Phật Học Online

Phật đản về trên những vùng thôn quê

Ngày hôm nay nền khoa học kỹ thuật đã phát triển rất cao, những người tri thức khắp năm Châu đã ý thức được tác dụng của Phật giáo đối với nền hòa bình và văn minh nhân loại. Và đây cũng là lúc mà tất cả những người con Phật chúng ta phải nhìn lại chính mình, nhìn lại bổn phận, trách nhiệm, của ta đối với Đạo Pháp và nhân sinh, để ngày khánh đản của đức Từ Phụ mãi là ngày Quốc Lễ, là ngày của tình thương, ngày đạo pháp sáng soi muôn nẻo.

Theo truyền thống Phật giáo hàng năm cứ từ mồng 8 đến 15 tháng 4 âm lịch là ngày khánh đản của đức Từ Phụ lại trở về trong niềm hân hoan phấn khởi của tất cả người con Phật với tâm thanh tịnh tưởng nhớ hình bóng tôn quý của đấng Đạo Sư. Ở một số chùa có điều kiện tổ chức Đại Lễ Phật Đản thì rợp bóng cờ hoa, băng biển khẩu hiệu đón mừng Đại Lễ. Tuy nhiên những chùa có thể tổ chức lễ mừng sinh nhật của Thế Tôn vẫn còn chưa phổ biến. Đặc biệt là những vùng thôn quê, bà con Phật tử phần nhiều chưa được tiếp xúc với tinh hoa Phật pháp nên những hình thức tổ chức ngày Khánh Đản vẫn còn mờ nhạt.

Chùa quê treo cờ mừng Phật đản

Thật vậy, đạo Phật được truyền vào Việt Nam đến nay đã 2000 năm lịch sử, tín ngưỡng Phật giáo đã bén rễ ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân. Nhưng vì sự thăng trầm biến thiên của thời thế mà chính pháp có lúc thịnh, lúc suy, khiến cho nhiều người theo đạo đã quên ngày sinh Phật Tổ. Mặc dù vậy nhưng ngày mồng 8 tháng 4 (theo truyền thống Bắc Tông) và ngày 15 tháng 4 âm lịch vẫn là một ngày thiêng liêng trọng đại với tất cả bà con Phật tử ở những vùng thôn quê. Dù đã quy y Tam Bảo hay chỉ theo tín ngưỡng thờ Gia tiên cũng đều coi đó ngày lễ truyền thống của toàn dân tộc, nhà nhà đều thiết lễ cúng Phật, Thánh thần và Tổ tiên. Trong dân gian truyền miệng nhau đó là ngày “Bụt sinh cá đẻ”, một số người làm lễ phóng sinh để cầu Phật ban ân giáng phúc. Đồng thời nhà nhà đều mang tên tuổi lên chùa nhờ thầy chùa viết sớ cầu Phật gia hộ cho gia đình được hạnh phúc bình an. Tại các chùa truyền thống tắm Phật  vẫn được duy trì suốt chiều dài lịch sử, các cụ già thì rủ nhau đi chùa lễ Phật rất đông, mỗi người cũng không quên mang theo một cái chai nhỏ để lấy nước tắm Phật mang về và coi đó như là nước Thánh có thể khiến cho mọi người trở nên thông minh, mạnh khoẻ, bệnh tật tiêu trừ...

Vâng ngày Phật đản ở những vùng thôn quên chỉ bình dị và đơn sơ như vậy nhưng cũng nói lên cái ảnh hưởng đậm nét văn hoá Phật giáo của dân tộc ta từ thủa xa xưa, từ thủa Phật giáo từng là Quốc giáo. Tư tưởng Đạo Phật  đã lan toả sâu rộng và giữ vai trò chủ đạo trong nền văn hoá của toàn dân, từ vua quan cho đến thứ dân đều quy hướng, thực hành lời Phật dạy.

Ngày hôm này nền khoa học kỹ thuật đã phát triển rất cao, những người tri thức khắp năm Châu đã ý thức được tác dụng của Phật giáo đối với nền hoà bình và văn minh nhân loại. Và đây cũng là lúc mà tất cả những người con Phật chúng ta phải nhìn lại chính mình, nhìn lại bổn phận, trách nhiệm, của ta đối với Đạo Pháp và nhân sinh, để ngày khánh đản của đức Từ Phụ mãi là ngày Quốc Lễ, là ngày của tình thương, ngày đạo pháp sáng soi muôn nẻo. 

 

ĐĐ.Thích Thanh Minh


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage