Phật Học Online

Niềm ưu tư lớn cho năm Tân Mão 2011
Thích Giác Tâm


Một năm trôi qua với nhiều áp lực trong cuộc sống, ba ngày  tết cần phải nghỉ ngơi, cần phải thư giản.

Nếu là Cư Sĩ thì  đưa con cháu về chùa lễ Phật, thăm xuân chúc tụng nhau. Vậy mà vẫn có những người đau đáu trong lòng, ưu tư đến nỗi vầng trán sớm nhăn, về vận nước, về mạng mạch Phật giáo. Các vị đó là Tăng là Ni là Cư Sĩ, mà quý nhất là Cư Sĩ. Bởi họ là người đang sinh hoạt trong guồng máy thế gian, xã hội, phải lo cho vợ, cho con, cho cháu….Vậy mà tâm lúc nào cũng nghĩ đến Đạo Pháp, lo ngay ngáy ngày đêm sợ Đạo suy, sợ Đạo biến mất, sợ Đạo trở thành món đồ cổ, cho người nhìn ngắm cho vui.

Số lượng Cư Sĩ mang tâm tình chấn hưng Phật giáo như thế hiện còn không nhiều lắm, hầu hết đều trên sáu mươi, ngoài bảy mươi. Các vị có học vị, học rộng, có trải qua dâu bể cuộc đời, có cái thấy mình thấy người, nhìn xa rộng, biết tu tập thiền quán, biết tổng hợp tin rồi dự báo. Rất nhiều lần dự báo chính xác.

Nỗi lo nhất cho Phật giáo chúng ta là số lượng Cư Sĩ như thế rất hiếm hoi. Với lứa tuổi của họ như đã nêu những ngày ở trần gian không còn nhiều. Những dự báo tiên lượng của họ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, họ đang ở xa (hải ngoại) vẫn chưa nối kết được nhiều với chư vị Tăng Ni và hàng Cư Sĩ hữu tâm trong nước, do vậy những đề nghị chấn hưng PG trong nước của họ cũng chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên chuông đã gióng lên nhiều lần và hiện nay số lượng Tăng Ni, Cư Sĩ, Phật tử trong và ngoài nước đã bắt đầu thấy được hiểm họa. Đã quên đi những dị biệt bất đồng về tông phái, trong ngoài, trước sau, cũ mới, và AI cũng đều nhận thức rằng cái TẤT CẢ mà suy, thì cái MỘT có thịnh cũng chỉ là thịnh ảo nhất thời, rồi cũng suy tàn theo thôi.

Sáng mồng hai tết năm Tân Mão chúng con mở hộp thư điện tử (email) thấy có thư mới của các Cư Sĩ hữu tâm gởi với nội dung  mời: “ hợp tác biên soạn Tủ Sách Tôn Giáo để hổ trợ cho việc tu học của Phật tử tại gia”.

Thực ra cốt lõi của việc chấn hưng Phật giáo là làm sao cho tín đồ hiểu lời Phật dạy, hiểu giáo lý Đạo mình đang theo, thêm một bước nữa là biết so sánh giáo lý của Đạo mình với giáo lý của Đạo khác. Biết so sánh, biết nhận diện Ta và Người, có niềm tin sâu sắc thì sợ gì việc cải đạo. Có chuyện cải đạo là bởi trong lòng trong suy nghĩ của số đông bà con theo Phật đều có quan niệm rất hiền lành, rất dễ thương: “ Là Đạo nào cũng tốt, cũng dạy con người ta ăn hiền ở lành”. Chứ không có kiến giải, có tầm nhìn xa rộng như các bậc thức giả rằng tôn giáo nào có khả năng nối kết  tín đồ, tín đồ chỉ biết cúc cung vâng phục, thì sẽ có một lúc nào đó, tôn giáo đó mạnh, dẫn đến  đất nước ly cách, thống thuộc bên ngoài. Trường hợp đó đã xảy ra cho một số nước trên thế giới.

Mười điều gợi ý của quý Cư Sĩ hữu tâm cho Tủ sách Tôn giáo, nếu được Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Cư Sĩ hữu tâm, quý Thiện hữu tri thức, các bậc Thức giả, cùng quý Phật tử trong và ngoài nước hưởng ứng cùng đóng góp thành tựu, và phân phối cho từng chùa, từng tự viện , tịnh xá, niệm Phật đường trong nước làm tài liệu, các vị Trụ Trì, và các vị lãnh đạo các cơ sở hạ tầng của PG triển khai cho công cuộc chấn hưng Đạo trong giai đoạn mới thì rất  hiệu quả cho chuyện chống cải đạo.

Năm sáu năm về trước, Phật giáo trong nước có vận động Phật tử cúng dường Tủ sách Phật học cho các chùa vùng sâu vùng xa. Quý nhất là bộ sách Phật học phổ thông của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, còn lại là Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Đại Bảo Tích, và các kinh bộ lớn khác. Khi phân phối cho các chùa, hầu hết chỉ để trong tủ mà thờ cho có phước, không làm tài liệu thiết thực, ứng dụng tu học cho Phật tử được, rốt cuộc hiệu quả đem lại cũng không cao mấy.

Kinh, Sách, tài liệu hướng dẫn tu học, giữ đạo, khi in ấn không nên dày lắm, nội dung trong sáng dễ hiểu, đừng quá lạm dụng danh từ Hán Việt khó hiểu để cho quần chúng bình dân có thể hiểu được. Và hơn hết là khi phân phối phải có con người chịu khó, chịu đi xa, chịu đến những vùng khó đến, phân chia Kinh Sách, tài liệu……đúng nơi đúng người. Còn chỉ đưa đến văn phòng Ban Trị Sự của từng tỉnh rồi phân chia lại, cũng sẽ không hiệu quả. Bởi người viết đã từng chứng kiến tại một số văn phòng BTS thì không thiếu một loại kinh sách gì, còn các nơi cần thì không có.

Công việc hoằng dương Phật pháp, chống cải đạo, giữ gìn tín đồ….là công việc chung của bốn chúng đệ tử Phật, không của riêng ai. Tất cả cùng có trách nhiệm, cùng xắn tay áo lên hành động thì đạo pháp sẽ sáng rỡ. Tổ quốc sẽ hưng thịnh, bình yên trường tồn.

Có chút duyên với nhau nên các Cư Sĩ ưu tư đạo pháp gởi bài, chúng con cung kính dâng lên Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Cư Sĩ, Phật tử, qúy thiện hữu tri thức, các bậc Thức giả, quý Ban Biên Tập trong và ngoài nước Thư Ngỏ : Vận động biên soạn Tủ sách chấn hưng Phật giáo, xin mời Chư Tôn Đức Tăng Ni, cùng liệt quý vị đọc và cùng giới thiệu rộng rãi cho mọi người con Phật cùng nhau chung lo xây dựng bồi đắp cho ngôi nhà chung Phật giáo.

Nam Mô Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật.
Thích Giác Tâm
Website: http://chuabuuminh.vn
(Hình trên: TT. Thích Giác Tâm, Trụ trì Chùa Bửu Minh Gia Lai - ảnh do TVHS ghi thêm)

THƯ NGỎ

Kính gởi: Chư Tôn Đức Tăng Ni và quý Thiện hữu tri thức Phật tử.

Kính bạch quý Ngài và kính thưa quý vị,

Đạo Phật ra đời hơn hai ngàn năm qua, nhờ mang tính Nhân Bản, Thực Dụng và Khoa Học nên giáo pháp của Đức Như Lai được nhân loại hân hoan đón nhận ngày càng ngoạn mục, nhất là đối với các quốc gia tân tiến Tây phương, nơi mà khoa học ngày càng phát triển và đang đẩy lùi các tôn giáo độc thần vào bóng tối. Nhưng các tôn giáo nầy lại được phát triển ở các quốc gia trong thế giới thứ ba, bằng những phương tiện vật chất và chiêu bài tự do tôn giáo, hầu tiến hành một cuộc xâm lăng văn hóa và thực địa theo phương thức mới và tinh vi hơn.

Đạo Phật Việt Nam, có lúc hưng thịnh như dưới các triều đại Lý Trần, có khi đen tối như thời bị ngoại bang đô hộ. Trong hơn 30 năm qua, Phật Giáo không những còn nhân để tồn tại mà duyên để phát triển hầu hết các mặt, nhất là cơ sở vật chất, rất ấn tượng. Có được những khởi sắc đáng quý ấy là nhờ sự thông thoáng của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực không mệt mỏi của chư Tôn Giáo Phẩm Tăng Ni và Phật tử bốn phương.

Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta thấy sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu sự đồng bộ:

a.     Các trường mầm non và mẫu giáo ít người quan tâm xây dựng, nhưng cơ sở thờ tự nhiều nơi chưa có nhưng lắm chỗ dư thừa, lạm phát tự viện (cải gia vi tự), như tại bang California, Mỹ là một thí dụ. Trái lại về phương diện tu tập thì một số vị chưa được trang bị đủ các quy củ thiền môn, nên đã và còn có thể dễ bị cuốn hút vào những từ trường thế tục. Giống như những người ra khơi, vượt trùng dương nhưng thiếu la bàn để định hướng, thiếu hành trang và các phương tiện cần thiết nên đã không tránh khỏi sức ép của các trận trận cuồng phong thời cuộc.

b.     Về cư sĩ tại gia, một thành phần đông đảo của Phật giáo, tuy có chương trình tu học nhưng chưa đồng bộ, nên sự xuất hiện các đạo tràng, do cư sĩ hướng dẫn nhau, mang tính tự phát tùy theo phương tiện và hoàn cảnh. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng các khóa tu học cũng chỉ thu hút được các nhóm nhỏ lẻ tẻ trong vài ngôi chùa hẻo lánh ở thị thành. Còn tuyệt đại quần chúng Phật tử, mỗi năm chỉ đi chùa vài lần trong các dịp Phật Đản, Vu Lan và Tết hoặc những lúc ma chay, húy kị. Thêm vào đó, Phật tử lâu đời nhưng không nắm vững giáo lý căn bản, nên dễ bị cải đạo lúc thiếu gạo cần tiền hoặc bị ép buộc qua hôn nhân.

c.     Các đoàn thể khác như các Câu lạc bộ Thanh niên, các đoàn Sinh viên, Học sinh và Gia đình Phật tử là những thế hệ trẻ đầy năng lực và nhiệt huyết. Họ là rường cột của nước nhà và mạng mạch của Phật Giáo, nhưng lại chưa được thành lập rộng khắp trong đơn vị của các chùa thuộc hệ thống Giáo Hội, chưa có một chương trình tu học bài bản được các ban ngành liên hệ của Giáo Hội biên soạn, mà chỉ mang tính tự phát hoặc tự biên tự diển, nên chất lượng chưa cao lắm.

d.    Về cơ cấu tổ chức và nhân sự của Trung Ương Giáo Hội, tứ chúng rất được diễm phúc nhờ quý Ngài trong Hội Đồng Chứng Minh và Hội Đồng Trị Sự toàn là những bậc Tăng tài đạo cao đức trọng. Nhưng phải thành thật để nhận rằng, có nhiều vị thâm niên phục vụ Giáo Hội đã gần 30 năm, tuổi quá cao, sức không còn nhiều. Quý Ngài cần được tịnh dưỡng sau bao năm hy hiến cuộc đời cho xã hội quần sanh. Bằng ngược lại, Giáo hội sẽ chỉ là một tổ chức có nhiều hình thức, ít nội dung, nên sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thời đại, và dĩ nhiên là khó tiếp nối hạnh nguyện hộ quốc an dân mà xuyên suốt hơn hai ngàn năm qua đạo Phật luôn luôn tự hào một cách có thực.

Tấm gương mờ trì trệ, thiếu viễn kiến của một Phật Giáo Hàn quốc co cụm, tiêu cực trong Thế chiến thứ hai, là nguyên nhân để Phật Giáo nơi nầy trở thành một tôn giáo thiểu số, và gần đây một số chùa đã bị con chiên cuồng tín Tin Lành đốt phá và chặt cổ tượng Phật vì họ cho đó là ma quỷ! Nam Thái Lan trở nên vùng bất ổn trong nhiều năm qua vì sự suy yếu của Phật Giáo Thái. Đông Timor đã biến thành một nước Thiên chúa giáo tách rời khỏi Indonesia.

Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, nhiều chùa bị đập phá để làm nhà thờ. Năm 1964, nhóm FULRO nỗi loạn ở Cao nguyên. Năm 2001, Tin Lành Đêga  Kontum đòi độc lập tự trị. Liên tiếp hai năm, 2010 và 2011, lễ Noel tại sân vận động Mỹ đình Hà nội, giáo phái Tin lành trong cái gọi là “Tuyên ngôn thuộc linh”, công khai thách thức lúc cho rằng dân tộc Việt Nam là rắn, mà rắn thì cần phải...

Còn nhiều nữa, nhưng một số phác họa vừa đề cập cũng đủ để cho thấy Phật Giáo Việt Nam, trong và ngoài nước, cần gấp rút Chấn Hưng, cần canh tân đổi mới kịp thời, cần trẻ trung hóa nhân sự Giáo Hội, đặt người đúng chỗ, cải tiến chương trình hoằng pháp hữu hiệu hơn, áp dụng tinh thần tứ chúng đồng tu v.v. Nếu không thì các biến cố tương tự nêu trên chỉ là thời gian.

Một số tư duy hằng chục năm về trước, vài chương trình sinh hoạt của ngày xưa chưa hẵn hoàn toàn thích hợp với thế giới ngày nay. Do đó, Chấn Hưng là một điều tất yếu không thể trì hoản được nữa.

Để cụ thể, bằng một việc làm tuy nhỏ nhưng cần thiết, chúng tôi, những người hằng thao thức đến vận mệnh quốc gia dân tộc và tiền đồ Phật Giáo, nay vận động biên soạn Tủ sách Tôn Giáo để hỗ trợ việc tu học cho Phật tử tại gia.

Nội dung Tủ Sách được gợi ý như sau:

1.  Tam tạng kinh điển của Phật Giáo. Tóm tắt một số các bộ kinh thông dụng của Nam tông và Bắc tông. Giới thiệu Luật Tạng và Luận Tạng .

2.  Các pháp môn tu học cần thiết cho hàng Phật tử tại gia như Thiền, Tịnh và Mật tông. Những lợi ích thiết thực về tâm và thân của ba pháp môn nầy.

3.  Lịch sử phát triển Phật Giáo trên thế giới: Các nước Tây phương (Anh, Mỹ, Pháp, Canada, Úc, v.v.), Đông phương (Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cam Bốt, Lào v.v.), Phi Châu và châu Mỹ La Tinh.

4.  Những khó khăn và những bài học thiết thực rút ra từ chương trình hoằng pháp tại một số quốc gia nêu trên.

5.  Sự thịnh suy của Phật Giáo trong vài nước tiêu biểu như Ấn Độ, Nam Hàn, Thái Lan, Nhật và Việt Nam.

6.  Những đóng góp của Phật Giáo về mặt hòa bình, triết học, khoa học, nhân văn, tâm lý trị liệu và sức khỏe v.v.

7.  Chấn hưng tổ chức Phật Giáo Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết, và chấn hưng những lãnh vực nào?

8.  Đề nghị một phương thức hoằng pháp nhanh, hiệu quả tốt. Dự kiến một hướng đi cho Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ mới hiện nay. Cư sĩ với các vấn đề kinh doanh để có tiền hỗ trợ Giáo Hội.

9.  Tìm hiểu một số tôn giáo lớn trên thế giới như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và Hồi Giáo, đặc biệt các tôn giáo đang có mặt tại Việt Nam. Lịch sử truyền giáo của các tôn giáo nầy. Những thăng trầm và bài học rút ra từ đó. Tiên đoán sự bành trướng của các tôn giáo nầy tại các quốc gia Á châu.

10. Dựa vào ba tiêu chí: Tính Nhân bản, tính Thực dụng và tính Khoa học, để đối chiếu một số lời dạy của các tôn giáo nói trên đối với Phật Giáo.

Lưu ý kỹ thuật:

Các bài viết phải mang tính khoa học, khách quan, sử dụng các tài liệu chính xác và tin cậy để bảo đảm giá trị nội dung. Để dễ phổ biến đến quần chúng, số trang cho mỗi tập là không quá 100 trang (khoảng 300 chữ cho mỗi trang). Mỗi bài viết, ngắn nhất là 5 trang và dài nhất là khoảng 20 trang.

Nếu có thuận duyên, sau tủ sách nầy, chúng tôi sẽ tiến hành việc biên soạn các Tủ sách khác hoặc các chương trình như: Thi đua viết truyện ngắn, truyện dài, sáng tác ca nhạc, kịch v.v.

Thỉnh cầu chư Tăng Ni hoan hỹ chỉ giáo và cho bài, quý thiện hữu tri thức xa gần vui lòng cọng tác biên tập, góp ý hoặc hổ trợ việc phổ biến các tác phẩm hoàn thành.

Trong 10 chủ đề gợi ý, tùy sở trường, quý vị có thể chọn đề tài thích hợp để biên soạn, nhưng nên cho ban Vận động biết để tránh sự trùng lập với các vị khác. Bài gởi cho Tủ sách Tôn giáo, xin vui lòng không gởi cho các nhà xuất bản khác. Có thể trước hoặc sau khi sách được in và phổ biến, chúng tôi sẽ gởi đến các trang nhà nhờ đăng tải để độc giả tiện dụng.

Mỗi lần có được năm cuốn, chúng tôi sẽ tiến hành việc xin phép, in và phổ biến.

Kính chúc quý vị Thân tại vô thường, Tâm tại an, một NĂM MỚI NHƯ Ý.

Địa chỉ liên lạc: Phone/fax US (323) 222-4444, e-mail: tongiao2011@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Ngày 28 tháng 1 năm 2011

Ban Vận động tạm thời: Tâm Diệu, Trần Trúc Lâm, Trí Tánh, Quán Như Phạm văn Minh, Hồng Quang, Nguyên Tánh Trần tiễn Khanh, Nguyên Định.

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage