Phật Học Online

Mô hình hoằng pháp vùng nông thôn
Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang Thích nữ Trung Thảo

A. Ý TƯỞNG XÂY DỰNG ĐỀ TÀI

Hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng của người tu sĩ Phật giáo. Chư Phật cũng như chư Bồ tát đều có những hạnh nguyện cao cả như thế. Ngày xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma vượt ngàn dặm xa xôi từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo. Trong lịch sử đã có biết bao vị Tổ đã không quản gian lao khó nhọc để đến với những đất nước xa xôi như Tây Tạng cao ngất hay nước Nga giá rét…

Nhận xét về nhiệm vụ hoằng pháp, hòa thượng Thiện Hoa đã nói: “Người hoằng pháp không sợ gian lao, không từ khó nhọc”. Hòa thượng Trí Quảng cũng dạy: “Hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa, trình độ văn hóa người dân ở đó kém ta, chắc chắn họ dễ nghe, dễ chấp nhận ta nên ta dễ phát huy năng lực…”

Người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có một đời sống thuần phát, hiền lành, nhưng đa số lại rất nghèo khó. Đời sống văn hóa, tinh thần thiếu thốn đã đành, đời sống vật chất càng vất vả. Họ cực nhọc quanh năm mà vẫn thiếu thốn. Họ là những người làm ra lương thực, lúa gạo rau quả, nhưng những hạt gạo tinh khiết nhất, những rau quả tươi ngon nhất đều dành để bán cho người thành phố dùng, còn bản thân họ thì luôn kham khổ.

Cùng cộng nghiệp, sống trong những năm khó khăn chung của một đất nước đang phát triển, nhưng người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có lẽ là nơi chịu đựng vất vả, thiệt thòi nhiều nhất! Là người đệ tử Phật, chúng ta nên học theo hạnh của ngài Ca Diếp, luôn hết lòng đối với những người nghèo khổ, để phần nào giúp họ có được một đời sống tinh thần tốt đẹp; hiểu Đạo, biết tu để dần dần tích phước, hạn chế những nghiệp dữ mà có thể vì thiếu nhận thức có thể gây ra. Giúp họ cải thiện cuộc sống, bớt đi những gian khó, tiến đến an lạc hơn.

Nông thôn, vùng sâu vùng xa là nơi đang rất cần những ánh sáng tri thức, những sinh hoạt văn hóa, tinh thần bổ ích. Là người con Phật phải luôn nằm lòng câu phát nguyện: “Nơi nào Chánh pháp cần, con đến; nơi nào chúng sanh cần, con đi. Chẳng quản gian lao, chẳng từ khó nhọc…”

Trong khi ở những vùng đô thị có rất đông tăng ni tập trung về tu học và làm việc, những ngôi chùa trong thành phố dày đặc những khóa tu, những lớp giáo lý thường xuyên v.v… thì ở những vùng nông thôn xa xôi rất thiếu vắng những bóng áo nâu, áo vàng của tăng ni. Những ngôi chùa rêu phong kín cổng; những lớp giáo lý, những buổi thuyết pháp càng hiếm hoi; người dân chỉ biết đến chùa vào những ngày rằm. Tăng ni chỉ có vai trò trong việc cúng sám lễ bái khi hữu sự ma chay,v.v… Người dân nông thôn rất cần có những tấm lòng đại Bi đại Trí, mang ánh sáng Phật Đà đến với vùng sâu vùng xa, cho những con người quanh năm cúi mặt vào bờ ao mảnh ruộng biết ngẩng lên tìm về nẻo sáng.

- Thuận lợi: Tăng sinh xuất thân vùng nông thôn nên có sự thông cảm và hiểu sâu tình hình thực tế cũng như tâm hồn người dân nông thôn, do vậy có khả năng thực hiện đề tài này một cách tốt hơn những đề tài khác. Để phân tích vấn đề, người viết xoay quanh những vấn đề sau:

- Tìm hiểu thực tế đời sống sinh hoạt Phật giáo ở vùng nông thôn.

- Đề ra phương hướng có thể thực hiện tốt công việc hoằng pháp ở nông thôn.

- Nói lên những kiến nghị mong Giáo hội, các bậc Tôn túc, đội ngũ tăng ni trẻ, các tổ chức có liên quan,v.v… có thể đóng góp tích cực cho công việc hoằng pháp ở nông thôn.

B. KẾ HOẠCH VÀ DỰ ÁN SỰ CHUẨN BỊ

1. Tinh thần

Xác định rõ mục đích hướng đến để chọn cho mình một phương pháp phù hợp và quyết tâm thực hiện một cách cương quyết, bền chí theo tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật. Có thể nói đem đạo vào đời một cách thiết thực, bởi tinh thần là một yếu tố rất quan trọng đối với một hành giả muốn đem chánh pháp trở lại với lòng người, nếu yếu tố tinh thần không kiên quyết bền chí thì e rằng sự việc khó thành. Do đó, khi đã chọn cho mình hướng đến, một phương pháp phù hợp thì phải quyết tâm và thành tựu, chớ không nên (đem con bỏ chợ) làm không đâu tới đâu.

Nói đến tinh thần của người hoằng pháp thì đây là vấn đề trọng yếu trong sự nghiệp của những Tăng lữ muốn hòa nhập với cuộc đời với nhân loại.

Thời Phật còn tại thế, Ngài đã đề cao tinh thần tìm cầu chánh pháp, đầy nhiệt huyết và hy sinh cả đến thân mạng để đổi lấy một chân lý cho nhân loại, nhằm cứu khổ cho chúng sinh trong sáu đường.

Kế đến những đệ tử của Ngài như Xá Lợi Phất (Trí tuệ đệ nhứt), Mục Kiền Liên (Thần thông đệ nhứt), Địa Tạng (Đại nguyện đệ nhứt), Ca Diếp (đầu đà đệ nhứt). Với những hạnh nguyện trên của các vị đệ tử lớn cũng đều nhằm vào phương pháp hoằng pháp, tiếp độ chúng sanh truyền đạt chân lý diệt khổ cho nhân loại.

Ngày nay, việc hoằng pháp của Tăng Ni trẻ nơi vùng sâu vùng xa cần được quan tâm hơn. Bởi vì khối cộng đồng Tăng Ni càng đông, thì việc hoằng pháp của từng vị càng phải hội đủ điều kiện văn bằng, về mặt kiến thức Phật học vững vàng, có kinh nghiệm thực tu thực học. Muốn làm phật sự tốt, người tu sĩ phải có quá trình tu học nghiêm túc trước đó, đầy đủ kiến thức và đức độ cảm hóa người khác, từ đó mới thuận duyên trong việc hoằng pháp lợi sanh sau này.

Phật giáo đang bước vào giai đoạn mới, rất cần sự cống hiến của người trẻ tuổi được đào tạo từ các học đường. Do đó, kính xin chư Tôn Đức đừng câu nệ vị trí lớn nhỏ, mà hãy lấy tâm Bồ Tát thương yêu chúng sanh đau khổ làm thao thức hàng đầu. Ở đâu có chúng sanh đau khổ ở đó cần quý vị Tăng Ni trẻ nâng đỡ. Đặc biệt, vùng nông thôn hiện nay đang phát triển, đông dân hơn trước mà ít có sự quan tâm bám trụ giáo hóa. Chúng ta đa số đều xuất thân nông thôn đi lên thành phố học hành vậy mà ít ai nghĩ về mảnh đất và những con người đã nuôi mình khôn lớn “Nếu không làm được trăng sao chiếu sáng cả bầu trời, thì hãy làm ngọn đèn nhỏ đủ thắp sáng căn phòng”. Thật sự một người làm nên sự nghiệp lớn là có yếu tố ý chí và phước duyên đầy đủ. Khi không đủ phước duyên, mình phải nghĩ tới mình (tự kiểm lại mình thay vì ngồi trách móc thiên hạ, rồi buông xuôi phó mặt, bất đắc chí, bất mãn, có người bỏ xứ đi luôn). Đây là vấn đề kế tiếp rất cần thiết trong sự nghiệp hoằng pháp của Tăng Ni trẻ, đó là sự giúp đỡ nhiệt tình của chư Tôn đức. Chính sự hỗ trợ của quý Ngài là chỗ dựa vững chắc và là nền tảng cho sự thành công sau này của chúng con.Tóm lại, muốn cho công tác hoằng pháp vùng sâu vùng xa được thực thi, người phát nguyện phải chuẩn bị cho mình một tinh thần Bi-Trí-Dũng, phải trang bị cho mình một hành trang kiến thức chu đáo, một tinh thần vững vàng, phải xác định chấp nhận khó khăn, quyết tâm làm phật sự, vì lòng bi mẫn với người dân nông thôn. Chuẩn bị một tinh thần như thế thì khi bước vào thực tế khó khăn, người mang trọng trách sứ giả Như Lai sẽ không chùn bước. Công cuộc hoằng dương chánh pháp mới có thể thành tựu.

2. Vật chất

Phải chuẩn bị cho mình nguồn tài trợ, ủng hộ khi cần trong công việc hoằng pháp. “Có thực mới vực được Đạo”. Xã hội ngày nay không như ngày xưa, công việc hoằng pháp đòi hỏi nhiều điều kiện trợ duyên hơn ngày xưa nhiều. Ngoài tinh thần truyền dạy giáo lý triết lý nhà Phật đến với người, ta cần phải tạo dựng một nguồn tài chính để chủ động trong mọi hoàn cảnh. Bản thân mình không cơm ăn áo mặc, không có đủ những phương tiện cần thiết nhất thì khó mà làm việc một cách thuận lợi được. Trong thời đại ngày nay, tay không khó làm nên chuyện. Nếu không chuẩn bị tốt thì đây cũng là chướng duyên không nhỏ. Xin ví câu chuyện nhỏ mà trong dịp về lại quê hương bản thân tăng sinh đã chứng kiến:

Trong dịp giỗ Tổ tại ngôi Chùa Linh Phong huyện Châu Thành, sau buổi tối tụng kinh xong chúng tôi và chư khách Tăng ngồi vào bàn trà để tâm sự với nhau. Một số Tăng sinh say sưa nói lên những nguyện vọng, tâm tư: sau khi tốt nghiệp dự định sẽ làm gì để phụ giúp thầy Tổ và Giáo hội, người thì nói là tôi sẽ dốc hết sức lo việc tái thiết chùa, người thì nói tôi sẽ hoằng pháp giảng dạy nơi những vùng sâu vùng xa. Nhiều vấn đề được đặt ra, nhưng chủ yếu nhất vẫn là vấn đề tài chính. Được dịp, ai nấy đua nhau bày tỏ những khó khăn của mình với huynh đệ. Có một huynh đệ tâm sự: “Có chí nguyện hoằng pháp là tốt, nhưng vào thực tế rồi mới thấy khó khăn. Sự đời hoàn toàn không như ý mình nghĩ. Bản thân tôi giờ đây muốn làm một chuyện bình thường thôi mà chưa làm được! Tôi làm trụ trì một ngôi chùa mà tôi không đủ điều kiện về nguồn tài chính, nên chùa thì tu sửa lỡ cở, bổn đạo thì thưa thớt, muốn tạo điều kiện tốt cho dân nghèo cũng không được, tối ngày chỉ biết tụng kinh làm ruộng sống để nuôi thân năm uẩn này thôi! Tôi loay hoay mãi mà chưa biết cách nào để giải quyết. Ngẫm lại Đức Phật và các bậc Tổ sư ngày xưa ba Y một Bát, chân trần mà bước đi khắp nẻo, thấy mình ngày nay thật đáng hỗ thẹn. Nhưng nghĩ lại, thời đại giờ đã khác, công việc hoằng pháp của người tu sĩ ngày nay không dễ dàng, đơn giản. Nếu không chuẩn bị tốt cho mình những điều kiện tinh thần và vật chất tối thiết thì công tác hoằng pháp rất khó thực thi.”

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy đó là điều đáng quan tâm trong lãnh vực hoằng pháp lợi sanh của một tu sĩ ở ngay trong xã hội hóa ngày nay. Để chuẩn bị cho mình một nền tảng khá vững chắc về mặt vật chất, có lẽ ta nên có các mối quan hệ với các mạnh thường quân, tâm sự với họ phát nguyện của mình, trình bày lý tưởng, kế hoạch của mình một cách thuyết phục để vận động, khơi dậy lòng hảo tâm nhiệt tình đóng góp khi công tác Phật sự cần. Bởi nguồn tài trợ chính đó nó giúp chúng ta thuận lợi về mọi mặt khi hoằng pháp ở nông thôn.

3. Sự ủng hộ giúp đỡ của Giáo hội và các bậc Tôn túc

Ngoài sự chuẩn bị về tinh thần và vật chất, chúng ta cần có nguồn động viện và trợ lực của Giáo hội và các bậc Tôn túc. Phải có một nguồn động viên tinh thần và chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý và giáo lý. Nếu đơn thương độc mã thì việc hành đạo sẽ rất khó khăn. Nếu được sự giúp đỡ quan tâm của Giáo hội thì công việc hoằng pháp về mặt quản lý, pháp lý, xã hội sẽ an ổn, tạo nhiều thuận duyên cho ta. Nếu được sự nâng đỡ, trợ lực của các bậc Tôn túc thì công việc mới vững vàng, ta sẽ tự tin hơn.

4. Hiểu rõ đối tượng

- Ưu điểm:

* Người dân ở nông thôn rất hiền lành chất phát, dễ thuyết phục, vốn đã sẳn có đức tin mạnh mẽ và thuần khiết. Đây là một trong những thuận lợi lớn dành cho chúng ta khi về hoằng pháp ở nông thôn. Người bình thường có đức trí mới hiểu được điều thiện ác. Có đức tin mới dẫn chúng ta đến với con đường giác ngộ giải thoát. Có đức tin mạnh mẽ và thuần khiết mới dứt được khổ đau.

Một người tin Phật, quyết tâm trở thành một Phật tử, quy y Tam Bảo, quy kính Pháp của đức Phật và quý kính Tăng già.

* Đạo Phật vốn đã bắt rễ sâu xa vào đời sống đa số người dân Việt Nam. Giáo lý đạo Phật phù hợp với tâm thế của con người Việt Nam, ảnh hưởng sâu xa đến đạo đức, cách sống của người dân nông thôn thuần phát, do đó, gieo hạt giống nhà Phật đến vùng nông thôn, chúng ta đã có một mảnh đất màu mỡ, hứa hẹn nhiều bội thu tốt đẹp.

* Vùng nông thôn rất ít có những sinh họat văn hóa giải trí, người dân rất nhàn rỗi thời gian, nếu chùa có những sinh họat tinh thần bổ ích thì rất dễ thu hút mọi người đến chùa.

Nhược điểm:

* Người dân nông thôn hạn chế về mặt kiến thức. Đạo Phật là đạo giác ngộ nên rất coi trọng trí tuệ. Tin và hiểu là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Niềm tin thiếu hiểu biết, đó là mê tín; niềm tin đặt trên sự hiểu biết sai lạc đó là mê lầm, thậm chí đi đến cuồng tín! Cho nên Luận Đại Từ Sa nói:“Niềm tin không có trí tuệ chỉ tăng thêm ngu si”.

Con người là một cá nhân trong một cộng đồng mang tính xã hội, chịu ảnh hưởng của xã hội, dự phần tác động vào xã hội và có quan hệ mật thiết với môi trường hoàn cảnh chung quanh, Tâm hay Thức được Phật giáo định nghĩa là sự tổng hợp của bên trong và bên ngoài tức là chủ thể của đối tượng, thiếu đối tượng thì chủ thể không còn là chủ thể. Lý duyên khởi cũng xác định hiện hữu là hiện hữu của tổng thể. A có mặt thì B có mặt. A không có mặt thì B không có mặt, cho nên nhược điểm của người dân nông thôn là dễ sa vào mê tín, tinh thần cầu học không cao, chỉ nương tựa vào thần quyền bùa chú, hoặc nghĩ thần linh là chỗ dựa trên hết của họ, có thể đem quyết định hên xui cho cuộc đời họ trong cuộc sống hằng ngày, với sự mềm lòng khả tin ấy đã đánh mất đức tin chân thành của họ đối với một tôn giáo lớn, họ chỉ biết cúng tế lễ lạy, mà không hiểu được nghĩa của nó. Cho nên đây cũng là trách nhiệm chung mà những người hoằng pháp chân chánh phải ân cần và quyết định cho họ cuộc đời mới trong tương lai.

"Phản văn tự kỷ một thường quan

Thẩm sát tư duy tử tế khan

Mạc giáo mộng trung tầm trí thức

Đương lai diện thượng đồ sư nhan"

Nghĩa là:

"Nghe lại điều mình thấy những ngày

Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay

Chớ tìm tri thức trong cơn mộng

Có thế mới hay nhận được thầy"

5. Thuận lợi và khó khăn:

a. Thuận lợi:

Người nông thôn dễ thuyết phục hơn dân trí thức thành thị rất nhiều, các sinh hoạt vui chơi giải trí văn hóa ở nông thôn ít nên các hoạt động lễ hội chùa chiền dễ thu hút mọi người hơn, thời gian rãnh rỗi cũng nhiều hơn, dễ dàng tham gia các hoạt động Phật sự hơn.

Do đó, chúng ta có đủ duyên đề xuất tới những gia đình có con em để họ tham gia vào gia đình Phật tử. Theo học các lớp giáo lý Phật giáo cơ bản và những điều kiện cần thiết trong chùa cũng được hỗ trợ nhanh chóng tốt đẹp hơn.

b. Khó khăn:

Điều kiện vật chất thiếu thốn, những định kiến hủ tục lạc hậu, khó thay đổi.

Con người mới sinh ra đã có sự bất đồng về giàu nghèo; sang hèn, đẹp xấu; thông minh, đần độn, nó đã và đang chịu ảnh hưởng với những điều kiện thấp kém trong xã hội hóa hiện nay bởi những phong kiến tập tục từ ngàn xưa đến nay. Là người hoằng pháp đem sự nghiệp của Đức Phật và lòng từ bi của đạo Phật đến với những con người nơi đây chúng ta cần phải có trách nhiệm chuyển hóa bằng mọi phương cách và những lời khuyên.

Đức Phật khuyên ta không nên đơn giản tin vào điều gì chỉ vì điều đó có từ tập tục truyền thống. Tuy nhiên, ta cũng không nên khuyến bảo họ là hãy chối bỏ ngay tất cả các truyền thống ấy!.

Chúng ta chỉ cho họ những định kiến bất lợi trong đời sống hằng ngày bằng cách thực thi khảo sát phẩm chất của chúng, chỉ khi chúng tỏ ra hữu lý và đem đến hạnh phúc cho mình và mọi người, từ đó mới nên chấp nhận và thực hành các truyền thống ấy. Đây là phương sách giải quyết tốt nhất của người hoằng pháp.

C: CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH CỤ THỂ

Khi đã xác định con đường và mục đích của mình, chúng ta cần quyết tâm thực hiện. Muốn thực hiện tốt thì phải nghiên cứu kỹ. Sau khi đã phân tích, nghiên cứu kỹ mới có thể đưa ra những biện pháp thích hợp để tiến hành. Đối với việc hoằng pháp vùng sâu vùng xa, sau nhiều ngày trăn trở, tăng sinh đã tạm nghĩ ra được một số biện pháp như sau:

1. Ổn định sinh hoạt của chùa:

* Xác lập các mối quan hệ vì Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội.

Nên kết hợp với chính quyền tham gia ủng hộ tích cực vào phong trào từ thiện xã hội góp phần cùng xã hội xây dựng làng xóm ngày được phồn vinh đem lại hạnh phúc và xoá đi nỗi khổ đau của những người thiếu may mắn.

“Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Nhìn lại cùng chung biển khổ thôi”.

* Duy trì thời khóa tụng kinh đều đặn, đúng giờ, khuyến khích mọi người đến chùa lễ Phật tụng kinh, tập thói quen đến chùa hằng ngày cho đông đảo quần chúng và Phật tử.

2. Công tác tổ chức Phật sự :

Công tác hoằng pháp muốn thành công cần có sự trợ giúp của nhiều người. Nên thành lập đội ngũ Phật tử nồng cốt, và phân công hợp lý đối nội, đối ngoại, vừa đỡ việc cho mình vừa có thể khơi gợi, khuyến khích tinh thần mọi người cùng góp tay góp sức với mình.

Nói đến vai trò hoằng pháp là nói đến một hoài bão lớn của người truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Do đó, đối với người hoằng pháp ngoài việc giảng dạy ở các đạo tràng, khi về chùa chúng ta phải tổ chức các thời khoá cho nghiêm túc như: Thời khoá tụng kinh niệm Phật sám hối trang nghiêm, thu hút người dân đến chùa mỗi tối để tụng kinh sau một ngày lao động. Sau buổi tụng kinh nên có vài lời thuyết pháp nhẹ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và thiết thực để người dân thấy được lợi lạc và thích thú khi đến chùa và từ đó là nếp sống tinh thần và tư cách của người Phật tử tại gia sẽ bắt đầu từ từ loé sáng với sự giảng dạy của người hoằng pháp có trách nhiệm hướng dẫn trên con đường tập tu và bất cứ nơi nào họ dẫn tin yêu mái chùa và hình bóng người thầy trong tâm trí họ, có thể nói:

“Về chùa kính Phật trọng Tăng

Lắng nghe lời pháp, dạy răn của thầy

Nghĩa ân Sư như bát nước đầy

Khuyên ai gắng giữ, phước dày mai sau

Mình là con Phật thanh cao

Chấp tay thưa thỉnh, vái chào lễ nghi

Nói năng dáng đứng cách đi

Sao cho điền đạm, oai nghi chỉnh tề

Chùa là tổ ấm ta về

Chung tay vun đắp chẳng nề hà chi

Công phu công quả hội trì

Già lam hưng thịnh phước gì lớn hơn”

(Về Chùa – TT Minh Quang)

Để đạt mục đích và lý tưởng hợp với đối tượng trong vai trò hoằng pháp thì chia từng nhóm đối tượng để có phương pháp giảng dạy phù hợp như ngoài những sinh hoạt chung, nên chia ra từng nhóm sinh hoạt phù hợp:

- Nhóm những người lớn tuổi

- Nhóm thanh niên nam, nữ

- Nhóm thiếu nhi …

Để có phương pháp và chương trình sinh hoạt thu hút mối quan tâm của từng đối tượng

3.Tổ chức nói chuyện, thuyết pháp về các chuyên đề

Nên tổ chức những buổi nói chuyện về các chuyên đề như: Mối quan hệ cha mẹ và con cái theo quan điểm đạo Phật, mối quan hệ hàng xóm, tình bạn, v.v…

Có những nhu cầu và điều kiện cần thiết như trên chúng ta mới có thể thực hiện được những tâm nguyện và hoài bảo của người hoằng pháp. Song song chúng ta nên có kế hoạch các ngày lễ lớn để tạo thêm nét đẹp văn hoá Phật vào lòng của người dân vùng sâu vùng xa bằng cách cố gắng tổ chức những ngày đại lễ lớn như: Đại lễ Phật Đản (ngày 14 - 15/4Al), Đại lễ Vu Lan Thắng Hội (1 – 15/7 Al), Đại lễ Phật thành đạo (15/12 Al ) và các ngày lạy vía Rằm Ngươn để Phật tử và người dân có dịp hoà nhập vào môi trường phật pháp, tu học, tăng thêm phần thu hút và đem lại niềm tin lẫn niềm vui cho mọi người, mặt khác cũng là niềm khích lệ khuyến tấn trên con đường tới giác ngộ tâm linh.

Để trang nghiêm đầy đủ ý nghĩa của những ngày lễ trên, ngoài việc tổ chức long trọng đó thì người tổ chức cần nên đề cập về ý nghĩa của những sự kiện, của những ngày lễ để người dân nơi đây họ được hiểu thêm về ý nghĩa của nó, nhằm tô đậm thêm nét đẹp của văn hóa Phật giáo.

4. Tổ chức thuyết giảng, giảng dạy :

Để có đội ngũ nòng cốt có thể đem ánh sáng của Phật Đà soi sáng nơi vùng sâu vùng xa, chúng ta cần nên tiếp thu những ý kiến của chư Tôn Đức trực thuộc TW Giáo hội và trực thuộc Ban hoằng pháp TW và cũng đề xướng lên những ý kiến tổ chức giảng dạy của mình như :

- Tổ chức các lớp giáo lý theo chương trình.

- Tổ chức các lớp giáo lý học theo từng nhóm.

Cần nên tổ chức đạo tràng Bát Quan Trai, Phật thất, niệm Phật đạo tràng để đáp ứng được lý tưởng xuất gia hoằng pháp lợi sanh, cứu khổ ban vui cho mọi người và đáp ứng được yêu cầu của bổn đạo gần xa có nơi tu học, hành thiện.

Thời gian quy định của tổ chức và nghi thức của các khoá học và đạo tràng tu tập cho Phật tử là:

* Các lớp giáo lý: Có thể tổ chức vào hàng tuần trong hai ngày thứ năm, chủ nhật.

- Ngày thứ năm: cho nhóm lớn tuổi

- Ngày chủ nhật: cho nhóm thanh thiếu niên nam, nữ.

* Các đạo tràng khoá tu Phật thất và Bát quan trai:

- Khoá tu Phật thất được quy định tổ chức nhằm mục đích giúp cho Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên đến chùa tu tập, thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, tinh tấn niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật.

- Thời gian: 7 ngày đêm.

- Pháp tu: Chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chia làm ba cấp công phu :

+.Tín tâm niệm Phật (ngồi niệm 15 phút), Kinh hành 15 phút ( niệm ra tiếng )

+.Chuyên tâm niệm Phật : Ngồi niệm 30 phút, kinh hành 15 phút (niệm thầm)

-.Nhất tâm niệm Phật: Ngồi niệm 1 giờ đến 2 giờ (niệm thầm)

* Đạo tràng Bát Quan trai:

- Theo tinh thần từ bi của đạo Phật, vì lợi ích chúng hữu tình, vì điều kiện tu tập cho nam nữ Phật tử được tiến tu lên một bậc nữa, nhằm để trao dồi đức cho người Phật tử tại gia, nên nhà chùa cần tổ chức đạo tràng Bát quan trai này.

- Thời gian 01 ngày – đêm

- Pháp tu truyền giới (Bát Quan trai giới)(Niệm Phật; kinh hành; nghe pháp .v.v…)

Trong các khóa tu nên tổ chức thuyết giảng để phật tử thấm nhuần giáo lý, tránh những trường hợp chỉ tu theo phong trào, hình thức cho có, ví như có một số người học Phật với thái độ lững lờ :

- Tuy tin theo Phật cũng tin Trời

- Một tháng đôi lần ăn lạt chơi…

Như vậy trái với tinh thần thọ lãnh giáo pháp của Phật. Chúng ta phải rèn luyện hướng dẫn họ có tâm kiên cố như Kinh A Hàm nói:“Vị Thánh đệ tử đã được niềm tin kiên cố, thâm tín Như Lai, thành tựu tín căn, quyết không theo Sa môn Phạm chí, ngoại đạo, như Thiên ma, Phạm thiên và các hàng thế gian khác”.

Cho nên, học Phật là vì nhận ra chân lý, tìm được lẽ sống của nhân sinh, nên phải đặt trên nền tảng sáng suốt, niềm tin vững chắc, lập trường rõ ràng, mà không thể mù quáng tùy tiện“Ai bảo sao làm vậy”. Người như vậy, chẳng sớm muộn gì cũng xảy ra tình trạng:“ Ai làm bậy tôi làm theo”.

Do vậy, ngoài việc tổ chức các khoá tu cho họ vun bồi tâm đức, hạnh đức và giới đức, thì còn phải tạo điều kiện cho họ giao lưu với các đạo tràng ở nơi khác nhằm mục đích cho nam nữ Phật tử nơi vùng sâu nông thôn có tầm nhìn mới và nhận thức thêm về giá trị học Phật có bổ ích cho tự thân và tha nhân. Với tinh thần đoàn kết giao lưu đó cũng phần nào trách nhiệm vai trò trong cuộc sống của mỗi gia đình cũng được cải thiện tốt như :

+ Con cái hiếu thảo với cha mẹ.

+ Làng xóm tăng thêm nghĩa tình.

+ Vợ chồng đầm ấm hạnh phúc.

Từ đó, vai trò hoằng pháp mới thật sự mang lại hiệu quả tốt đạo đẹp đời.

5. Hoạt động từ thiện

Thi hào Nguyễn Du nói :

"Dù xây chín đợt phù đồ

Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người!"

Thật vậy, với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo, chia sớt bớt nỗi khổ đau thiếu thốn của những người dân vùng sâu vùng xa nghèo khổ. Với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật thì một bất cứ chúng sanh nào có khổ đều được cứu khổ. Bởi vì Phật ở trong lòng – có cầu tất được đáp ứng. “Phật tự môn trung, hữu cầu tất ứng”.

Tăng sĩ Phật giáo với lòng bi mẫn chúng sinh, tâm từ bi rộng khắp, nên tiến hành song song với họat động truyền bá giáo lý là những họat động từ thiện. Trước mắt là cứu cái khổ gần, sau đó mới là cứu cái khổ sâu xa. Phải có một cuộc sống tạm yên ổn thì mới nghĩ đến mục đích giác ngộ giải thoát lâu dài được.

Để có nguồn tài chánh phải dựa vào các tấm lòng hảo tâm của những người con Phật trong vùng và trên mọi miền. Vận động cứu giúp những nhà nghèo khổ, khó khăn, bệnh hoạn, cất nhà tình thương, xây cầu đắp đường. Cứu trợ đến những vùng sâu bị thiên tai lũ lụt ..v.v... là những họat động rất cần thực thi ở những vùng nông thôn, nơi mà đời sống người dân luôn bị đe dọa bởi cái nghèo, cái khó triền miên.

Ngoài việc xoá đói giảm nghèo đem lại sức sống cho người dân vùng sâu thì người hoằng pháp phải có trách nhiệm đem ánh sáng trí tuệ, hiểu biết cho người dân nơi đây. Ngoài việc truyền đạt chánh pháp cho họ – chúng ta cần nên mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo hiếu học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đọc chữ, viết chữ cho các em trong hoàn cảnh ngày nay. Để đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn của lớp học, phải có kế họach tổ chức hẳn hoi. Đào tạo giáo viên nội bộ có đủ trình độ đứng lớp, có kinh nghiệm nơi học đường, và thuê những giáo viên bên ngoài hay những Phật tử thuần thành có nhiều năm giảng dạy để đủ điều kiện truyền đạt tri thức cho các em.

6. Xây dựng cơ sở vật chất :

Ngoài những hoạt động truyền bá giáo lý, ủng hộ từ thiện xã hội, công tác hoằng pháp muốn tròn vẹn phải thực hiện tốt các điều kiện cần thiết của cơ sở vật chất như:

* Xây chùa: Chùa là nơi tôn thờ chư Phật và Bồ Tát, Thánh hiền, là nơi chiêm bái lễ tụng hằng ngày của chư Tăng và Phật tử, chùa là chỗ nương tựa tinh thần cho những tâm hồn của từng lứa tuổi.

Đạo Phật từ Ấn Độ truyền đến Việt Nam đã gần 20 thế kỷ. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, đạo Phật đã gắn bó, hoà nhập với dân tộc, cùng vượt qua những chặng đường, gay go. Viết nên trang sử vàng son thời Đinh, Lê, Lý, Trần, góp phần xây dựng nền văn hoá dân tộc, mang lại an lạc hạnh phúc cho người dân Việt.

Đạo Phật là tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh lành mạnh cho dân tộc xưa nay. Chùa là nơi người dân nuôi dưỡng đời sống tinh thần qua lời kinh mỗi tối, tiếng giảng pháp mỗi rằm.Mái chùa cong lợp ngói đỏ, tiếng chuông sớm, mỏ chiều … đã trở nên hình ảnh âm thanh quen thuộc, thân thương đối với mọi người, để rồi khi đi xa ngôi chùa làng xưa lại chiếm một phần rất quan trọng trong ký ức của chúng ta.

Nhà thơ Nguyễn Bính đã thốt lên:

"Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm ....

Mai này tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi ! bỏ chùa"

(Quê tôi – Nguyễn Bính)

Thật vậy, việc xây dựng cơ sở là điều tất yếu trong việc hoằng hóa. Chùa làm nơi nuôi lớn hạt giống bồ đề của những người dân nông thôn được nẩy mầm – có lớp học (giảng đường) là nơi học hỏi tăng thêm hiểu biết cho Phật tử. Chùa ví như mảnh đất ươm mầm xanh lá – Cho nên việc hoằng pháp muốn thuận lợi phải hoàn tất cơ sở vật chất hầu đáp ứng nhu cầu khao khát chánh pháp của người dân vùng sâu này.

7. Các sinh hoạt hỗ trợ bổ ích:

Ngoài việc tổ chức nơi bổn tự để Phật tử có nơi chiêm bái, tu học hằng ngày, song song đó phải tổ chức những chuyến hành hương trong năm của những ngày lễ lớn hay đi thập tự vào mùa Vu Lan Thắng Hội, hoặc những nơi du lịch trọng điểm Phật giáo, tham quan các thắng cảnh … Đây là việc làm phụ nhưng đem lại bổ ích rất nhiều cho đồng bào Phật tử nơi xa xôi này – Là điều kiện tốt khi họ là những người đầu tắt mặt tối lam lũ dưới ruộng đồng từ sớm đến chiều … hì hụt cả ngày, tối về chỉ nghe tiếng mỏ chuông mà thôi lấy đâu sức để nghĩ đến chuyện xa vời … Do đó chúng ta là người tổ chức thay thế Tăng đoàn cho Giáo hội, để bảo vệ hướng dẫn họ trên con đường hoàn thiện giác ngộ giải thoát thì những điều cần biết cần làm đem lại niềm vui và hạnh phúc an lạc cho họ thì nên làm nhằm trau dồi trí đức cho mình và cũng là phương pháp chỉ dẫn cho họ hiểu và tìm được nếp sống mới – Bởi khi sự hiểu biết của người Phật tử nơi đây thông hiểu thì từ đây việc đi chùa của họ không ngoài việc lễ lạy mà còn cần nghe pháp nữa. Cho nên về chùa kính Phật trọng Tăng là để: Lắng nghe lời pháp dạy răn của thầy!

Kinh Hoa Nghiêm nói:

"Như viên ngọc quý giữa đêm dày

Không đèn soi sáng có ai hay ?

Cũng vậy Phật Pháp không người nói

Thông minh cũng khó hiểu nghĩa này!"

Vị thầy là thay Phật hoằng pháp để Phật tử cần phải nương tựa học hỏi, hiểu nghĩa lý vi diệu trong kinh Phật …

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Phật tử tìm hiểu ra bên ngoài, giao lưu với bạn bè trong năm giới … chúng ta tổ chức cho họ tham gia các khóa tu ở các đạo tràng các nơi như:

- Khoá tu Phật thất

- Đạo tràng Bát quan trai

- Khoá tu niệm Phật v.v…

8. Đào tạo Tăng tài kế nghiệp:

"Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài", trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của những người thừa chí cả, ai ai cũng mang trong mình một hoài bão lớn mà đó là sự nghiệp của đời mình. Bởi sự nghiệp bao giờ cũng đem lại kết quả của nó cho nên hoài bão ấy muốn được lưu truyền mãi mãi đến đời sau, để những thành quả đó được giữ gìn và phát triển thì ai là người tiếp tục sự nghiệp – phải chăng là những Tăng tài sau này? Vì vậy nên quan tâm đến việc đào tạo, thu nhận đệ tử xuất gia nhằm sau này có người kế nghiệp.

Để chuẩn bị tốt cho đội ngũ kế thừa với những điều kiện sau:

- Tuổi đời từ 7 tuổi, 18 tuổi, 25 tuổi

- Bước đầu:

+ Cho học giáo lý ( tập tu phước)

+ Tập hạnh xuất gia (cho thuần thục)

+ Tạo điều kiện theo học các lớp phổ thông bên ngoài cho đến hết chương trình trung học hay cao hơn.

- Bước 2 : Tham khảo ý kiến (có hảo tâm xuất gia hay không )

- Bước 3 : Yết ma của đại chúng

- Bước 4 : Hội đủ điều kiện về việc xuất gia làm đệ tử Phật …

- Bước 5 : Đăng đàn thọ giới xuất gia.

- Sau khi hoàn thành một Tăng sĩ gia giáo nơi bổn tự.

Đó là bước đầu tiên kế tiếp cho học vào các trường cao trung và cao cấp Phật học v.v…

Qua quá trình trên, nhằm truyền đạt kiến thức và sự nghiệp Phật giáo của người thừa kế vì sự nghiệp Phật giáo không gì vật chất danh vọng hay thế lực của người trên kẻ dưới, hay kẻ giàu người nghèo mà nó là gia sản vô giá của Đức Phật đã hy sinh đời mình đổi cả vợ đẹp, con thơ, ngai vàng, điện ngọc, mới tìm được nó là:“Duy tuệ thị nghiệp”.

Chỉ có 4 chữ thôi mà nó đã diệt được khổ đau trong bốn đường (sanh, lão, bệnh, tử) của Thái tử Tất Đạt Đa đem lại ánh sáng và phương thuốc diệt khổ cho loài người. Từ đó ánh đạo vàng Từ bi đã ban rải khắp mọi nơi, cho nên vai trò người hoằng pháp phải phát huy lòng từ bi mẫn đó để đem lợi lạc cho chúng sanh. Để có đội ngũ Tăng tình nguyện kế thừa sự nghiệp ấy, không gì hơn là đào tạo Tăng tài. Đó là hoài bảo và tâm nguyện của một tu sĩ Phật giáo v.v…

9. Nguồn tài chánh :

Người ta thường nói : "Có tiền mua tiên cũng được". Thế thì đồng tiền là sự quyết định của sự nghiệp mình sao? Tuy nó là một thứ không thể thiếu trong đời thường bởi tầm quan trọng của nó, nó thường được đặt vào vị trí hàng đầu, quyết định được nhiều việc... Do đó, nguồn tài chính cũng là một điểm nóng trong chương trình kế họach phục vụ cho công việc hoằng pháp…

Để thành đạt một công trình hay sự kiện nào đó, chúng ta đều phải đủ yếu tố vật chất và tinh thần. Tinh thần là sự kiên trì dõng mãnh, đem lại nếp sống lạc quan trong công việc. Vật chất là thứ hộ trợ chính nên không thể thiếu. Có thể nói: Người tu khi bước vào giai đoạn hoằng hoá thì rất cần có nguồn tài chính này để hoạt động. Từ những công việc từ thiện hoặc tổ chức lễ hội hằng năm....

Để có được nguồn tài chính, ta cần có kế họach “làm ra tiền” bằng nhiều cách. Có thể tham khảo một số biện pháp tìm kiếm nguồn tài chính như sau:

* Nguồn ở xa: Nhờ vào sự hỗ trợ chiếu cố của Chư Tôn Đức trong Giáo hội hay các bậc Tôn túc ở nơi các Tự Viện lân cận có sự quan tâm mật thiết nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”.

Đó là nội hộ, còn về phía ngoại hộ thì động viên các nhà hảo tâm như: mạnh thường quân ở thành phố, Việt kiều v.v… Phật tử ở xa có phát tâm qua sự chỉ dẫn của chư Tôn Đức.

* Nguồn ở gần: Nhờ sự trợ giúp phát tâm của những gia đình hằng tâm, hằng sản trong vùng; phát động phong trào nuôi heo đất trong Phật tử nhằm tạo điều kiện cho người nghèo cũng có điều kiện cúng dường đóng góp tích phước. Đây là vấn đề cần phải phát động mà mỗi thành viên trong chùa hay Phật tử lân cận đều phải có trách nhiệm chung nhằm làm tốt đạo đẹp đời.

* Nguồn tạo ra: Nhờ vào sức lực của chính bản thân và đại chúng trong chùa phải nổ lực tổ chức tăng gia sản xuất về mọi mặt như: Nông, công, thương v.v… Có thể làm ruộng, làm rẫy, trồng cây hoa màu, cây ăn trái, sản xuất các chất liệu như: Nhang (hương) đốt, tương chao, đậu hũ v.v… nhằm tiêu thụ ra thị trường để lấy nguồn vốn đó đầu tư vào các công việc khác. Có thế cuộc sống đời Tăng nhân mới mạnh mẽ và tự tin hơn. Mặt khác, không nên chờ đợi ai hết. Dẹp bỏ định kiến không tốt về thầy tu chúng ta thừa hưởng sự nghiệp ăn không ngồi rồi, nằm trong mát ăn bát vàng. Do đó để chấn chỉnh điều đó, chúng ta là những Tăng sĩ trẻ trong thời hiện đại cần phải mạnh mẽ vạch rõ đường lối và chủ tâm vì một Phật giáo ngay mai.

D.NHỮNG KIẾN LUẬN

Ánh sáng giác ngộ của Đạo Phật đã soi sáng và sưởi ấm tâm linh của vô lượng chúng sanh trong đêm dài vô minh gần 2.600 năm qua. Chánh pháp được cửu trụ Ta bà là nhờ vào tinh thần hoằng pháp, chẳng ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc của chư Tăng trải qua bao thế hệ. Tinh thần bảo vệ và hoằng hoá chánh pháp của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã được truyền tiếp trong huyết quản của những vị sứ giả Như Lai:

"Đâu chúng sanh cần con đến

Đâu Phật Pháp cần con đi

Chẳng ngại gian lao

Chẳng nài khó nhọc..."

Lời dạy khi xưa của Đức Phật vẫn còn vang vọng đâu đây: “Này các Tỳ kheo, các ông nên khởi tâm từ bi. Nếu có người thích nghe, hoan hỉ chấp nhận chánh pháp do các ông nói, hãy nên vì họ nói bốn niềm tin vững chắc, khiến họ tiếp nhận, an trú trong đó. Những gì là bốn? Đó là niềm tin vững chắc đối với Phật, niềm tin vững chắc đối với Pháp, niềm tin vững chắc đối với Tăng và thành tựu Thánh giới”.

Vì vậy, người xuất gia phải có tâm từ bi và chí nguyện hoằng pháp lợi sinh, khiến mọi người cùng thọ dụng lợi ích vô biên của Tam Bảo, xây dựng một nếp sống an lạc, hạnh phúc trên nền tảng chánh pháp.

Tăng sinh khi hoàn tất chương trình học tập, nên chí nguyện đem chánh pháp về lại vùng sâu vùng xa cho những người mới tìm hiểu đạo để người người nơi đây được hưởng pháp lạc vô biên của Đức Phật và đem lại hạnh phúc an lạc trong đời sống của mọi người.

Việc cần làm ta nên làm, để tỏ lòng báo đáp bốn ân của người đệ tử Phật với chí xuất trần thượng sĩ để xứng với ngôi Tam Bảo quí báu. Hãy đem ánh sáng trí tuệ siêu việt của chánh pháp để xoá tan khói u tối của những con người lầm mê đem họ về chỗ sáng an lành giải thoát.

Sau đây là một số kiến nghị để cho việc hoằng pháp vùng sâu, vùng xa đạt kết quả thật tốt:

1. Đối với Giáo hội và Ban Trị sự các tỉnh:

Giáo hội nên quan tâm sâu sát hơn, có một chương trình, kế hoạch cụ thể hơn đối với công tác hoằng pháp vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, v.v… Ban hoằng pháp Trung Ương nên đặt những cơ sở hoạt động thiết thực ở các tỉnh, cung cấp và điều động hợp lý đội ngũ giảng sư, tài liệu kinh sách ưu tiên cho vùng nông thôn.

Ban Trị sự các tỉnh nên kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các tự viện trong phạm vi trách nhiệm của mình. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng ni có nguyện vọng và khả năng làm phật sự ở các vùng sâu vùng xa. Sẵn sàng ủng hộ tinh thần cũng như vật chất cho các vùng nông thôn nghèo khó. Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ Tăng Ni, đừng dễ dãi buông lung khiến những trường hợp “con sâu làm sầu nồi canh” ảnh hưởng đến uy tín Tăng già và làm mất lòng tin Tam bảo nơi quần chúng nhân dân.

Nên có những biện pháp, chính sách ưu đãi đối với tăng ni sinh trẻ mới ra trường, kêu gọi và động viên họ trở về địa phương làm Phật sự.

2.Đối với các cấp chính quyền:

Nâng cao đời sống tinh thần, đạo đức cho người dân cũng là một đóng góp tích cực về mặt văn hóa, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh văn minh. Đạo Phật trong lịch sử mấy ngàn năm qua đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng đất nước. Những vị vua anh minh thời Lý Trần đã mang lại cho dân tộc niềm tự hào rất lớn bởi những thành tựu rực rỡ mà các triều đại này mang lại. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của cha ông. Thiết nghĩ, những người lãnh đạo đất nước hôm nay cần có sự nhìn nhận đúng mức về vai trò đóng góp của đạo Phật vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc tốt đẹp, xây dựng đời sống đạo đức bền vững, lợi ích cho nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động Phật giáo mang lại lợi ích cho đời sống tinh thần và đạo đức người dân. Đồng thời nghiêm khắc xử lý những trường hợp trá hình, lợi dụng tôn giáo làm điều không tốt, đi ngược lại lợi ích cộng đồng và làm ảnh hưởng uy tín đạo Phật.

3. Đối với lớp Tăng Ni trẻ:

Hãy nhiệt tâm phát nguyện hạnh lợi tha. Vùng nông thôn rất cần những tấm lòng từ bi và sự nỗ lực của quí vị. Sau khi đã thọ ơn đàn na tín thí cho ta ăn học, hãy trở về những nơi thực sự cần những bước chân hoằng hóa. Gạt bỏ những suy tính lợi ích cá nhân, hãy vì lòng bi mẫn chúng sanh mà đem hết sức lực và tài năng cống hiến. Đó là phước báu rất lớn./.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage