Phật Học Online

Quản lý - Giáo dục Tăng Ni trẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
Viết bởi Sư cô Thích nữ Giác Nghiêm

 Địa bàn TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm văn hóa của cả nước, cho nên các cơ sở giáo dục quan trọng đều đặt tại đây. Trong xu hướng phát triển giáo dục cộng đồng, Đạo Phật cũng có cơ hội mở các trường Phật học từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học Phật giáo, ngoài ra còn có các khóa học Trung – Cao Cấp Giảng sư, và có cả ngành Y nữa .v.v. …, cho nên nơi đây thu hút một lượng lớn Tăng Ni sinh trẻ từ các tỉnh bạn đến học. Các Tăng Ni sinh trẻ ở tại các Tự viện trong thành phố, ngay cả nhà trọ. Nếu các Tăng Ni sinh còn ở chốn thiền môn, họ còn được chăm lo cuộc sống tu học; nếu họ coi trọng việc học, không chịu khép mình nơi kỷ luật nhà chùa, thì họ phải tự lo toan mọi thứ. Một số trong họ không tự giữ mình, cũng như danh dự đoàn thể. Điều này đã là một vấn đề nan giải cho các bậc Trưởng lão của hai bộ đại Tăng.

Từ những năm 1983 đến 1997, với số lượng sinh viên vừa phải, không tới 300 vị cho một khóa học, Nhà trường đóng vai trò đắc lực hỗ trợ sinh viên chỗ ăn ở, lẫn vật thực cung cấp, có quan tâm liên kết chặc chẽ giữa Nhà trường và Tự Viện có Tăng Ni sinh cư trú. Cụ thể như Khóa III, Trường Cao Cấp Phật Học tại TP. HCM. Nhưng giai đoạn hiện tại, nhà trường không thể tạo cơ hội nhiều hơn cho giới Tăng Ni sinh trẻ. Như vậy có một số vị đi học, nhưng lại ở ngoài sự kiểm soát của Thầy Tổ, hay các cấp lãnh đạo Phật giáo ở địa phương họ thường trú, cũng như ở nơi họ đến tạm trú. Do vậy những điều không lành mạnh đã xảy ra như: Một số sinh viên đi học thiếu oai nghi tế hạnh, không tôn Sư trọng Đạo …

Ngay tại địa bàn Quận 9, Quận 2, và Quận Thủ Đức số Tăng Ni sinh cư trú tập trung rất đông tại các Tự viện thuộc ba quận, và rãi rác ở các quận khác trong thành phố để theo học tại Trường Cao Đẳng – Trung Cấp Phật Học TP.HCM, bên cạnh niềm vui có trường để học, các Ni sinh có cơ hội mở mang kiến thức và được tu tập để phát triển đời sống tâm linh; thì một nỗi lo khác đã sinh khởi, cụ thể: đã có một số các Ni sinh phạm kỷ luật và vĩnh viễn rời khỏi các Tự viện về lại đời sống thế tục, các vị Trụ Trì lo lắng không thể biết chắc Ni chúng của mình có đi một hướng khác hay không, sau khi họ đã rời chùa. Và hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo sẽ không lường được.

Trước những vấn đề gây lo lắng cho Giáo hội, chư Tôn Thiền Đức đặc trách Ni giới là những người chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các vấn đề này. Riêng bản thân con mạo muội nêu ra các biện pháp tích cực có thể góp phần quản lý Ni chúng tốt hơn. Biện pháp cần quan tâm như sau:

1. Trong việc quản lý con người cần có sự hợp tác, theo dõi và góp ý từ Nhà trường, Trụ trì Tự viện, cũng như Bổn sư, Y chỉ Sư của Ni sinh góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức, lẫn kiến thức của từng Ni sinh.

2. Việc giáo dục đạo đức, học vấn của người tu sĩ trẻ yêu cầu đi từng bước, tránh đi tắt như học Trung cấp không qua Sơ cấp Phật Học, cũng như học Đại học Phật giáo mà không qua bất kỳ Lớp học Phật học nào. Lưu ý các vị Bổn sư, Y chỉ sư đừng quá dễ dàng trong việc học hành của đệ tử mình. Khuyên nên chọn nhữn nghành có ích và phù hợp. Các Ngài không nên phó mặc cho Trụ trì Tự viện của nơi mình gửi các đệ tử, mà phải quản lý từ xa.

3. Ngay tại Tự viện có Chư Ni ở, cần có sự lo lắng cả về vật chất tốt, lẫn về mặt tinh thần của họ. Các vị có chức sự trong Tự viện cần quản lý một cách khoa học sao cho Ni chúng có thể ý thức việc tu trì, nâng cao phẩm chất đạo đức góp phần phát triển trí tuệ, cũng như đời sống Tu viện được sung mãn.

4. Riêng về phía Ni chúng, tự thân mỗi người được khuyến khích, cổ vũ, động viên trong tu học, nhưng cá nhân mỗi vị Ni trẻ cần ý thức, tự nguyện rèn luyện tư chất tốt đẹp của người tu sĩ. Họ nên tự kiểm soát mình trước các lợi dưỡng của thế tục ngày càng khốc liệt như: Sử dụng xe gắn máy, máy vi tính chơi games, hay coi phim ảnh, điện thoại di động, tiền bạc mà giới hộ trì cúng dường. Nếu có nền tảng vững vàng, họ khó bị đánh bại trước những cám dỗ của vật chất, lẫn ái dục của đời sống thế tục.

5. Biện pháp nối kết với quần chúng, thông qua các vị có trách nhiệm trên địa bàn Thành phố. Các Phật tử cũng có bổn phận giúp phát hiện những nơi mà Ni Sinh cư ngụ. Sau đó thuyết phục đưa họ trở lại với lối sống ở Tự viện để tiện việc tu học và quản lý.

Tóm lại, với sự cộng tác và đóng góp từ nhiều phía, vấn đề quản lý-giáo dục Ni giới dần dần sẽ thắt chặc lại, góp phần làm trang nghiêm và thanh tịnh cho Giáo Hội. Điều này sẽ phát huy vai trò lãnh đạo của chư Tôn đức đặc trách Ni giới trong thời kỳ khó khăn này, đồng thời góp phần trong sạch hóa đội ngũ Ni giới tại TP. Hồ Chí Minh./.

Trích tham luận Lễ ra mắt Phân ban đặc trách Ni giới Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage