nguyện đừng làm hại cho xã hội. Con có thể làm được như vậy, không con?

Theo DPNN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage