PG & Giáo dục
Phật giáo với nền giáo dục hoàn thiện
T. Diệu
19/11/2010 00:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục, nhằm đưa con người quay về với tâm thiện sẵn có ở mỗi người, để thấy được cái tâm thiện đó và loại trừ tham, sân si, dùng trí tuệ và lòng từ bi để phát triển, phù hợp với xã hội và thiên nhiên, tạo thiện duyên cho sự phát triển về tâm linh.

 

A.   DẪN NHẬP

 

Giáo dục là chiếc nôi đã nuôi lớn bao nhân tài tuấn kiệt cho đất nước và nhân loại, đồng thời đây cũng là đề tài bàn luận của rất nhiều thế hệ lãnh đạo giáo dục. Giáo dục học Phật giáo cũng vậy, đây là một điểm rất quan trọng trong sự duy trì và phát triển Phật giáo ở mọi thời đại.

Giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục, nhằm đưa con người quay về với tâm thiện sẵn có ở mỗi người, để thấy được cái tâm thiện đó và loại trừ tham, sân si, dùng trí tuệ và lòng từ bi để phát triển, phù hợp với xã hội và thiên nhiên, tạo thiện duyên cho sự phát triển về tâm linh.

Giáo dục học Phật giáo minh định đích thực của con người trong cuộc sống, với yếu tính khế lý, khế cơ của nó. Đúng như mục đích của giáo dục: “Giáo dục chỉ có nghĩa khi giáo dục giữ sứ mạng đánh thức cá thể và đưa cá thể đi trên con đường sáng tạo”.

Với một thời lượng có hạn và sự ít ỏi về kinh nghiệm, người viết muốn giới thiệu một vài phương thức căn bản của giáo dục học Phật giáo để chúng ta có thể thấy được sự khơi dậy những tiềm năng vô biên của con người bằng ý thức độc lập.

Giáo dục sẽ không còn là phạm vi khai triển và tích trữ tri thức, mà giáo dục trở thành đời sống toàn diện của tinh thần và tâm thức, giáo dục trở thành lộ trình tối hậu đi về cuộc cách mạng triệt để của nội tâm, nền tảng của cuộc phục hồi ý nghĩa cho đời sống con người”.

          Bài tiểu luận này được trình bày dưới dạng biên khảo tổng hợp của Giáo sư hướng dẫn về giáo dục học Phật giáo dưới góc nhìn từ nhà nghiên cứu, đồng thời cũng gắn những giáo điều của đạo Phật để chúng ta thấy được những giá trị đức thực của Phật mang lại cho nhân loại.

 

B.   NỘI DUNG

I. Khái niệm về giáo dục

          Giáo dục là gì, có từ lúc nào và bao giờ chấm dứt ?

          Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.

          Thực ra giáo dục có từ rất sớm và sẽ không bao giờ chấm dứt. Từ khi có động vật xuất hiện trên hành tinh, do bản năng sinh tồn loài vật cũng biết dạy con cách để sống hay săn mồi kiếm thức ăn. Đó là giáo dục của loài động vật kể cả con người. Giáo dục khởi đầu với sự truyền tiếp kinh nghiệm. Từ khi, con người khi tìm được tiếng nói, chữ viết được hình thành đã vượt bỏ xa các loài động vật khác. Từ đó con người biết nhận định rõ hơn đối tượng và mục đích của giáo dục mà họ nhắm đến. Do đó, giáo dục thời cổ không giống thời hiện tại, giáo dục phương Đông không hoàn toàn giống giáo dục phương Tây, giáo dục ở xã hội này không giống giáo dục ở xã hội khác, giáo dục dưới chế độ chính trị này không giống giáo dục dưới chế độ chính trị khác.

Tuy nhiên, trong sự không đồng nhất đó phương thức giáo dục cho đến ngày nay có một tiến trình xuyên suốt phát triển qua 3 giai đoạn :

-         Giáo dục phi ngôn ngữ

-         Giáo dục truyền khẩu

-         Giáo dục văn tự.

Giáo dục đã triển khai từ sự truyền đạt thô sơ giản đơn đến phức tạp.      Từ khi hình thành giáo dục học đường, nhiều lĩnh vực giáo dục được triển khai sâu đi vào chi tiết sinh hoạt của cuộc sống; như giáo dục vệ sinh và sức khỏe, giáo dục tình cảm và cảm xúc và truyền thông đại chúng, chính trị, tôn giáo v.v…   Tất cả đều không ngừng đổi mới thích nghi với hoàn cảnh thực tế. W.O. Lester Smith, giáo sư Đại Học London, chủ tịch Hội nghiên cứu giáo dục Anh Quốc  năm 1964 đã nói: “Khi nghĩ về giáo dục ta không được quên rằng giáo dục có tính cách phát triển của một cơ thể. Nó thường xuyên tùy thuộc và liên tục thay đổi để tự thích ứng với nhu cầu mới và hoàn cảnh mới.” (When thinking about education we must not forget that it has the growingquality of a living organism. While it has permanent attributes , it is constantly changing, adapting itself to new demands anf new circumstances.  EDUCATION, Penguin books, 1964, p.7)

Nhà xã hội học nổi tiếng người anh Spencer (1820- 1903) xem xã hội như là một cơ thể sống. Ông cho rằng: “Cũng như mọi hiện tượng tự nhiên, xã hội vận động và phát triển theo qui luật, nhưng điểm khác nhau duy nhất là tất cả những hoạt động xã hội của con người do ý thức làm chủ”. (Giáo sư xã hội học, LÊ HảI THANH).

Cơ thể sống của con người có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận giữ một chức năng quan trọng khác nhau. Cũng vậy, trong xã hội có nhiều nghành, mỗi nghành có chức năng đặc biệt, chúng liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành một xã hội hoàn chỉnh. Trong ấy nghành giáo dục đóng vai trò quan trọng và cần yều nhất  trong tổ chức xã hội.

Một quốc gia xã hội có được thăng tiến hay xuống dốc là do ảnh hưởng của nền giáo dục nơi đó. Vì vậy, giáo dục nhằm cải tạo xã hội ngày càng hoàn thiện, giáo dục luôn có mặt để hỗ trợ cho sự phát triển của các nghành khác như kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao…hay nói cách khác giáo dục là trái tim là hơi thở, là sức sống của xã hội.

Giáo dục thường được hiểu là những gì làm nên nền văn minh của một xứ sở. Các công trình sáng tạo, vai trò xây dựng và phát triển xã hội của giáo dục là suối nguổn văn minh của văn hóa dân tộc, mà trong đó, giáo dục văn hóa văn minh  đều là sản phẩm văn minh của tư duy con người. Mỗi thời đại đều có nền văn minh đặc trưng, nhằm đáp ứng tâm tư nguyện vọng của con người. Muốn có được hệ thống giáo dục như thế, điều cần yếu nhất là giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở hệ thồng triết lý tâm lý với mẫu người giáo dục lý tưởng, mô phạm của thời đại đó, của quốc gia đó.

 

          1. Quan Niệm Buổi Đầu về Giáo Dục

          Giáo dục theo tiếng Hán có thể hiểu Giáo nghĩa là dạy, Dục nghĩa là nuôi dưỡng. Trong chữ giáo nửa phần trên có chữ lão, nửa phần dưới có chữ tử, là chữ hiếu, có nghĩa con cái cõng cha mẹ già trên vai. Trong chữ dục, phần dưới có chữ nhục nghĩa là thịt, hàm nghĩa nuôi nấng. Giáo dục bao hàm sự rèn luyện về tinh thần nhằm phát triển tri thức và tình cảm đạo đức; săn sóc về mặt thể chất. Phương Đông cũng như phương Tây, giáo dục buổi đầu đều lấy con người làm đối tượng, nhằm phát triển 3 phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất.

          Từ Education của phương Tây vốn phát xuất từ chữ Educare của tiếng La Tinh. Chữ E có nghĩa như chữ out của tiếng Anh tức là làm phát xuất ra, chữ ducare có nghĩa như động từ to lead của tiếng Anh là dắt dẫn, lôi kéo. Educare là dắt dẫn, hướng dẫn để làm phát khởi những khả năng tiềm tại. Sự dắt dẫn này nhằm đưa con người từ chỗ không biết đến biết, từ xấu đến tốt, từ thấp kém đến cao thượng, từ không hoàn thiện đến hoàn thiện.

          Từ Éducation xuất hiện ở Pháp từ đầu thế kỷ 16, đến giữa thế kỷ 17, Viện Hàn Lâm Pháp mới đưa ra định nghĩa đầu tiên như sau: “Giáo dục là sự dạy dỗ đứa trẻ hoặc về phương diện trí tuệ hoặc về phương diện thể chất.” Ở phương Đông, từ Giáo dục hay khái niệm về giáo dục đã xuất hiện rất sớm. Trong sách Mạnh Tử, thiên Tận thượng có nói: “Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi.” Nghĩa là giáo dục để được bậc anh tài trong thiên hạ. Giáo dục buổi đầu ở phương Tây và phương Đông có vẻ đi theo hai chiều ngược nhau. Nghĩa là trong ba phương diện của giáo dục trước tiên chú trọng vào giáo dục trí tuệ. Ví dụ khi nền giáo dục phương Tây vào Việt Nam thay thế cho giáo dục Hán học, trong Sách Tập Đọc, Quốc văn giáo khoa thư , Lớp Đồng Ấu đã thấy xuất hiện trong bài tập đọc các câu như : “Tôi đi học để làm gì ? Tôi đi học để biết đọc biết viết biết tính toán và biết nhiều khoa học khác nữa…” Đó là giáo dục 3R của phương Tây. Ba R là Reading, Writing và Arithmetic, cả 3 chữ đều có chữ R nên được gọi tắt như vậy. Trong tiếng Pháp tuy viết khác nhưng  3 chữ nói lên 3 khả năng đó cũng đều có chữ R. Trong khi đó, phương Đông trước tiên dạy cho đứa trẻ “ứng đối, tiến thoái, sái tảo” tức là tập cho đứa trẻ cách đối đáp thưa gửi, cách đi đứng oai nghi cử chỉ, cách giữ gìn vệ sinh, sự sạch sẽ,  hay “tiên học lễ hậu học văn” đặt nặng giáo dục đạo đức tình cảm lên trước.

 

2. Mối tương quan giữa văn hóa và giáo dục

Văn hóa là gì?

“Văn hóa là cái gì còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cần thiết khi con người ta đã học tất cả”[1]. Thật vậy, khái niệm văn hóa ngày càng được nhìn nhận thật đa dạng và phong phú, chắc chắn văn hóa không phải là văn học, nghệ thuật thuần túy mà còn rất nhiều lĩnh vực như văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội… theo tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục UNESCO của liên hợp quốc: “Văn hóa là tổng thể các hệ thống giá trị bao gồm các mặt tình cảm, tri thức vật chất tinh thần xã hội, nó không thuần túy bó hẹp trong sáng tác nghệ thuật, mà bao gồm cả phương thức, những quyền con người cơ bản truyền thống tín ngưỡng.”[2]

Có thể nói văn hóa là sự thành tựu được tích lũy có chọn lọc, giữ gìn và phát triển, qua quá trình lịch sử của một cộng đồng người trong một địa bàn nhất định. Như văn hóa phi vật thể xưa quen gọi là văn minh tinh thần và văn hóa vật thể xưa quen gọi là văn minh vật chất. Một tổ chức quốc tế, UNESCO của Liên Hiệp Quốc từ năm 2002 đến nay đã công bố như một định nghĩa chung được chấp nhận như sau :

 “Văn hóa được xem như một tập hợp các đặc trưng về tinh thần và vật chất, tri thức và tình cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội.  Văn hóa không chỉ gồm có văn học nghệ thuật mà còn cả cách sống, các quyền căn bản về con người, hệ thống giá trị, các truyền thống và tín ngưỡng…” ( Culture comprises the whole complex of distinctive spiritual, material, intellectual and emotional features that characterise a society or a social group. It includes not only the arts and letters but also modes of life, the fundamental rights of the humain being, value systems, traditions and beliefs.)

Có người bảo từ văn hóa là do dịch từ tiếng Culture của phương Tây, nhưng thật sự khái niệm văn hóa đã hình thành trong tư tưởng phương Đông từ rất xa xưa. Kinh Dịch có câu: “Quan thiên văn dĩ sát thời biến, quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ.” nghĩa là: Quan sát hiện tượng thiên nhiên để thấy sự biến dịch của thời tiết, quan sát hiện tượng xã hội để giáo hóa con người. Văn hóa trong quan niệm người phương Đông nói lên cái sinh hoạt con người trong thiên nhiên và cộng đồng xã hội qua thời gian và không gian.

Cuộc sống con người càng phong phú đa dạng thì văn hóa càng được triển khai ra nhiều chi tiết nhiều lĩnh vực. Như văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa phục trang, văn hóa ẩm thực, cho đến văn hóa tham gia giao thông, văn hóa xếp hàng, văn hóa sử dụng điện thoại di động, rồi nào là khu phố văn hóa, cung văn hóa, nhà văn hóa, gia đình văn hóa v.v… Tất cả những cái được gọi là văn hóa đó dù cụ thể hay trừu tượng, dù vật thể hay phi vật thể, đều không phải từ hư không rơi xuống mà do nỗ lực của con người tiếp thu, tích lũy, chọn lọc, hoàn thiện và phát triển để trang nghiêm cuộc sống. Như vậy, những công đoạn tích lũy, gạn lọc, bảo tồn và phát triển là gì nếu không phải là quá trình giáo dục? Không được giáo dục tự nhiên làm sao có văn hóa ? Một người không học không hành, người ta bảo là người không có văn hóa, học hành chẳng tới đâu người ta cho là thiếu trình độ văn hóa.

Vậy giáo dục dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, dù quan niệm theo phương Đông hay phương Tây, dù truyền thống hay hiện đại đều có nghĩa là xây dựng văn hóa, đưa văn hóa lên tầm cao. Văn hóa cao trở lại tạo động lực cho giáo dục tiến nhanh tiến mạnh, đạt được nhiều thành quả tốt hơn nữa.

          Cho nên người làm công tác văn hóa đồng thời cũng là người làm công tác giáo dục. Người làm công tác giáo dục đồng thời cũng là người xây dựng văn hóa.

 

3. Phật giáo có hay không có một nền giáo dục

          Phật giáo phải chăng là một thành tựu văn hóa hay một hệ thống giáo dục hay một hệ thống triết lý, tín ngưỡng hay tôn giáo? Dĩ nhiên, xưa nay theo quan niệm chung, Phật giáo được coi là một trong các tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng không phải là theo khái niệm thông thường, cũng không phải chỉ là một hệ thống triết lý. Không như một tôn giáo theo quan niệm thông thường vì người Phật tử bác bỏ thuyết sáng tạo, không chấp nhận thần quyền. Thiên đàng hay địa ngục đều do con người tạo ra. Người Phật tử không trông mong chết đi được sinh về thiên đàng, mà nỗ lực hoàn thiện nhân cách, đoạn diệt phiền não chướng để tự giải thoát, thể nhập bản thể thanh tịnh của pháp thân. Vậy cũng có thể nói Phật giáo là một hệ thống giáo dục. Vì một trong 10 hiệu của Phật là Thiên nhân sư.

          Đứng về mặt thế tục đế, từ góc độ văn hóa có thể thấy Phật giáo là một thành tựu văn hóa, là một hệ thống giáo dục. Nếu dùng nhãn quan một nhà nghiên cứu văn hóa xã hội chắc ai cũng phải thấy Thích-ca Mâu-ni là nhân vật lịch sử đã làm một cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại, đổ nhào hệ tư tưởng và thang giá trị đã bao nhiêu lâu ngự trị trên bán đảo Ấn Độ.

          Vậy nếu nói tôn giáo là một hiện tượng văn hóa thì Phật giáo cũng có thể xem như một hiện tượng văn hóa.      

Thế nhưng cho đến thế kỷ 20, Phật giáo chưa hề được giới giáo dục đề cập đến như một hệ thống giáo dục. Phật giáo có hay không có một nền giáo dục là điều các nhà giáo dục trên thế giới ít biết đến, nhất là các nhà giáo dục phương Tây.

Khổng tử đề cao lễ nhạc, giảng dạy tam cương ngũ thường, san định Kinh Thi, để lại cho đời một quyển Luận Ngữ đã được hậu thế tôn xưng là “Vạn thế sư biểu”, là tiêu biểu một bậc thầy của muôn đời. Esus Christ còn lại một Thánh Kinh, và trong THE EDUCATOR’SENCYCLOPE - DIA,  nhà xuất bản Prentice-Hall (tr.16) đã lặt ra 4 điểm gọi là những đóng góp của Thiên chúa giáo cho nền giáo dục thế giới bởi thông điệp về sự cứu rỗi.

          Xã hội Ấn Độ dưới thời Thích-Ca Mâu-Ni có hai tình trạng đặc biệt mà người nghiên cứu không thể bỏ qua. Một thuộc khía cạnh tư tưởng, một thuộc khía cạnh xã hội.

          Về mặt tư tưởng: Có thể nói đây là nơi phát tích của nhiều tín ngưỡng tôn giáo như bái vật giáo, đa thần giáo, nhất thần giáo, vô thần giáo. Theo Phạm Động Kinh trong bộ Trường A-hàm thì lúc bấy giờ có đến 62 học phái ngoại đạo. Có phái chủ trương khoái. Ngược lại có phái chủ trương ép xác khổ hạnh.

          Về mặt xã hội, đạo Bà-la-môn chủ trương mọi người đều do thần Brahma sinh ra. Trong Nguyên Nhân Tán Ca có ghi: “Dòng Bà-la-môn được thần Brahma sinh từ miệng, dòng vương tộc từ hai cánh tay, thứ dân từ hai mắt và hạ tiện nô lệ từ hai chân.” (Rig Vedas. X.92.12). Từ huyền thoại đó, xã hội Ấn Độ đã phải sống trong chế độ chủng tính (Castes) vô cùng khe khắt không làm sao thoát ra được nếu không có một cuộc cách mạng tư tưởng, cách mạng xã hội.

          Sự xuất hiện của Thích-Ca Mâu-Ni và giáo lý của Ngài trong bối cảnh đó có thể coi như một cuộc cách mạng về tư tưởng và xã hội. Ngài đã phủ nhận cái gọi là chúa tể sáng tạo của nhất thần giáo, những luận điệu mơ hồ của phiếm thần giáo và đa thần giáo. Đạo lý nhân quả trong Tứ diệu đế được giải thích bởi lý 12 nhân duyên. Thuyết nhân quả  đã trả lại cho con người cái giá trị đích thực; con người tự trách nhiệm đối với hạnh phúc hay khổ đau của chính mình chứ không do may rủi, không do định mệnh hay thần linh thưởng phạt. Vì thế sau khi giác ngộ, Phật dạy 8 con đường hành động để cải thiện đời sống cho đời này và mai sau.

          Thuyết nói về 4 chân lý và 8 con đường hành động còn phủ nhận huyền thoại về sự phân chia giai cấp đã ngự trị xã hội Ấn Độ từ khi dân tộc Aryan thu phục xứ này. Trong Kinh Tiện Dân (Nipata), một bản kinh giải thích về sự hạ tiện hay tôn quý của dân chúng có đoạn như sau: “Con người sinh ra không ai là tiện dân không ai là Bà-la-môn mà do hành vi khiến họ trở thành tiện dân hay Bà-la-môn.” (Sn. I. Vasala). 

Đạo Phật còn nhằm đào tạo một mẫu người lý tưởng dấn thân phụng sự xã hội. Đó là con người Bồ tát đa hạnh và dù hạnh nguyện nào, con người Bồ-tát cũng được khuyến khích học hỏi 5 điều sáng tỏ, tức ngũ minh (Phạn: pañca vidyā-sthānāni) để làm việc lợi ích cho đời như phương tiện độ sinh. Năm phương tiện đó là : 1. Nội điển, 2. Luận lý, 3. Ngôn ngữ, 4. Y thuật, 5. Kỹ thuật. Đây sẽ là một ngạc nhiên to lớn cho những ai nghiên cứu giáo dục khi phát hiện ra những điều này trong đạo Phật.

 Tiến sĩ Kanazawa Tomitarō trong lời đề tựa quyển: Nghiên cứu tư tưởng giáo dục Phật giáo, 1955, đã than rằng: “Nhìn lại quá trình nghiên cứu lịch sử giáo dục Phật giáo Nhật Bản từ trước đến nay, ta thấy vai trò của Phật giáo đã hết sức bị xem nhẹ.” Đây chính là điểm người làm công tác văn hóa giáo dục Phật giáo phải đánh lên tiếng chuông cho mọi người nghe, đừng để ba tạng kinh điển nằm im trong tủ kính một cách tôn nghiêm, mà không ai biết có gì trong đó, phải rút tỉa các đặc chất của giáo dục Phật giáo với nhãn quan của nhà giáo dục, nghiên cứu, phân tích, phân loại, hệ thống rồi giới thiệu rộng rãi, giới thiệu thường xuyên, giáo pháp Phật dạy như một khoa học giáo dục, không phải chỉ để biết mà để áp dụng điều Phật dạy trong cuộc sống.

          Vấn đề giáo dục Phật giáo còn chưa được khai thác ở Việt Nam là tại sao ? Cố giáo sư Minh Chi trong bài Giáo dục Phật giáo đối diện những vấn đề hiện đại đã phát biểu: “Cho đến nay, ta thường hạn chế số người làm chức năng giáo dục trong Tăng sĩ và giờ giáo dục Phật giáo trong các buổi thuyết pháp hay là lên lớp ở các trường Phật học cơ bản và cao cấp. Một quan niệm hẹp như vậy làm giảm sút hiệu quả giáo dục của Phật giáo rất  nhiều. Tất cả những người không kể là xuất gia hay tại gia một khi đã tin vào chân lý của những giá trị triết lý đạo đức của đạo Phật và sống theo đúng những giá trị đó đều mặc nhiên trở thành những nhà giáo dục Phật giáo, bằng thân giáo, bằng mọi hành vi và lời nói của mình.” [3]

          Nếu thời Phật tại thế đã có một Duy-ma-cật giảng diễn Phật pháp, một Thắng Man phu nhân giảng nói lý nhất thừa đạo, là hình ảnh một cư sĩ nam một cư sĩ nữ đã thực hành vai trò giáo dục giảng nói ý nghĩa Đại thừa cao tột của Phật giáo thì sau Phật không lâu một Asoka đã truyền bá Phật giáo sang phương Nam và sự nghiệp truyền bá cũng như sự nghiệp giáo dục Phật giáo của ông không bao giờ phai mờ trong lịch sử đạo Phật. Ở Nhật Bản một Thánh Đức Thái tử đã khoác áo ca-sa trên thân hình thế tục lên giảng tòa giảng kinh Thắng Man. Không những thế ông đã viết ra Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, đem tinh thần đạo Phật dạy dỗ dân chúng mà ngày nay còn được tôn quý như là cơ sở tinh thần của Nhật Bản. Trong đó điều thứ 2 trong Hiến pháp như sau: “Nhị viết: Đốc kính Tam Bảo. Tam Bảo giả Phật Pháp Tăng dã. Tắc tứ sinh chi chung quy. Vạn quốc chi cực tôn. Hà thế hà nhân. Phi quý thị pháp. Nhân tiên vưu ác. Năng giáo tùng chi. Kỳ bất quy Tam Bảo. Hà dĩ trực uổng.” Nghĩa là: Điều thứ 2: Dốc lòng tin kính Tam Bảo. Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, là nơi chung qui của bốn loài sinh, cực tôn của muôn nước. Dù người nào ở thời nào không quý trọng pháp này thì con người thành xấu ác, nên dạy người tuân theo. Nếu không quy y Tam Bảo thì lấy gì sửa đổi chỗ tà vạy.”

          Ở Việt Nam cũng có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền v.v… nhưng con số này thật vô cùng khiêm tốn. Ngày nay ở trong nước cũng như ở nước ngoài có những cá nhân hay nhóm cư sĩ âm thầm làm công việc Phật sự như dịch kinh, chú thích, giảng giải, giới thiệu, xuất bản hoặc đưa lên mạng toàn cầu mà không vụ lợi cũng không chờ đợi được sự bảo trợ từ đâu đến. Mong sao mọi người Phật tử đồng hộ niệm để mỗi ngày một nhân lên, cho tinh thần đạo Phật hòa vào công cuộc giáo dục con người trên thế giới.

 

II.  Tư tưởng giáo dục Phật giáo

Nghiên cứu giáo dục Phật giáo trước hết phải lưu ý 4 đặc điểm sau đây : 

1.Bản tính con người.

2.Giáo dục Tăng-già.

3.Giáo hóa dân chúng.

4.Sáng tạo và hình thành văn hóa.

          Giáo dục trước tiên là giáo dục con người. Vậy để giáo dục con người phải hình dung cho ra con người là như thế nào, bản tính con người là thế nào? Ngoài Phật giáo, xưa nay phương Tây cũng như phương Đông thường có hai khuynh hướng cho rằng bản tính con người là thiện hoặc bản tính con người là ác. Ảnh hưởng Thiên chúa giáo nói bản tính con người là ác vì phạm tội tổ tông, cãi lời chúa ( human nature is inherenly bad, a sin nature ). Ảnh hưởng này cho đến thời Victoria (1819 – 1901) cái roi được coi như tinh thần kỷ luật giáo dục của dân Anh-cát-lợi. Thomas Hobbes (1588-1679) nói một câu nổi tiếng “Con người là chó sói của người” Phương Đông có 3 khuynh hướng rất rõ: Mạnh tử chủ trương tính thiện, đó là khuynh hướng dùng nhân trị. Tuân tử chủ tương tính ác, là khuynh hướng dùng pháp trị. Phật giáo thuyết minh tính vô ký phi thiện ác. Con người là một hữu thể có đặc tính như vậy. Nhưng giáo dục Phật giáo không như giáo dục thế tục chỉ nhằm hoàn thiện con người trong 3 phương diện, mà còn vượt lên trên Nhận thức luận (Theory of Knowledge) hướng tới quan điểm của triết lý thật tồn (Existentialism). Chính vì vậy, giáo dục Phật giáo không dừng lại ở thân phận con người theo nghiã phổ quát.

          Trong Chương thứ nhất và Chương thứ hai  Luận A-tì-đạt-ma Câu-xá (Abhidharmakośa) con người tồn tại trong một tổng thể được phân tích gồm 5 uẩn (Skandha), 12 xứ (Āyatana) và 18 giới (Dhātu). Đó là tất cả vô minh phiền não ràng buộc con người trong khổ đau. Cũng chính từ đó con người được giải thoát. Vì giáo dục Phật giáo nhằm chuyển hóa phiền não chướng và sở tri chướng để đạt kết quả cao nhất.

          Điểm lưu ý thứ hai là giáo dục Tăng-già. Tăng-già là mẫu người điển hình nhất đi theo con đường của Như Lai tiếp nối sứ mạng của Như Lai. Tăng-già chỉ sinh hoạt theo một con đường duy nhất là sống, học, tu và hành. Tức sống lục hòa, học tam vô lậu, tu lục độ và hành Bồ-tát đạo.

          Điểm lưu ý thứ ba là giáo hóa dân chúng. Giáo dục Phật giáo phải làm sao xâm nhập vào dân chúng, tạo ảnh hưởng trong sinh hoạt của dân chúng để từ đó thực hành mục đích giáo dục. Khác với Khổng giáo là “Lễ văn lai học bất văn vãng giáo” giáo dục Phật giáo là tự nguyện làm người bạn “không đợi mời thỉnh”.

          Điểm lưu ý thứ tư là sáng tạo văn hóa. Tất cả những hoạt động giáo dục qua quá trình lịch sử, Phật giáo đã để lại cho nhân loại một kho tàng văn hóa khổng lồ vật thể cũng như phi vật thể, từ truyện kể, cổ tích, tục ngữ, thành ngữ, thơ văn, âm nhạc, mỹ thuật, hội họa, điêu khắc, võ nghệ, kiến trúc mà ngày nay càng lúc càng được phát hiện.

 

1. Tư tưởng nhất thừa

          Tư tưởng nhất thừa là cứu cánh của giáo dục Phật giáo. Tư tưởng nhất thừa thể hiện rõ nét trong Kinh Pháp Hoa. Phẩm Phương Tiện có bài kệ như sau :

                             Chư Phật lưỡng túc tôn,

                             Tri pháp thường vô tính.

                             Phật chủng tùy duyên khởi,

                             Thị cố thuyết nhất thừa,

Thị pháp trụ pháp vị,

Thế gian tướng thường trú.

          Nghĩa là :

                             Chư Phật lưỡng túc tôn,

                             Biết pháp thường vô tính,

                             Giống Phật tùy duyên khởi,

                             Cho nên nói nhất thừa,

                             Là pháp trụ pháp vị,

                             Tướng thế gian thường trú.[4]

          Về hình thức ngữ pháp trong bài kệ ta lưu ý hai chữ “Thị cố” là một liên từ. Chữ “Thị” là một động từ. Về nội dung ta lưu ý chữ “tính” ở câu đầu và chữ “tướng” ở câu cuối. Không tính là không có tự tính. Tất cả pháp đều theo luật duyên khởi. Nhất thừa là “Pháp trụ nơi pháp vị”. Nhất thừa là tướng thế gian thường trú. Tướng thường trú là thật tướng bình đẳng, thường hằng trong tất cả pháp, không phân biệt thế gian hay xuất thế gian. Ở Thánh không tăng ở Phàm không giảm.

          Qua bài kệ ta thấy nhất thừa là tư tưởng tuyệt đối bình đẳng, không phân biệt, luôn tồn tại. Kinh Niết Bàn Phật dạy: “Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính.” Nghĩa là tất cả chúng sinh đều có Phật tính tất hữu. Cái Phật tính tất hữu tồn tại trong tất cả chúng sinh, do mê nên không phát hiện.

          Tư tưởng nhất thừa cũng là tư tưởng một là tất cả, tất cả là một (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất), là tư tưởng tương tức, là bất ly, là không hai. Phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức Niết-bàn. Cảnh giới Niết-bàn với thế giới hiện thực là một. Là Phật cũng ở thân này (tức thân thành Phật), tâm thanh tịnh tức cõi Phật thanh tịnh (Kinh Duy-ma).

          Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn có bài kệ như sau :

                             Phật pháp tại thế gian,

                             Bất ly thế gian giác.

                             Ly thế mích Bồ-đề,

                             Cáp như cầu thố giác.

Nghĩa là :

                             Phật pháp ở trong đời,

                             Không lìa đời mà có.

                             Bỏ đời đi tìm đạo,

                             Như tìm sừng con thỏ.[5]  

Như trên trích dẫn cái đạo lý nhất thừa trong tư tưởng giáo dục Phật giáo nói riêng hay triết lý đạo Phật nói chung mà người đời thường cho là cao siêu huyền diệu đó, liệu có làm ra cơm gạo thuốc men để giải quyết cái nghèo đói bệnh tật cho con người không ? Cái đạo lý cao siêu đó có hạ nhiệt được cái lò lửa kỳ thị về sắc tộc tôn giáo đang đe dọa loài người trong thế kỷ 21 với vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học sinh học và các loại vũ khí giết người hàng loạt hay không ?

Chắc chắn là có. Bởi trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương tiện, Phậtnói: “Chư Phật Thế Tôn vì một nhân duyên trọng đại mà xuất hiện ở đời.” Để giảng nghĩa chữ đại sự nhân duyên, tức nhân duyên trọng đại, là nói đến giáo hóa chúng sinh đạt đến Phật thừa cứu cánh. Pháp thân và Phật thừa cứu cánh là giáo pháp thâm áo nhất của Phật giáo. Nhưng chắc ít ai giảng nói chữ xuất hiện như một ý nghĩa giáo dục hết sức thế gian là nhập cuộc, dấn thân, dũng mãnh, không bố úy, tự nguyện dạy dỗ dìu dắt mọi người hoàn thiện nhân cách để xây dựng một cuộc sống tốt. Giảng như vậy không có nghĩa hạ thấp giáo lý nhà Phật, thế tục hóa đạo lý, mà chính là thực tế hóa, thực tiễn hóa, vận dụng được tinh thần Phật pháp vào cuộc sống. Không vận dụng được tinh thần Phật dạy vào cuộc sống là không thực hiện được lý tưởng giáo dục Phật giáo, là cô phụ cái “Đại sự nhân duyên xuất hiện ở đời” của Phật biết bao và không có lý do chứng tỏ sự hiện hữu của Phật giáo là cần thiết cho nhân loại.

 

2. Tư tưởng xã hội

Xã hội quan trong Phật giáo được thể hiện bằng tổ chức Tăng-già với nguyên tắc sống Lục hòa. Tinh thần hòa hợp được mở rộng trong các tổ chức đoàn thể thế gian bằng 4 pháp nhiếp hóa.

Trong khi khuyến khích sinh hoạt xuất gia, như phương pháp để đạt mục đích giải thoát thuận lợi nhất[6]  một mặt đức Phật cũng rất quan tâm và tôn trong sinh hoạt thế tục[7]  Trong 45 năm hoạt động giáo hóa, từ những việc lớn liên quan chính trị đất nước đến những việc chi tiết như kinh tế tiêu phí của tăng đoàn và chi tiêu trong gia đình của tín đồ tại gia, từ vấn đề lớn trong xã hội như giai cấp chủng tính đến cụ thể về quyền lợi nghĩa vụ của vợ chồng, bổn phận giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè, giữa chủ nhân và người làm công, nhiều vấn đề hiện thực đa dạng thuộc phạm vi thế tục đều được Phật dạy đến[8]. Từ sau thời đức Phật, nội dung giáo dục đa dạng này đã được triển khai, thực tiễn hóa trong sinh hoạt kinh tế xã hội.

 

 

3. Xã hội quan trong Phật giáo nguyên thủy

Mối tương quan xã hội trong Phật giáo nguyên thủy là Tăng-già thí pháp cho người tại gia, đổi lại người tại gia thí y thực cho người xuất gia, hai bên dựa vào nhau giúp đỡ nhau duy trì cuộc sống hòa hợp. Đức Phật không chỉ chú trọng vào Tăng-già mà còn mở rộng sự hòa hợp vào các tổ chức đoàn thể bẳng bốn pháp nhiếp hóa (Phạn: Catuh-saṃgraha-vestu): Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Bố thí như thế gian gọi là hoạt động từ thiện, làm công tác phúc lợi xã hội. Bố thí trong Phật giáo có phạm vi rộng hơn là không phải chỉ giàu tiền bạc mới làm được vì gồm có tài, pháp và vô úy. Và bố thí trong Phật giáo phải vắng bóng ba thứ mới là cao tột. Ba thứ đó là ai cho, cho ai và cho cái gì. Đức Phật dạy làm người phải có bổn phận đền đáp. Sáu phương đó là phương Đông tượng trưng cha mẹ, phương Nam tượng trưng thầy dạy, phương Tây tượng trưng vợ con trong gia đình, phương Bắc tượng trưng bạn bè, phương dưới tượng trưng người giúp việc, phương trên tượng trưng đạo sĩ. Đó là sáu đối tượng mà làm người trong cuộc sống phải biết báo ân báo đức.

 

4. Đạo đức kinh tế trong Phật giáo nguyên thủy

Cuộc đời đức Phật phần lớn du hóa rày đây mai đó. Phật tán thán người đời đã vì những người xuất gia tu hành thiết lập tinh xá, cung cấp giường nằm, tọa cụ, y phục, ẩm thực vật, cung cấp thuốc men cho người xuất gia. Những việc làm đó gọi là tạo phúc lợi thế gian. Còn hoan hỷ tu tập Phật đạo là tạo phúc lợi xuất thế gian. Cả hai thành phần đệ tử Phật phải thấy thật rõ điều này. Nếu không thì như câu trả lời của Đạt-ma cho vua Lương Vũ Đế về vấn đề công đức. Hay Phật cũng đã bảo Đại Ca-diếp rằng: “Ta chẳng nói cạo đầu đắp y là Sa-môn mà ta nói người có công đức và nghi thức đầy đủ gọi là Sa-môn.”[9] Chẳng thế ta thường nghe câu “Pháp tài nhị thí thủy thành công. Phúc tuệ song tu phương tác Phật”. Nghĩa là có thí tài và thí pháp mới thành công, có tu phúc lẫn tu tuệ mới thành Phật. 

Với người xuất gia đức Phật khuyên tinh tiến tu hành. Với người tại gia Phật khuyên trước tiên phải siêng năng trong nghề nghiệp. Bất cứ ai, từ vua chúa, võ sĩ, Bà-la-môn, nông dân, thương nhân đều có chức nghiệp của mình. Đặc biệt trong kinh Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm. Phật dạy nhiều chi tiết liên quan lĩnh vực thương nghiệp. 

Về mặt quản lý kinh tế, Phật dạy thu nhập phải chia làm 4 phần :

-Một phần dành cho chi phí xã hội

-Một phần cho chi phí gia đình

-Một phần cho ngân khoản tái đầu tư 

-Một phần ngân khoản dự trữ bảo hiểm tai nạn.

Chính sách quản lý theo Phật dạy này đã trở thành nguyên lý chỉ đạo về quản lý kinh tế truyền thống của các nước Phật giáo ở châu Á.[10] Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu về các nét đặc thù của giáo dục Phật giáo.

 

III. Các nét đặc thù của giáo dục Phật giáo

Giáo dục Phật giáo được gắn liền với thiên chức giáo dục qua hình ảnh sống thực và sinh động của đức Phật và Thánh chúng trong suốt quá trình lịch sử. Đây chính là hướng đi đích thực nhân bản, một biểu tượng đầy nhân tính trong cộng đồng nhân loại, như lời xác chứng của thượng tọa Ernest K.S Hunt.

“Phật giáo là danh xưng của Phật giáo mà chúng ta đang theo, chúng ta là Phật tử. Vì chúng ta tin rằng bức thông điệp của đức Bổn sư chúng ta là bức thông điệp hay nhất, thật nhất cho thế giới và con đường. Ngài vạch ra là con đường hoàn thiện nhất”.

“Trong đời cũng thế, chúng ta phải thực hiện một cuộc khởi sự tốt đẹp. Đời là cuộc hành trình vĩ đại mà mỗi người trong chúng ta đang tiến bước. Chính tôn giáo của chúng ta hướng dẫn chúng ta bắt đầu cuộc hành trình này một cách đúng đắn, vạch cho chùng ta con đường  tốt nhất và ngắn nhất.”

                                                                                   (Tịnh Minh dịch)

Duy tuệ thị nghiệp chính là một bức thông điệp của niền tin chân giá trị cuộc sống được đức Thế Tôn thiết lập qua nến tảng giáo dục đạo đức làm cơ sở với mục đích hướng đệ tử trở về với bản giác của chính mình. Thượng tọa DK.K.SEIDHAMMANANDA cũng xác lập điều này. Ngài nói:

“Hạnh kiểm của con người giữ một vai trò quan trọng nhất trong đường lối sống. Đức Đại Đạo Sư có lần nói: “Giáo lý của ta không phải là đến để mà tin mà là để thực hành”. Điều này khuyến khích người ta nghiên cứu tường tận giáo lý này, không một ai bị đòi hỏi đến để chấp nhận lối sống này mà không trước hết hiểu thấu giáo lý của Ngài.

Nhận định trên đây cho thấy có hiểu đúng sự thật lời dạy của Phật, việc thực hành mới có hiệu quả thiết thực. Vì khi chúng ta hiểu được việc giáo dục của chúng ta mới đúng.

 

1.     Khái quát về giáo dục Phật giáo

Đạo phật đi vào cuộc đời, để làm cho cuộc đời tươi đẹp và thăng hoa cho cuộc sống. động cơ của giáo dục Phật giáo là hình thương và đối tượng giáo dục là con người khổ đau. Đạo phật lấy tình thương làm chất liệu nuôi dưỡng sự sống xây dựng cuộc đời bằng lý tưởng giác ngộ giải thoát.

a.     Phật giáo đặt trọng tâm vào con người

Trên con đường giải thoát khổ đau. Phật giáo dạy con người quay trở về nương tựa mình trong hiện tại và tại đây đức Phật dạy: “Hãy là nơi nương tựa cho chính mình, không tìm kiếm một nơi nương tựa nào khác”

          Giáo lý nhân quả xác định rõ con người là chủ nhân của nghiệp và là kẻ thừa tự của nghiệp. Thế nên, địa bàn chính để đoặn trừ khổ đau là chính mỗi con người trong hiện tại đây. Nếu khổ đau phát sinh từ đó, thì cũng từ đó dập tắt khổ đau, hay phát sinh hạnh phúc.

b.    Giáo dục nhân cách của Phật giáo

Nói một cách tổng quát, nhân cách là tính cách đặc biệt của con người trong suy nghĩ, cảm nhận và thái độ hành xử của người ấy. Nhân cách bao gồm thể cách thái độ, ý kiến và được thực hiện trong quan hệ với người khác. So với hành vi, thói quen thì nhân cách có tánh cố hữu hơn là tính chắt lọc từ những gì thu đạt được trong quan hệ của mỗi người với môi trường xã hội. Nhân cách nói cho đến chỗ tuyệt đối, tối hậu là vô ngã. Giáo dục nhân cách là làm sao chuyển cái ngã tưởng thành ra vô ngã. Cái ngã tưởng cái ta hay nhân cách mà một người tự ý thức về mình là cái không thật, cái gây đau khổ gọi là cái ta chỉ là đó duyên khởi, do tập hợp 5 uẩn tạo thành.

Tóm lại: Nhân cách tốt đẹp nhất là nhân cách vô ngã. Nhân cách càng gần với vô ngã thì càng tạo thành hạnh phúc; cá nhân mang nhân cách ấy là góp phần tạo hạnh phúc cho những người xung quanh.

 

2. Phương pháp giáo dục của Phật giáo

Bất cứ  một phạm vi giáo dục rộng hay hẹp phải đủ ba yếu tố:

a. Đối tượng và mục đích

b. Nội dung chương trình giáo dục

c. Tổ chức giáo dục

Đức Phật không dừng lại ở thân phận con người , con người đi vào thể nhập đi tới giải thoát. Nội dung giáo dục Phật giáo phù hợp với giáo dục hiện hữu con người trên ba phương diện:

Trí dục, đức dục và thể dục

Hơn nữa trong việc giáo dục và đào tạo con người Phật giáo nhằm vào ba lĩnh vực học để đào tạo, mà ngôn ngữ Phật học gọi là (Giới học định học và tuệ học). Ba lĩnh vực ở phương Tây thế kỷ 19 các nhà giáo dục gọi là đức dục, thể dục và trí dục. Phật giáo từ rất sớm đã chú trọng vào ba lĩnh vực này mà còn thấy liên quan hữu cơ của ba môn học này như“Nhân giới sinh định, nhân định phát huệ”. Nói thể dục theo Phật giáo không có nghĩa là rèn luyện cơ bắp mà còn là một phương diện giáo dục, mà còn giúp chúng ta làm chủ được thể chất vững chãi và cân bằng với tinh thần. Giáo dục thể dục của thế gian về thể chất, một tâm hồn khỏe mạnh trong cơ thể khỏe mạnh, giáo dục sức khỏe, là giáo dục cho con người một cách thống nhất thân thể điều hòa trí năng hoạt bát cảm xúc ổn định giáo dục Phật giáo dạy con người về thể chất. Phật giáo không chối bỏ thân xác này, Phật giáo rất quí trọng con người “Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan phục”, vì con người không quá đau khổ như dưới địa ngục, không ngu si quá như súc sinh, không sung sướng quá như chư thiên. Giáo dục Phật giáo lấy con người làm đối tượng, nhưng cứu cánh không phải là con người.

Giáo dục thế gian lấy con người làm giáo dục và cứu cánh. Giáo dục thế gian là trí dục và thể dục.

Có điều trong cái đức dục có sức mạnh vô song ấy đạo Phật không dùng tư tưởng chinh phạt hay chiến thắng, hay tiêu diệt. Giáo dục Phật giáo là giáo dục chuyển hóa không tiêu diệt, giáo dục hòa hợp không chinh phục. Cái giáo dục đó của Phật giáo đã thể hiện trong lối cấu trúc cổ của đền đài Châu Á. Khác vời những thápchuông nhọn hoắt vươn cao như muốn chọc thủng bầu trời của văn hóa phương Tây, kiến trúc truyền thống Châu Á tỏa rộng với những nóc mái xèo như đôi tay đang dang ra như ôm vũ trụ vào lòng, hay như câu thơ miêu tả:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Về phương diện thứ ba là giáo dục trí dục. Đây là điểm then chốt quan trọng. Do đó trước thế kỷ 19 hầu như tất cả ý nghĩa giáo dục phương tây đều đặt vào một phương diện nàỳ. Đó là (Reading, Writing, Arthmeties) mà trước khi thực dân Pháp vào xâm chiếm nước ta cũng đã mở đấu công cuộc giáo dục như thế.

Trong quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu có bài dạy cho trẻ thế này “Tôi đi học để làm gì? Tôi đi học để biết đọc biết viết, biết tính toán và biết nhiều khoa học khác nữa”. Đạo phật cũng có câu duy tuệ thị nghiệp” nghĩa là đạo phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Đức Phật cũng giác ngộ đạo Phật qua nhiều năm tham thiền nhập định. Giáo dục Phật giáo còn mở rộng nhiều lĩnh vực có tính xã hội như ngũ minh năm môn học thiết yếu. Đó là Nội minh tức nghành học chủ chốt về tư duy thể nghiệm về giác ngộ chân lý. Thanh minh tức học các thứ ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ của mình. Y phương minh là nghành thuốc men chữa trị. Công xảo minh là nghành công kỹ nghệ và Nhân minh là nghành lý luận. Như vậy từ rất sớm nghành giáo dục đã coi trọng phần trí dục, vì có trí huệ mới phá trừ vô minh giác ngộ. Cho nên, trong giáo dục Phật giáo trí dục và giáo dục tình cảm hay còn gọi là giáo dục đức dục là hai mặt của một thể gắn bó sâu sắc.

Hệ thống giáo dục phật giáo luôn sắp xếp một cách logic theo các phạm trù như sau: “Từ bi- trí tuệ, bình đẳng tự do, lục hòa bát chánh, lý tưởng và hạnh nguyện” luôn đi liền với nhau tạo lên một sức sống mãnh liệt với một tâm hồn mãnh liệt với một tâm hồn thánh thiện trong cuộc sống thực tại từ nghìn xưa và mãi tận nghìn sau, là bái học phù hợp và mỗi thời đại và môi trường.

Giáo  sư Lý Kim Hoa, một học giả nổi tiếng khoa sử Việt Nam nhận định về giáo dục như sau: “Nền giáo dục của Phật giáo là nền giáo dục của khối óc và con tim, khối óc sang suốt và con tim quả cảm. Tư tưởng giáo dục Phật giáo là tư tưởng giáo dục hiện thực và hành động”[11]

Trong Chính Pháp Chính Luận (ĐTK, Q,13) và Du Già Sư Địa Luận (ĐTK, Q, 61) có nói đến tư cách và điều kiện đức hạnh của nhà vua như sau :

1.     Xuất thân chủng tính tôn quý.

2.     Có thể hành động tự do tự tại.

3.     Không bạo ác.

4.     Thưởng phạt nghiêm minh.

5.     Cho dân chúng thấm nhuần ân trạch.

6.     Tiếp thu những lời trung ngôn chính trực.

7.     Xử lý thận trọng mọi việc.

8.     Thường để tâm đến những điều dạy chân chính.

9.     Đánh giá đức tính và năng lực của bề tôi.

10.            Tránh các hành động buông thả phóng túng.

Trong Kinh Tiện Dân (Nipata) câu 136 Phật dạy: “Không ai sinh ra là dân hạ tiện, không ai sinh ra là người tôn quý. Do hành vi mà con người thành hạ tiện. Do hành vi mà con người thành tôn quý.” Nhưng ở đây điều kiện tiên quyết nói về tư cách và điều kiện đức hạnh Phật nói: “Xuất thân chủng tính tôn quý.” Đây không có gì mâu thuẫn mà chính là thực tại và lý tưởng của Đại thừa Phật giáo. Không thể vì lý tưởng mà chối bỏ thực tại, cũng không để thực tại nhận chìm mà không thực hiện được lý tưởng. Ở đây Phật đối cơ và tùy thời dạy bảo, nên điểm thức nhất là xuất phát từ thực tại để thực hiện lý tưởng.

Kinh Nhân Vương Bát Nhã được xem là một trong “hộ quốc tam bộ kinh” tức ba bộ kinh Phật nói về bảo hộ giữ gìn đất nước. Các kinh điển hậu kỳ Đại thừa dạy vị quốc chủ phải có 3 chức năng xây dựng đất nước :

1. Kiến lập đế vương nghiệp luận dạy rằng: “Khéo dạy binh sĩ việc quân trận, chiến đấu, hàng phục binh chúng nước ngoài, phủ dục nhân dân.”

2. Kiến lập điền trạch luận dạy rằng: “Khéo dạy nhân  dân xây dựng nhà ở, kinh doanh nông nghiệp cho đời sống được an cư no đủ.

3. Kiến lập tài bảo nghiệp luận dạy rằng: “Khéo dạy nhân dân học các ngành công thương tạp nghệ để có nhiều của cải tùy ý tiêu dùng, cuộc sống thêm an vui.”[12]

          Trong Đại thừa Phật giáo đó là một thế giới được tạo nên bởi khả năng vận dụng trí tuệ giác ngộ và nỗ lực tinh tiến của con người như tinh thần của Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma, Kinh Pháp Bảo Đàn.

 

VI. Tinh thần bình đẳng trong giáo dục Phật giáo

          Tư tưởng nhất thừa là cứu cánh của giáo dục Phật giáo nó bao trùm mọi tư duy hành động của giáo dục Phật giáo, trong đó có tư tưởng bình đẳng.

Chư Phật Thế Tôn vì một nguyên nhân trọng đại mà xuất hiện ở đời. Câu nói này cho thấy nguyên nhân chủ quan về sự hiện hữu của đức Phật và giáo lý của Ngài.

Xã hội Ấn Độ thời Thích-Ca Mâu-Ni là vô cùng thích ứng với thời và cơ cho sự xuất hiện của Phật và giáo pháp của Ngài. Nếu nói theo ngôn từ của nhà nghiên cứu văn hóa xã hội thì Thích-Ca Mâu-Ni là người đã làm một cuộc cách mạng văn hóa xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

          Phật dạy: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Cho nên đối với quan hệ giữa người và người là một quan hệ tuyệt đối bình đẳng không phân biệt giai cấp. Theo Phật dạy thì cao thượng hay hèn hạ là do hành vi con người chứ không do giai cấp. Không thể nói trong giới quý tộc không có người hèn hạ. Cũng như không thể nói trong giới bình dân không có người cao thượng.

          Tư tưởng bình đẳng trong giáo dục Phật giáo dạy con người phá bỏ sự phân chia giai cấp. Phật dạy: Giáo pháp của ta như nước trong rửa sạch mọi ô uế, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, nam nữ. Chỉ cần tu tập theo đường lối của ta thì đều được cứu độ. Ta quyết không vì nể những hạng tôn quý mà chọn lấy kẻ giàu sang vương giả. Ta đã độ cho Upali, người sinh ra trong giai cấp tiện dân và  Shurata nghèo khổ. Ta cũng dùng cách thích ứng với năng lực những hạng ngu si tham dục. Giáo pháp ta không thiên vị một đảng phái nào mà là con đường chân chính bình đẳng an ổn cho tất cả dân chúng.”[13]     

          Việc Phật độ cho người nữ xuất gia là một đặc điểm ưu việt trong giáo dục Phật giáo, nhất là ở thời điểm Phật tại thế. Hơn thế nữa, không những được độ cho xuất gia mà còn được thực hiện đầy đủ các vai trò thuyết pháp độ chúng, tổ chức và điều hành Ni bộ tu học. Đó là điểm mà ở thế kỷ 21 này nhiều tổ chức chính quyền cũng như tôn giáo trên hành tinh chưa thực hiện được quyền bình đẳng đó.

          Nếu đem đối chiếu tư tưởng nhất thừa, tư tưởng bình đẳng trong giáo dục Phật giáo với tư tưởng bình đẳng trong giáo dục hiện tại có thể nói là không thể làm một so sánh được. Vì tư tưởng bình đẳng trong giáo dục mới được quan niệm và triển khai trong thế kỷ 20 còn nhiều bất cập và bất khả thi.

          Về mặt lý thuyết và phương pháp, tâm lý giáo dục cũng từ thế kỷ 20 được phát triển đa dạng, và phương pháp trắc nghiệm tâm lý được ứng dụng khá phổ biến trong học đường.

 

1.     Tư tưởng hoà bình

Năm 1945 sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II, nhân dân thế giới nỗ lực xây dựng hoà bình trong các lãnh vực hoạt động xã hội như chính trị, kinh tế, văn hoá v.v... Giáo dục cũng không ra ngoài lệ đó. Lại nữa cơ quan Văn Hoá Giáo  Dục Liên Hiệp Quốc cũng nỗ lực quan tâm đến các hoạt động giáo dục phục vụ hoà bình. Thế nhưng giáo dục hòa bình trong thế giới liên quan mật thiết đến các vấn đề như chính trị, kinh tế và cấu tạo xã hội chứ không đơn giản chỉ là một danh từ. Làm sao có hòa bình thật sự trong khi sau thế chiến thứ 2 chấm dứt nhưng bao nhiêu bất bình, bao nhiêu mâu thuẫn còn tồn tại chưa giải quyết đã bắt đầu nhen nhóm các mâu thuẫn mới vì lý do tôn giáo, chủng tộc v.v... Kết quả cuộc tranh đấu thần thánh giành độc lập ra khỏi tay đế quốc Anh để rồi một bán đảo Ấn Độ đồng văn đồng chủng thành hai nước Ấn Độ và Pakistan, rồi đến Ba gladesh mà vần còn âm ỉ chưa hết. Một lục địa đen lại hình thành một nước cộng hòa da trắng. Phải chăng đế quốc đã sử dụng yếu tố tôn giáo, yếu tố chủ nghĩa ý thức hệ, yếu tố chủng tộc để gây mâu thuẫn và chia cắt. Và còn bao nhiêu yếu tố khác được áp dụng dưới bao nhiêu hình thức, bao nhiêu chiêu bài, mà chủ mưu không ai khác hơn là các đế quốc cũ. Đó chưa phải là những cố gắng vì tạo lập một nền hòa bình thực sự chỉ là một sân chơi của những cao thủ. Chừng nào chưa thực sự tin nhau, còn thầm lén, còn dòm rình nghi kỵ, còn chèn ép, không còn bất bình đẳng thì hòa bình còn mong manh tạm bợ.

 

2. Tư tưởng hòa bình trong giáo dục Phật giáo đối với vấn đề cấu tạo xã hội.

Theo tư tưởng hòa bình trong giáo dục Phật giáo, đối với tổ chức cơ cấu xã hội thì bình đẳng là yếu tố cơ bản cho việc cải tạo xã hội. Danh từ xã hội được hiểu từ tế bào của cơ cấu xã hội là gia đình hạt nhân (nuclear family) trở lên cho đến gia tộc, đẳng cấp, tập đoàn, làng xã, quốc gia, cộng đồng quốc tế và thế giới và rộng ra phải nói đến pháp giới. Con người lúc ban sơ đều có tự do bình đẳng, không có oán ghét sống vui vẻ hồn nhiên. Nhưng về sau, thế giới biến đổi, tham dục nổi lên, sinh ra phân biệt đẹp xấu, phân biệt quan hệ nam nữ... Do đó, từ sinh hoạt tự nhiên phát sinh ra gia đình và gia tộc.

Khi  con  người bắt  đầu  biết  ăn  gạo, bắt đầu chứa để dành dụm. Rồi do thu hoạch sút giảm mà sinh ra tranh giành và bảo vệ của riêng. Sự phân chia ranh giới đất đai, phát triển quyền sở hữu của mình và của người khác phát sinh từ đó.

Khi biết chứa để, biết quyền tư hữu tài sản là lúc phát sinh hành vi chiếm đoạt, trộm cướp, dối trá, giết chóc và phục thù. Từ đó phát triển dần lên mối quan hệ về quyền lợi. Những người cùng quyền lợi hợp lại với nhau để bảo vệ. Người có tài có đức được suy cử lên nắm quyền lực bảo vệ dân chúng. Để duy trì tình trạng này, một phần tài sản của mỗi người phải nộp cho người nắm chức quyền trong việc điều hành và bảo vệ. Đó là khởi nguyên của quốc gia và dân chủ v.v.[14]

Trong quan hệ xã hội, Phật giáo chủ trương thực hiện tinh thần bình đẳng tuyệt đối của tư tưởng nhất thừa đạo. Trong 45 năm du hóa, đức Phật đã giảng dạy, đã thực thi việc phá vỡ cái xã hội bất bình đẳng của Ấn Độ, đã hóa độ và tổ chức một xã hội lý tưởng bằng lối sống lục hoà, bằng pháp thất diệt tránh (Phạn : saptādhikaraṇa-śamathā,Pali : sattā-dhikaraṇa-samathā) trong hàng ngũ xuất gia, 5 giới cho người tại gia, 6 pháp Ba-la-mật cho hàng Bồ-tát. Tất cả đều xuất phát từ  tinh thần từ bi độ tha của đạo Phật.

Lời  mở đầu bản  hiến chương  của tổ chức Văn Hoá Giáo Dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có câu: “Chiến tranh  là do tâm phát  khởi thì  hoà bình cũng do  tâm  xây dựng.”[15]

Phải chăng câu này đã được bắt nguồn từ tinh thần Phật dạy là “Tâm bình thì thế giới mới bình” Như trong Kinh Đại Vô Lượng Thọ, quyển hạ “Tâm tịnh tắc quốc độ tịnh”.

 

 

 

3.  Tư  tưởng hòa bình trong giáo dục Phật giáo đối với vấn đề chính trị, chiến tranh và quốc phòng.

Nói giáo dục Phật giáo liên quan đến vấn đề chính trị, chiến tranh và quốc phòng là vấn đề mới lạ, không những đối với người bình thường mà đến những nhà nghiên cứu khoa học xã hội trong nước cũng vậy. Tác phẩm Mấy Vấn Đề về Phật Giáo và Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam do Viện Triết Học xuất bản tại Hà Nội năm 1986 đã chứng tỏ điều đó. Đây là tác phẩm tập hợp những bài thuyết trình, tham luận của hai cuộc hội thảo cùng một chủ đề là “Mối quan hệ giữa Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam”, một do Viện Triết Học tổ chức tại Hà Nội tháng 12 năm 1984 và một do Viện Khoa Học Xã Hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 1985. Qua các bài phát biểu của hai cuộc hội thảo nói trên, ta thấy có ba khuynh hướng nhận định và đánh giá về vấn đề Phật Giáo chính trị và tư tưởng yêu nước như sau: Khuynh hướng thứ nhất chủ trương có một yếu tố nào đó trong Phật giáo đã tác động lòng yêu nước của giới Phật tử. Khuynh hướng thứ hai phủ nhận tư tưởng yêu nước trong Phật giáo, nhưng phủ nhận một cách yếu ớt. Khuynh hướng thứ ba khẳng định một cách tuyệt đối rằng trong Phật giáo không có tư tưởng yêu nước.

Khuynh hướng thứ nhất phát biểu rõ rệt trong bài của Giáo sư Trần Văn Giàu. Giáo sư có những câu thật ngắn gọn, bình dị, nhưng nếu nghe một cách hời hợt sẽ không hiểu hết giá trị và hậu ý của câu giáo sư nói. Ví như câu:

          “…tôi thấy rằng 10 vạn quyển kinh còn 2 hay 4 chữ, chứ không phải còn một chữ KHÔNG hay không còn chữ nào. Và 4 chữ này là cốt lõi của Phật giáo: cứu khổ cứu nạn.” [16]

          Để hiểu ý câu nói này chắc phải đọc bài tham luận của Hòa thượng Thích Minh Châu cũng phát biểu trong hội thảo này nhan đề là “Nghĩa chữ không trong đão Phật nguyên thủy”.[17]

          Hay câu:

          “ Một ông sư hôm qua nói một cách lừng khừng tôi không hiểu ông cho Phật là duy gì…Và tôi cũng không cần Phật đứng về phe chúng tôi, mà cứ đứng về phe ông, miễn là các ông làm việc với chúng tôi cùng cứu khổ cứu nạn, thế là đủ.”

Để hiểu câu nói này, nên đọc bài tham luận của thượng toạ Thích Từ Thông cũng phát biểu trong hội thảo này, nhan đề là “Bát-nhã Ba- la-mật, một trong những hệ tư tưởng giáo lý của Đại thừa Phật giáo Việt Nam” [18]

Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng phủ nhận tư tưởng yêu nước trong Phật giáo, nhưng “có lẽ” chứ chưa quả quyết. Đó là bài “Lịch sử tư tưởng Việt Nam và vấn đề Phật giáo” của ông Hà Thúc Minh. Bài viết:

          “Hơn 40 năm du thuyết pháp Thái tử Thích Đạt Đa có lẽ cũng không kêu gọi gì về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm.” “Có lẽ cũng không thể phủ nhận Phật giáo thực chất là đạo lý giải thoát...Một trong những yêu cầu quan trọng của đạo lý giải thoát là thực hiện cái gọi là ‘bất nhị pháp môn’ hoặc là ‘bình đẳng quán’. Những cái đó thực ra không liên quan gì bao nhiêu đến tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm cả.” [19]

          Tác giả lập luận:

          “Nếu thấy rằng thời Lý Trần có nhiều nhà sư tham gia chống giặc mà cho rằng Phật giáo đóng góp tích cực đối với tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm thì nhận định như vậy có lẽ cũng cần xem lại. Nhiều nhà sư tham gia chống giặc là một chuyện,còn Phật giáo đóng góp tích cực đối với tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm thì lại là một chuyện khác. Cho nên, nếu có nhà sư nào đó tham gia tổ chức phản động thì cũng không thể cho Phật giáo là phản động.”[20]

          Tác giả tiếp:

          “Vậy nên khó có thể giải thích rằng Phật giáo đã đóng góp tích cực vào tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong lịch sử nước ta, đặc biệt là thời Lý Trần. Nếu nói rằng Phật giáo đóng góp tích cực đối với tư tưởng yêu nước thời Lý Trần vậy tại sao sau khi chiến thắng oanh liệt giặc Nguyên Mông như vậy, Phật giáo bị đẩy lùi trước sự tấn công của Nho giáo? Phải chăng qua cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Phật giáo đã biểu hiện mặt hạn chế về vai trò tư tưởng của nó?” [21]           Tóm lại Phật giáo nguyên thuỷ thực ra không phải là học thuyết về chủ nghĩa yêu nước. Nhưng muốn tồn tại ở mảnh đất Việt Nam vốn là nơi có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt Phật giáo không thể không thấm đượm tinh thần yêu nước. Phải chăng chính người Việt Nam đã thổi vào Phật giáo tinh thần yêu nước.”[22]

          Qua các trích đoạn luận về yêu nước, tác giả đã đề xuất những ý kiến, những nhận định thật độc đáo và mới mẻ. Có phải do đức khiêm tốn nên tác giả đã dùng những tiếng “có lẽ”, “phải chăng”, nhưng tiếc rằng chính chỗ đó làm giảm phần nào tính quyết đoán trong lý luận.

          Về lập luận, tác giả lý luận có hai vế một luận về yêu nước và một luận về phản động. Vế trên luận về yêu nước, tác giả viết “có nhiều nhà sư tham gia chống giặc”. Vế dưới luận về phản động, tác giả viết” nếu có nhà sư nào đó tham gia tổ chức phản động”.

          Nhận xét về lập luận , ta thấy tiếng “có nhiều” như tác giả nói tức đã có và không ít. Việc này sử có chép, người đã nghe thấy. Còn tiếng “nếu có” tức chỉ là giả thiết, chưa chắc đã có.    

    Cũng theo lý luận đó, nếu câu kết của tác giả là một chân lý phổ quát thì không riêng gì Phật giáo mà đối với tất cả tôn giáo khác tồn tại trên mảnh đất Việt Nam cũng đều như vậy. Chỗ này nếu tác giả có thể đưa thêm vài tôn giáo khác để dẫn chứng, như Thiên Chúa giáo chẳng hạn, nhất là trong thời chống thực dân Pháp hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam thì mới thêm phần chính xác!

Khuynh hướng thứ ba là khuynh hướng hoàn toàn phủ nhận, quả quyết rằng Phật giáo chẳng có tư tưởng yêu nước gì cả, cũng chẳng có phần nào thuộc về vấn đề chính trị xã hội. Giáo sư Nguyễn Tài Thư, phó viện trưởng viện Triết học, trong bài thuyết trình nhan đề “Phật giáo và thế giới quan người Việt Nam trong lịch sử” nói:

          “Phật giáo không bàn tới lĩnh vực chính trị. Lý luận của nó không có phần nào là thuộc về vấn đề chính trị xã  hội. Tuy rằng các nhà sư, như Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, v.v…đã tham gia công việc của triều đình nhưng lý do mà họ tham gia là do đất nước kêu gọi, do tình thế bắt buộc, do nhân dân yêu cầu, chứ không phải là do một giáo lý nào đó của nhà Phật xui nên.”[23]          

    Gần đây, nhiều tác giả, nhất là các tác giả nhà sư nói nhiều đến quan điểm vô thần và tinh thần nhập thế của Phật giáo, nói nhiều đến hành động yêu nước của các sư tăng, nhưng họ vẫn không tìm được điều nào trong giáo lý để chứng minh cho các nhận định của họ. Giáo lý Phật giáo không đề cập nên họ không tìm được là điều dễ hiểu”[24]

Vậy thật sự Phật Thích Ca có dạy đệ tử lòng yêu nước không? Có dạy một đường lối chính trị giúp dân giúp nước nào không ? Có đề cập gì đến vấn đề chiến tranh và quốc phòng không? Sau đây xin giới thiệu một số kinh điển Đại thừa cũng như kinh điển nguyên thuỷ cùng các tác phẩm khác để người nghiên cứu làm tư liệu tham khảo.

Nhà nho Lê Quí Đôn của Việt Nam trong kiến văn tiểu lục quyển 9, Chương Thiền Dật chép:

Thái Bình Quảng Ký chép: Na-bạt-ma từ Tây Vực đến Kim Lăng. Tống Văn Đế hỏi: Đệ tử thường muốn trì trai không sát sinh, lấy mình thay cho loài vật, mà không được như chí muốn, xin sư dùng cách nào dạy bảo cho? Na-bạt-ma thưa : Về việc tu hành, vua chúa và thường dân có khác nhau. Thường dân thân danh nhỏ mọn, đạo đức không lan đến nơi xa, giáo hóa không ra khỏi gia đình, lời nói không dạy bảo được người hầu hạ; nếu không tự bản thân khắc khổ, làm điều lành giữ bụng thanh thì sẽ dụng tâm vào việc gì? Còn như Vua chúa, coi bốn biển như một nhà, muôn dân như con cái, nói ra một điều thiện thì dân chúng đều vui mừng, ban ra một chính lệnh tốt thì thần và người được hòa hợp, hình phạt công minh thì mệnh người không chết yểu, công việc giản dị thì sức dân khỏi nhọc nhằn. Được như thế cũng là trì trai to lắm rồi, cần gì phải bớt thức ăn trong một lúc, giữ tính mệnh cho một con chim mới là tế độ rộng rãi.”

Kinh Lăng Nghiêm nói: Nếu chúng sinh biết yêu quí sửa sang đất nước, phán đoán công việc làng xóm thì ở trước mặt những người ấy ta sẽ hiện ra thân phận một quan tể, vì họ thuyết pháp, để nguyện vọng của họ được thành tựu; về phần nữ giới, nếu có người nào muốn làm việc nội chính để sửa sang nhà và nước, thì ở trước mặt những người ấy ta sẽ hiện ra thân phận nữ chúa quốc phu nhân, mệnh phụ hoặc đại gia vì họ thuyết pháp để nguyện vọng của họ được thành tựu. Đấy phải chăng ý nghĩa tề gia trị quốc là gì ?[25] (Lê Quí Đôn, Sách đã dẫn)

 Luận Kim Cương nói: Thân người con trai có bảo bối yên sinh, tức là điều lành có thể giúp bậc vua chúa, nuôi dưỡng cha mẹ, có bảo bối yên bang, tức là xử lý mọi việc, trên dưới đều tin theo. Đó là đem việc trung với vua hiếu với cha mẹ, kỳ vọng sâu sắc vào người đời.

Theo Phật giáo nguyên thủy thì mục đích của người Phật tử là lấy giải thoát làm đầu. Sự giải thoát phải do chính nỗ lực cá nhân trong sinh hoạt thực tiễn, cụ thể như thiền định, trí tuệ và giới luật mà đạt được. Do đó, việc dạy người đời tu đạo giải thoát của đức Phật không đụng chạm trực tiếp gì đến vấn đề tổ chức xã hội và hoạt động chính trị cả. Hơn nữa tự thân đức Phật cũng không một lần can dự trực tiếp đến chính trị.

Thế nhưng, vận mệnh tổ quốc Kapilavastu sớm muộn không khỏi bị đe dọa bởi cường quốc láng giềng Kosala, cho nên những vấn đề về quốc gia, chính trị, chiến tranh, không phải người đạo sĩ xuất thân vương tộc ấy không quan tâm.

Đức Phật không phải chỉ coi những hoạt động chính trị của quốc gia là đường lối quan trọng nhất nâng cao hạnh phúc nhân dân trong cuộc sống hiện tại, mà còn coi đó là chính pháp, tức là nguyên lý căn bản của Phật giáo mà thực hiện theo đó tức là thực hiện trực tiếp lý tưởng của Phật giáo. Vì ý nghĩa đó, đức Phật đối với vương pháp, tức là đối với trật tự chính trị thế tục đã biểu thị một sự quan tâm nhất định và có một yêu cầu nhất định.

Trên lập trường này, đức Phật đã có lời dạy tóm tắt hết sức ngắn gọn và trong sáng như sau: “Trong thiên hạ có nhiều đường lối, trong đó vương pháp là đường lối lớn nhất. Thế nhưng Phật đạo mới là con đường chí thượng.” (Kinh Nê Hoàn, quyển thượng)

Lời dạy này có ý nghĩa là chính pháp trên vương pháp, nghĩa là trên trật tự luật pháp quốc gia. Nó không những chỉ là đường lối chi phối trật tự  có tính đạo đức tôn giáo, mà hơn nữa vương pháp phải được chỉ đạo bởi chính pháp.

Từ lập trường này, đức Phật đối với vị quân chủ của thế tục cũng thường yêu cầu theo đường lối chính trị chính pháp. Nói cách khác, trạng thái tự nhiên của một quốc gia dù thành lập từ một lý do nào cũng phải có thái độ đạo đức cao, phải phát huy tinh thần và đạo đức nội tại. Đó là đường lối chính trị, trên đây chỉ giới thiệu một số trích dẫn không thể đi sâu chi tiết. Chừng đó cũng đủ thấy giáo lý Phật giáo là một thành tựu văn hóa vĩ đại của loài người, đã được kết tập và truyền dịch khắp thế giới bằng nhiều thứ tiếng.

 

 

 

 

C.   KẾT LUẬN

 

Quả đúng là:

                             “Học hành như gấm thêu hoa

                              Có văn có chất mới ra con người”.

          Hoa thơm nhờ nhụy, người có nhân cách nhờ đạo đức. Với chừng đó ý tưởng về con người và cuộc sống nhưng đã nói bên bản chất của của vạn vật về mặt đạo đức xã hội. Không gì đẹp bằng Đạo, không gì tốt bằng Đức. Giá trị đạo đức chính là giá trị chân lý, tự do và nhân tính, nó biểu trưng cho “giáo dục học Phật giáo”. Bất kỳ thời đại nào, xã hội nào và bất cứ một con người nào đều hiểu rằng giáo dục đóng vai trò quan trọng bạc nhất.

          Mục đích của giáo dục học Phật giáo là cải thiện con  người và xã hội để mọi người đều được sự hạnh phúc an lạc đấy là giá trị lớn mà đạo Phật mang lại. Ngay thời Đức Phật đã dạy.

          “Các ngươi đừng vội tin theo một ai.. mà các ngươi phải thực nghiệm sâu xa, hợp với lý trí xét đoán của các người

          Giáo dục của Phật giáo ở thời đại nào cũng hướng con người đi vào thế giới nội tại, quán chiếu thân tâm loại bỏ tham dục, sân hận và si mê, phát triển từ bi trí tuệ để vận hành vào cuộc sống phát triển xã hội đem lại sự an vui và giải thoát cho mọi người và mọi loài.

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Hội thảo giáo dục Phật giáo, VNCPHVN, 1995.

2.     Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống. Hoài Khanh dịch, Nxb Ca Dao, 1973.

3.     Lịch sử giáo dục, Nxb Trẻ, 1971.

4.     Thích Tâm Quang, Phật giáo dưới mắt nhà tri thức, Nxb Tôn Giáo, 1996.

5.     TT. Thích Chơn Thiện, Giáo Dục Phật giáo, Nxb Tôn Giáo, 1997.

6.     GS Ngô Sỹ Hiệp, Giáo dục học, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1996.

7.     Kinh Pháp Hoa, HT Trí Tịnh dịch, Nxb THPGTPHCM, 1999.

8.     Đại tạng kinh Việt Nam, HT Minh Châu dịch.

9.     Tạp chí thông tin UNESCO số 12, 1988.

10.                         GS Minh Chi, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb TPHCM.

11.                        Kinh Pháp Hoa, Nguyên Hồng dịch, Nxb Tôn Giáo, 2003.

12.                        Ono Shinzo, Nguyên cứu học thuyết  kinh tế xã hội Phật giáo, 1956.

13.                        Phật giáo thánh điển, Hữu Tùng Viên Đế dịch, 1956.

 



[1] La cuiture cest ce quirest quand on atout nobliei cest qui quand on toutappris-edoua HERRIOT.                                                                                

[2] Tạp chí thông tin UNESCO số 12, 1988.

[3]  GS.Minh Chi, Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, NXB, TP. HCM, tr,88

 

[4] Nguyên Hồng (dịch)  Kinh Pháp Hoa, nxb Tôn giáo, Hà Nội, năm 2003

 

[5] Nguyên Hồng dịch, Kinh Pháp Bảo Đàn, nxb TP.HCM, 2000

[6] Phật Thuyết Xuất gia Công Đức Kinh, Đại Tạng Kinh, q, 16, tr 815 Thượng và các kinh khác

[7] Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh 80, q, 24, phẩm 25. Thập Hồi Hướng và các Kinh Khác

[8] Chư Đức Phúc Điền Kinh, Đại Tạng Kinh q. 16, tr,777 Trung và các kinh khác.

[9] Kinh Đại Bảo Tích, Q.113, Pháp hội 44, Phẩm 1 : Tứ Sa-môn

[10]  Nghiên Cứu Học Thuyết Kinh Tế Xã Hội Phật Giáo của Ōno Shinzo, Tokyo, 1956

[11] Trích báo giác ngộ số 2 ra ngáy 13.4 1996, tr 9

[12] Đại Thừa Thập Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh, Q.2. Đtk 13.7.30

 

[13] Hữu Tùng Viên Đế (dịch) Phật Giáo Thánh Điển. (Trích dẫn lại của Ōno Shinzō trong Nghiên Cứu Học Thuyết Kinh Tế Xã H ội Phật Giáo, 1956, Tokyo)

[14]  D.27, Aggamma sutta, Kinh Trường A Hàm 5, Kinh Tiểu Duyên

[15] That since wars begin in the minds of men that the defenses of peace must be constructed. - Constitution of the UNESCO – London 16 Nov. 1945

[16] SĐD., tr.13

[17] Sđd, tr 97

[18] Sđd. Tr, 102

[19] Sđd, tr, 42-43

[20] Sđd, tr, 45

[21] Sđd, tr 44.

[22] Sđd, tr, 46-47

[23] Sđd, tr 37

[24] Sđd, tr 38.

[25] Lê Quí Đôn, Sách đã dẫn

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch