Phật Học Online

Rùng rợn chuyện “ma hành” khi phá mộ vua Trần

Sau cuộc đào phá mộ, bị “ma hành” náo loạn, người dân thôn Bãi Dài không ai dám đến khu vực Khe Nghệ nữa. Thung lũng Khe Nghệ càng trở nên huyễn hoặc. Những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn quanh lăng mộ được anh Nguyễn Văn Chạm ghi chép lại cẩn thận.


Cuộc cướp phá tàn khốc mộ vua Trần Nghệ Tông

Tôi rời lăng mộ vua Trần Anh Tông trong cảnh trời mưa tầm tã, sấm chớp đùng đùng. Người chèo đò gọi tôi về bờ gấp, bởi chỉ lát nữa, nước sẽ dâng ngập hồ và nhấn chìm khu lăng mộ vua trong dòng nước bạc.

Từ đập Trại Lốc, đi vòng vèo trên những con đường đất đỏ trơn trượt dọc chân Yên Tử về phía Tây thì đến khe một dãy núi. Khe núi này có tên là Khe Nghệ (thuộc xóm Bãi Đá, thôn Bãi Dài, An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh). Có lẽ, khe núi này là nơi đặt lăng mộ vua Trần Nghệ Tông, nên người ta mới gọi là Khe Nghệ.

Vòng vèo mãi, xuyên qua những trang trại rậm rịt vải, nhãn, na, rồi tôi cũng tìm được nhà anh Nguyễn Văn Chạm. Gia đình anh Chạm nằm ngay chân dốc, muốn đi vào lăng mộ vua Trần Nghệ Tông thì buộc phải đi qua ngõ và sân nhà anh.


Mỏm đồi nơi đặt lăng mộ vua Trần Nghệ Tông rộng tới 5 héc-ta.

Vòng vèo mãi, xuyên qua những trang trại rậm rịt vải, nhãn, na, rồi tôi cũng tìm được nhà anh Nguyễn Văn Chạm. Gia đình anh Chạm nằm ngay chân dốc, muốn đi vào lăng mộ vua Trần Nghệ Tông thì buộc phải đi qua ngõ và sân nhà anh.

Tôi nhờ anh Chạm dẫn đường lên mộ vua, anh Chạm cứ ngần ngừ, vẻ ngại ngùng. Sau này, trò chuyện, tôi mới biết có vô vàn chuyện đồn thổi khủng khiếp mang màu sắc mê tín dị đoan, khiến người dân trong vùng rất sợ, không dám tìm đến khu mộ này.


Anh Chạm thắp hương trước khi lên khu lăng mộ vua Trần.


Tôi phải thuyết phục mãi, anh Chạm mới đồng ý dẫn đi. Anh thắp nhang trên bàn thờ, khấn vái Thần linh, Thổ Địa, khấn vái cả vua Trần Nghệ Tông cho phép anh được dẫn nhà báo lên đồi.

Đứng trên sườn dốc, anh Chạm vòng tay chỉ khu vực thung lũng Khe Nghệ. Toàn bộ diện tích thung lũng khoảng 100ha, kéo dài từ sườn Tây Yên Tử xuống đến đồng bằng. Mộ vua Trần Nghệ Tông nằm trên mỏm đồi cao nhất của thung lũng. Mặt bằng ngọn đồi rộng tới 5 héc-ta. Theo lời anh Chạm, những ngày trời trong, đứng trên mỏm đồi sẽ nhìn thấy dãy núi Kinh Môn (Hải Dương) án ngữ và di tích chùa Cao trên đỉnh dãy núi đó.


Không ai dám mò đến khu vực mộ vua Trần Nghệ Tông nên cỏ mọc rậm rạp.


Đi qua khu vườn na khá sạch sẽ của gia đình anh Chạm thì đến khu vườn vải. Khu vườn vải rộng mênh mông, choán hết mỏm đồi, như một khu vườn hoang, cỏ mọc lút gối. Chúng tôi phải vạch cỏ mới đi được. Những cây vải khá lớn, song do không được chăm sóc, nên xác xơ, chẳng có quả.

Anh Chạm bảo: “Mấy năm nay không có bóng người nào mò vào khu vực này đâu. Người dân trong vùng cũng chẳng dám thả trâu bò lên đồi. Ai cũng sợ vua trừng phạt vì tội phá mộ. Đất này là đất của vua, nên không ai dám xâm phạm”.

Sau một hồi luồn lách trong đám cỏ gianh thì đến một khu đất thoáng đãng, không có cây vải nào. Tuy nhiên, giữa khu đất ấy, lau lác mọc um tùm, cao đến ngực. Tại khu đất trống ấy, có một “miếu thờ” vua Trần Nghệ Tông.


Lăng mộ vua Trần Nghệ Tông chỉ còn lại thế này.

Nói là miếu thờ cho đỡ tủi, chứ thực tế quá thảm hại. Anh Chạm bảo, mấy năm trước, các nhà khoa học về nghiên cứu, đo vẽ một hồi, rồi họ bỏ đi. Các nhà khoa học xót xa cho khu lăng mộ vua Trần Nghệ Tông, nên đã chi tiền mua 2 tấm phi-brô-ximăng, còn anh Chạm thì nhiệt tình chặt mấy khúc cây, rồi dựng lên cho có chỗ đặt bát hương. Từ bấy đến nay, cũng chẳng có ai hương khói, thờ tự. Bát hương lạnh lẽo phơi nắng gió mấy năm nay rồi.

Tôi vạch từng gốc cây, bụi cỏ, song chẳng tìm thấy di vật nào ngoài mấy cục đá vỡ nát chả khác gì đá nung vôi và một cái chân bia hiện làm nơi đặt bát hương trong “miếu thờ”.

Anh Chạm dẫn tôi ra phía sau miếu rồi vạch bụi cỏ lau cao quá đầu chỉ tay và giải thích rằng, đó là nơi đã diễn ra cuộc cướp phá lăng mộ vua Trần từ 20 năm trước.


Hố đào mộ rộng mấy chục mét vuông giờ cỏ mọc trùm kín.

Trước đây, khu vực ven núi thuộc địa bàn An Sinh là nơi người Hoa sinh sống. Tuy nhiên, sau năm 1979, người Hoa bỏ vùng đất này đi đâu không rõ. Toàn bộ thung lũng Khe Nghệ rộng lớn không có người ở, cây cỏ rậm rạp.

Người Hoa đi, người Kinh ở nơi khác kéo về phát rừng làm vườn. Vào tháng 3 năm 1990, một nhóm người phát rừng làm nương đã phát hiện lăng mộ đặc biệt này. Nghĩ rằng trong ngôi mộ có kho báu, nên người ta đã đào tung lên.

Thông tin nhóm người đào mộ được… kho báu nhanh chóng lộ ra, cả xóm Bãi Đá kéo đến… hôi của. Người dân đã đào một khoảng đất rộng tới 30 mét vuông và sâu xuống lòng đất 4 mét.


Các nhà khảo cổ mua 2 tấm phi-brô-ximăng, còn anh Chạm chặt mấy khúc cây dựng tạm lấy chỗ đặt bát hương.

Khi đào xuống độ sâu này, người dân moi được những súc gỗ lớn. Những người tham gia đào bới đều được chia phần, mỗi người một vài súc. Người xẻ ra đóng giường, người đóng tủ, người đóng cánh cửa, bàn ghế. Những sản phẩm làm từ gỗ lấy ở ngôi mộ này hiện nhiều gia đình vẫn dùng và vẫn rất tốt.

Theo lời kể của ông Đào Văn Hồng, người trực tiếp tham gia đào mộ, thì gỗ làm mộ không phải là gỗ lim mà là gỗ nghiến và gỗ táu. Những súc gỗ lớn này được xếp thành một gian phòng kín trong lòng đất, được đóng mộng với nhau rất chặt, khít.

Qua mô tả của ông Hồng, có thể khẳng định rằng, vua Trần Nghệ Tông được chôn trong một ngôi mộ gỗ đóng cũi, còn gọi là mộ cũi. Đây là loại mộ có từ thời Bắc thuộc, tồn tại song song với mộ gạch. Tuy nhiên, đến thời Lý và Trần, mộ gạch và mộ gỗ có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với thời Bắc thuộc.


Duy nhất phiến đá là chân cột bia còn rõ hình hài...

...cùng với vài viên đá đã bị đập nát.

Theo lời ông Hồng, bên trong ngôi mộ gỗ mà người dân đào phá có rất nhiều than gỗ, khối lượng lên đến vài tấn. Bên trong lớp than là lớp vôi bột, rồi đến lớp “hắc ín”. Ông Hồng cũng như người dân trong xóm không biết chất này là gì, chỉ thấy nó màu đen, mềm, giống hắc ín, nên gọi như vậy. Tuy nhiên, theo phán đoán của tôi, có thể chất này là một loại nhựa cây, có tác dụng bảo quản di hài vua Trần Nghệ Tông, vì như lời ông Hồng, thì chất này đốt cháy đùng đùng và tỏa ra mùi thơm dễ chịu.

Khi đó, vợ ông Hồng cùng nhiều người khác nữa đã tranh nhau gánh than, “hắc ín”, vôi bột về để… bón ruộng. Mỗi người lấy cả chục gánh mà không hết.

Người dân trong xóm đồn rằng, ông B. lấy được rất nhiều “bạch phiến” màu trắng trong mộ cùng với vàng bạc, bán được rất nhiều tiền. Sau khi trúng quả, ông B. bỏ người vợ từng đồng cam cộng khổ nơi quê nhà, vào Nam hưởng cuộc sống giàu có. Từ bấy đến nay, không thấy ông B. về làng nữa.


Người dân đã bỏ hoang nhà cửa, không dám ở đồi Khe Nghệ nữa vì sợ... "mộ hủi".

Tôi thì không tin chuyện có bạch phiến trong ngôi mộ này. Có thể đó chỉ là một chất bảo quản di hài có màu trắng mà thôi.

Theo lời ông Hồng, khi mọi người đang tranh nhau gánh than, “hắc ín”, vôi bột về bón ruộng, thì một người ở đâu mò đến kêu lớn: “Sao mọi người lại lấy những thứ này về? Ngôi mộ có than, lại rắc vôi bột là mộ chôn người hủi đấy. Người ta rắc vôi để tránh bệnh hủi lây nhiễm”. Khi đó, không ai biết đây là mộ vua.

Nghe người đàn ông bảo đây là mộ hủi, những người đào bới, cướp phá mộ vua Trần Nghệ Tông bỏ chạy tán loạn. Mọi người nhảy xuống suối kỳ cọ rất sạch sẽ. Từ đó, người dân trong xóm Bãi Đá gọi ngôi mộ này là… mộ hủi. Nghe mà xót xa cho một vị vua nổi tiếng của một triều đại thịnh trị.

Rùng rợn chuyện “ma hành” khi phá mộ vua Trần

Sau cuộc đào phá mộ, bị “ma hành” náo loạn, người dân thôn Bãi Dài không ai dám đến khu vực Khe Nghệ nữa. Thung lũng Khe Nghệ càng trở nên huyễn hoặc. Những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn quanh lăng mộ được anh Nguyễn Văn Chạm ghi chép lại cẩn thận.

Trong số 8 lăng mộ vua Trần ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), có lẽ 2 lăng mộ vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông là thảm hại nhất. Lăng vua Trần Minh Tông bị ủi mất hoàn toàn khi đắp đập nước. Người ta đã ủi, lăn cổ vật làm vật liệu đắp chân đập, rồi dồn cả vào một hố để lấp lại. Lăng mộ vua Trần Nghệ Tông thì bị rất nhiều người trong xóm Bãi Đá (thôn Bãi Dài) đào bới, tranh cướp tài sản.

Theo lời anh Nguyễn Văn Chạm, người sống cách lăng mộ vua Trần Nghệ Tông chừng 300m, sau khi người dân trong xóm bỏ chạy tán loạn vì có người nói đây là mộ hủi, thì một thời gian sau, có một nhóm người săn đồ cổ tiếp tục tìm đến đào bới. Nhóm người này đào rộng và sâu xuống lòng đất. Tuy nhiên, khi xuống dưới lớp gỗ một chút, thì gặp một phiến đá lớn.


Đền Trần thờ các vị vua Trần ở Nam Định.

Phiến đá này rất dày, rộng cả chục mét vuông, nặng hàng chục tấn. Nhóm người này đã dùng đủ phương pháp, kéo nhiều thiết bị lên cẩu trục, song phiến đá khổng lồ vẫn không nhúc nhích. Không làm gì được, nhóm người săn đồ cổ đành bỏ cuộc. Họ mặc lăng mộ tan hoang trên mỏm đồi giữa thung lũng Khe Nghệ.


Cổ vật ở lăng mộ vua Trần bị bỏ mặc, cỏ mọc rậm rạp trùm kín.

Theo lời kể của ông Hứa Văn Phán, thủ từ đền Sinh, sau khi đào phá lăng mộ vua Trần Nghệ Tông, hàng loạt tai họa đã đổ lên đầu người dân trong xóm.

Đầu tiên là ông Nguyễn Văn H., người xóm Bãi Đá. Ông này là người tích cực nhất trong việc đào phá mộ. Sau khi đào mộ, vài tháng sau ông bị chết đuối ở con sông nhỏ chảy qua xã khi xuống sông tắm. Lúc xác nổi lên, mọi người ra vớt, thì kinh hoàng với cảnh tượng đỉa bâu đen xác. Người dân phải dùng thòng lọng kéo xác ông lên bờ, rồi lấy que gạt từng con đỉa.


Bọn săn của đập nát sạch sẽ các cổ vật để tìm vàng bạc.

Cái chết của ông H. khiến người dân vô cùng sợ hãi, liên tưởng đến cuộc đào phá… “mộ hủi”. Tiếp đó, rất nhiều biến cố xảy đến với người dân nơi đây. Những gia đình gặp tai họa đều mang những thứ lấy từ mộ trả lại. Nhiều người đã nung những chân tảng, tượng đá thành vôi, dù đã tôi vôi, cũng gánh vôi ra trả. Nhiều người mang bàn, ghế, giường, tủ đóng bằng gỗ lấy dưới mộ cũng đem ra mộ đốt. Những cục đá dùng lăn lúa, kê bờ ao cũng được khiêng ra trả lại cho vua.

Ông Đào Văn Hồng vẫn còn sợ hãi khi nhớ lại cuộc đào mộ 20 năm trước. Tôi đến thăm ông khi ông đang nằm còng queo trong giường vì ốm. Vợ ông bảo, từ ngày đào mộ, ông Hồng trở nên ốm yếu hẳn, lại lắm bệnh tật.

Rùng rợn chuyện “ma hành” khi phá mộ vua Trần (kỳ 7)
Những súc gỗ đào từ lăng mộ vua Trần Nghệ Tông được người dân xẻ ra làm vật dụng. (Ảnh chụp những súc gỗ tương tự vừa đào được từ một ngôi mộ gỗ ở An Sinh).

Theo ông Hồng, sau cuộc đào phá mộ vua, cả xóm đều gặp vận rủi, các gia đình lục đục, đau ốm, vợ chồng đánh chửi nhau lung tung phèng… Ông Hồng rầu rĩ: “Không biết có phải vì người dân trong xóm xâm phạm mộ vua, rồi bị vua phạt hay không, mà cái xóm này cứ mãi nghèo xác nghèo xơ, nghèo nhất xã, nhất huyện”.

Ngày đào phá mộ, ông Hồng lấy gỗ, vợ ông gánh vôi về bón ruộng. Lúc gánh vôi thì vợ ông mang bầu, chửa 7 tháng. Khi đẻ, con đứa con đã chết vì nhau thai phủ mặt. Nói rồi, vợ ông Hồng dẫn tôi ra thăm mộ con bà. Ngôi mộ vừa được vợ chồng ông xây lại, nhỏ bé, xinh xắn.


Vợ ông Hồng vẫn hãi hùng khi nhớ lại chuyện gánh vôi từ mộ vua Trần về bón ruộng.

Tai họa không chỉ đổ lên đầu vợ chồng ông Hồng, mà đứa cháu ngoại ông cũng thi thoảng lại dở chứng lạ. Thi thoảng bé lại lăn ra nhà, mắt mũi trợn ngược. Em trai ông Hồng thì bị ung thư phổi, vừa mới chết năm ngoái. Người dân trong làng cũng đồn rằng, do anh này làm nhà vệ sinh quay thẳng về phía mộ vua, nên mới chết!

Sau cuộc đào phá mộ, bị “ma hành” náo loạn, người dân thôn Bãi Dài không ai dám đến khu vực Khe Nghệ nữa. Thung lũng Khe Nghệ càng trở nên huyễn hoặc. Những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn quanh lăng mộ được anh Nguyễn Văn Chạm ghi chép lại cẩn thận.


Anh Chạm là người nắm rất rõ những câu chuyện kỳ quái xảy ra trong xóm Bãi Đá.

Vợ chồng anh Chạm mới chuyển về khu vực đồi Khe Nghệ từ năm 1996. Trước đó, gia đình chú ruột ông Chạm ở mảnh đất này. Chú anh mua từ năm 1990, ngay sau cuộc đào phá mộ. Tuy nhiên, cả gia đình đau ốm triền miên, trẻ con quấy khóc. Sợ quá, nghĩ bị “ma hành”, ông chú đã bán rẻ cho anh Chạm, bỏ đi chỗ khác ở.

Gia đình anh Chạm về ở, vợ chồng cũng lục đục, nay ốm mai đau, mắc đủ các bệnh. Vợ anh mắc bệnh gì chả rõ, thở không ra hơi, sức khỏe suy kiệt không đi nổi. Lúc trèo cây vải, anh Chạm ngã gãy rời xương tay. Sau này, biết ngôi mộ trên đồi là mộ vua, vợ chồng anh phá nhà làm theo hướng khác (ngôi nhà cũ hướng thẳng vào mộ), đặt bát hương thành tâm cúng bái cả ở mộ lẫn trong nhà.


Gạch đặc trưng thời Trần.

Ngay sau lưng nhà anh Chạm, cách lăng mộ vua Trần Nghệ Tông không xa là nơi vợ chồng người em trai của anh sinh sống. Tuy nhiên, vợ chồng suốt ngày lục đục, quanh năm bần hàn vì bệnh tật. Mấy năm trước, hai người bỏ nhau, vợ đi nơi khác, còn em trai anh chuyển xuống chân đồi sinh sống. Mảnh đất ở Khe Nghệ không dám ở nữa, bán cũng chẳng ai mua.

Hãi hùng nhất là câu chuyện liên quan đến mảnh đất của ông Thảnh và ông Viện. Hai ông này ở huyện Kinh Môn (Hải Dương), không biết đồi Khe Nghệ có mộ vua, nên đã mua chung 2,5 héc-ta đất trên đồi. Toàn bộ mảnh đất của hai ông này nằm trọn trong khu vực có lăng mộ.

Có đất rồi, hai ông đã dựng nhà, trồng vải. Tuy nhiên, những sự kiện kinh hoàng diễn ra liên tục với hai ông này. Theo lời anh Chạm, vợ ông Thảnh khi lên đồi bẻ vải, tự dưng lăn đùng ra đất giãy dụa, trợn mắt, sùi cả bọt mép. Lúc đó, nghe dân làng kể nhiều chuyện “ma hành” rùng rợn, ông Thảnh và ông Viện sợ hãi, không dám sống ở thung lũng Khe Nghệ nữa.


Ngôi nhà...

...và công trình phụ trong khu vườn vải của ông Thảnh và ông Viện không ai dám ở, đổ vỡ hoang phế.

Ông Thảnh và ông Viện đã thuê ông Sỹ trông coi nhà cửa, vườn vải thiều ở Khe Nghệ. Trong khi ông Sỹ đang nhặt những tảng đá, di vật ném xuống hố để lấp lại, thì đột nhiên ông Sỹ lăn đùng ra đất, mắt cứ trợn ngược, co giật toàn thân. Mọi người phải đưa sông Sỹ đi cấp cứu.

Theo anh Chạm, tiếp sau đó, hàng loạt người dẫy cỏ, hái vải thuê cho ông Thảnh và ông Viện, gồm chị Huệ, chị Thu, chị Chiếm, anh Tuấn, trong lúc làm việc trên đồi, cũng đột nhiên chung một triệu chứng là lăn đùng ra đất, mắt trợn ngược như người bị động kinh. Nhưng khi khiêng những người này vào nhà, họ lại hồi tỉnh, đưa đi viện khám thì không ra bệnh gì.


Vườn vải của ông Thảnh và ông Viện bỏ hoang cho cỏ mọc.

Sau khi hàng loạt người làm vườn thuê cho ông Thảnh và ông Viện bị “ma hành”, lời đồn “thánh vật” càng trở nên ghê gớm. Không ai dám làm thuê cho hai ông này nữa, khu vườn bỏ hoang hoàn toàn, lau lác mọc cao hơn cả vải. Ngôi nhà dựng trong vườn vải, gần khu mộ cũng không có ai ở, mưa gió thổi bay cả mái, trâu húc đổ tường.

Theo Phạm Ngọc Dương - VTC


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage