Phật Học Online

Mùa Xuân Đi Tìm Suối Nguồn Của Hạnh Phúc
Trần Trung Phượng

Hạnh phúc trước hết là một thực tại (thực tại hạnh phúc) chứ không phải là một ý tưởng hay là một khái niệm. Người có quan niệm hay một hệ thống các quan niệm về hạnh phúc chưa chắc là một người hạnh phúc đích thực và một người hạnh phúc thực sự không hẳn là người phải có một quan niệm nhất định về hạnh phúc. Có thể có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc, nhưng một quan niệm phổ biến nhất cho rằng hạnh phúc là một tình trạng hay một trạng thái được thoả mãn hoàn toàn (état de complète satisfaction, quan niệm của tâm lý học). Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là định nghĩa hạnh phúc là như thế này hoặc như thế kia mà vấn đề đâu là suối nguồn đích thực của hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không hoàn toàn đồng nghĩa với những khoái lạc nhất thời của trần gian?

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà dường như số người đi tìm hạnh phúc đông hơn những người có hạnh phúc thực sự. Bao nhiêu sách vở được viết ra để dạy người ta cách đi tìm, chinh phục và xây dựng hạnh phúc nhưng kỳ lạ thay, càng đi tìm hạnh phúc, con người lại càng cảm thấy đau khổ và điều này chứng tỏ con đường mà người ta dùng để đi tìm hạnh phúc không phải là một con đường chân chính (chánh đạo). Nói cách khác, thứ “hạnh phúc” mà con người đi tìm chỉ là một ảo ảnh, “ảo ảnh của hạnh phúc”, và cuộc truy tìm ảo ảnh bao giờ cũng là một cuộc rượt đuổi vô vọng.

Có lẽ không giống với bất cứ một thời đại nào khác trong lịch sử, hạnh phúc trong thời đại hiện nay đã trở thành một thứ hạnh phúc bị điều kiện hóa hoặc bị đồng nhất với những gì mà nếu không có chúng thì hạnh phúc cũng không thể tồn tại được: tiền tài, danh vọng, địa vị... Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của những yếu tố này trong việc tạo ra một sự thỏa mãn nhất định nào đó của con người nhưng sự cường điệu quá đáng những yếu tố này tất yếu sẽ dẫn đến một hiện tượng mà người ta gọi là “hạnh phúc giả” nhưng lại “đau khổ thật”. Trong thời đại hiện nay. không phải chỉ có những kẻ làm bạc giả mà còn có cả không ít nhưng người tự tạo cho mình một thứ “hạnh phúc giả”, bằng những thứ biện pháp có tính chất ngụy tín. Cách đây mấy chục năm, bằng những câu thơ đầy xúc động, thi sĩ Quách Thoại đã phác thảo được một bức tranh khái quát về thời đại:

Ơi con người thế kỷ ở trong tôi

Đã cất xong ngôi mộ cạnh hồn đồi

Mà thiên đàng hiển hiện ngự trên ngôi

Cho nên tôi khóc. tôi khóc hoài không thôi...

Nielzsche đã từng cho rằng: “Con thú đau khổ nhất trần gian là con thú biết tạo ra tiếng cười” nhưng cũng cần phải nói thêm rằng “con thú đau khổ” đó cũng là một loại động vật duy nhất có khả năng chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc. Tất cả vấn đề là ở chỗ trên mảnh đất tâm (tâm địa) của con người, những hạt giống nào đã được gieo trồng và vun tưới: hạt giống của khổ đau hay hạt giống của hạnh phúc. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm. Đức Phật đã nói:

“Này các vị khất sĩ, không có một sự vật nào khi không được điều phục mà có thể đem lại nhiều đau khổ như tâm của chúng ta.

Này các vị khất sĩ, không có một sự vật nào khi đã được điều phục và chế ngự mà lại có thể đem lại nhiều hạnh phúc như tâm của chúng ta”.

Đức Phật cũng đã dạy rất rõ về những lợi ích lớn lao, về hạnh phúc thực sự mà con người sẽ có được một khi cái tâm được điều phục:

“Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có thể đưa đến lợi ích lớn như là tâm được điều phục, tâm được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ...”

(Samyutta Nikaya)

Như đã nói, những điều kiện ngoại tại của hạnh phúc như sức khỏe, của cải vật chất, địa vị, tình bạn cũng là những yếu tố cần thiết để con người sống một cuộc đời xứng đáng với những giá trị sinh tồn mà nó vốn có, nhưng rõ ràng đó chưa phải là những yếu tố đủ để con người có thể sống được một cuộc đời hạnh phúc. Như ngài Tenzin Gyatso đã chỉ ra, chính Trạng thái tâm thức của con người mới là yếu tố quan trọng quyết định con người có thể đạt được mục tiêu hạnh phúc ngay trong cuộc sống thế gian này hay không. Với cái tâm thức phân biệt, đối đãi, so sánh, ganh tỵ, sân hận (như so sánh tài sản của mình với tài sản của những người khác giàu có hơn để từ đó sinh ra lòng ganh tỵ thèm muốn...) thì chắc chắn rằng hạnh phúc chỉ là một bóng mây mờ ảo và càng chạy theo hạnh phúc, người ta lại càng xa rời nó. Một xã hội giàu có về vật chất như xã hội phương Tây chưa chắc là một xã hội hạnh phúc, nhưng ngược lại, một xã hội thiếu hẳn những điều kiện tối thiểu về vật chất và tinh thần cũng khó có thể đạt tới mục tiêu hạnh phúc của mình.

Điều quan trọng ở đây là làm thế nào để đạt được một cái tâm “tràn đầy mà rỗng lặng”, một sự bình an, thanh tịnh và hài hòa trong tâm thức, một sự từ bỏ những dục vọng, lạc thú thấp hèn của trần gian và bước đi nhũng bước chân vững chãi, thảnh thơi trên con đường trở về với quê hương tâm linh đích thực của mình, đó mới thực sự là suối ngưồn uyên nguyên của hạnh phúc, là bến đỗ tâm linh mà con người có thể an trú một cách tự do. Đạt được một thứ “phẩm chất nội tại” (inner quality) vô cùng quí giá ấy, một sự tĩnh lặng sâu xa của tâm thức thì cho dù có thiếu thốn một số phương tiện vật chất “ngoại tại”, con người cũng vẫn có thể sống một cuộc đời vui tươi, hạnh phúc, không hề bất mãn với cuộc sống.

Kinh Pháp Cú nói rất rõ về điều này: “Hạnh phúc thay người sống an tịnh, dứt khoát từ bỏ mọi thắng bại” và “Cái tâm, khó kiểm soát, lanh lẹ, phóng đi khắp nơi, nắm được tâm là tốt. Tâm có kiểm soát mới dẫn đến hạnh phúc”.

Có lẽ trong lịch sử phát triển của loài người chưa bao giờ con người lại tạo ra nhiều lạc thú như trong thời đại hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ con người lại thống khổ như hiện nay. Với sự xuống cấp của môi trường tự nhiên và môi trường đạo đức, năm giác quan của con người được mở rộng hơn bao giờ hết để đón nhận tất cả những cảm thọ tiêu cực lẫn tích cực. Nhiều người lại đồng nhất hạnh phúc với khoái lạc, một khái niệm gắn liền với các lạc thú xuất phát từ ái dục. Nhưng, như Đức Phật đã dạy: “Bao giờ lòng ái dục tiềm ẩn chưa bị tận diệt, lòng sầu muộn còn phát sinh trở đi trở lại triền miên” (Kinh Pháp ), và “Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé mà tai họa rất lớn” (Kinh Tam Di Đề).

Không thấy rõ ái dục

Mới vướng vào ái dục

Ảo tưởng về ái dục

Đưa người về nẻo chết

Và từ bỏ cái lạc thú phi thời xuất phát từ các loại ái dục cũng chính là từ bỏ cái hạnh phúc ảo tưởng mà con người thường hay theo đuổi một cách vô thức hoặc có ý thức, đó chính là bước đi đầu tiên để đạt tới “cái lạc thú chân thực trong hiện tại”, niềm hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu.

Trừ dục, vượt ba mạn

Tâm lặng. hết mong cầu

Mọi đau phiền cởi bỏ

Đời này và đời sau.

(Kinh Tam Di Đề)



© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage