Phật Học Online

Quan niệm chữ Hiếu của người Á Đông
Giác Minh Luật (thực hiện)

Nếu ở phương Tây có Ngày “Mothers Day” Ngày Của Mẹ tổ chức vào ngày Chủ Nhật tuần thứ hai trong tháng 5 – hay ngày “Fathers Day” Ngày Của Cha, ngày Chủ Nhật tuần thứ ba tháng 6 Tây lịch hàng năm, các ngày này các bậc cha mẹ sẽ nhận quà hay hoa, thiệp chúc mừng của những người con hoặc các con ở xa về thăm cha mẹ; hay khi tuổi về già ở chung sinh hoạt với cộng đồng tập thể, dưỡng lão viện, sinh hoạt theo hội người cao tuổi, v.v… Thì người Phương Đông có ngày Vu Lan.


Những ngày này người ta trao tặng cho nhau những đóa hồng, hoa hồng là biểu trưng cho đỉnh cao của cái đẹp, của tình yêu thương sâu sắc nhất. Có thể nói ngày này là ngày kỷ niệm chung cho sự giáo dục của con em từng gia đình, chữ hiếu đóng một vai trò rất lớn trong thế hệ trẻ.

1. Công hạnh tiểu hiếu :

Khi cha mẹ còn sống phải lo cho cha mẹ đầy đủ về bốn phương diện : ăn, mặc, ở, bệnh. Người con luôn cung kính vâng lời cha mẹ, không được trái ý ngang bướng. Khi trời nóng quạt mát cho cha mẹ, khi trời lạnh bỏ lửa sưởi ấm, khi ốm đau thuốc thang chạy chữa hết lòng, cha mẹ thích ăn món gì chúng ta phải nấu nướng cung cấp đầy đủ, không càu nhàu oán trách. Cha mẹ cần bất cứ nhu cầu gì đều phải một lòng làm cho cha mẹ vừa ý. Tuy nhiên đôi lúc vì không hiểu được đạo lý nhân quả mà ta tạo ác nghiệp cho cha mẹ, là bởi vì người con chỉ lo vun đắp hạnh phúc cho cha mẹ bằng vật chất mà không báo đáp về tinh thần, muốn làm tròn công hạnh hiếu kính như vậy ta phải làm công hạnh Trung hiếu.

2. Công hạnh trung hiếu:

Làm tròn công hạnh tiểu hiếu như trên chưa đủ, mà muốn cha mẹ bình an, thân tâm nhẹ nhàng thì người con phải hướng cho cha mẹ sống chân chính thiện lành, chớ làm các ác nghiệp đem đau khổ cho mình cho người và cộng đồng xã hội. Tạo nhiều phúc báu để tránh tội lỗi, khuyên cha mẹ biết gieo duyên tác phước giúp đỡ mọi người, biết quy y tam bảo sống đạo đức, giữ gìn những điều răn của cổ nhân, để xây dựng gia đình cuộc sống ấm no hạnh phúc. Người con có công hạnh trung hiếu phải nhìn nhận lẽ sống có nhân quả thiện ác rõ ràng, mà giúp cha mẹ sống đúng với chánh pháp, thì mới tạo được hạnh phúc cho cha mẹ an vui ngay trong đời hiện tại cho đến vị lai.

3. CÔNG HẠNH ĐẠI HIẾU:

Chí nguyện đại hiếu là chí nguyện thiêng liêng độ tận chúng sinh của mỗi người con trong cuộc đời này. Từ trong vô thỉ không phải chỉ có cha mẹ đời này, mà qua bao luân hồi ta đã thọ nhận nhiều ơn của nhiều đấng sinh thành đã từng làm mẹ cha ta. Người con hiếu đạo là lo cho cha mẹ lúc còn tại thế mà kể cả sau khi thác, lo mai táng cầu nguyện. Xuất thế đạt đạo quyết độ tận đem lợi ích an lạc nhiều người, không phải xuất gia ra khỏi gia đình là cắt đứt với mọi người thân thuộc trong gia đình, mà bởi vì người đó xuất gia là muốn đặt tình cảm của mình trên một bình diện rộng lớn đại đồng, những bổn phận bao quát là nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, làm tròn bổn phận của người con – giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự, làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Một người xuất gia mà tu tập tinh tấn, thực hiện tròn công hạnh của Phật thì không những cha mẹ đời này được an vui mà ông bà cửu huyền thất tổ bảy đời cũng được cứu rỗi. Tinh thần báo hiếu của ngày vu lan là cầu nguyện cho mọi điều được kết quả tốt đẹp, cha mẹ hiện tiền được bình an, người đã khuất siêu lạc. Chỉ có đại hiếu mới trọn ân nghĩa với mẹ cha. Kinh Phạm Võng Bồ Tát dạy : Tất cả những người nam là cha ta và tất cả những người nữ là mẹ ta, từ nhiều đời nhiều kiếp cũng từ đó mà ta sinh ra, do vậy chúng sinh trong sáu đường là cha mẹ ta.Bởi thế muốn cứu độ tận cho hết ân đức sinh tử, là người con ấy phát Bồ đề tâm, tích cực công phu đạt đạo mới là Đại hiếu.

                                                                              Trích “Tâm Ca Vu Lan”


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage