Phật Học Online

Đạo đức người Xuất gia
Đại sư Liên Trì Thích Nguyên Hùng dịch

ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XUẤT GIA

Mấy dòng ghi lại sau khi dịch

Khi dịch cuốn sách này, tôi không có hy vọng gì hơn ngoài việc bày tỏ nỗi niềm thao thức với người xuất gia trẻ về việc xây dựng một Tăng đoàn tu tập với những con người có hạnh nguyện và đạo đức như nội dung cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay.

Tịnh thất An Lạc
Mùa hạ năm Tân Tỵ – PL.2545.
Hạo nhiên- Thích Nguyên Hùng
 

Lời nói đầu 

Đ

ại sư Liên Trì là một vị tinh thông tam tạng, một bậc tôn sư có hạnh giải tương ưng của một thời đại. Ngài không chỉ được người đời bấy giờ tôn kính, trọng vọng, mà cho mãi đến hậu thế vẫn được mọi người kính ngưỡng. Ngài trước tác rất nhiều và đều là những tác phẩm tinh tuý, độc đáo, bác đại dung thông, lúc bấy giờ rất được thịnh hành, thậm chí, có người đã mạo danh của Ngài để in sách trục lợi, có thể thấy đó là việc nhỏ. Thành ra, như đại sư Thái Sơn đã nói : “Chỉ cần dùng tài của Sư (Liên Trì) cũng đủ để sửa trị việc đời, chỉ dùng chỗ ngộ của Sư cũng đủ để truyền tâm, chỗ giáo đủ để khế cơ, chỗ giới đủ để hộ pháp, chỗ khí tiết đủ để khích lệ người đời, và thanh quy  của Sư đủ để cứu tế; cho đến lòng từ ban vui, lòng bi bớt khổ, rộng ra đến Lục độ Ba-la-mật…”. Lại nói : “Nhìn lại, trên từ chư tổ, chưa hẳn đã tu hết vạn hạnh, nhưng vạn hạnh vốn sáng rõ trong tâm, tức ngay nơi trần lao mà thấy được Phật tánh, từ xưa đến nay, trừ Ngài Vĩnh Minh, duy chỉ có Sư mà thôi”. Nếu không phải là bậc đại Bồ tát phương tiện tái sanh, thật không thể đạt đến được như vậy.

Nguyên nhân khiến tôi đặc biệt ngưỡng mộ Đại sư Liên Trì có lẽ là do tôi đọc sách và ‘vui lòng rúc vào sừng trâu’ (đi vào chỗ bế tắc)! Có một hôm, xem cuốn Lăng Nghiêm mô tượng ký và cuốn Trúc song tuỳ luật của sư, không ngăn được xúc động, tôi vỗ mạnh xuống bàn kêu lên “Tuyệt!”, rồi nước mắt tuôn rơi. Ôi! Đại sư vốn cũng là người ‘thích rúc vào sừng trâu’ đó ư ?!

Tác phẩm của sư, mỗi chữ là châu ngọc, mỗi dòng như tháo gỡ chỗ dính mắc, cởi mở chỗ trói buộc, hình như những cuốn sách đó chuyên để giải đáp những vấn đề thắc mắc của tôi mà sáng tác ra. Nghĩ mình nghiệp chướng sâu dày, trầm luân trong sanh tử luân hồi đến nay, không dám ngưỡng mặt nhờ ân trạch của Vân Thê, chỉ có cảm động than thở “Trước không thấy người xưa, sau không thấy người lại, nhớ nghĩ trời đất mênh mông, một mình thương xót tủi thân mà rơi lệ”. Thời kỳ mạt pháp nhưng tâm người vẫn như xưa, chánh pháp suy vi, yêu tà nổi dậy bốn phương, nhưng chỉ cần tứ chúng xuất gia ra sức chấn hưng, nỗ lực dẹp trừ ma chướng, thay đổi cuộc thế suy đồi, chưa hẳn đã không tạo được một không khí trung hưng. Vì vậy cho nên, phát tâm phiên dịch cuốn sách này và thêm phần chú thích là vì mục đích của cuốn sách không chỉ làm gương mẫu cho người xuất gia, mà cũng là phương châm tu hành cho người cư sĩ tại gia. Hơn nữa, sở học của Đại sư Liên Trì bác đại uyên thâm, văn chương điển nhã, đối với những người có trình độ quốc học bây giờ không cao thì không dễ gì lĩnh hội, vì vậy, hoặc mới hiểu được phân nửa đã bỏ mất, thậm chí có những khúc mắc khó hiểu, hoặc hiểu sai, xuyên tạc… không khỏi đáng tiếc, cho nên, kẻ hậu học này không lượng sức hèn, thêm phần văn bạch thoại vào tác phẩm để giải thích. Vì hậu học tài trí mỏng manh, thô thiển, dám xin chư đại đức trong mười phương không tiếc lời mà chỉ giáo cho, thì thật là hân hạnh!

Cuốn sách này có phần phụ lục truyện của đại sư, lược có hai thiên, một là tuyển tự Thái sơn đại sư mộng du tập, một nữa là Tự tịnh độ thánh hiền lục*. Ngoài ra, một số còn lại thì ghi chép những vấn đề có quan hệ đến người cư sĩ tại gia; cuốn Tuyển tự Vân Thê pháp vị, Trúc song tuỳ luật, thiết nghĩ có thể hỗ tương ấn chứng, bổ sung cho nhau thì càng tốt.

Sau cùng, xin thành tâm cảm tạ ân sư thượng Quảng hạ Hoá, giáo thọ sư Hứa Thành Chương và tiên sinh Tống Nhân Hoàng, những người đã chỉ đạo và phê duyệt cho con cuốn sách này; Pháp sư Huệ Tịnh đã cung cấp tư liệu, ở đây xin nhận cho con lòng tri ân sâu sắc.

Dân quốc, tháng 8, năm thứ 73
Tịnh nghiệp học nhân
Ngô Cẩm Hằng tự Vu Cao Hùng.

 

TỰA

C

ó một vị Tăng hỏi : “Người xuất gia cần phải làm việc gì ?”. Tôi trả lời : “Làm đạo, cầu đạo”. Ông ta nói: “Cầu đạo căn bản nhất phải làm gì?”. Tôi trả lời : “Đức hạnh”. Ông ta nói : “Ái chà! Ngài thật là cố chấp, người thượng căn lợi khí thì tu huệ mà vào đạo, kẻ hạ căn độn khí thì tu phước mà thôi, cho nên, người xuất gia chủ yếu phải cầu cho được trí tuệ, có trí tuệ thì đầy đủ tất cả, cần đức hạnh để mà làm gì ?”.

Tôi nói: “Người xưa từng nói, đức hạnh là điều căn bản làm người xử thế. Lại nói, người lập chí lớn, làm đại sự cần phải tự lượng khí chất và kiến thức của mình, huống chi diệu pháp Chánh Đẳng Giác của nhà Phật chí cao vô thượng, há người tuỳ tiện có thể tu hành thành tựu sao?

Nếu tích chứa (cất giữ) sữa Sư Tử mà không dùng bình lọ làm bằng Lưu Ly thì đỗ nát mất mà thôi; giống như tay nâng một chiếc đỉnh nặng vạn cân, ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, cơ hồ khó tránh khỏi bị lật ngã mà chết đắm. 

Người xuất gia ngày nay, có chút ít thông minh, tài trí, thì đã chuyên học cách chú giải khảo cứu, giống như những thư sinh nhà nho dốc hết sức lực nghiên cứu điển tịch. Thông minh tài trí cao hơn một chút nữa thì thu thập một cách máy móc những thứ vụn vặt, tìm kiếm những lời dạy tuỳ cơ thuyết pháp của chư vị đại đức tổ sư từ xưa đến nay rồi lại cho là của mình, nắm bắt mấy thứ ấy chỉ là kiến thức cặn bả, lông da của tổ sư mà cứ cho là của mình có, quả là nắm gió bắt hình, không có thứ gì là thật cả, ngược lại còn bị người trí chê cười. Những người này nói chuyện, thuyết giảng mới nghe qua, câu câu đều phảng phất giống như lời Phật tổ, những bậc cao minh, nhưng khảo sát lại hành vi của họ thì có khác chi những kẻ phàm phu tục tử. Thời kỳ mạt pháp, những hiện tượng bại hoại như vậy, thật tại rất là nhiều.

Tôi lo lắng những người tu hành rơi vào những tình cảnh nông nỗi như vừa nói trên, cho nên sưu tập, ghi chép lại những thiện hạnh của người xưa, trích lục những phần trọng yếu, phân thành mười loại. Mười loại đó là gì ? Viễn ly sự ô nhiễm của thế tục mới gọi là người xuất gia. Xuất gia, điều trước tiên phải nói đến đó là sự thanh cao, giản dị, cho nên, điều thiện hạnh thứ nhất là Thanh Tố (thanh cao và giản dị). Nhưng thanh cao mà không nghiêm túc thì biến thành thành cái cao của kẻ cuồng sĩ. Người học Phật nhất định phải thâu nhiếp ba nghiệp  thân, khẩu, ý mới có thể thành tựu, cho nên điều thiện hạnh thứ hai là Nghiêm chính. Hành vi nghiêm chính cần phải nương tựa lời dạy của thầy mới có thể nắm giữ không sai lầm, người thầy thực tại là mẫu mực mô phạm làm người, cho nên điều thiện hạnh thứ ba là Tôn sư. Có song thân sanh thành nuôi dưỡng ta, sau lớn khôn mới có thể tiếp nhận những lời dạy của thầy, cho nên, quên mất công ơn cha mẹ mà bất hiếu là vong bản ! Vả lại, giới hạnh, luật nghi tuy nhiều, nhưng điều quan trọng vẫn là hiếu thuận, vì vậy điều thiện hạnh thứ tư là Hiếu thân. Người trung thần bắt nguồn từ người con hiếu, đạo lý trung hiếu phải  vẹn toàn, chỉ biết có tình thân không biết  có ân quân chủ chính là hành vi tự tư tự lợi; trong sách có ghi : ‘một người có phúc, vạn dân đều nhờ’, có một bậc quân chủ đức độ nhiếp chính, thì quốc thái dân an, chúng ta mới có thể xuất gia học đạo, thanh nhàn tự tại đi khắp núi sông rừng suối, ân huệ của vua thật là lớn thay ! Vì vậy, điều thiện hạnh thứ năm là Trung quân. Nhưng đạo trung quân là giao tiếp qua lại với những giới lãnh đạo, cấp trên, thiếu sự quan tâm đối với những người cấp dưới, ân huệ của họ đã bố thí cho chúng ta cũng là không đúng, nhất định cần phải đoái hoài đến những người bần cùng khốn khó, vì vậy, điều thiện hạnh thứ sáu là Từ vật. Từ và ái rất gần nhau, người xuất gia nếu nảy sinh ái nhiễm thì là một chướng ngại lớn cho việc tu hành, vì vậy, điều thiện hạnh thứ bảy là Cao thượng. Nhưng cao thượng không phải là cô phương tự phụ, xa rời chúng sanh, một mặt là kỳ vọng người tu hành trước siêng năng trau dồi bản thân, công phu cao sâu rồi tự nhiên ánh sáng tài học, đức hạnh toả ra bốn phương, cho nên, điều thiện hạnh thứ 8 là Trì trọng (làm việc giữ gìn cẩn thận). Là cẩn thận mà ẩn cư,  thanh nhàn vô sự chẳng qua cũng là việc bất đắc dĩ, cho nên điều thiện hạnh thứ chín là Gian khổ. Có người sợ lao nhọc mà vô công, đó không phải gian khổ trác tuyệt, đạo tâm đã thối lui, kỳ thật nhân quả cảm ứng là một sợi lông mảy bụi không sai, vì vậy điều thiện hạnh thứ mười là Cảm ứng.

Mười điều thiện hạnh trên đã tu tập đầy đủ rồi, đức hạnh mới hoàn thiện, mới là nhân tài kham nhận tu tập Phật pháp, giống như một khi đất đai đã được cải thiện, phì phiêu mầu mở, sau đó có thể trồng cây được tươi tốt; đất tâm một khi đã tinh thuần rồi, sau mới thọ trì, tin hiểu những lời dạy đến lẽ xác thực, đạo lớn Bồ đề chí cao vô thượng mới có thể kỳ vọng thành tựu. Nếu không như lời trên đây thì chỉ là một phường phàm phu bỉ lậu mà thôi !

Đạo làm người mà không làm được thì làm sao có thể học làm Phật? Dù thầy là người lợi căn lợi khí, rất mực tài trí thông minh đi nữa, chỉ có hại mà thôi. Trí lực càng cao chướng ngại càng lớn, thì tu hành càng khó thành tựu, người không có đức hạnh làm sao có thể làm người xuất gia tu hành ?!”

Tôi nói xong mấy câu này thì vị Tăng đó lại nói : “Diệu pháp của tôi tu hành là một hạt bụi không lập, xưa nay không một vật, bụi bặm bám vào đâu, mười loại thiện hạnh đem dùng vào chỗ nào ?”

Tôi nói : “Rõ ràng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm uẩn đang thiêu đốt, rối loạn; địa, thuỷ, hoả, phong, bốn đại đang gây phiền phức khắp nơi vì sao nói là không một hạt bụi ?”

Vị Tăng ấy nói : “Bốn đại vốn không tướng, năm uẩn vốn không thật có”.

Tôi đánh cho thầy ấy một tát tai, nói : “Hiện nay kẻ học đòi lời lẽ của cổ đức, dùng kiến giải của người ta để bày tỏ ý mình rất nhiều, thầy trả lời không đúng vào đâu cả, hãy dùng kiến giải của bản thân thầy thử nói lại tôi xem”.

Vị Tăng đó không đáp được, giận dữ bỏ đi.

Tôi cười nói : “Bây giờ khuôn mặt của thầy đầy vẻ giận dữ, chính là bụi nhơ của bốn đại, năm uẩn che đầy trên mặt thầy rồi, vì sao thầy không lau đi ?”.

Người xuất gia cần phải chú ý ! Lên cao phải tự biết mình nhỏ bé, chớ nên tự đại, không nên vọng nói Bát nhã, lạm giải tánh không, tự tìm lấy tai hoạ. Ngàn vạn lần không nên say đắm nơi một chút danh lợi, hư vinh. Tốt hơn hết là tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mình, dốc hết tấm lòng, tinh thần, sức lực học đạo, một phen sống chết, lâu ngày tự nhiên tâm khai ngộ đạt, sau đó mới có khả năng thể hội chân chính, không bỏ vạn hạnh nhưng cũng không bị nhiễm trần; suốt ngày không chấp Không, nhưng cũng không chấp Có, đó chính là con Đường Trung Đạo, Đệ Nhất Nghĩa Đế, Chân Không Diệu Hữu. Đây mới chính là trí tuệ chân chính của nhà Phật ! Chỉ  nguyện xin người xuất gia hãy một lần để tâm tham cứu.

Tôi rất lấy làm xấu hỗ vì hãy còn chưa thể hội được đạo lớn vô thượng, thêm nữa đức hạnh mong manh, viết cuốn sách này, mục đích chủ yếu là muốn cứu vãn những căn bệnh của người xuất gia ngày nay, dùng để báo đáp ân Phật mà thôi. Người có trí tuệ, thấu tình đạt lý, nếu như không vì chỗ nông cạn của tôi mà bỏ qua một bên những lời tôi nói, lại hy vọng lưu truyền khắp chốn, dạy những người tu thiền, thì thật là quý báu.

Niên hiệu Vạn lịch năm thứ 13
Hàng Châu, ngày trọng đông
Sa môn Châu Hoằng

                                           


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage