Phật Học Online

Tướng cướp khét tiếng một thời lên núi ẩn danh tu hành

Ngày ấy, sư Thủy - từng là đàn em của Năm Cam sống trượt dài với những tấn trò đời và lặn ngụp trong ma túy rồi dẫn đến trộm cướp, ngồi tù… 13 năm nay, thầy đã quy ẩn, trở thành nhà sư ngụ trên đỉnh Thị Vãi hiểm trở.


Tin liên quan: Phật Pháp nhiệm màu kỳ 1: Sư Minh Thủy


Quá khứ chìm nổi

Sư Thích Minh Thủy có tên khai sinh là Phạm Văn Hưởng, xuất thân trong gia đình truyền thống nho giáo ở Thái Bình, di cư vào Nam lập nghiệp. Đến giờ đã hơn 13 năm đằng đẵng rửa tay gác kiếm, từ bỏ bao nhiêu tội lỗi trong quá khứ để trọn kiếp tu hành, nhưng mỗi khi nhắc về quá khứ chìm nổi, sư thầy vẫn đau đáu xót xa.

Sư thầy hiện ngụ trên đỉnh Thị Vãi (núi Thị Vãi, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa  - Vũng Tàu), sống ẩn dật trong cốc (hang núi).

Cuộc ngược cốc, với những dãy núi cao ngút khuất tầm mắt, những dốc đá dựng đứng, chênh vênh, cây cối um tùm, quả thực làm tôi rất “ngán”. Khi đứng trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Thị Vãi, phóng tầm mắt hun hút trong bóng đêm, tôi không thể tin được trong cảnh tượng tịch liêu này, 13 năm qua, sư Thủy đã chọn nơi đây để tu hành.

Trong hồi ức của sư thầy thì nhà chỉ có 2 chị em, nên tuy không phải thành phần giàu có, nhưng so với các gia đình khác thì nhà sư Thủy cũng thuộc dạng có của ăn của để. Cha là một người luôn tỏ ra rất nghiêm khắc, nhưng rất ý thức cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt, Hưởng lại là con trai độc, nên luôn là niềm kỳ vọng của cả gia đình.

Năm 1965, nơi cư ngụ của gia đình và nhiều người dân khác bị bom Mỹ ném dữ dội, gia đình Hưởng được Sư tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp rước về Hóc Môn (TP.HCM) cùng 50 gia đình khác sinh sống.


Vị tu hành Thích Minh Thủy trên đỉnh núi Thị Vãi

Đến năm Hưởng 17 tuổi, người cha đột ngột đổ bệnh. Trước khi cha mất đã bắt chị phải quỳ gối hứa với ông chăm lo cho em trai đến khi có gia đình riêng mới được lấy chồng. Lời hứa đó như một định mệnh để Hưởng lăn dài và trượt dốc.

Năm 1970, ngày trường tổ chức kỳ thi tú tài I (để lên lớp 12 ngày nay) thì Hưởng bỏ nhà đi bụi. Không lâu sau, có lệnh tuyển quân của chính quyền bên kia chiến tuyến, Hưởng nộp đơn tham gia.

Nhưng vào hàng ngũ lính không được bao lâu, Hưởng đã nghiện bạch phiến, thứ mà binh lính Mỹ mang sang Việt Nam dùng rất phổ biến lúc bấy giờ. Lúc đó mới 17 tuổi, cuộc đời ông bắt đầu trượt dài trong bóng đêm tội lỗi.


Trong hồi ức của mình, mỗi khi nhắc lại, sư Thủy cảm thấy quá khứ tội lỗi quá lớn do chính mình gây ra.

Ông đi lính, gây ra bao điều tiếng. Môi trường nghiêm khắc của quân đội cũng không thể ngăn nổi bước chân hay đi, cái đầu lúc nào cũng nghĩ đến trò quậy phá.

“Thời đó, tôi nổi tiếng vì thích đánh nhau, có tuần gây ra 3-4 cuộc đấm đá tay chân với người khác. Rồi sau đó tôi lại chuyển qua nghiện hút, ăn chơi trác táng”.

Hơn 1 năm sau, con ngựa bất kham Phạm Văn Hưởng quyết định đào ngũ, bỏ về quê, sống bám víu với chị gái. Đến khi có quân lệnh triệu tập đi lính, ông đánh liều nhờ chị gái gom tiền làm giấy tờ giả, khai man sụt tuổi để tránh phải đi quân dịch.


Theo lời sư thầy, thì ngày trước nếu không vì quá đam mê theo nghiện ngập, hút chích thì có lẽ cuộc đời của thầy sẽ rẽ theo hướng khác.

Trót lọt vì thoát cảnh quân ngũ, dưới cái mác là học sinh, ông ở nhà buôn bán ma túy đường dài, kiếm tiền tiêu xài. Người chị gái thấy em trai mình đã dấn thân, trượt dài trên con đường tội lỗi, nhiều lần khuyên can, cố gắng thực hiện bổn phận, vai trò người chị và lời tâm nguyện của cha trước lúc lâm chung, nhưng Hưởng vẫn chứng nào tật đó.

Trong ánh mắt của Hưởng, người cha lúc sinh thời khó tính bao nhiêu thì chị gái của mình trở thành một “bản sao” không kém phần. Vì thế, những năm sau đất nước giải phóng, Hưởng quyết định gia nhập vào Thanh niên xung phong.

Người chị gái cứ nghĩ rằng, em trai mình bao năm vướng vào tội lỗi đã biết ăn năn, tu chí làm lại cuộc đời. Thế nhưng, với Hưởng việc mình quyết định vào Thanh niên xung phong không phải vì lý tưởng, mà mục đích chính là tìm cách thoát ly khỏi chị gái và tiếp tục xài ma túy.


Thỉnh thoảng trên đỉnh núi Thị Vãi, thầy vẫn một mình đi về khi ánh chiều buông.

Không còn sự kìm cặp, chì chiết của người chị, Hưởng bắt đầu sống vất vưởng ở khắp nơi, tìm đủ mọi cách cùng đám du côn tổ chức trộm cắp, kiếm tiền xài ma túy và đú đởn trong các quán bar.

Thấy em trai mải mê với các cuộc chơi vô thưởng, vô phạt, người chị gái không đành lòng, quyết tìm mai mối giúp Hưởng có mái ấm gia đình, hy vọng đứa em sẽ tu tâm, chăm sóc cho tương lai.

Chẳng hiểu sao lúc đó Hưởng gật đầu đồng ý về quê cưới vợ, và được chị gái bàn giao cho 3 căn nhà của cha để lại, làm vốn liếng. Vậy nhưng, một lần nữa, Hưởng lại khiến người thân buồn lòng, khi 3 căn nhà cũng lần lượt bị bán sạch, ném vào các cơn nghiền thuốc, cờ bạc.


Những đứa trẻ dưới chân núi thỉnh thoảng theo cha mẹ ngược cốc thăm sư Thủy

Người vợ nhẫn nhịn, cam chịu, tìm mọi cách giúp đỡ chồng thoát khỏi cảnh lầm lỗi nhưng Hưởng bỏ ngoài tai, và tuyên bố rằng: “Con mày sinh ra mày nuôi, hơi sức đâu tao lo”. Hưởng bỏ đi với hai bàn tay trắng, không vợ con, không nhà cửa.

Sau thăng trầm, vùi mình trong những bước chân lầm lỗi, cuối đời, sư Thủy chọn cho mình một đỉnh núi cao, sống kiếp cô độc, mai danh ẩn tích.

Trên hành trình tìm về nẻo thiện, gã lữ khách một thời dọc ngang chốn giang hồ, giờ không còn lẻ loi. Nơi đó, có nhiều người cũng lạc bước, và họ nghe được các câu chuyện thuyết pháp của sư, tìm đến giác ngộ.


Và trên đỉnh núi cao vút ấy, đàn khỉ và cỏ cây là những người bạn thân nhất của sư thầy.

Lấy “số” trong lao tù và về bành trướng dưới ông trùm Năm Cam

Những câu chuyện xung quanh về cuộc đời của sư Thích Minh Thủy ( tên khai sinh là Phạm Văn Hưởng), hiện đang trụ trì trên đỉnh Thị Vãi (núi Thị Vãi, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), sống ẩn dật trong cốc (hang núi), có nhiều điều khá bất ngờ.

Khi đã tận nghe qua, chúng tôi vẫn không tin, một con người có “thâm niên” nghiện ngập, lại có thể đoạn tuyệt khỏi con đường ma túy một cách dứt khoát. Ít ra điều đó giờ là sự thật, một bậc chân tu luôn vùi mình trong chốn giang hồ đã làm được điều đó, và hơn hết, sư thầy còn là một nhà giảng đạo cho bậc chúng sinh về nẻo đường hướng thiện.


Cuộc hành trình của chúng tôi về núi Thị Vãi, và tìm gặp sư Thủy thật lắm gian truân, bởi để lên được đến nơi, phải leo quanh các dốc núi gần 5 tiếng đồng hồ.

Lật lại cuộc đời trong bước đường phiêu bạt của mình, sư Thủy bảo do đã bán nhà, lấy hết vốn tích cóp của chị gái ném vào các cơn nghiện, sư đánh liều rủ bạn mua súng đi cướp. Sau khi nghiên cứu kỹ địa bàn, một kế hoạch chỉn chu dùng súng cướp tài sản của một gia đình trong xóm được vạch ra.

Một ngày giữa tháng 7/1981, Hưởng cùng với bạn cuốc bộ đi “săn mồi”. Khi phát hiện đôi vợ chồng đang mang bịch tiền thu hụi về, Hưởng nhanh chân bước tới, một tay rút khẩu súng giấu dưới áo, lên nòng dí vào lưng của người chồng, rồi miệng lớn tiếng thị uy.


Sư Thủy hồi tưởng lại cuộc đời của mình

Nghe tiếng lên đạn lách cách, người đàn ông mặt cắt không ra máu. Hưởng nhanh tay tước luôn bọc tiền, người bạn còn lại lao vào dắt xe máy đạp nổ, cả hai tăng ga hòng tẩu thoát trong sự hoảng hốt của đôi vợ chồng.

Thế nhưng, chiếc xe máy vừa chạy được khoảng 10 m, thì khựng lại và chết máy hẳn vì hết xăng. Cũng đúng lúc này, đôi vợ chồng hô hoán cầu cứu. Hai tên cướp lúng túng vứt xe chạy thục mạng vào làng, đúng lúc này có hai anh công an đang đi tuần, thấy vậy lao vào khống chế.



Bị dồn vào bước đường cùng, Hưởng liền rút súng nhằm vào hai anh công an bóp cò, nhưng rất may lại nhằm phải viên đạn thối. Cả hai tiếp tục chạy thục mạng, vào làng thì bị bao vây, lúc này ma túy trong người cũng tan hết, người mềm nhũn. Thấy không thể thoát, Hưởng liền ném súng xuống ao bèo phi tang, cả hai chấp nhận sa còng.

Với tội danh dùng súng quân dụng trái phép, cướp giật tài sản, TAND TP. HCM lúc đó quyết định tuyên phạt Phạm Văn Hưởng 7 năm và người bạn đồng phạm 4 năm tù.


Sau khoảng thời gian ra tù, ngang dọc với cuộc sống, bầm dập với những cơn nghiện, cuối cùng sư Thủy quyết định hành hương về núi tu hành, xa rời cõi trần gian

Chính trong trại giam ở Đồng Tháp, Hưởng được xem là hạng số má với tội danh “dám dùng súng chống lại công an”, nên bạn tù khiếp vía. Ông được tôn lên làm đàn anh trong trại. Cũng tại đây, Hưởng cùng tay chân của đại ca Năm Cam như: Hải “móm”, Lan “em”, Lũng “đầu bò”… lập thành băng ngay trong trại, và hứa hẹn sau này về sẽ cùng nhau phục vụ cho Năm Cam.

Thời hạn 7 năm tù kết thúc, ngày ra trại Hưởng không về nhà, mà theo lời giới thiệu của đám đàn em, một mạch về thẳng “căn cứ” của đại ca Năm Cam, ở đường Tôn Đản (quận 4, TP. HCM).

Tại đây, Hưởng được ăn chơi, hút chích thỏa thê như thể bù đắp lại những năm tháng khan thuốc trong tù. Sau đó nhận nhiệm vụ cùng lũ tay chân của Năm Cam ngược xuôi “làm kinh tế”, gần như Hưởng không còn nghĩ đến gia đình hay người chị khổ sở tảo tần nuôi mình năm nào.

Nếu trước kia Hưởng là tay giang hồ “đình làng”, thì nay gia nhập băng nhóm anh ta mới trở thành kẻ sừng sỏ, chuyên đi bảo kê, thanh toán đối thủ cho đường dây buôn bán bất chính của ông trùm Năm Cam.


Và những chuyến hành hương về quê hương Phật Pháp ở Ấn Độ đã giúp sư Thủy ngộ ra được nhiều điều

Đến khi nhận được tin mẹ mất, chị gái bảo nếu lần này không nghe lời sẽ dứt tình chị em, Hường mò về. Người chị mua cho một chiếc xe máy để Hưởng chạy xe ôm kiếm sống. Có tiền Hưởng tiếp tục xài ma túy. Chẳng bao lâu, Hưởng bán luôn xe. Lần này, chị cũng bảo là lần cuối cùng giúp và bắt vào chùa Hoằng Pháp làm công quả.

Rạch bụng, ra “yêu sách” với trụ trì

Ngỡ như, chốn Phật pháp sẽ khiến Hưởng tĩnh tâm, nào ngờ, vào chùa chưa được bao lâu thì ông lại gây ra nhiều cuộc đụng độ đao kiếm trước cửa chùa, khiến trụ trì trong chùa Hoằng Pháp cũng lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí, ông còn tham gia đua xe gãy chân, bể xương hàm, đầu vá bảy mũi.

Sau khi ở bệnh viện về, thầy kêu Hưởng lên không phạt gì nhưng bảo phải "tự xử" vì đã 5 lần viết kiểm điểm rồi. Hưởng đánh liều lật ngược điều kiện với trụ trì:  "Nếu thầy không thương thì con sẽ lên chánh điện mổ bụng cúng dường Phật". “Lý sự cùn” của Hưởng cũng không làm vị trụ trì tha thứ được nữa.



Không thuyết phục được thầy, Hưởng xuôi về Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm đến núi Thị Vãi, vào Tịnh xá Ngọc Phật tu hành, sau đó quyết định xuất gia với pháp danh Thích Minh Thủy.

Vị trụ trì ở Tịnh xá quyết định cho Hưởng thử thách trên đỉnh núi Thị Vãi với hy vọng may ra, Minh Thủy mới từ bỏ được những nhục dục thấp hèn. Khi biết Hưởng đã thực sự hướng lòng mình vào tâm phật pháp, vị trụ trì một lần nữa cho ông dời nơi tu về hướng đỉnh núi phía Nam, lập cốc để tự mình tu ẩn.


Niềm vui giữa núi rừng khi có ai đó dù người lớn hay các cháu nhỏ dừng chân

Tại đây, sư Thủy tự tìm cho mình một hang núi nhỏ, vừa thân người và một chiếc bàn thờ Phật tổ, làm nơi tụng kinh niệm phật cho mình.

Trên đỉnh ngọn núi cao ngót 500m chưa từng có dấu chân người, đã có hơi ấm con người sau bàn tay mò mẫm của vị ẩn sư từng là giang hồ nay về quy ẩn.

Đằng sau giữa câu chuyện kỳ lạ ấy là một cuộc đời lẫy lừng không mấy người biết được về vị tu hành, giờ sống những ngày cuối đời, quy danh bái phật, hoài niệm lại quá khứ của một thời tội lỗi.

Vĩ Thanh

Đêm. Đỉnh núi Thị Vãi sương rơi mềm vai áo, tiếng muông thú ríu rít gọi đàn, gió rít phả từng cơn, tôi ngồi lặng lẽ với sư Thủy trước cốc, lắng nghe tiếng khàn đục của một vị sư già, và ngộ ra rằng, giữa những trầm mặc của cuộc sống, "Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch".


Nhiều phật tử tìm đến sư Thủy để tham vấn, muốn tĩnh tâm và giác ngộ về lỗi lầm của mình

"Quá khứ, hiện tại và vị lai, là điều duy nhất có toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Ngoài mình ra không ai hoặc bất cứ thần linh nào có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay ném mình xuống địa ngục".

Theo Giang Uyên - Infonet


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage