Phật Học Online

Nắng an lạc đưa Hương Sơn vào mùa hội xuân

Sáng 24-2 (tức mồng 6-tháng Giêng-Ất Mùi), nắng ấm chan hòa soi tỏa khắp núi rừng Hương Sơn, hàng vạn du khách đã về Thiên Trù để dự lễ khai hội xuân chùa Hương trong không khí tưng bừng náo nhiệt. Cả một quần thể rộng lớn với trùng điệp núi non, quanh co suối Yến, đông đúc xóm thôn, chập trùng hang động, san sát chùa chiền… như ngàn cánh tay của Quán Âm dang ra đón dòng người hành hương.               

úng tôi đến Hương Sơn từ chiều mồng 5 Tết, như trở về nơi cố tri trong lời thi nhân xưa: Hương Tích ơi! Tôi sẽ còn đi mãi. Như hoa mơ phải đến với mùa mơ.

Khác với mọi năm thời điểm này thường rét mướt nhưng năm nay ấm áp khác thường. Dòng người trẩy hội không mặc áo rét dày sụ như mọi khi, mà tất thảy đều áo mỏng, thậm chí nhiều người phải mặc áo cộc tay. Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ đi đò vào Thiên Trù ngay từ tối mồng 5 Tết nhưng Ban Tổ chức lễ hội bố trí cho các nhà báo nghỉ đêm ở Bến Yến, rồi 3 giờ sáng mồng 6 mới đưa vào dự lễ khai hội.

 ANH ANinh  (7).jpg
Chùa Hương trẩy hội xuân

Buổi đêm dạo quanh Bến Yến tìm hiểu các loại hình dịch vụ phục vụ lễ hội, thấy chỗ nào cũng đã sẵn sàng. Hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn tất bật đón khách với giá phải chăng. Chủ nhà nghỉ Tiến Quang cho biết: 400 nghìn đồng/đêm cho phòng 3 giường và 300 nghìn đồng/đêm cho phòng 2 giường. Rất nhiều du khách chấp nhận ở ghép 2 người một giường thì chỉ phải trả 50-70 nghìn đồng/người.

Ở Đền Trình, sân đền và các con đường đã được quét dọn sạch sẽ, các quầy hàng bố trí gọn gàng. Đặc biệt, không còn thấy bất cứ quầy đổi tiền lẻ nào. Ba giờ sáng, đoàn nhà báo được xuồng máy chở theo suối Yến vào Thiên Trù rồi đi cáp treo lên lễ Phật ở động Hương Tích. Dù chưa sáng nhưng thấy dòng người trẩy hội đã nhộn nhịp.

Trong đêm trên suối Yến, không đò nào được phép sử dụng đèn nhưng không xảy ra tình trạng các đò va chạm nhau. Tại thung trước chùa Thiên Trù, các hàng ăn, hàng dịch vụ đã hoạt động nhộn nhịp. Tuyệt nhiên không còn thấy bất cứ hình ảnh treo thịt thú nào như thường thấy ở các mùa lễ hội trước. Mỗi quán ăn đều có tủ kính rất to, bày thực phẩm trên những đĩa, những chậu. Vẫn nhiều loại thịt thú như nhím, lợn rừng, đà điểu, cá sấu… nhưng được các chủ quán giới thiệu là thịt thú nuôi.

 ANH ANinh  (10).jpg
Chư tôn đức niêm hương cầu an đầu năm

ANH ANinh  (9).jpg
Đánh trống lễ khai hội chùa Hương

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, với những biện pháp mạnh như phạt, thu hồi hàng hóa, tang vật và bắt đóng cửa những cửa hàng vi phạm, năm nay chúng tôi kiên quyết xử lý để không còn tình trạng treo móc thịt gia súc, gia cầm phản cảm. Chúng tôi cũng xóa triệt để hiện tượng vui chơi có thưởng, câu cá, câu tôm cua, đảm bảo không có chuyện cờ bạc đó.

Sáng sớm mồng 6 Tết, nắng đã chan hòa trên sân chùa, mái chùa và khắp cành cây ngọn cỏ. Tham dự lễ khai hội năm nay có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch); ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; ông Hoàng Mạnh Sơn,  Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức… Hàng nghìn du khách tụ hội ở sân trước chùa cùng thưởng thức chương trình văn nghệ chào mừng mùa lễ hội, gọi về niềm vui an lạc.

Chương trình nghệ thuật do Nhà văn hóa thông tin huyện Mỹ Đức, cùng người dân và các cháu thiếu nhi ở thôn Yến Vĩ biểu diễn với nhiều nhạc phẩm: Nắng ấm mùa xuân, ca khúc: Lạy Phật con về, Mẹ từ bi… Cùng nhiều màn múa đặc sắc: Mùa xuân trên đất Phật, Hạnh phúc khi Đức Phật ra đời, màn múa hát Sắc Xuân, màn múa Cánh én mùa xuân, nhạc phẩm Việt Nam Phật tâm ca

Chiêm bái Hương Tích vọng Quán Âm

 Đến 8 giờ sáng, đội múa tứ linh của các cụ phụ lão thôn Yến Vĩ trình diễn màn múa vô cùng ấn tượng, đôi rồng chầu vào Thượng điện, rồi lại vờn nhau trên sân. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương hân hoan bày tỏ: Xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn. Hàng triệu du khách, Tăng Ni, Phật tử hành hương về Hương Sơn hòa vào lễ hội kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

 ANH ANinh  (11).jpg
Đội múa tứ linh trình diễn

ANH ANinh  (8).jpg
Biểu diễn múa 

Chùa Hương từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho du khách hành hương, tương truyền chùa là nơi phát tích của Bồ-tát Quán Thế Âm Diệu Thiện. Người dân tin rằng, nơi đâu chúng sanh mắc nạn, Quan Âm ở chùa Hương Tích cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ…

TT.Thích Minh Hiền, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư, trụ trì chùa Hương Tích phát biểu: “Xuân đến, xuân lai không dấu vết, chỉ có người đến người đi còn lưu luyễn mãi nơi đây. Tùng Lâm Hương Tích non non nước nước mây mây, ngồi trên con thuyền thời gian, thấy không gian như lắng đọng theo dòng suối Yến, trở về với mẹ hiền Quán Thế Âm, tỏa sáng tâm đại bi nơi đất trời Nam Việt. Để chiều chiều nghe tiếng chuông vang vọng khắp non Hương, làm chùng chân bao mặc khách thi nhân, trở về với bản thể không hư khi trời trên đất dưới. Tiếng chim lảnh lót xa xa, mong hóa kiếp người lặng nghe một tiếng thinh không. 

Mùa thu cho lá đổi màu, mùa Đông để mây phủ sương mờ, Yến giang một dải khí như bức tranh vi diệu của giang sơn. Đón xuân, đất trời vạn vật chuyển mình, bước chân của hàng triệu du khách không mỏi, ai cũng mong được đạo nhãn Nam Thiên Đệ Nhất Động, chắp liên hoa thủ trở về với Tứ vô lượng tâm, hiện thân của tình yêu thương vô bờ bến Bồ-tát Quán Thế Âm, đó là sự giác ngộ của mỗi người con Phật…  

ANH ANinh  (12).jpg
TT.Thích Minh Hiền phát biểu tại lễ hội

ANH ANinh  (1).jpg
Trên dòng suối Yến

TT.Thích Minh Hiền đã đánh trống khai hội, chương trình khai xuân được kết thúc bằng nghi thức niêm hương nguyện cầu quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.

Sau đó, dòng người trẩy hội nối nhau lên chùa lễ Phật và tỏa ra khắp nơi vãn cảnh du xuân, người nối người như bất tận.

Chu Khôi

giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage