Phật Học Online

Tôn giả Phú Lâu Na: Tấm gương sáng Tôn sư trọng đạo

Nói về tôn giả Phú Lâu Na, vị thuyết pháp đệ nhất trong Thập đại đệ tử của đức Phật, chúng ta thường biết đến gương can đảm, tính nhẫn nhục, nhưng có một khía cạnh tuyệt vời khác mà chúng ta ít lưu tâm tới, đó là tinh thần Tôn sư trọng đạo, một đức tính cần phải có của hàng tu sĩ.

Tôn giả sanh ra trong gia đình Bà la môn giàu sang ở gần thành Ca tỳ la vệ. Khuôn mặt tròn, đôi mắt từ ái. Dù cha mẹ rất mực thương yêu, nhưng lòng mến đạo lại sâu nặng hơn, nên Ngài cắt ái ly gia, quy y với đức Thế Tôn, nguyện suốt đời đem ngọn đèn chánh pháp soi sáng khắp nơi, dù xóm làng xa xôi hay mọi miền núi sông cách trở. Với lòng tin sâu Phật pháp, tài biện luận tuyệt vời và hùng khí ngất trời, sau khi đắc quả A la hán, Ngài bắt đầu lên đường thuyết giáo.
 Tôn giả Phú Lâu Na
Với ba y, một bát, Ngài đi khắp nơi. Đói khát là một vấn đề rất thường trên bước đường bố giáo, nhưng điều đó không quan trọng vì thức ăn của Ngài là thiền duyệt thực và Pháp hỷ thực. Sau những giờ thuyết pháp hay qua một cuộc hành trình gian khổ, Ngài chỉ cần ngồi lại dưới gốc cây, thiền định xong là lại đủ sức tiếp tục lên đường. Và dù đang bố giáo nơi đâu, mà nghe tin đức Phật mở hội thuyết pháp, Ngài cũng tất tả quay về để thính pháp. Từng lời giảng của đức Phật đã làm tăng thêm sức mạnh và tín tâm nơi Phật pháp của Ngài.

Trên bước đường du hoá, Ngài như một cơn gió thoảng, như một áng mây bay, không trụ lại nơi nào. Sau khi diệu dụng ngôn từ để thuyết giáo, Ngài  hướng dẫn số cư sĩ tín tâm đến quy y với đức Phật, rồi lại tiếp tục lên đường. Nơi nào cần có Tinh xá để tiện việc tu tập cho cư sĩ thì Ngài xây dựng, xây xong Ngài xin đức Phật cử một vị Đại đức đến hướng dẫn Phật pháp, rồi Ngài lại ra đi. Ngài đã thành lập ít nhất là 500 Tịnh xá, và đưa về quy y với đức Phật trên mười ngàn người.

Cuộc đời Ngài như một bản hùng ca bất tận. Bao nắng sớm mưa chiều rơi trên y bát, bao mùa xuân đến để rồi xuân qua, tóc đã bạc màu vì sương tuyết, nhưng Ngài vẫn cứ đi, đi mãi và làm tròn trách nhiệm thuyết giáo không hề mệt mõi để báo đền ơn đức Thế Tôn. Gót chân đã chai sần theo năm tháng, và cũng đã bào mòn bao sỏi cát. Vẫn nụ cười tự tin, vẫn ánh mắt từ ái, và vẫn giọng thuyết giảng hùng hồn, Ngài đã bao phen làm sống dậy một xóm làng, một thành ấp, một đất nước mỗi khi Ngài đến bố giáo.

Có lần trong buổi đàm đạo, chư Tăng hỏi Ngài bí quyết nào mà thành công trong việc thuyết pháp, Ngài từ tốn trả lời:

– Tôi tự biết mình tài đức chưa đủ, nên mỗi lần trước khi thuyết pháp, tôi đều hướng về đức Bổn sư, thành tâm khấu đầu đảnh lễ, cầu nguyện từ quang của Ngài soi sáng tâm tôi, ân đức của Ngài  tăng sức cho tôi, bấy nhiêu đã quá đủ để tôi có thêm hùng tâm, hùng lực mà hoàn thành sứ mệnh thuần hoá nhân gian.

Niềm vui to lớn nhất trong tôi là khi đưa người về quy y với đức Phật. Nhìn họ quy y mà lòng tôi nao nao xúc cảm, vì tôi biết rằng trong họ, mai đây sẽ có người được lìa xa sinh tử, hoặc ít nhất cũng an lạc trong chánh pháp.

Cám ơn đức Thế Tôn, ngàn lần tôi cảm tạ ơn Người đã đem lại ánh sáng giác ngộ cho tôi và cho cả trần gian tăm tối. Tôi nguyện đời này kiếp nọ sẽ tiếp tục xiển dương chánh pháp của Người để đáp ân khai ngộ.

Do lòng tri ân và sự tôn kính tuyệt đối đó, mà dù đang du hoá nơi đâu, nhưng tâm Phú Lâu Na vẫn luôn hướng về đức Phật. Mỗi năm đến ngày Khánh đản, Ngài không quên trở về để hoà cùng Tăng đoàn mừng lễ Đản Sanh của đức Thế Tôn, và để được thấm nhuần ơn mưa pháp.

Dòng thời gian cứ thế trôi qua, cho sự nghiệp giáo hoá của Phú Lâu Na ngày càng toả rộng. Nhưng đối với một con người đã lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy độ sinh làm lý tưởng, lấy thuyết pháp làm mục đích thì đâu biết bến nào là cùng, bờ nào là tận.

Vì thế một ngày kia, sau mùa An cư, chư Tăng lại tiếp tục lên đường du hoá, Phú Lâu Na xin đức Phật cho Ngài đến bố giáo ở xứ Du Na, một nơi núi sông hiểm trở, sự đi lại khó khăn, người dân sống bằng nghề săn bắn, nhận thức còn kém cỏi và tính tình thô ác.

Đức Phật bảo với Phú Lâu Na:

-    Ta chỉ e giáo pháp của ta chưa thích hợp lắm với người xứ Du Na hung dữ kia. Nếu họ không muốn nghe mà còn nặng lời xua đuổi thì ông sẽ làm thế nào?

-    Bạch đức Thế Tôn, con sẽ nhẫn nại, vì họ chỉ nói nặng lời xua đuổi thôi, chứ chưa dùng cây đánh đập con.

-    Nếu họ đánh đập ông thì sao?

-    Bạch đức Thế Tôn, con vẫn chịu đựng được, vì họ chưa làm thân con chảy máu, chưa khiến cho tứ chi con tàn phế.

-    Nhưng nếu họ giết ông thì sao?

-    Bạch đức Thế Tôn, con không có gì thán oán, khi xác thân huyễn hoá này đã nằm xuống để chánh pháp được truyền lưu, để đáp đền ân đức Thế Tôn đã một đời khai ngộ. Con chỉ thương cho người sát hại con, sẽ sa vào ác đạo mà thôi.


Đức Phật mỉm cười hoan hỷ:

-    Hay thay! Này Phú Lâu Na, ông hãy lên đường. Ta tin chắc ông sẽ thành công nơi đó.

Khi đến nơi, Phú Lâu Na không vội vàng thuyết giáo. Thấy người dân thường hay đau yếu, mỗi ngày Tôn giả vào tận rừng sâu hái thuốc làm thầy chữa bệnh. Thấy dân cơm ăn không đủ no, Tôn giả làm nông dân dạy dân chúng cấy cày. Thấy trẻ con dốt nát, Tôn giả làm thầy dạy học.

Thế gian khi đã nhận ơn ai, thì thiện cảm sẽ từ từ phát sinh, người xứ Du Na cũng vậy. Dù họ cực kỳ hung ác, nhưng họ cũng còn có trái tim để biết cảm xúc.

Khi tình thế đã tốt đẹp, Phú Lâu Na mới bắt đầu dạy họ đôi điều giáo lý căn bản dễ tiếp thu. Ngày Phú Lâu Na trở về thăm đức Phật, là ngày Phú Lâu Na đem theo 500 người xứ Du Na đến xin Thế Tôn cho xuất gia. Đồng thời Phú Lâu Na cũng để lại những giọt lệ trên đôi mắt của toàn thể người dân xứ Du Na ở giờ phút chia tay, vì Tôn giả đã trao tặng họ một món quà vô giá về đạo lý, về tình người, về lẽ sống trên thế gian này.

Dòng đời cứ thế trôi đi. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, Ngài vẫn tiếp tục ba y, một bát lên đường du hoá, vì hơn ai hết Ngài hiểu giáo pháp chính là Pháp thân của Phật.

Sách không ghi rõ Ngài Niết bàn nơi đâu, vì với Ngài nơi nào cũng chính là gia hương. Cánh chim hồng đã bay vút vào khoảng không gian vô tận, chẳng để lại một dấu vết nào, có chăng chỉ là tấm gương sáng tôn sư trọng đạo mà muôn đời hậu tấn soi chung.

TKN. Quang Đạo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage