Phật Học Online

Đền chùa xây mới nên dùng chữ quốc ngữ
Hoàng Hường (Ghi)

Giữ gìn tiếng nói và chữ viết của mình là cần thiết: đây là ý nghĩa, về mặt ngôn ngữ - văn tự, là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - Hòa thượng Thích Chơn Thiện.

Không thể đồng hoá

Sau hàng chục thế kỷ dưới sự cai trị và đồng hóa của người Hán, người Việt vẫn giữ được tiếng nói và nhiều phong tục riêng của mình.

Từ đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ (dùng mẫu tự Latinh)  phổ biến và được coi là ngôn ngữ chuẩn của người Việt.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng khuyến khích người dân nên dùng chữ Quốc ngữ.

 

Tuy nhiên tâm lý thích dùng từ mẫu tự Hán vẫn ăn sâu vào đời sống người dân.  

 

Giữ chữ viết là giữ gìn bản sắc dân tộc

 

Để đảm bảo thông tin đa chiều, chúng tôi đã ghi lại quan điểm của Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
 

"Nếu là di tích văn hóa cần được phục hồi, thì cần phục hồi nguyên trạng: Đền, chùa sử dụng chữ Hán, hay chữ Nôm thì bây giờ cũng sử dụng như thế.

 

Chỉ ghi chú riêng tiếng Việt trên một tấm biển rời để quần chúng có thể đọc, và có thể hiểu (như các đối, liễn, bia ký và lịch sử của chùa, đền).

 

Nếu là chùa, đền mới do thời đại hiện nay xây dựng thì nên sử dụng quốc ngữ: Chữ la tinh (Latin) khắc in có nhiều mẫu tự rất đẹp, như các công trình kiến trúc châu Âu vẫn làm.

 

 

Có người vẫn giữ quan niệm xưa cho rằng: Sử dụng chữ Hán hay chữ Nôm mới đúng truyền thống (vốn đã sử dụng qua nhiều thế kỷ, thiên niên kỷ). Điều này không đúng.

Lập luận thế là không đứng vững.

 

Văn hóa ngày nay là văn hóa kế thừa văn hóa ngày qua (có chọn lọc) và có phần văn hóa phát triển, tiếp thu cái hay cái đẹp của “thiên hạ” (có chọn lọc).

 

 

Chẳng hạn, truyền thống quân chủ của nước ta và của nhiều nước trên thế giới đã trải qua vài, ba thiên niên kỷ, nay đã chuyển sang dân chủ (ứng cử, bầu cử...).

 

 

 

Không thể lập luận: giữ gìn chế độ quân chủ là giữ gìn truyền thống.


Quan điểm của học đường Việt Nam là giáo dục thế hệ trẻ học quốc ngữ (mẫu tự la tinh) trau dồi quốc ngữ, làm giàu làm đẹp, làm sáng giá chữ quốc ngữ, văn phong quốc ngữ, diễn đạt bằng quốc ngữ (bởi mọi công dân Việt Nam đang tư duy theo văn mạch, ý tưởng, từ ngữ của quốc ngữ - chữ viết theo mẫu tự la tinh a, b, c, ...).

 

Chỉ cần ba tháng là mọi công dân có thể học và đọc được quốc ngữ. Chỉ cần qua cấp tiểu học là đọc, nói, viết khá rành tiếng Việt.

 

Nếu nói, viết bằng tiếng nước ngoài thì mất thời gian nhiều hơn nhiều lần, tốn kém rất nhiều thời gian và tài sản quốc gia mà không chuyên chở được cái hồn của người Việt.

 

Giữ gìn tiếng nói và chữ viết của mình rất riêng, khác với các nước trong khu vực và thế giới là cần thiết: đây là ý nghĩa, về mặt ngôn ngữ - văn tự, là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".

Hoà thượng Thích Chơn Thiện quen thuộc với giới tăng ni Phật tử trong và ngoài nước không chỉ bởi ông đã có 43 năm tu hành mà còn vì ông là tác giả của nhiều tác phẩm về Phật học và văn học...


Hoà thượng Thích Chơn Thiện hiện nay là Phó trưởng ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng ban giáo dục tăng ni Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Đại biểu Quốc hội khoá XI.

 

Nói đến những tác phẩm của ông (3 dịch phẩm và 12 tác phẩm), nổi tiếng nhất phải kể đến cuốn "Phật học khái luận" đã tái bản tới 8 lần; công trình nghiên cứu "Lý thuyết về nhân tính" xuất bản bằng cả Việt ngữ và Anh ngữ đã được phát hành ở nhiều nước.

 

Đặc biệt, 62 năm của cuộc đời và 43 năm gắn bó với chốn cửa thiền tại đất Cố đô - một vùng đất thấm nhuần tinh thần Phật giáo đã để lại cho Hoà thượng Thích Chơn Thiện cuốn sách "Hoa Ngọc Lan" - một tác phẩm văn học nói về nếp sống của giới tu hành.

Theo: Tuanvietnam.net

Ý kiến của bạn:

<>

© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage