Phật Học Online

Phú Thọ: Pháp hội quán đỉnh Liên Hoa Sinh & Văn Thù Sư Lợi tại chùa Hoàng Long

 Ngày 16/3 Pháp Vương và Tăng đoàn đã quang lâm chùa Hoàng Long tỉnh Phú Thọ, vùng đất tổ Hùng Vương của các triều đại vua Hùng đã lập nên đất nước Việt Nam . Việc Pháp Vương quang lâm trụ xứ được tổ chức vào tháng lễ hội đền Hùng đánh dấu mối nhân duyên đặc biệt của Truyền thừa Drukpa với vùng quê cha đất tổ.

Pháp hội chuẩn bị cung nghinh chào đón Pháp Vương đã diễn ra rất khẩn trương  mặc dù điều kiện thời tiết trong những ngày này đã có mưa rất to cùng hiện tượng sấm sét tại vùng đất này. Đối với người dân địa phương, Rồng là hình tượng sống động của bốn vị Thần tứ pháp: Phong, Lôi, Vân, Vũ. Việc đất trời đổ mưa lớn với hiển linh của các vị Thần Tứ Pháp là sự cảm ứng của miền đất tổ con Rồng cháu Lạc trước sự hiện diện của bậc Thánh tăng toàn tri đại diện cho dòng Truyền thừa Drukpa (từ Druk có nghĩa là Rồng giác ngộ, gắn với điềm cát tường trong lịch sử thành lập Truyền thừa) 

phapvuong-1.jpg

Vào 9h sáng, Đức Pháp Vương và Tăng Đoàn Drukpa bắt đầu rời khách sạn Sheraton tại Hà Nội. Mưa vẫn lất phất rơi suốt chặng hành trình tựa như chư thiên đang rải hoa cúng dường cung nghênh Bậc Toàn Tri Tôn Quý.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đoàn xe của Pháp Vương tới chùa. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, đã có hàng đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng dọc suốt hai cây số trên con đường nhỏ dẫn vào chùa. Thời tiết lúc này đã không còn rơi nặng hạt nữa mà chỉ lất phất bay. Nhưng con đường thì ngập đầy bùn đất. Hàng nghìn chư vị Tăng ni và Phật tử đã đến từ sáng sớm chờ được cung đón Đức Pháp Vương tôn quý của mình.

phapvuong-2.jpg

Sau khi mọi người nghỉ ngơi và thọ trai, Pháp hội bắt đầu khoảng lúc 1h chiều. Mặc dù trời mưa làm nền đất của ngôi chùa đơn sơ trở nên sình lầy nhưng không ngăn nổi tấm lòng nhiệt thành của những người con Phật. Khoảng 10 nghìn người đứng chật kín trên bãi đất rộng phía trước khu đàn tràng được thiết lập trang nghiêm.

Đức Pháp Vương đăng tòa trong sự cung kính trang nghiêm của chư vị tôn túc, đại đức tăng ni, đại diện chính quyền, nhân dân, Phật tử địa phương, và thiện hữu tri thức xa gần. Lúc này, trời quang mây tạnh. Đức Pháp Vương bắt đầu khai đàn bằng lời cảm ơn trân trọng tới chính quyền đã tạo điều kiện để Pháp hội được tổ chức vì lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam. Ngài cũng tán thán tín tâm dâng hiến chí thành của Phật tử Việt Nam. Chính nhờ thiện hạnh ấy mà có sức cảm hóa đất trời khiến điềm cát tường xuất hiện. Ngài dạy rằng nếu mưa tiếp tục rơi thì đó chỉ là điều kiện thời tiết thông thường, nhưng mưa đã ngừng ngay trước khi Pháp hội bắt đầu thì đó là điềm lành báo hiệu những điều tốt đẹp. Ngài cũng bày tỏ niềm tin sâu sắc của Ngài đối với mối Pháp duyên trân quý giữa đất nước Việt Nam, vùng đất tổ Vua Hùng và Truyền Thừa Drukpa.

phapvuong-3.jpg

Đức Pháp Vương bắt đầu Pháp hội với pháp quán đỉnh Liên Hoa Sinh. Tất cả đại chúng cùng tụng đọc theo kim khẩu của Pháp Vương. Ngài khuyến dạy đại chúng thường xuyên tụng đọc Bảy Lời Cầu Nguyện Đức Liên Hoa Sinh mười ngàn biến, hai mươi ngàn biến, trăm ngàn biến hay hơn nữa, nhờ đó có công năng tiêu trừ bệnh tật, các tội chướng, ám chướng. Rất nhiều người nhờ nhất tâm tụng niệm Bảy Lời Cầu Nguyện nên chiêu cảm thần lực gia trì và viên mãn mọi ước nguyện. Ngài cũng giảng về câu tâm chú của Đức Đạo Sư Liên Hoa Sinh là tinh túy tâm giác ngộ của Ngài. Nhờ trì niệm thần chú ‘Om Ah Hung Benza Guru Padma Siddhi Hung’, chúng ta sẽ thiết lập được mối liên hệ với tâm giác ngộ của Đức Liên Hoa Sinh. Tiếp đến, Ngài khẩu truyền tâm chú ‘Om Mani Padme Hung Hrih’ của Đức Quan Âm và tâm chú ‘Om Ami Dewa Hrih’ của Đức A Di Đà. Ba câu thần chú là biểu trưng cho thân, khẩu, ý giác ngộ của chư Phật và cũng là biểu trưng thân, khẩu, ý giác ngộ sẵn có nơi mỗi người. Thay vì phóng tâm hướng ngoại chạy theo những vọng tưởng điên đảo, hành giả nhất tâm thiền định trì chú tịnh hóa thân khẩu ý của mình và dung nhập bất khả phân với thân khẩu ý giác ngộ của chư Phật, chư Bồ Tát.

phapvuong-4.jpg

Pháp quán đỉnh thứ hai Pháp Vương ban truyền là quán đỉnh Văn Thù Sư Lợi. Đức Văn Thù Sư Lợi thể hiện phương diện trí tuệ đại giác ngộ vô thượng của chư Phật. Ngài thị hiện muôn vàn hóa thân như Bản Tôn Chackrasamvara, Yamataka, đặc biệt, Ngài thường thị hiện trong hình tướng các bậc đại đạo sư, ví dụ như Ngài Long Thọ Bồ Tát. Nhờ tụng niệm tâm chú ‘Om A Ra Pa Tsa Na Dhi’ của Ngài, hành giả khai phát trí tuệ thế gian và xuất thế gian. Đây là bước khởi đầu vô cùng quan trọng để tu học Phật Pháp, vì để tu học thực hành Pháp trước hết chúng ta phải có trí tuệ và chính kiến. Nhất là đối với trẻ em học sinh, sinh viên đang tuổi đến trường, nhờ tụng đọc thần chú này sẽ khai mở trí tuệ, trở nên thông minh, sáng dạ hơn. Vì vậy Đức Pháp Vương chúc nguyện rằng nhờ Pháp hội quán đỉnh Văn Thù này, nguyện Phật tử và nhân dân Việt Nam tăng trưởng đại trí tuệ. Ngài cũng khuyến dạy nên xây dựng bảo tháp Văn Thù Sư Lợi tại ngôi chùa Hoàng Long để lợi ích vô lượng chúng sinh.

phapvuong-5.jpg

Pháp hội kết thúc, những đàn chim phóng sinh bay lên về với tự do trong tiếng vỗ tay hoan hỷ của đại chúng. Mưa lại lắc rắc rơi xuống như ban nước cam lồ quán đỉnh. Mặt trời chợt vén màn mây ló rạng rực rỡ trong giây phút thiêng liêng cảm động này. Nhiều người còn chứng kiến hiện tượng nhiều mặt trời xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời. Đồ cúng Tsok được phân phát cho từng người. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời mãn nguyện.

phapvuong-8.jpg

phapvuong-6.jpg

Tin, ảnh Ngọc Lâm (Theo GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage