Phật Học Online

Ngoại giao kiểu ‘dép xỏ ngón’
Richard Lister

Chẳng mấy ai gặp tổng thống tại Tòa Bạch Ốc mà lại đi dép xỏ ngón, nhất là vào tiết trời lạnh cóng của tháng Hai.

Thế nhưng Dalai Lama đâu phải vị khách bình thường, và giầy dép không phải là chuyện quá nên để mắt tới.

Mặc dù là người có ảnh hưởng chính trị tương đối hạn chế, tiếng vang từ cuộc gặp mặt của ông với tổng thống vượt xa phạm vi Washington.

Cuộc gặp là thước đo cam kết của chính quyền Mỹ về nhân quyền, và để đánh giá tư thế sẵn sàng ngẩng cao đầu của Washington trước Bắc Kinh.

Vì vậy, chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của ông được chuẩn bị chính xác tới từng phút cũng đủ cho thấy sự kiện gặp cũng có tầm quan trọng như nội dung thảo luận kín.

Tổng thống Bill Clinton từng cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc nên ông chưa bao giờ gặp Dalai Lama chính thức mà chỉ "ghé hỏi chuyện" khi Dalai Lama gặp gỡ các quan chức Mỹ khác.

Tránh phật lòng Bắc Kinh

George W Bush lại có thái độ cởi mở hơn chút và ông là tổng thống đầu tiên xuất hiện trước camera cùng với Dalai Lama trước công chúng.

Cuộc gặp với ông Obama được sắp xếp chặt chẽ

Mối quan hệ nồng ấm rõ rệt hơn là lúc Tổng thống Bush trao Huân chương Quốc hội cho Dalai Lama vào năm 2007, việc làm gây Bắc Kinh tức giận.

Nhưng ngay cả Tổng thống Bush cũng không cho phép truyền hình vào quay các cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc của ông với Dalai Lama, bởi đó là bước đi có thể khiến Bắc Kinh phản đối.

Tổng thống Barack Obama dường như đã chọn kiểu ở giữa hai cách tiếp cận của những người tiền nhiệm.

Ông đã gặp Dalai Lama tại Phòng Bản đồ của Tòa Bạch Ốc, tránh Phòng Bầu Dục vốn mang tính biểu tượng rõ nét.

Chỉ có một tấm hình hai người chụp chung được công bố và truyền hình không được tiếp cận.

Dẫu sao Trung Quốc đã lên án cuộc họp, nhưng đó là một phần của nghi lễ khiêu vũ ngoại giao diễn ra khi có các cuộc gặp như vậy.

Không ai dự kiến cuộc gặp không đao to búa lớn một cách có chủ ý này sẽ có hệ lụy thực sự trong quan hệ Trung-Mỹ.

Tất nhiên, bằng cách tổ chức cuộc gặp gỡ không rầm rộ như vậy, tổng thống chịu rủi ro làm hoen ố hình ảnh của mình vốn là nhà vô địch về nhân quyền.

'Sự nghiệp dài lâu'

Đã có sự phẫn nộ từ các nhóm nhân quyền khi Dalai Lama tới Washington vào năm ngoái và Tổng thống Obama đã quyết định không gặp ông trước khi Tổng thống thăm Bắc Kinh trong chuyến đi chính thức đầu tiên.

Tổng thống Bush trao Huân Chương Quốc hội cho Dalai Lama năm 2007.

Đó là việc tránh làm Bắc Kinh phật lòng một cách rõ ràng và nhiều người cũng đã cảm thấy nghị trình về nhân quyền của Hoa Kỳ có xu hướng yếu đi.

Sau ngày ông họp với tổng thống, tôi đã hỏi Dalai Lama liệu ông có cảm thấy mệt mỏi khi phải chơi lá bài ngoại giao kiểu nghi thức như vậy năm này qua năm khác mà hiệu quả thật chẳng nhiều hay không.

"Không!" ông nói mạnh mẽ. "Việc đạt được điều gì đó nhanh ra sao không quan trọng.”

Quan trọng hơn, theo ông, là đây là sự nghiệp đáng đấu tranh thậm chí khi thành công có thể có được "sau khi tôi nhắm mắt".

Và rõ ràng là Dalai Lama coi thời gian hơi khác so với hầu hết mọi người.

Douglas Paal, quan chức cao cấp Mỹ hộ tống ông vào họp với Tổng thống George Bush vào năm 1991, hỏi liệu ông đã từng gặp một tổng thống Mỹ trước đây hay chưa.

Dalai Lama cười và nói: "Cả tôi cũng như bất kỳ vị nào trong số 13 người hóa thân trước đều chưa bao giờ gặp tổng thống nào."

Nay thì ông ít nhất có thể dự kiến được mời thường xuyên hơn nhưng phải có điều kiện. Mặc dù điều kiện đó không liên quan tới việc ông đi giầy hay dép.

 

Theo: BBC


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage