Phật Học Online

Lễ Vu Lan: Chữ hiếu tròn đầy
Nguyên Vương - Trường Giang - TTVN

Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi người bài học sâu sắc về chữ Hiếu, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới thảng thốt: “Con chưa báo hiếu với mẹ, mẹ ơi!”.

Hai sắc hoa hồng

Lễ Vu Lan năm nay về sớm hơn tại thiền viện Sùng Phúc (Cự Khối, Gia Lâm, Hà Nội) với buổi lễ ý nghĩa diễn ra từ sáng 25/8. Hàng nghìn người, không kể người thường hay Phật tử, đã không quản đường xa, đến trước cửa Phật để bày tỏ sự hiếu kính của mình.

 

Người đến tham dự rất đông, ngồi chật cả hành lang phía ngoài

 

Những người mẹ đang giảng giải cho con về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan.

 

Xuất phát từ tấm lòng hiếu nghĩa của một vị tôn giả, ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 ngày càng được mở rộng hơn, và từ lâu đã trở thành ngày tri ân của mọi người con đối với đấng sinh thành. Trong đó, đặc biệt nhất phải nhắc đến nghi thức cài hoa hồng với hai sắc hoa: đỏ thắm dành cho những người còn cha mẹ và trắng tinh khôi với những ai không còn cha mẹ trên đời.

 

“Dạy con từ thuở còn thơ”, chữ “hiếu” phải được vun đắp từ nhỏ.

Dịp lễ Vu Lan sẽ giúp trẻ quen dần với văn hóa dân tộc, cách hành

xử đối với người thân còn sống cũng như đã khuất

 

Bé An mới hơn 3 tuổi nhưng rất vui khi được theo chị Trang (pháp danh Diệu Thiện)

và mẹ tới chùa

 Tới đây từ sáng sớm, chị Mai Phương (28 tuổi) thành tâm nghe thuyết giảng về công ơn biển trời của cha mẹ. Mất mẹ đã gần chục năm, chị vẫn không quên ký ức cùng những lời chỉ bảo hết mực ân cần khi còn mẹ ở bên.

Cài lên ngực mình bông hoa trắng, chị ngậm ngùi: “Khi mẹ ra đi tôi đang tuổi thiếu niên bỡ ngỡ, không có ai tâm sự và khuyên nhủ, nhiều khi tủi thân chỉ biết khóc thầm nhớ mẹ. Giờ tuy đã trưởng thành nhưng mỗi lần Vu Lan vẫn không cầm được nước mắt”.

Ngồi trong lòng chị, bé Bi lần đầu tiên theo mẹ đi lễ Vu Lan, chỉ biết tròn xoe mắt nhìn mọi người xung quanh đang lặng lẽ lau nước mắt.

Nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng. Theo đó, những người tham dự còn cả cha và mẹ thì cài hoa hồng lá xanh, mẹ đã mất nhưng cha vẫn còn thì cài hoa trắng cành xanh, trường hợp ngược lại thì cài hoa đỏ cành trắng. Riêng đối với các bậc Chư Tôn Đức Tăng Ni cài hoa màu vàng.

 

“Một bông hồng cho em. Một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai.

Cho những ai đang còn Mẹ. Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn…”

 

Thật hạnh phúc biết bao khi còn mẹ, được hưởng tình yêu thương vô bờ

của mẹ. “Mẹ là dòng suối dịu hiền"

 

"Mẹ là bài hát thần tiên"

 

"Là bóng mát trên cao"

 

"Là mắt sáng trăng sao"

 

"Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”

 

“Còn mẹ còn cha, là còn cả hương hoa cuộc đời “

 

Cầm trên tay mảnh giấy ghi những lời kinh Vu Lan báo hiếu, bác Nghĩa (65 tuổi) chia sẻ: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu. Mỗi con người đều là máu thịt của cha mẹ mà thành, và đấng sinh thành cũng là tấm gương lớn nhất của con cháu.

Trong gia đình, tôi luôn khuyên dạy con và cháu phải biết hiếu kính với cha mẹ, thương yêu người thân. Đó chính là cái gốc tạo thành nhân cách, để trở thành một người có ích trong xã hội”.

Cạnh những mái đầu hoa râm là sắc hoa hồng đỏ nổi bật trên ngực áo các bạn trẻ. Quảng Tâm, cô gái mới 21 tuổi, nói: “Mình thật hạnh phúc vì vẫn đang sống với cả bố lẫn mẹ. Đến đây nghe giảng về công ơn sinh thành dưỡng dục, mới giật mình nhận ra bản thân quá vô tâm.

Về nhà thấy tóc mẹ bạc thêm, mới hối hận về những lần hỗn với bố, không nghe lời mẹ. Với mình, sắc hoa chính là lời hứa phải tu dưỡng, khi cha mẹ đang ngày một già đi theo năm tháng".

Nhiều đường báo hiếu

Chị Nguyên Tâm Liễu, đại diện cho những Phật tử lên phát biểu trong lễ Vu Lan, tâm sự rằng phận làm con giờ đây có quá nhiều điều vướng bận, công việc, điều kiện, gia đình riêng và cả khoảng cách địa lý ngăn cản trở về báo hiếu với cha mẹ. Đến khi trở về thì chỉ còn “mái nhà không chẳng thấy bóng dáng đấng sinh thành”.

 

Cung nghinh chư tăng vào hành lễ

Bác Phong (72 tuổi) lại có phần xót xa: “Hai đứa con tôi đều công tác ở Sài Gòn, một năm chỉ về nhà 2 lần. Chúng nó vẫn gửi quà, thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, nhưng tôi thì cần gì những thứ ấy”.

Suy ngẫm về cuộc sống trong xã hội hiện tại, nhà giáo về hưu ấy cũng cho rằng, cuộc sống ngày càng đầy đủ, nhưng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng theo đó mà ngày càng lớn hơn. Nhiều người quá coi trọng gia đình riêng mà làm đau lòng cha mẹ, ít ngó ngàng chăm sóc.

Hơn thế nữa, số khác chỉ nghĩ đến cung cấp vật chất để trọn phận làm con, mà quên mất rằng báo hiếu không chỉ là hình thức, quan trọng nhất chính là cái tâm hiếu, là tấm lòng của mỗi người hướng về mái nhà đầu tiên của mình.

 

Trước không khí trang nghiêm, mọi người từ người lớn đến trẻ nhỏ đều tỏ ra

rất tôn kính, thành tâm.

 

Nghe các sư thầy giảng giải về chữ “hiếu”, có nhiều người không cầm được nước

mắt khi nghĩ tới “đấng sinh thành”, cho dù đó là bậc

cha chú tóc đã bạc…

 

…hay chàng thanh niên…

 

…và cô thiếu nữ tuổi còn xanh.

Mặt khác, chữ Hiếu vốn không đợi tuổi tác, công danh. Những bạn trẻ của CLB Thanh niên Trần Thái Tông gửi lời nhắn nhủ: “Hãy báo hiếu cha mẹ khi vẫn đang sống trong gia đình, kể từ những việc nhỏ nhặt như giúp đỡ việc nhà hay thể hiện cử chỉ yêu thương.

Giới trẻ ngày nay có xu hướng xa gia đình từ sớm, có lẽ có phần ảnh hưởng từ lối sống phương Tây ít coi trọng tình cảm gia đình. Đó là điều chúng ta cần phải tránh để giữ gìn đạo đức hiếu nghĩa truyền thống Việt Nam”.

Xin cầu sức khỏe cho“đấng sinh thành” còn hiện tiền.

Xin cầu sự bình yên cho những người đã khuất.

 "Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng chẳng phủ kín công cha", "Tiết tháng 7 mưa dầm sụt sùi thương nhớ mẹ. Hội Vu Lan hương trầm nguyện tỏa niệm ân cha". Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới thảng thốt: “Con chưa báo hiếu với mẹ, mẹ ơi!”.

Nguồn: Afamily


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage