Phật Học Online

BÀN VỀ HỘI NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VÀO NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

KHÁI NIỆM HỘI NHẬP KHÁC VỚI DU NHẬP:

Du nhập là đi vào hay truyền vào. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Tây lịch, khi nước ta lúc bấy giờ gọi là Giao Chỉ, còn bị nước Trung Hoa đô hộ. Nhưng Đạo Phật hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam là cả một quá trình kéo dài mãi cho đến ngày nay, và vẫn tiếp tục chừng nào mà đạo Phật còn tồn tại trên đất nước này. Đó là sự hòa mình của Đạo Phật, với tư thế là một luồng văn hóa ngoại lai vào nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, đó là quá trình Đạo Phật dần dần được bản địa hóa, Việt Nam, biến thành một phần của cơ thể văn hóa và xã hội văn hóa Việt Nam. Sự hội nhập đó thành tựu tới mức nhà thơ Việt Nam hiện đại Hồ Dzếnh có thể viết:

"Trang sử Phật,

Đồng thời là trang sử Việt,

Trải bao độ hưng suy,

Có nguy mà chẳng mất..."

 Và hai câu thơ dân dã sau đây cũng đủ nóilên mức độ hội nhập của đạo Phật vào nền văn hóa của xã hội Việt Nam sâu sắc tới độ mức nào.

"Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông".

 Những điều kiện thuận lợi của sự hội nhập:

 1/Phật giáo đại diện cho một hệ tư tưởng tiến bộ và cách mạng

 Đạo Phật có nguồn gốc ở Ấn Độ là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Ngay ở Ấn Độ, đạo Phật cũng xuất hiện với tư thế một hệ tư tưởng tiến bộ, cách mạng làm lay chuyển đến tận gốc nhiều giá trị truyền thống của Bà La Môn giáo, là tôn giáo chính thống đương thời của người Ấn Độ. Thí dụ, nó không thừa nhận tính thần khải của sách Veda, phàn đối chế đột đẳng cấp xã hội bấ bình đẳng và tuyên bố, trước chân lý, mọi người đều bình đẳng: nó đề cao cuộc sống nội tâm và những giá trị nội tâm, bác bỏ cái gọi là tính vạn năng của tế đàn tốn tiền, phức tạp, giết hại nhiều súc vật...

 Khi được truyền vào các nước Đông Á và Nam Á, nó chứng tỏ tính siêu việt và hấp dẫn của nó vì đã tạo ra cả một tư trào Tăng sĩ Đông Á đi cầu pháp ở Ấn Độ, kéo dài liên tục trong nhi7èu thế kỷ. Lịch sử ghi tên được gần 200 Tăng sĩ Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 8 đã đi Ấn Độ cầu pháp, bất chấp đường sá xa xôi nguy hiểm.(xem East Asian - the great tradition, Reischauer và Fairbank. Trường Đại học Havard, tr.146).

 Đó là luồng di cư học tập lớn nhất của lịch sử Đông Á, nó minh chứng tính hấp dẫn và siêu việt của Phật giáo đối với các dân tộc Đông Á thời bấy giờ.

 2/Phật giáo du nhập du nhập vào Trung Hoa và Việt Nam vào thời điểm đế chế nhà Hán suy tàn.

 Đế chế nhà Hán suy tàn có nghĩa là Khổng giáo, chỗ dựa tinh thần của đế chế đó cũng đánh mất vị trí hệ tưởng chủ đạo đốii vơí nhân dân Trung Quốc. Đông đảo trí thức Trung Hoa xoay sang Lão - Trang, và thông qua Lão - Trang hướng tới đạo Phật. Cuốn"Lý hoặc luận" do một nho sĩ Trung Hoa là Mâu Bắc soạn ra ở Giao Châu vào cuối thế kỷ II, là một tác phẩm điển hình nói lên cuộc đấu tranh thắng lợi của Phật Giáo chống lại Khổng và Lão giáo. Trong cuốn sách, Mâu Bắc Đã ví đạo Phật với núi Thái Sơn, với chim phượng hoàng, với sông Hoàng hà và biển cả, và ví Khổng - Lão với gò đống, với chim sẻ, với kênh ngòi, lạch. Trong cuốn sách Mâu Bắc cũng phản đối quan niệm truyền thống cho rằng Trung Hoa có vị trí trung tâm của trời đất. Mâu Bắc nói Ấn Độ, chứ không phải Trung Hoa có vị trí trung hòa, và vì vậy Đức Phật sinh ra ở đó.

 Vấn đề không phải là nhận xét của Mâu Bắc đúng hay sai, mà là ở chỗ, Mâu Bắc, một người Hán, một nho sĩ lại đả kích vào tư tưởng Đại Hán. Nếu nhà Hán chưa suy tàn, KHổng giáo chưa mất vị trí thượng phong, thì chắc là Mâu Bắc không dám viết như vậy.

 3/Dân tộc Việt Nam tìm được ở đạo Phật một hệ tư tưởng mới, tiến bộ có thể dùng để đối trị hệ tư tưởng Khổng giáo vốn là chỗ dựa tinh thần của nền đô hộ Trung Quốc đối với Việt Nam.

 Như chúng ta biết rõ, Khổng giáo không chỉ là Tứ thư, Ngũ kinh, mà còn là một hệ thống chính trị xã hội đứng đầu là ông vua Trung Quốc, mệnh danh là Thiên tử, lãnh mệnh Trời mà cai trị thiên hạ, trong đó có Việt Nam. Đã là con Trời thì phải được tôn thờ, đã là mệnh trời thì phải quy phục, dù cho con Trời đó là người Trung Quốc và mệnh Trời đó buộc dân tộc Việt Nam phải duy trì, tôn trọng một chế độ bắt họ làm nô lệ.

 Phật giáo đến Việt Nam có thể nói đã cởi bỏ cho dân tọc Việt Nam những mặc cảm vô lý đó. Vì theo Phật Giáo, mọi sự vật đều là vô thường, thì nền đô hộ của Trung Hoa đối với Việt Nammặc dù đã kéo dài mười thế kỷ, cũng không thể là vĩnh cửu, mà cũng là vô thường có ngày phải chấm dứt. Mọi người vì có sẵn mầm giác ngộ trong mình, tức là Phật tánh cho nên đều có thể thành Phật trong tương lai, đều bình đẳng trước chân lý. Do đó người Việt Nam và người Trung Quốc cùng bình đẳng, Trung Quốc có Thiên tử của họ thì Việt Nam cũng có Thiên tử của mình. Những tư tưởng như vậy ăn sâu vào tâm lý của đông đảo nhân dân Việt Nam, nhất là tầng lớp có học và động viên họ đừng dậy phất cờ khởi nghĩa giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của Trung Quốc. Điều này giải thích vì sao trong những triều đại độc lập tự chủ đầu tiên, như Đinh và tiền Lê, Tăng sĩ thay vì nho sĩ được trọng dụng và mời tham gia giải quyết những việc nước quan trọng.

 4/Việc khai sánh những triều đại dộc lập tự chủ đầu tiên, đặc biệt là hai triều đại Phật giáo Lý, Trần đánh dấu một bước hội nhập sâu hơn nữa, rộng hơn nữa của Phật giáo vào xã hội Việt Nam.

 Triều đại Đinh và tiền Lê tuy là hai triều đại có trọng dụng Tăng sĩ, như các sư Khuông Việt và Pháp Thuận, Vạn Hạnh nhưng không phải là những triều đại Phật giáo đích thực. Các vua Đinh và tiền Lê trọng dụng Tăng sĩ , sử dụng Phật giáo chứ không phải là Phật tử. Việc họ tiếp tục sử dụng những hình cụ độc ác như vạc dầu, chuồng hổ cho thấy họ xa lạ với hạnh từ bi của Phật giáo. Họ thiên về Pháp trị chứ không phải đức trị, mà đức trị là đặc sắc của đường lối trị nước của Phật giáo.

 Như chúng ta thấy, sau khi Lý Công uẩn lên ngôi, là một Phật tử thuần thành, ông liền ra lệnh hủy bỏ hết mọi hình cụ trong ngục, và cho xây dựng nhiều chùa mới trong nước. Lý Thánh Tông, vị vua thứ ba nhà Lý, nổi tiếng là một vị vua nhân từ. Một hôm, thiết triều, ông chỉ vào công chúa Động Thiên đứng cạnh mà bảo các quan rằng:"Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy. Hiềm vì trăm họ ngu dại làm càn cho nên phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Vậy từ nay về sau, tội gì cũng phải giảm bới đi..."

 Nói chung các ông vua Phật tử thuần thành đời Lý và đời Trần đều có tấm lòng từ bi, nhân hậu, hết lòng thương yêu nhân dân như vậy. Đường lối lấy đức trị dân của hai triều đại Lý và Trần minh chứng sự hội nhập của Phật giáo vào đời sống văn hóa và chính trị - xã hội của dân tộc Việt Nam.

 Một đặc sắc nữa của hai triều đại Phật giáo Lý, Trần là ngoài những ông vua là Phật tử thuần thành, còn có những ông vua kiêm thiền sư, kiêm là những nhà Phật học uyên bác, viết sách, giảng kinh, không khác gì các cao tăng trong đạo. Có thể kể Lý Thái Tông, học trò đắc pháp của sư Thiền Lão, và được suy tôn là Tổ thư của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Lý Thánh Tông được suy tôn là Tổ thứ 2 phái Thiền Thảo Đường, và đặc biệt là hai ông vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đời Trần. Trần Thái Tông là tác giả cuốn "Khóa hư lục", một tác phẩm Phật giáo viết bằng chữ Hán, đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản nhiều lần. Cuốn sách chứa đựng nhiều tư tưởng độc đáo hiếm thấy ở Phật giáo các nước khác. Thí dụ tư tưởng xem mọi người đều là Phật, đều là những vị Phật sống mà không tự biết. Ông viết trong bài "Niệm Phật Luận" (Bàn về niệm Phật):

 "Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng". Nghĩa là:Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng. Lại viết tiếp:"Tướng tướng vô nhị, Tịch nhiên thường tồn, Tồn nhi bất trị, Thị vi hoạt Phật". Nghĩa tướng Phật và tướng ta không phải hai, Lặng vậy thường tồn tại. Tồn tại mà không biết. Đó là Phật sống vậy.

 Người là Phật, nhưng người lại không tự biết, cho nên Trần Thái Tông gọi người là Phật sống.

 Nên chú ý là tư tưởng độc đáo này không phải là riêng có của Trần Thái Tông. Cháu ông là Trần Nhân Tông, sau này cũng nhắc lại tư tưởng đó một cách nôm na hơn, nhưng không phải là không dứt khoát:

"Bụt ở trong nhà,

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt,

Chỉn mới hay, chính Bụt là ta".

(Cư trần lạc đạo phú)

 Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhà Phật học lớn đời Trần, và là thầy dạy của Trần Nhân Tông, cũng nói lại tư tưởng này trong các bài "Phàm thánh bất dị" và "Mê ngộ bất dị" (Phàm thánh không khác - Mê ngộ không khác).

 Người người là Phật, người người trong cuộc sống thực tế, đều cố gắng xứng đáng với danh hiệu đó.

 Người người hàng ngày đều chăm lo tu tân sửa tánh, phát huy một nỗ lực đạo đức lớn lao để xứng đang với danh hiệu đó. Tư tưởng này dù chỉ tác động trong hàng ngũ những người lãnh đạo mà thôi cũng đã là đáng quý lắm rồi. Nó nhấ bổng con người lên trên những ham muốn danh lợi thế tục tầm thường, nó tạo ra những ông vua, những vị tướng mẫu mực, xứng đáng làm trụ cột cho sự đoàn kết toàn dân.

 Một tư tưởng lớn nữa của Phật giáo đời trần là không chấp tướng, không giáo điều, không vướng mắc vào hình thức, khiến cho đạo Phật không hạn chế trong giới tu sĩ, hay trong chùa chiền. Ai cũng học và tu đạo Phật được, ở đâu, làm gì cũng học và tu đạo Phật được , miễn là biết nhìn rõ vào tâm mình, tìm hiểu tâm, cải tạo tâm và sử dụng tâm cho tốt. Trong sách "Khóa hư lục", Trần Thái Tông gọi đó là biện tâm. Trần Thái Tông viết:

 "Mặc vấn đại ẩn, tiểu ẩn hưu biệt tại gia xuất gia, bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm, bổn vô nam nữ hà tu trước tướng?"

 Dịch nghĩa: Không kể là sống trên núi hay là giữa thị thành, không phân biêt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có (phân biệt) nam nữ sao lại còn chấp tướng? Vì không chấp tướng, cho nên Phật giáo đời Trần mới có một nhân vật đặc biệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ tuy là một cư sĩ, có vợ con, ăn mặn chứ không ăn chay, nhưng laại được mọ người Tăng cũnh như tục tôn kính, học hỏi, như là một bậc thầy lớn trong đạo. Thậm chí Trần nhân Tông và và Pháp Loa là vị Tổ thứ nhất và vị Tổ thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm cũng suy tôn Tuệ Trung là thầy học của mình. Với tinh thần không chấp tướng, vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia, đã không quản gian khổ nhọc nhằn, đi khắp nơi trong nước, khuyên nhủ mọi người hãy sống theo năm giới, muời thiện là những nguyên lý căn bản của đạo đức Phật giáo.

 Đạo Phật đời Lý, Trần là đạo Phật của từ bi và trí tuệ, là hai đức hạnh hàng đầu của đạo Phật. Tinh thần từ bi thì như tre6n đã nói rồi. Còn hạnh trí tuệ của đạo Phật đời Lý, Trầncó đặc điểm là nó không hướng tới giải quyết những vấn đề lý luận hay là siêu nghiệm, như chúng ta có thể thấy ở một số luận sư Phật giáo Ấn Độ; mà là hướng tới giải quyết nhưng vấn đề rất cụ thể, rất bức xúc, có tầm quan trọng sinh tử đối với đất nước như là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông là một kẻ thù có sức mạnh vật chất quân sự gấp hàng trăm lần nước ta. tướng nguyên Ô Mã Nhi từng ví Nguyên Mông như cỗ xe lớn, còn Việt Nam thì như con bọ ngựa, người ta thay cho con bọ ngựa bằng con châu chấu, và làm câu ca dao rằng:

"Nực cười châu chấu đá xe Bảo rằng chấu ngã,ai ngờ xe nghiêng"

 Cỗ xe quân sự nghiêng mà chưa đổ, cho nên Thoát Hoan đã chạy trốn được về nước, bỏ lại các tướng như Toa Đô, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đều bị chết hay bị bắt.

 Có thể nói để đánh thắng quân Nguyên Mông, quân dân ta dưới sự lãnh đaọ của các ông vua Phật tử đã áp dụng một đường lối chiến lược và chiến thuật đầy trí tuệ, cho phép triển khiaimọi ưu thế của một cuộc chiến tranh nhân dân, đánh địch ngay trên đất nước mình...

 Hai triều đại Lý, Trần đánh dấu đỉnh cao của sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam nói riêng, vào đất nước và xã hội Việt Nam nói chung. Một sự hội nhập không chỉ xảy ra trên bình diện văn hóa, mà trên nhiều bình diện khác của đời sống xã hội. Một thành tựu cụ thể của sự hội nhập đó là đã hình thành một nước Việt Nam thật sự độc lập tự chủ, có đủ sức mạnh tự thân để chống trả thắng lợi mọi cuộc xâm lăng của Trung Quốc từ phương Bắc xuống, có một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, ngăn cản thắng lợi mọi cố gắng từ phía Trung Quốc muốn đồng hóa dân tộc ta về mặt văn hóa. Chúng ta chỉ cần điểm qua những gì nhà Minh đã làm qua hơn 10 năm họ đô hộ nước ta thì rõ.

 Nhân dân Việt Nam không bài ngoại, cũng không vọng ngoại hay sùng ngoại. Chúng ta có một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Nhưng nền vănh hóa dân tộc không phải khép kín, chúng ta sẵn sàng tiếp thu những cái hay cái đẹp của các luồng văn hóa ngoại nhập: nhưng đó là một sự tiếp thu có chọn lọc, phê phán của mọt dân tộc có chủ quyền. Thí dụ, chúng ta tiếp thu nhiều yếu tố hay đẹp của nền văn hóa Trung Quốc, nhưng tư tưởng Đại Hán của nền văn hóa đóthì chúng ta không thể chấp nhận. Cũng như chúng ta đã tiếp thu nền văn hóa Ấn Độ, như một lực lượng đối trọng lại nền văn hóa Khổng - Lão của Trung Hoa, nhưng có những yếu tố siêu thực, yểm thế, hay là tư biệ lý luận trừu tượng của nền văn hóa Ấn Độ thì chúng ta cũng chối bỏ. Là sao chúng ta có thể say sưa trong tư biện lý luận siêu thực được, trước sự đe dọa thường trực của xâm lăng từ phương Bắc đến? Cũng như chúng ta đang tiếp thu nhiều cái hay cái mới của nền văn hóa phương Tây, đến từ các nước Pháp, Nga, Mỹ...; nhưng trong nền văn hóa đó, cũng có nhiều yếu tố tiêu cực mà chúng ta phải cảnh giác đề phòng.

 Tính độc đáo và sáng tạo của dân tộc Việt Nam chính là ở chỗ, nó luôn luôn chủ động gạn lọc, phê phán tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở, từ đó sáng tạo ra một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng vẫn thường xuyên đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế, có nhiều sinh khí. Đó là sách lược hội nhập văn hóa của chúng ta, được thể hiện khá rõ nét trong quá trình xâm nhập, phát triển và hội nhập của Phật giáo vào đất nước VN.

Như chúng ta thấy, đỉnh cao của sự phát triển và hội nhập đó là hai triều đại Lý và Trần,đặc biệt là triều đại nhà Trần. Nhưng điều đáng tiếc là từ cuối nhà Trần trở đi,qua chế độ khoa cử tuyển chọn quan lại, số nho sĩ tăng thêm nhiều ở triều đình. Phật giáo bị yếu thế phải rút lui về nông thôn; ở đây để có thể tồn tại,nó phải dung hợp với nhiều tập tục mê tín dị đoan và tín ngưỡng dân gian, xa lạ với Phật giáo đích thực, và dần dần đánh mất vai trò chủ đạo tâm linh trước đây của nó. Đó là mất mát không gì bù đắp được.

 Sách tham khảo chính:

1. Lý hoặcluận...Mâu Tử(cũng gọi là Mâu Bắc)

2. Khóa hư lục...Trần Nhân Tông.

3. Cư trần lạc đạo phú...Trần Nhân Tông(bản phiên âm từ Chữ Nôm của Hoàng Xuân Hãn).

4. Lịch sử Phật giáo Việt Nam...Viện Triết - Ủy ban Khoa Học Xã Hội Hà Nội.

5. Việt Nam Phật giáo sử luận...Nguyễn Lăng.

6. Việt Nam Phật giáo sử lược...Thích Mật Thế.

7.Giáo tài tóm tắt lịch sử Phật giáo Việt Nam...Minh Chi.

8. East Asia - The Great tradition (Đông Á - truyền thống vĩ đại)...Edwin

9. Reischauer và John K. Fairbank.

Minh Chi


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage