Phật Học Online

Đôi cánh thiên thần

Ngày xưa, có một cậu bé rất tự ti vì trên vai em có hai vết sẹo lồ lộ ra bên ngoài. Hai vết sẹo như hai vết nứt màu đỏ sẫm chạy dài từ cổ xuống ngang hông, bên trên nổi đầy những sớ thịt đỏ tươi ngoằn ngoèo. Vì vậy, cậu bé vô cùng chán ghét bản thân, rất sợ khi phải thay đồ.

Nhất là vào giờ học thể dục, khi các bạn khác phấn khởi thay bộ đồng phục gò bó, khó chịu để mặc vào bộ đồ thể dục nhẹ nhàng thoải mái, thì cậu bé len lén trốn vào một góc, dựa vai sát vào tường chớp nhoáng thay bộ đồ thể dục, không cho bạn bè thấy hai vết sẹo ghê sợ trên người mình. Nhưng rồi, lâu ngày vết sẹo của cậu cũng bị bạn bè phát hiện.

"Khiếp quá! Quái vật! Không chơi với bạn nữa! Bạn là quái vật! Vết sẹo của bạn kinh khủng quá…", những lời vô tâm thơ ngây của đám bạn vô tình làm tổn thương nghiêm trọng đến cậu bé. Cậu òa khóc, bỏ chạy ra khỏi lớp, rồi từ đó không dám ở trong lớp thay đồ nữa, và cũng không học môn thể dục nữa.

Sau khi sự việc xảy ra, mẹ cậu bé dẫn cậu tới gặp riêng cô giáo chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm là một cô giáo dễ mến, khoảng 40 tuổi. Cô chăm chú lắng nghe mẹ cậu trình bày nỗi bất hạnh của con trai mình.

"Lúc mới sinh ra, cháu bị một cơn bạo bệnh, hồi đó định bỏ đi, nhưng lại không nhẫn tâm, một đứa bé dễ thương thế này khó khăn lắm mới chào đời, sao có thể tùy tiện vứt bỏ được chứ?" - Bà nói, đôi mắt đỏ hoe: "Cho nên tôi với ông nhà quyết định cứu lấy cháu. May mà, hồi đó gặp được vị bác sĩ giỏi, ông đồng ý tiến hành phẫu thuật cứu lấy sinh mạng bé bỏng này. Trải qua mấy lần phẫu thuật, khó khăn lắm mới cứu được cháu, nhưng phải lưu lại trên vai cháu hai vết sẹo lồ lộ ra ngoài…".

Bà quay lại bảo cậu bé: "Nào, vén lên cho cô xem đi con…".

Cậu bé do dự một chút, rồi cũng cởi áo ra để cô giáo xem hai đường sẹo ghê sợ trên người, ngấn tích mà cậu từng một thời vật lộn để giành lấy sự sống.

Vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy hai vết sẹo và với giọng xót xa, cô hỏi: "Em còn đau không?".

Cậu bé lắc đầu thưa: "Dạ hết rồi ạ!".

Với đôi mắt đỏ hoe, mẹ cậu tiếp: "Cháu nó rất ngoan, khi mới sinh ra ông trời làm nguy hiểm đến tính mạng cháu như vậy là đã tàn nhẫn lắm rồi, bây giờ lại gán thêm hai vết sẹo này nữa. Cô giáo, xin cô dành sự quan tâm cho cháu nhiều hơn chút nữa được không?".

Cô giáo gật đầu, khẽ vuốt tóc cậu bé, nói: "Tôi biết rồi, tôi nhất định sẽ nghĩ cách…".

Lúc đó, cô giáo miên man suy nghĩ, nếu ngăn không cho bọn trẻ chế giễu cậu bé mà chỉ trị ngọn không trị gốc thì cậu vẫn cứ tự ti mãi, nhất định phải tìm ra cách hay nhất. Bỗng nhiên, trong cô lóe lên một tia sáng, cô vuốt tóc cậu bé, bảo: "Ngày mai, vào giờ thể dục, em nhất định phải đến thay đồ chung với mọi người nghe…".

"Nhưng…nhưng các bạn sẽ cười nhạo em, nói…nói em là quái vật… Người ta không phải là quái vật mà…" - Dòng nước mắt long lanh trong mắt cậu bé đã giọt ngắn giọt dài.

"Yên tâm đi, cô đã có cách, sẽ không có ai cười nhạo em nữa đâu".

"Dạ… dạ, thật không ạ?".

"Thật mà, em không tin cô sao?".

"Dạ…dạ…em tin…".

"Nào, ngoéo tay với cô đi nào". Cô giáo đưa ngón tay cái ra, cậu bé cũng không chút do dự đưa tay phải ra: "Em tin cô…".

Giờ học thể dục hôm sau đến rất nhanh, cậu bé rụt rè nép bên một góc phòng thay áo. Quả nhiên không ngoài dự đoán, đám bạn lại có những lời bàn tán kinh dị và chế giễu: "Trời ơi, buồn nôn quá…". "Trên lưng nó có hai con sâu lớn…". "Khủng khiếp quá, ọe…".

Vừa lúc đó, cửa lớp bỗng mở ra, cô giáo xuất hiện. Bọn trẻ liền chạy ùa đến bên cô giáo, chỉ vào lưng cậu bạn, nói: "Cô ơi, cô xem kìa, lưng của bạn ấy ghê sợ quá, giống như hai con sâu to ấy…".

Cô giáo không nói lời nào, từ từ đi đến chỗ cậu bé, rồi tỏ vẻ ngạc nhiên: "Đây đâu phải là sâu…", cô giáo chớp chớp mắt nhìn chăm chú vào lưng cậu bé: "Trước đây cô có nghe kể một câu chuyện, các em có muốn nghe không?".

Bọn trẻ rất thích nghe kể chuyện, vội vây quanh cô giáo: "Dạ muốn nghe, cô ơi cô kể đi".

Cô giáo chỉ vào hai vết sẹo thâm lồ lộ trên vai của cậu bé, nói: "Truyền thuyết kể rằng, mỗi bạn nhỏ đều do thiên thần trên trời biến thành, có những thiên thần khi biến thành một cậu bé, thì cởi bỏ rất nhanh đôi cánh xinh đẹp của mình ra, nhưng cũng có vài thiên thần nhỏ do chậm chạp nên không kịp cởi đôi cánh, do đó, những bạn nhỏ này trên vai sẽ còn lưu lại hai đường sẹo".

"Wa…!", bọn trẻ thốt lên ngạc nhiên, "thế, đây là đôi cánh của thiên thần hả cô?".

"Đúng rồi", cô giáo mỉm cười bí hiểm: "Các em có cần kiểm tra bạn kia không, còn em nào chưa cởi hết cánh như bạn ấy không?".

Nghe cô giáo nói vậy, bọn trẻ xúm lại kiểm tra lưng của nhau, nhưng không ai có vết sẹo rõ ràng giống như cậu bé.

"Cô ơi, chỗ này em có một vết sẹo nho nhỏ, có giống không cô?" - Một cậu bé đeo kính đưa tay hớn hở hỏi.

"Của bạn ấy không phải đâu cô, của em đây có màu hồng hồng, em mới là thiên thần…" - Bọn trẻ tranh nhau để được công nhận trên lưng có vết sẹo, hoàn toàn quên hẳn chuyện chế giễu cậu bé. Cậu bé cũng vậy, đôi mắt ướt nước đỏ hoe lúc này cũng nín hẳn.

Bỗng nhiên, một cô bạn nhỏ nhẹ hỏi cô giáo: "Cô ơi, chúng em có thể sờ đôi cánh của thiên thần một chút được không ạ?".

"Việc này phải hỏi bạn thiên thần nhỏ kia có cho không đã". - Cô giáo mỉm cười, nhìn cậu bé chớp mắt ra hiệu.

Cậu bé lấy hết dũng khí, rụt rè nói: "…Các bạn cứ tự nhiên".

Cô bé nhẹ nhàng sờ vết sẹo trên lưng cậu, rồi mừng rỡ kêu lên: "Wa…, mềm quá, mình đã sờ được đôi cánh thiên thần rồi!".

Nghe cô bạn thốt lên như vậy, bọn trẻ nhao nhao la ré lên giành nhau: "Mình cũng muốn sờ, mình cũng muốn sờ đôi cánh của thiên thần!". Một giờ học thể dục, một cảnh tượng diệu kỳ: mấy mươi bạn nhỏ trong lớp xếp thành hàng dài thườn thượt đợi được sờ đôi cánh của thiên thần!

Cậu bé xoay lưng về phía các bạn, nghe từng lời khen, từng tiếng trầm trồ; rồi khi được sờ tới, cái cảm giác nhồn nhột lạ kỳ đó khiến cậu không còn thấy đau lòng nữa. Trên khuôn mặt vẫn còn chưa khô nước mắt của cậu bé giờ đây đã hiện lên một nụ cười xưa nay chưa từng có. Cô giáo đứng một bên kín đáo đưa tay lên ra dấu chiến thắng, cậu bé không kiềm nổi nữa cũng bật cười khúc khích.

Sau này, cậu bé ngày một lớn khôn, cậu cảm ơn cô giáo về câu nói "Đây là đôi cánh thiên thần", đã giúp cậu lấy lại niềm tin. Lên cấp III, cậu còn tham gia thi bơi cấp thành phố và đạt được giải nhì. Sở dĩ cậu dũng cảm chọn môn bơi lội vì cậu tin rằng hai vết sẹo trên lưng cậu là "đôi cánh thiên thần" đã được cô giáo thương yêu chúc phúc.

Kỳ thực, cậu bé ngày ấy không ai khác mà chính là tôi, đã mười mấy năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của cô giáo.

"Đôi cánh thiên thần" đã chắp cánh cho tôi bay ra khỏi vùng trời mặc cảm.


 

Chia sẻ

Được sanh làm người đã khó, có được thân hình lành lặn, đầy đủ tướng tốt và vẻ đẹp lại càng khó hơn. Chúng ta may mắn được sinh ra làm người, tuy không được trọn vẹn những vẻ đẹp như ý, nhưng trong tương đối đầy đủ sáu giác quan đã là một diễm phúc nhất rồi. Hãy biết trân trọng những gì mà cha mẹ đã vất vả lao tâm tác thành cho ta nên vóc nên hình. Không ai có quyền lựa chọn cho mình một nơi sinh, một hình thể như ý, nhưng chúng ta có quyền làm đẹp mình, làm rạng rỡ gia đình mình, đất nước mình đang sống bằng chính trí tuệ và phẩm cách của chính mình. Tục ngữ có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", vẻ đẹp lộng lẫy cao sang bên ngoài biết đâu lại là viên thuốc độc bọc đường, một tí mật dư thừa sót lại trên lưỡi dao! Vẻ đẹp chí chân trong Phật giáo là vẻ đẹp của một tâm hồn biết sống xả kỷ, vị tha, cảm thông và chia sẻ. Trang điểm trong Phật giáo là trang điểm bằng hương Giới – "Hãy xoa khắp cơ thể, bằng hương liệu tịnh giới", y phục đẹp nhất trong Phật giáo là áo Định – "Hãy mặc cho cơ thể bằng y phục thiền định", hoa trang điểm đẹp nhất trong Phật giáo là hoa Tuệ giác – "Hãy trang điểm cả người bằng bông hoa tuệ giác". Chúng ta thật ngây thơ biết bao nếu đánh giá một con người chỉ ở vẻ đẹp bên ngoài; và cũng thật vong ơn biết bao nếu chỉ mặc cảm tự ti, oán trách vì thân hình chưa hoàn hảo của mình mà quên đi những thương yêu khó nhọc, nâng niu gìn giữ của cha mẹ đã dày công nuôi dưỡng. Chia sẻ những khiếm khuyết bất toàn của người khác, nỗ lực xóa nhòa những đường ranh ngăn cách chúng ta sống hài hòa trong tình huynh đệ, khi ấy chúng ta sẽ trùng phùng trong tình thương yêu cao khiết, vĩnh hằng.

Mai Thanh dịch


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage