Phật Học Online

Ở đâu có người Việt,ở đó có chùa
Lưu Đình Long

     Tôi rút ra điều đó và chắc chắn như thế sau khi xem tập sách ảnh Chùa Việt Nam hải ngoại của tác giả Võ Văn Tường và Từ Hiếu Côn (NXB Hương Quê - Hoa Kỳ) in vào dịp Đại lễ Vesak PL.2558, DL.2014.

     Sở dĩ tôi dám khẳng định như thế vì qua 728 trang sách, in màu với 2.800 hình ảnh chọn lọc ghi từ 72 ngôi chùa ở châu Á, châu Âu, châu Úc và châu Mỹ, tác giả đã dắt người đọc đi vòng quanh thế giới, viếng thăm từng kiểng chùa với nét thân quen chùa Việt, như đang đi hành hương ở khắp thế giới nhưng vẫn thấy quê nhà đâu đó trong lòng.

BTN_0002.JPG
Chùa Việt Nam hải ngoại, tập sách ảnh của 
Võ Văn Tường - Từ Hiếu Côn do NXB Hương Quê - Hoa Kỳ ấn hành năm 2014 - Ảnh: B.Toàn

     Thực ra, đây chỉ là tập 1 của cuốn sách có thể nói là kỷ lục và đầu tư công phu bằng hình ảnh, tư liệu xác thực do có được sự trải nghiệm thực tế của hai tác giả Võ Văn Tường - Từ Hiếu Côn. Theo hai nhà nhiếp ảnh này, “với khoảng 600 ngôi tự viện Phật giáo Việt Nam hải ngoại đang hiện diện trong 30 quốc gia ở khắp các châu lục, thì việc chúng tôi giới thiệu 72 ngôi tự viện trong tập 1 là một bước khởi đầu...”.

     Có duyên đọc được cuốn sách và xem 2.800 hình ảnh về 72 tự viện đủ tông phái Phật giáo như Tịnh Độ, Trúc Lâm Yên Tử, Khất sĩ, Nam tông từ 4 châu, 9 nước (Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Pháp, Đức, Na Uy, Canada, Hoa Kỳ, Úc) có lẽ là một duyên may đối với tôi, bởi vì đây là vấn đề mà tôi quan tâm: những ngôi chùa Việt ở nước ngoài. Thi thoảng, có dịp tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô đi du học hoặc hoằng pháp cũng như những bạn bè quen biết đang du học ở nhiều nước tôi vẫn thường hỏi, ở chỗ đó (với địa danh thành phố, bang, nước nào đó) có chùa Việt không, nếu có thì có giống chùa ở quê mình không, bà con sinh hoạt đông không... Do vậy, bắt được tập sách này giống như là món quà mà NXB Hương Quê cũng như hai tác giả đã dành tặng cho mình cùng lời hứa hẹn còn nữa những tập tiếp theo, đầy lý thú.

      Thiết nghĩ, nhiều Phật tử quan tâm tới lĩnh vực văn hóa, chùa chiền và đời sống tâm linh người Việt xa xứ hẳn cũng sẽ có cảm nhận giống tôi khi hay tin tập sách này ra mắt hoặc có duyên đọc được. Thật sự, tập sách này còn mang một ý nghĩa khác là quảng bá hình ảnh chùa Việt khắp nơi tới bạn bè quốc tế bởi vì sách không phải chỉ được thực hiện dưới một thứ tiếng mà còn được dịch ra thành 4 thứ tiếng (Việt, Anh, Nhật, Trung) cùng hiện diện trong từng trang sách để không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng có thể sở hữu làm tư liệu.

       Trong lời giới thiệu đầu sách, tác giả Võ Văn Tường - Từ Hiếu Côn nhắc đến hai câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Huyền Không: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Điều đó có nghĩa, đối với người Việt, nếp sống Phật giáo song hành cùng dân tộc hàng ngàn năm. Tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” với tư tưởng “hộ quốc an dân” đã trở thành nếp sống muôn đời, nên dẫu đi xa Tổ quốc thì người Việt vẫn luôn hướng về quê nhà, bắt đầu từ xây đắp nên mái chùa thân thương, giáo dưỡng con cháu sống trong tình thần tri ân, báo ân, không quên nguồn cội. Yêu nước khi đó chính là đem văn hóa dân tộc, đương nhiên là văn hóa Phật giáo Việt Nam giới thiệu tới bạn bè năm châu, để thế giới biết đến Việt Nam là biết đến sự hiền hòa thông qua nếp sống đầy bi-trí của người con Phật, nhất là trong mạch nguồn Tổ quốc, dân tộc.

     Thật vậy, giở qua từng trang, những không gian tâm linh nơi mái chùa Việt Nam hiện ra thân thuộc trên đất nước bạn là cổng tam quan với mái cong, chạm khắc tinh tế, chánh điện tôn trí tượng Phật Bổn Sư, Tam Thế Phật cùng tháp thờ vươn lên giữa mây trời, ẩn mình trong cây xanh như ngôi tháp Vạn Phật ở chùa An Việt Nam Phật Quốc (Ấn Độ) ngay những trang đầu tiên. Đặc biệt, dường như chùa nào cũng có tôn tượng Quán Thế Âm cũng như có những sinh hoạt tâm linh, thời khóa kinh kệ nghiêm cẩn y như những chùa Việt ở quê nhà. 

C Phổ Từ-hayward,california.jpg
Chùa Phổ Từ (California, Hoa Kỳ) - Ảnh: Bảo Toàn chụp lại từ tập sách

     Ấn tượng nhất đối với tôi trong tập sách này có lẽ là việc hiện diện của 56/72 ngôi chùa Việt ở Hoa Kỳ, chứng tỏ người Việt định cư nơi đây rất nhiều so với các nước, có đời sống tâm linh được duy trì, kết nối mạnh mẽ từ quê nhà.

     Tôi nghĩ, cuốn sách này là tư liệu quý cung cấp cho những ai cần nghiên cứu chùa Việt hải ngoại có thể tham khảo hoặc những người Việt ở nước ngoài muốn đi lễ Phật, viếng chùa có cẩm nang hành trình để tìm tới một cách thuận tiện. Đặc biệt, việc cung cấp cụ thể địa chỉ, số điện thoại, e-mail, trang web của 72 ngôi chùa sẽ giúp độc giả có sự liên hệ dễ dàng cũng như tìm hiểu kỹ càng hơn đối với những ngôi chùa mà mình quan tâm. Đó cũng là chi tiết minh chứng cho sự nghiêm túc, cẩn thận và kỹ lưỡng, sự đầu tư rất lớn của tác giả tập sách, với tâm nguyện “đóng góp nhỏ nhoi” như trong lời giới thiệu.

     Riêng, bản thân tôi mong chờ sẽ tiếp tục được đọc tập 2, tập 3 của sách như lời hứa chân thành mà hai tác giả đã viết - xuất bản vào dịp Đại lễ Vesak năm sau, 2015. 

- Bộ sách ra đời có ý nghĩa như một sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn vinh những đóng góp, hy sinh của người con Phật Việt Nam ở hải ngoại. Công trình này cũng đồng thời qua đó tán thán công đức của chư vị Tăng, Ni, Phật tử đã dày công hướng dẫn, giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc và thắp sáng đuốc đạo mầu giải thoát của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thành quả sự nỗ lực đó của chư Tăng Ni, Phật tử được thể hiện rõ rệt hơn cả qua công sức đắp xây, hình thành các ngôi chùa Việt khắp nơi trên thế giới- NXB Hương Quê

C Khanh Anh.jpg
Chùa Khánh Anh tại Bagneux, Pháp - Ảnh: V.V.T - T.H.C (Bảo Toàn chụp lại)

- Đa số các chùa, mỗi ngày đều có thời khóa tụng niệm. Ngoài ra, mỗi tuần nơi đó đều có buổi giảng pháp bằng tiếng Việt, tiếng Anh; tổ chức các lớp Việt ngữ, nhiều hình thức sinh hoạt Gia đình Phật tử và chương trình xã hội, từ thiện. Hằng năm, những ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan, Phật Thành đạo, Vía Đức Phật A Di Đà, lễ Vía Bồ-tát Quán Thế Âm, pháp hội Dược Sư..., các chùa thường tổ chức trang nghiêm, chu đáo cho đông đảo Phật tử, đồng hương gần xa về chùa tu học, lễ bái, sinh hoạt văn nghệ... - Võ Văn Tường - Từ Hiếu Côn

theo: GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage