Phật Học Online

Đầm ấm các ngôi chùa gốc Việt Nam trên đất Thái
Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Người Việt Nam luôn tự hào về nền văn hóa và truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, trong đó hình ảnh quê nhà với ngôi chùa thân thuộc không thể nào thiếu trong cuộc sống hằng ngày.


Đối với cộng đồng Việt kiều đang sống xa Tổ quốc thì tập tục đi lễ và chiêm bái chùa chiền ngày Xuân càng mang nhiều ý nghĩa, nhất là tại Thái Lan - nơi có số chùa đã hay đang hành trì các nghi lễ theo truyền thống Phật giáo Việt Nam nhiều nhất ở nước ngoài.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc”

Các ngôi chùa gốc Việt tại xứ “chùa Vàng” chính là nơi bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ và thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong những dịp lễ tết. Đó cũng là không gian để mọi người có thể bộc bạch và gửi gắm tình cảm đối với quê hương đất tổ, là địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con xa xứ.

Thời gian đã góp thêm những giá trị tâm linh cao cả và cũng tô điểm đẹp hơn cho một nét văn hóa của người Việt ở nơi “đất khách quê người.”

Một số tài liệu cho biết kể từ những ngày đầu tiên có mặt tại Thái Lan khoảng 200-250 năm trước, Annamnikaya hay còn gọi là An Nam tông luôn là một chỗ dựa tinh thần của bà con người Việt, vốn vì những lý do khác nhau mà phải di cư tới để làm ăn sinh sống.

Từ một hai ngôi chùa ở thủ đô Bangkok trong thời kỳ đầu, đến nay có tới 18-19 chùa An Nam tông phái trên toàn nước Thái, nơi chùa có tên gọi là Wat Yuon nghĩa là chùa của người Việt.

Trong đó riêng ở Bangkok có bảy ngôi chùa gốc Việt đặc trưng là Wat Kusol Samakorn (Chùa Phổ Phước - trụ sở của tông phái Annamnikaya), Wat Ananamnikayaram (Quảng Phước), Wat Samanamboriharn (Cảnh Phước, đã do Hòa thượng Bảo Ân là người Việt yêu nước chủ trì một thời gian khá dài), Wat Uphai Ratchabamrung (Khánh Vân), Wat Lokanukhroo (Từ Tế, từng là nơi tụ họp của bà con Việt kiều trong nhiều năm), Wat Mongkornsamakom (Hội Khánh) và Wat Chaiyapummikaram (Tỉ Ngạn).

Một ngôi chùa khác đang trong quá trình xây và cũng sẽ trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con thành tâm xa xứ.

Kiến trúc chùa có mái cong, hoa văn, màu sắc đỏ và nhất là hình tượng rồng ở đó khác hẳn con rồng Thái Lan. Các bảng hiệu, hoành, đối được viết bằng chữ nho, các quyển kinh Phật đều được in chép bằng chữ nho và có phiên âm ghi bằng tiếng Thái bên cạnh. Hầu hết tên chùa đều được ghi khắc bằng chữ nho, chữ Thái và được phiên âm sang tiếng Ạnh.

Riêng cổng chùa Hội Khánh có cả chữ Việt và tấm biển bên trong ngôi chùa ghi rõ hàng chữ “Chùa Hội Khánh Lạc Thành,” với chữ “Phật” được ghi khắc nổi bật bằng cả tiếng Thái, tiếng Việt và chữ nho. Bên dưới là hàng chữ tiếng Việt “Kiều bào đồng kính cúng” và có ghi năm 1956. Có tài liệu nói ngôi chùa được lập dựng lên vào thời Vua Taksin và Dhonburi (1768-1782).

Do bị xuống cấp với các gian thờ cũ đã bị tạm dỡ và đến giờ vẫn chưa được phục dựng lại, nên tác giả bài viết chưa thể cung cấp thêm thông tin về ngôi chùa ở khu phố Yawarat có đông kiều dân người Hoa làm ăn buôn bán.

Rất hy vọng chùa Hội Khánh sẽ được mọi người quan tâm để không bị tác động bởi quá trình đô thị hóa, hoạt động kinh doanh hay thời gian làm hư hại, hoặc bị thương gia xâm lấn.

Giá trị văn hóa cao cả

Đa số những ngôi chùa gốc Việt đều được thiết kế đầy đủ các ban thờ, với cách bài trí “tiền Phật, hậu Thánh” giống như ở quê nhà. Hàng năm có hai lễ lớn vào tháng Giêng đầu năm và rằm tháng Bảy âm lịch, là cơ hội quý báu nhằm kết nối tình thâm của những người con Việt Nam xa xứ.

An Nam tông là một trong hai tông phái Phật giáo đại thừa duy nhất được các vị sư tổ người Việt Nam du nhập vào xứ “chùa Vàng”, nhận được những sự bảo trợ của các đời Vua Thái Lan và sự quan tâm nể trọng của người dân địa phương.

Chẳng hạn như trong tên Wat Uphai Ratchabamrung (Khánh Vân) thì cụm từ Uphai Ratchabamrung có nghĩa là được hai quốc vương (Thái) bảo trợ. Một số nghi lễ của An Nam tông đã trở thành một trong những nghi thức không thể thiếu được trong đời sống của người dân Thái, như lễ Cúng sao giải hạn và lễ Cúng rằm tháng Bảy xá tội vong ân.

Sư thầy Thích Hạnh Chơn, một trong số trên 10 quý sư thầy đang du học ở Thái Lan, cho biết thờ nhiều tượng là đặc trưng các chùa Việt ở Thái Lan, nơi người Thái thường chỉ thờ tượng Phật Thích ca gồm nhiều kiểu thế, tượng Phật bốn mặt (ảnh hưởng bà la môn giáo); một số chùa có cả tượng Di Lặc và Quán thế âm do phật tử người Hoa dâng cúng. Chùa Việt có nhà tổ, có thờ các vị hòa thượng tiền nhiệm, có thờ linh, có tháp cốt.

Còn Chùa Thái không có nhà Tổ, không thờ các vị tổ sư, các hòa thượng qua đời, không có bàn thờ linh. Đồ cúng lễ là hoa quả, thức ăn chay, trà nước, hương nến và vàng mã.

Trong một nghi lễ được tổ chức gần đây tại chùa Wat Kusol Samakorn - Chùa Phổ Phước - sư thầy Thích Nguyên Chơn nói: “Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất cứ dân tộc nào tinh thần hiếu đạo luôn luôn đặt lên hàng đầu.

Việt Nam tự hào về đất nước hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến lâu đời, người dân luôn biết giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Và chúng ta càng tự hào hơn nữa khi thấy rằng, trong suốt quá trình phát triển lâu đời ấy, bất cứ nhà nào cũng đều có bàn thờ, để thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ hay những người thân đã qua đời.”

Trong khế kinh, đức Phật dạy “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật.”

Do đó, đạo Phật đi vào cuộc đời cũng không ngoài tinh thần hiếu hạnh. Hiếu hạnh đã trở thành một chuẩn mực đạo đức trong nền văn hóa nhân loại, đó chính là nền văn hóa tình người.

Sư thầy Thích Nguyên Chơn cho biết thêm tinh thần hiếu hạnh của đạo Phật không chỉ dừng lại ở việc báo hiếu cha mẹ trong hiện tại, mà còn báo hiếu cho đa sanh phụ mẫu trong bảy đời. Vì thế lễ hội tại chùa đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo thuần túy, để trở thành một Lễ hội thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Phật giáo đã trở thành một tôn giáo truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Chính vì thế, những ngôi chùa Việt dần dần được “di cư” theo rất nhiều kiều bào xa xứ và có hàng trăm ngôi chùa của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của cộng đồng kiều bào.

Thời gian đã góp thêm những giá trị tâm linh cao cả và cũng tô điểm đẹp hơn cho một nét văn hóa của người Việt ở nơi “đất khách quê người”./.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage