PG & Thời đại
Cửa Phật từ tâm
11/03/2012 09:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Về nơi ấy, tôi lặng người thán phục. Nơi ấy có hàng trăm bà mẹ, ông bố đến từ mọi miền đất nước, được sống trong tình thương yêu cao cả. đó  là hàng trăm mảnh đời khác nhau, nhưng đều có cái chung nghèo khốn đến tận cùng, bị bỏ rơi và bệnh tật...


Ba anh em

Họ là ba anh em ruột, đều sớm xuất gia tu hành, đó là Thượng tọa Thích Hiển Đức (Trụ trì chùa An Phú, đường Phạm Hùng, dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương, phường 10, quận 8, TP.Hồ Chí Minh), Thượng tọa Thích Hiển Chơn (Phó trụ trì chùa An Phú) và Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến (Trụ trì chùa Lâm Quang, quận 8, TP.Hồ Chí Minh).

Đầu tháng 3.2012, tôi tình cờ gặp Thượng tọa Thích Hiển Chơn (thường gọi là thầy Duyên) trong một chuyến công tác, mới hay chuyện ba anh em cả đời làm từ thiện và đặc biệt họ đang nuôi dưỡng hàng trăm cụ bà, cụ ông.

Tìm đến ngôi chùa nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh và khắp nơi trong cả nước, đó là chùa được gắn nhiều miểng sành (sứ) nhất Việt Nam, chùa có cặp nến nặng nhất đã lập kỷ lục Guiness Việt Nam - Chùa An Phú. Từ năm 1993, Thượng tọa Thích Hiển Đức làm trụ trì chùa và đã bắt tay vào công việc làm từ thiện.

Nhưng phải đến năm 1996, một bước ngoặt “lịch sử” của ba anh em thầy Duyên, đó là thực hiện theo chỉ đạo của Ban đại diện Phật giáo quận 8, TP.Hồ Chí Minh, Nư sư Thích Nữ Huệ Tuyến về trụ trì chùa Lâm Quang, nằm trong một con hẻm nhỏ, rất sâu trên đường Bến Bình Đông, phường 14, quận 8. Lúc đó, ngôi chùa nhỏ này bị bỏ hoang từ rất lâu, do vậy Ni sư Huệ Tuyến đã bắt tay ngay vào công việc tu bổ, chăm sóc chùa.

Cũng từ ngày đầu về trụ trì chùa Lâm Quang, có một bà lão lọ mọ tìm đến xin ở nhờ nơi cửa Phật. Ni sư đồng ý vì hoàn cảnh của bà lão không nhà, không con cái. Tiếng lành đồn xa, chùa Lâm Quang do Ni sư Huệ Tuyến trụ trì chăm sóc rất tốt cho cụ bà, thương cụ như mẹ... thế là thêm vài cụ bà khác đến xin nương tựa.

Kể từ đó, ngôi chùa kiêm luôn việc “nhà dưỡng lão” cho hàng chục cụ bà khắp nơi tìm đến nương thân quãng đời xế chiều. Một điều khác với tất cả các nơi làm việc thiện, việc nghĩa như thường nhận nuôi, chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, hoàn cảnh éo le, thì nơi đây, chùa Lâm Quang nhận chăm sóc nuôi dưỡng các bà lão có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, thậm chí bị gia đình, chồng, con cháu bất nhẫn bỏ rơi, ruồng bỏ...

Các cụ bà được cưu mang trong tình thương yêu kỳ diệu

của chùa và tất cả mọi nhà hảo tâm, lòng thiện. Ảnh: Phùng Bắc

Những nơi chăm sóc trẻ em còn hy vọng tương lai mai này, còn “viện dưỡng lão” thì “một ngày thấy các cụ vui, là hạnh phúc lắm lắm rồi”, thầy Duyên tâm sự như vậy. Từ chỗ vài chục cụ bà tìm đến với chùa Lâm Quang, hiện nay chùa đang cưu mang cho đến hết đời 115 cụ bà.

Cũng xuất thân từ chùa An Phú, Ni sư Huệ Tuyến về trụ trì chùa Lâm Quang, rồi lập ra một “viện dưỡng lão” đặc biệt, nuôi dưỡng cho hàng trăm cụ bà, do nhu cầu ngày càng nhiều, có cả cụ ông tìm đến xin nương tựa tuổi “gần đất xa trời”, do vậy Thượng tọa Thích Hiển Đức đã về Đồng Nai mở nhà dưỡng lão, cưu mang cho 56 cụ bà và ông, tại chùa Giác Hoa, ở ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cũng kể từ ấy, ba ngôi chùa là ba anh em thầy Duyên chung tay góp sức, lo lắng suốt hàng chục năm qua.

Chùa An Phú chuyên lo chu cấp kinh phí nuôi dưỡng hàng trăm  người cho 2 ngôi chùa Lâm Quang và Giác Hoa, nơi có 2 “viện dưỡng lão” đặc biệt nhất cả nước này. Gần 20 năm qua, ba anh em thầy Duyên đã cưu mang nuôi nấng có đến hàng ngàn cụ ông, cụ bà. Nhiều cụ đã trút hơi thở cuối cùng tại “viện dưỡng lão” trong chùa, rồi được nhà chùa lo ma chay, an táng, hài cốt lại được đặt ở chùa, nơi các cụ từng sinh sống cuối quãng đời.

Những mảnh đời ghép lại

Một chiều đầu tháng 3.2012, tôi tìm đến chùa Lâm Quang, nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Bến Bình Đông, phường 14, quận 8-TP.Hồ Chí Minh (gần cầu Chữ U). Ngôi chùa nhỏ, nhưng rất đông người. Đông vì 115 cụ bà đang được Ni sư Huệ Tuyến chăm sóc tại đây, đông vì có rất nhiều người làm từ thiện tìm về.

Người làm từ thiện nơi đây cũng rất khác, người thì cho miếng bánh, ký gạo, người ở tận miền Tây lặn lội lên TP.Hồ Chí Minh, hỏi đường tìm đến chùa Lâm Quang để làm công quả, giúp Ni sư Huệ Tuyến chăm sóc các cụ. Tôi gặp một thanh niên khoảng 30 tuổi, anh không muốn nói tên mình, vì cho rằng làm công quả cũng như một việc bình thường hàng ngày anh vẫn làm.

Anh cần mẫn lau sàn nhà, chùi tỉ mỉ từng viên gạch lát dưới những chiếc giường kê sát nhau trong ngôi nhà “dưỡng lão” của chùa. Tôi gặp chị Mai, một Việt kiều Mỹ, cùng gia đình vừa đến chùa thăm và tặng quà cho các cụ. Cũng chỉ chút quà nho nhỏ, nhưng trên gương mặt chị Mai ánh lên niềm vui vô tận...

Chùa Lâm Quang, cũng là ngôi nhà chung của hàng trăm cụ bà đang sinh sống quãng thời gian về cùng, được một số nhà hảo tâm đóng góp giúp Ni sư Huệ Tuyến xây dựng khá khang trang, với hàng trăm giường sạch đẹp, tươm tất. Đến với chùa, cũng là hàng trăm cảnh đời bất hạnh.

Cụ Hoàng Thị Xê (77 tuổi) cho biết: “Suốt thời gian dài sống vô gia cư, tưởng chừng đã chết ngoài hè phố, dưới gầm cầu. Cơ duyên đã run rủi, tôi được vào chùa Lâm Quang nương tựa. Quãng thời gian còn lại có lẽ là hạnh phúc nhất đời tôi”. Tại “viện dưỡng lão” chùa Lâm Quang, những cụ bà từ 60 đến cao nhất là ngoài 90 tuổi, nhưng đặc biệt có một trường hợp là chị Huỳnh Thị Kiều Thanh (21 tuổi).

Thanh bị bệnh thiểu năng, được Ni sư Huệ Tuyến mang về chùa nuôi dưỡng năm 2008, khi Thanh lang thang cùng với bà nội. Không ai biết ba mẹ Thanh hiện nay còn hay mất, nhưng chỉ biết bà nội đã ngoài 80 tuổi, dẫn theo Thanh vào chùa, một năm sau bà mất, do vậy “bất đắc dĩ” Thanh tiếp tục được ở lại “viện dưỡng lão” từ đó đến nay.

“Cụ bà” nhỏ tuổi nhất, chị Huỳnh Thị Kiều Thanh,

đang được bà Trần Thị Chín bón từng thìa cơm. Ảnh: Phùng Bắc

Chị không tự ăn cơm được, do vậy chị được bà Diệu Tánh (tên thật là Trần Thị Chín, ngụ ở tỉnh Tiền Giang) là người tự nguyện làm công quả giúp Ni sư Huệ Tuyến 7 năm qua, chăm sóc các cụ tại chùa, bón từng thìa cơm. Cũng từ nguyên cớ như vậy, mà “viện dưỡng lão” của chùa Lâm Quang lại có “bà lão” trẻ nhất là chị Thanh, thầy Duyên dẫn tôi đi một vòng thăm các cụ, rồi chợt dừng lại bên chị Thanh, giãi bày về trường hợp rất đặc biệt này.

Quả đúng là hàng trăm mảnh đời của hàng trăm cụ bà ghép lại, tạo nên một mái nhà “viện dưỡng lão” chùa Lâm Quang, được Ni sư Huệ Tuyến chăm lo từng ngày. Ba anh em thầy Duyên cũng vô cùng vất vả, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kinh phí, tìm nhà hảo tâm giúp đỡ để “viện” có cái ăn, cái mặc cho họ. Thầy Duyên kéo tay tôi: “Anh vào đây, đây là viện dưỡng lão chỉ dành cho các mẹ, các bà, nhưng có một thành viên là... cụ ông”.

Thấy tôi bất ngờ, thầy Duyên liền giải thích và dẫn tôi vào gặp cụ ông duy nhất tại “viện dưỡng lão”. Ông lão đang nằm trên chiếc giường trong một căn phòng riêng biệt bỗng trở mình ngồi dậy từ từ khi thấy thầy Duyên và tôi bước vào. Ông lão có cái đầu “kỳ dị”, do bị tai nạn giao thông, sau phẫu thuật mất một nửa hộp sọ, làm nó bị hóp lõm nửa bên đầu.

Khuôn mặt ông biến dạng. Ông là Hoàng Sơn, ông nhớ tuổi mình vào khoảng 70 và không còn nhớ gì cả. Năm 2007, bệnh viện Nguyễn Trãi gọi điện báo cho các sư biết về trường hợp ông Hoàng Sơn khi đưa vào cấp cứu do tai nạn giao thông, vỡ sọ não. Nằm nhiều ngày trong bệnh viện, vợ ông Sơn không đến chăm sóc ông nữa, không con cái, ông nằm chờ... chết.

Hay tin, ba anh em thầy Duyên chạy vạy khắp nơi tìm nhà hảo tâm giúp kinh phí để cứu ông Sơn. “Lúc đó ca mổ cứu tính mạng ông Sơn mất khoảng hơn 30 triệu đồng, hồi đó số tiền này lớn lắm, nhưng rồi cũng có nhiều người giúp đỡ cứu ông Sơn thoát chết”, thầy Duyên cho biết. Nhưng éo le hơn cả, sau khi được nhà chùa vận động tiền phẫu thuật cứu sống, thì cũng là ngày vợ ông Sơn tuyên bố “bỏ” luôn ông ta. Thật cay đắng,  lúc đó Ni sư Huệ Tuyến đưa ra một quyết định nhận ông Sơn về “viện dưỡng lão”.

Vì “viện” toàn là cụ bà, nên ông Sơn được bố trí một căn phòng riêng trong chùa, còn mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân, đều phải nhờ những người đàn ông làm công quả đến chùa giúp đỡ chăm sóc ông Sơn hàng ngày. Thầy Duyên vẫn nhớ, ngày cứu sống ông Hoàng Sơn, cũng là ngày Ni sư Huệ Tuyến có quyết định khó khăn vì đưa một cụ ông về “viện dưỡng lão” chỉ dành riêng cho cụ bà.

Thầy Duyên trầm ngâm: “Ở hai viện dưỡng lão, có hàng trăm hoàn cảnh khác nhau, nhưng cái chung vẫn là bệnh tật, tuổi già. Do vậy, tất cả các tăng ni chăm sóc các cụ đều được tham gia khóa đào tạo về y tế và điều dưỡng. Tại viện, các tăng ni có thể tự tiêm thuốc, truyền nước hoặc sơ cứu ban đầu. Cái khó khăn nhất tại hai viện dưỡng lão bấy lâu nay là kinh phí. Cái ăn, cái mặc thì tạm ổn, vì có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhưng mỗi khi có cụ nào ốm nặng phải đưa đi bệnh viện, đó mới là mỗi lo thường trực của chúng tôi. Tiền viện phí và đủ thứ thuốc men, dịch vụ khác, nhưng mà hầu hết các cụ đều tuổi cao, sức yếu... đi viện cũng là chuyện rất thường!”.

Qua hàng chục năm làm từ thiện, đặc biệt là nuôi dưỡng hàng trăm cụ già, Thượng tọa Thích Hiển Đức, Thượng tọa Thích Hiển Chơn và Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến đã được nhiều cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương khen tặng.

Không những làm việc nghĩa, việc thiện, mà “viện dưỡng lão” còn tham gia đóng góp một khoản tiền kha khá, giúp đỡ người dân Nhật Bản bị thiệt hại động đất và sóng thần vừa qua. Được Trung ương Hội chữ thập Đỏ Việt Nam ghi nhận “tấm lòng vàng nhân đạo”. Một điều đáng khâm phục về lòng cao thượng, là số tiền ủng hộ này lại chính từ các tăng ni Phật tử nơi đây dành dụm tiền từ những nhà hảo tâm. Làm từ thiện trong lòng từ thiện là vậy đó!

Theo Ghi chép của Phùng Bắc - LĐ

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch