Phật Học Online

Kinh nghiệm truyền bá Phật pháp vùng đồng bào dân tộc Khmer
(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước là một tổ chức của giới sư sãi, có mối quan hệ hữu cơ với cộng đồng Phật tử Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer Mahanikaya.

KINH NGHIỆM TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP

VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER

Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước tỉnh Trà Vinh

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước là một tổ chức của giới sư sãi, có mối quan hệ hữu cơ với cộng đồng Phật tử Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer Mahanikaya.

Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, tiền thân là Hội Sư sãi yêu nước Tây Nam bộ được thành lập vào ngày 20 tháng 3 năm 1965 do khu ủy Tây Nam bộ chủ trương. Hội là tổ chức thành viên của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam, nay là UB.MTTQVN. Với vai trò hiện nay Hội vận động, tập hợp giới sư sãi, Phật tử tham gia thực hiện đúng theo đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, tu học và hành đạo đúng theo chánh pháp, tham gia tích cực công tác từ thiện xã hội, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo làm tốt đạo đẹp đời, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có 8 đơn vị hành chính gồm 7 huyện và 1 thành phố. Dân số trên 1 triệu người, trong đó dân tộc Khmer có trên 30% dân số trong tỉnh. Mật độ dân số trung bình 446 người/ km2. Toàn tỉnh có 141 chùa Phật giáo Nam tông Khmer với 3.068 vị sư sãi, trong đó Hoà thượng 36 vị, Thượng toạ 46 vị, Đại đức 389 vị, Tỳ khưu 965 vị, Sa di 1.632 vị. Đồng bào Khmer đa số theo tín ngưỡng Phật giáo ( khoảng 99% ). Điều kiện phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer chủ yếu là nông nghiệp lúa nước, nuôi trồng thuỷ sản, và tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh lẻ.

Đồng bào Khmer sống tập trung thành Phum Srok thường ở xung quanh chùa và có tính cộng đồng cao. Mặc dầu đời sống còn gặp khó khăn nhưng tâm nguyện của họ là lúc nào chùa cũng phải được xây dựng thật khang trang và tôn nghiêm. Nếu cụm dân cư quá xa chùa thì họ sẽ sẵn sàng đóng góp tài vật sức lực để xây dựng ngôi chùa hoặc cất sala để thỉnh chư Tăng đến hành lễ theo truyền thống Phât giáo Nam tông Khmer.

Về sinh hoạt đời sống thường không thể tách rời nghi thức Phật giáo như: Chol Chnam Thmey, DolTa, Ok-om-bok, trong lễ cưới hỏi, lễ tang, lễ giổ ông bà cha mẹ, sinh nhật mừng thọ, cất nhà mới, mừng được mùa, mừng sự thành đạt của con cháu, lễ xuống đồng, lễ cầu an, cúng Neak Ta và các lễ hội mang tính dân gian khác họ đều gắn liền nghi thức Phật giáo. Khi có sự mâu thuẩn nội bộ thân tộc hay chòm xóm hoặc con cháu ngỗ nghịch thì chùa là trung tâm hòa giải, giáo dục ý thức để có sự nhận thức cái đúng cái sai, tốt xấu và tự mình hòa giải tranh chấp, tự tu sửa bản thân để trở thành người tốt và hữu dụng trong xã hội, khi sống không xa lìa chùa và khi chết đi thì đem hài cốt vào chùa. Vì thế Phật giáo chiếm vị trí độc tôn trong đồng bào dân tộc Khmer.

Về lãnh vực giáo dục, ngoài việc giảng dạy Pali giáo lý cho sư sãi, mỗi chùa đều có đạo tràng Bát quan trai từ 50 đến 100 Phật tử, ngoài ra là thọ trì Tam quy và ngũ giới, hằng tháng 4 kỳ, Phật tử được nghe thuyết giảng giáo lý và hướng dẫn thực hành pháp bố thí, trì giới, tham thiền theo chánh pháp. Các chùa trong tỉnh còn mở các lớp Khmer ngữ cho con em được học văn hóa của mình và qua đó các em được hấp thụ nền giáo dục đạo đức cơ bản của Phật giáo. Cụ thể năm 2009 - 2010 mở được 815 lớp học có 19.845 thanh thiếu niên theo học. Một số con em mồ côi không nơi nương tựa thường được nhà chùa nhận nuôi, con nhà nghèo hiếu học không đủ khả năng để tiếp tục học thì vị sư cả và ban quản trị động viên gia đình và giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho các em được học đến nơi đến chốn.

Hội tích cực vận động các chùa tham gia công tác từ thiện nhằm góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng trong xã hội. Thường xuyên thăm viếng tặng quà động viên tinh thần gia đình Phật tử có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, lúc bị thiên tai.

Song điều đáng quan ngại nhất là trong thời kỳ phát triển và hội nhập của đất nước, thời đại khoa học tân tiến, công nghệ thông tin, thời đại của vật chất xa hoa, những thứ ấy Lớp học tình thương, sẽ dễ làm lu mờ một số người thiểu trí có sự nhận thức lệch lạc nông cạn, có hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, bệnh tật. Vì hiện nay, một số người chỉ vì một ít vật chất mà họ sẵn sàng đạp bỏ tất cả nền đạo đức, nét đẹp văn hóa, tôn giáo truyền thống của dân tộc mà tổ tiên ông cha họ đã ấp ủ hằng bao thế kỷ qua. Sự việc này thường xảy trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đây là điều chúng tôi rất băn khoăn lo lắng. Rất mong được sự quan tâm các ngành các cấp Giáo hội.

Như chúng ta đã biết, hơn 20 thế kỷ qua Phật giáo luôn đồng hành đi sâu vào trong lòng dân tộc và đã trở thành bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì thế mục tiêu hướng dẫn Phật tử Khmer tu học trong thời hội nhập và phát triển của đất nước thì cần quan tâm một số việc như sau:

- Đối vùng đồng bào dân tộc do kiến thức còn hạn chế thiếu sự giao thoa tiếp cận với sự phát triển và tiến bộ của xã hội hiện đại. Nên việc thuyết giảng giáo lý phải thực dụng, bám sát với thực tế của cuộc sống đời thường, phù hợp với trình độ năng lực, dễ hiểu, dễ thực hành, không ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục tập quán mà nâng cao hiệu quả thiết thực cả về vật chất lẫn mặt tâm linh.

- Việc dạy và học Pali giáo lý trong Phật giáo Nam tông Khmer vẫn còn bất cập, chương trình học từ bậc sơ cấp, trung cấp và thời gian học chưa được thống nhất, việc này cũng ảnh hưởng đến việc hoằng dương chánh pháp. Vì thế cần tổ chức hội thảo về chương trình học Pali - giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer cũng như hoằng pháp vùng đồng bào dân tộc Khmer.

- Xây dựng cơ sở từ thiện xã hội như: Mở Khóa dạy nghề, Lớp học tình thương, Trường nuôi dạy trẻ mồ côi, Nhà dưỡng lão, Phòng Khám bệnh, xây nhà Đại đoàn kết (nhà tình thương), nhà tình nghĩa... để hỗ trợ và cãi thiện cuộc sống của đồng bào gặp cảnh nghèo khó. Đồng thời tổ chức thuyết giảng giáo lý để họ được thấm nhuần Phật pháp, phát tâm tu tập, đạt tới hạnh phúc an vui ngay trong hiện tại và giải thoát giác ngộ ở tưong lai./.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage