Phật Học Online

Thầy rắn lưỡi đen và nhà sư cứu người

Ở đâu có rắn độc thì vùng đó sẽ xuất hiện những thầy trị rắn cắn đại tài. Vùng Bảy Núi (An Giang) ngày xưa nổi tiếng nhiều thú dữ.

Ngày nay tuy thú dữ không kéo thành bầy thấy phát sợ như thuở trước nhưng ở những cánh rừng ngút ngàn trên Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngọa Long Sơn (núi Dài) thuộc Bảy Núi vẫn còn là nơi trú ẩn của các loài rắn từng gây kinh hãi cho bao người.

Đến khu vực núi Dài hỏi ông thầy thuốc rắn lưỡi đen hầu như ai cũng biết. Cái biệt danh này xuất hiện khi những nạn nhân bị rắn độc cắn và được ông cứu sống. Ông là Chau Phol (65 tuổi), nhà nằm sâu trong sóc Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang).

Chiếc lưỡi đen gia truyền

Trong gia tộc ông Phol đời nào cũng có một người sở hữu chiếc lưỡi đen. Những anh em còn lại có lưỡi bình thường, màu đỏ. Và chỉ người có lưỡi đen mới được gia tộc giao sứ mệnh chữa rắn cắn. “Hồi còn sống ba tui từng kể nhiều đời trước nhà tui có truyền thống trị rắn cắn. Ba tui nói người có lưỡi đen đưa miệng hút nọc độc thì không sao. Còn người lưỡi đỏ mà bắt chước làm theo thì coi chừng toi mạng. Ban đầu đốm đen chỉ xuất hiện một vệt trên thân lưỡi. Hút càng nhiều độc thì cái lưỡi càng đen. Tui cũng không lý giải được vì sao nó như thế nữa” - ông Phol kể.

Như bao người Khmer khác, thuở nhỏ ông Phol vào chùa tu. Đến năm 20 tuổi, ông hoàn tục, về nhà cưới vợ và lam lũ kiếm sống. “Cũng năm đó ba tui bị bệnh và đột ngột qua đời. Tui kế thừa nghề chữa bệnh và trị rắn cắn” - ông Phol hoài niệm.

Không thể chối bỏ sứ mệnh gia truyền, ông Phol bắt đầu ngày đêm đọc sách, học thuật trị bệnh. Ông nghiên cứu các loại sách, trong đó còn lưu lại những bài thuốc kinh điển của Tàu, được người đi trước dịch sang tiếng Khmer.

Thoạt đầu ông Phol chỉ dám nhận điều trị các loại bệnh thông thường, chưa dám nhận trị rắn cắn, bởi nó nguy hiểm đến tính mạng. Thế rồi lần nọ, người con trai thứ ba tên Chau Quêl nhà ông Phol bị rắn cắn. Thấy cái hang ngỡ là hang cua, Quêl thọc tay vào, từ bên trong một con rắn hổ chuối đưa miệng phập vào tay đau điếng. “Giật mạnh tay ra khỏi hang, Chau Quêl vừa chạy về nhà vừa la hớt hải. Tui đưa miệng vào vết thương hút nọc rắn ra. Sau đó hái bảy đọt thị non ở chùa Rô gần nhà đem giã nhuyễn, đắp vào vết thương. Khoảng 20 phút sau, thằng nhỏ chạy băng ra đồng đùa giỡn với đám bạn. Bảy ngày sau thì vết thương hết hẳn. Đó là lần đầu tui trị rắn cắn” - ông Phol kể về lần đầu khởi nghiệp chữa nọc rắn.

Ông Phol hái thuốc chữa bệnh cho dân nghèo (trái). Chiếc cối giã thuốc được thần y Chau Sôm truyền lại cho sư Kol. Ảnh: VĨNH SƠN

Nhìn vết thương biết loài rắn

Chỉ bằng cách chữa trị đơn giản trên mà hơn 30 năm qua, ông Chau Phol đã cứu sống hàng trăm người. Ông tâm sự: Chỉ cần nhìn vết thương là biết ngay nạn nhân bị rắn gì cắn. Ở Bảy Núi này có rắn hổ mây, hổ mang, hổ sơn, hổ chuối, chàm oạp, lục đuôi đỏ… nhưng nạn nhân chủ yếu bị hổ chuối, chàm oạp cắn. Nếu bị rắn chàm oạp hay hổ chuối cắn thì để từ ba đến bảy ngày vẫn còn cứu được. Còn nếu bị hổ mang hay hổ sơn cắn thì phải lập tức đưa bệnh nhân đến ngay. “Nọc độc các loại rắn này lan rất nhanh trong cơ thể nạn nhân. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, người bệnh có thể tắt thở. Chỉ cần cơ thể chưa tím tái hoặc chưa ngừng thở là tui trị được” - ông Phol khẳng định.

Mấy chục năm làm nghề, ông chỉ để chết một người ngoài ý muốn. Đó là trường hợp của nạn nhân ở thị trấn Nhà Bàn (Tịnh Biên), bị con rắn hổ chuối cắn (năm ngoái). Sau khi hút nọc độc và đắp thuốc xong cho nạn nhân, ông dặn họ vài ngày sau phải trở lại đắp thêm thuốc. Tuy nhiên, về nhà thấy hết đau nhức, họ không trở lại điều trị tiếp nên tử mạng.

Ông Phol trị bệnh không lấy tiền, chỉ cần người bệnh tuân thủ chuyện điều trị của ông để tránh điều đáng tiếc xảy ra. “Bà con ở đây nghèo, đường sá đi đến bệnh viện thì xa, trường hợp nào tui thấy trị được thì nhận trị liền. Nhà tui cũng nghèo nhưng có khi phải bỏ tiền thuê mấy đứa trẻ trong sóc lên núi chặt thuốc để trị cho bà con. Cứu được một mạng người, tui mừng lắm” - ông Phol bộc bạch.

Huyền thoại thần y Chau Sôm…

Mấy mươi năm trước, ở ngôi chùa Phnôm Pi Lơ (còn gọi là chùa Nam Quy trên) từng có một vị sư được nhiều người tôn là “thần y” bởi biệt tài trị rắn của ông. Ông chính là cố Hòa thượng Chau Sôm, người từng bỏ công mày mò thuật trị bệnh cho đồng bào vùng Bảy Núi.

Ngày chúng tôi đến chùa Phnôm Pi Lơ, vị sãi cả đương nhiệm Chau Sóc Kol đang ngồi trà đạo với một người từng là nạn nhân của loài rắn độc, ông Chau Chhim. Sư Kol kể nghe sư thầy Chau Sôm nói lại thì những ngày đầu sư Sôm đến đây tu học, ngôi chùa còn hoang sơ. Chung quanh chùa là rừng núi, vắng bóng người lui tới. Thú dữ và rắn độc nhiều vô kể.

Theo lời thuật của sư Kol thì khoảng nửa thế kỷ trước, mỗi buổi sáng thức dậy người trong chùa thỉnh thoảng thấy rắn hổ mây, hổ mang nằm lổn ngổn quanh chùa. “Sư sãi trong chùa cũng như dân làng ngày ấy bị rắn độc cắn rất nhiều. Không ít người vĩnh viễn ra đi. Các hang đá, bụi rậm và trên thân cây đều có rắn trú ngụ. Nạn nhân chết vì rắn cắn từng trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân khu vực Nam Quy” - sư Kol kể.

Đứng trước cảnh sinh ly tử biệt của dân lành, thầy Chau Sôm không thể làm ngơ. Ông quyết tầm sư học thuật trị rắn. Nghe bên chợ Sà Tón cách chùa một cánh rừng có người biết chữa rắn cắn, sư thầy liền băng rừng sang bái sư học nghệ. Thấy ông có chí hướng giúp đời nên ngài Tà Huôl đã hết lòng truyền dạy. Được thầy giỏi dạy nên sư thầy cũng giỏi - sư Kol kể về vị thần y quá cố của chùa.

Như bao ông thầy khác, lúc nhận trị trường hợp rắn cắn đầu tiên, sư thầy Chau Sôm cũng không khỏi lo lắng. Ông bốc những loại thuốc có ở núi y như lời chỉ dạy, nọc độc được loại trừ, giữ được mạng sống cho người. Đó chính là năm vị thuốc gồm: trái trút, thuốc xỉa ăn trầu, củ môn rừng, phèn xanh và rượu. Lấy bốn vị cho vào một cái cối giã nhuyễn, rồi dùng rượu đổ vào một ít, vắt lấy nước cho nạn nhân uống. Lát sau nạn nhân lập tức ói mửa và nọc độc theo đó mà đi ra ngoài.

Vị đệ tử chân truyền

Đại đức Chau Sóc Kol (28 tuổi), hiện là trụ trì chùa Phnôm Pi Lơ. Năm 23 tuổi đã lên nắm sắc tôn sãi cả (trụ trì), sau khi Hòa thượng Chau Sôm qua đời vào năm 2005. Ông là đệ tử duy nhất được sư thầy Chau Sôm hết lòng yêu mến, truyền dạy nghề trị bệnh.

Sư Kol kể cách đây vài năm, vùng núi Nam Quy vẫn còn nhiều rắn độc và mỗi năm có vài chục người bị chúng gây hại. “Đa số dân bị rắn cắn ở vùng lân cận chứ người ở đây thì đã quen giờ đi kiếm ăn của các loài rắn nên ít khi gặp nạn” - sư Kol nói.

Mặc dù tuổi đời cũng như tuổi nghề trị rắn còn ít nhưng nhờ lĩnh hội được chân truyền từ vị sư phụ thần y nên sư Kol cũng rất giỏi. Sư Kol cho biết ngoài năm vị thuốc thường dùng trị rắn cắn, trước khi viên tịch sư thầy còn để lại cho ông thêm vị thuốc vô cùng quý giá. Đó là thuốc Pro-ti-puốt, mà Đông y gọi là ngãi rừng.

 

Anh Chau Khanh, Phó ấp Vĩnh Thượng, nhận xét: “Thầy Chau Phol trị rắn cắn đại tài. Có lần tôi bị rắn hổ chuối cắn và đến ổng trị. Kết quả là bây giờ tôi vẫn ngồi nói chuyện với mấy anh đây, nếu ổng dở thì tôi đã theo ông bà lâu rồi”.

Sư Kol nhớ lại: Một hôm, có đến ba người bị rắn hổ đất (hổ mang) cắn được đưa đến chùa cùng lúc, sư thầy Chau Sôm cho họ nằm trước sà la (nơi cúng lạy tại chùa). Trong số đó có một người mình mẩy đã tím tái vì nọc độc lan phát khắp thân. Dù hết lòng cứu chữa nhưng vẫn không kết quả, đành để một người ra đi. Hai người còn lại được sư thầy kịp cứu khỏi tay thần chết trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thầy buồn vô tận sau cái chết đó. Rồi một lần buồn bã đi lang thang trong rừng, sư thầy tình cờ thấy một con rắn nằm run lẩy bẩy khi bị vướng vào cây cỏ lạ. Thầy liền nhổ cây cỏ ấy về nghiên cứu, bởi ông nghĩ nó có khả năng chống được nọc rắn. Quả nhiên, khi ông kết hợp cây cỏ kia với năm vị thuốc thường dùng thì hiệu lực tăng lên rất rõ. “Đó là cây ngãi rừng. Nhờ có loại thuốc mới này mà những người bị rắn cực độc cắn có cơ may sống sót. Sư thầy đã cứu sống không dưới 1.000 người, kể cả dân từ Campuchia chuyển sang nên dân làng tôn kính xem ông như thần y. Tôi cũng may mắn trị được các loài rắn độc cắn nhờ thầy truyền thêm vị thuốc quý này” - sư Kol kể về người thầy quá cố.

VĨNH SƠN/Pháp luật TPHCM


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage