Phật Học Online

Tấp nập đi chùa rằm tháng Giêng
Hải Duyên

Người dân thắp nhang cầu an ở chùa Phổ Quang, Tân Bình. Ảnh: Hải Duyên.

Sáng sớm nay, các ngôi chùa ở TP HCM đông người đến cầu an, giải hạn cho cả năm. Tuy nhiên cảnh mua bán diễn ra lộn xộn cũng làm mất đi nét đẹp trong văn hóa đi chùa của người dân.

Theo lời người dân tương truyền rằng: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nên nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ làm lễ cúng gia tiên. Ngoài việc cúng tại nhà nhiều người từ cụ già, bậc trung niên, đến giới trẻ và các em nhỏ, tranh thủ lên chùa thắp hương cầu nguyện để cả năm được bình an.

Con đường đi vào chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, từ sáng sớm đã tấp nập người ra vào. Trên tay ai cũng cầm một bó nhang hay một vài nhánh cây sống đời đính kèm bông sen để làm đồ dâng cúng.

Tay cầm vòng tim sen với những bông hoa nhài trắng tinh, chị Tố Quyên ở Tân Bình chia sẻ: "Năm có hai ngày quan trọng nhất mà tôi nhất định lên chùa, đó là ngày mùng một Tết và rằm tháng Giêng. Đi vào những ngày này, là mình cầu cho cả năm tai qua nạn khỏi, gia đình hạnh phúc, sức khỏe tràn đầy, làm an phát tài".

Nằm gần trung tâm thành phố, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn là nơi được người dân đến đi lễ đông nhất. Từ tối qua (14/1 âm lịch) tại đây đã có tới hàng nghìn người, tuy nhiên nhiều người vẫn trọn đúng ngày rằm nên sáng sớm nay người lên chùa đông hơn.

Ngày lễ này cũng thu hút khá đông các bạn trẻ, với mong muốn cầu cho việc học hành, thi cử đỗ đạt, có người thì cầu tìm được người yêu thương mình để xây dựng gia đình rồi cầu cho đường tình duyên may mắn.

"Năm nay là năm cuối cấp nên em cũng theo mẹ lên chùa cầu cho mình vượt qua hai kỳ thi sắp tới. Việc thi đậu hay không chủ yếu là ở bản thân mình, nhưng em tin vẫn có những điều may mắn thì kết quả sẽ tốt hơn", Minh Phương một học sinh phổ thông thành thật nói.

Một số các chùa lớn khác như Xá Lợi (quận 3), Việt Nam Quốc Tự (quận 10) cũng thu hút hàng nghìn người đến đi lễ.

Việc đi chùa cầu an đã trở thành một nét đẹp tâm linh trong lòng người dân Việt Nam, bên cạnh đó vẫn không tránh khỏi những cảnh tượng khó coi nơi cửa Phật. Nắm bắt nhu cầu của người đi chùa, các dịch vụ ăn theo như gửi xe, buôn bán trả giá chèo kéo người mua cũng diễn ra ở hầu hết các chùa trong ngày rằm tháng Giêng. Giá gửi xe ngày thường chỉ có 2.000 đến 3.000 đồng thì hôm nay lên tới 5.000 đến 10.000 đồng.

Dịch vụ bán chim phóng sinh những ngày này cũng khá đắt khách. Mỗi chục chim có giá từ 70.000 đến 100.000 tùy vào từng loại. Hàng nghìn chú chim yến được nhốt trong lồng không có đồ ăn, có những con khi được phóng sinh không còn đủ sức để bay.

Tại chùa Phổ Quang, Tân Bình, nhiều loại hàng rong bán đồ ăn, bánh trái đứng thành hàng dài bày bán trước cổng chùa nơi có đông người qua lại. Bên trong sân chùa những người bán nhang, sách tử vi, các loại vật lưu niệm, vòng đeo...cảnh chào mời, trả giá như ngoài chợ. Nhiều người ăn mày rách rưới cũng kéo đến van nài xin tiền người đi chùa mà không biết đâu là thật, giả.

Trong sân chùa Vĩnh Nghiêm, những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc ngồi bệt xuống đất trước cửa lên chùa đốt lửa, châm nhang sẵn cho khách và xin tiền. Ở chùa Xá Lợi, nhiều người đi chùa thiếu ý thức cắm nhang khắp nơi ngay cả những chỗ có biển cấm tạo nên những hình ảnh không đẹp nơi cửa chùa.

Hải Duyên (Theo vnexpress.net)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage