PG & Thời đại
Cửa thiền cứu độ những người nghiện ma túy
24/06/2011 11:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thời gian đầu, Đại đức Thích Thanh Huân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, đó là định kiến xã hội về những người đã từng một thời lầm lạc, là quan niệm chùa vốn là nơi thanh tịnh không thể dung chấp hậu quả của tệ nạn xã hội.


Khi tới những ngôi chùa, điều đầu tiên Phật tử thấy là cảnh tĩnh lặng, thinh không, thanh sạch. Nhưng ở chùa Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội lại có rất nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV đang sinh sống, sư trụ trì Thích Thanh Huân vẫn để cửa thiền bao dung phận lỗi, thực hiện lời răn của Đức Phật: Cứu độ chúng sinh.

Thời gian đầu, Đại đức Thích Thanh Huân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, đó là định kiến xã hội về những người đã từng một thời lầm lạc, là quan niệm chùa vốn là nơi thanh tịnh không thể dung chấp hậu quả của tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nhà chùa lại phải đứng ra gánh vác việc tổ chức cho họ ăn, ở trong điều kiện vật chất còn khó khăn. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì, quyết tâm và lòng "từ bi bác ái" của Đại đức, những khó khăn bước đầu cũng dần qua đi.


Hai sư thầy vào bệnh viện thăm và tặng quà một thành viên của nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”
đã nhiễm AIDS ở giai đoạn cuối Ảnh: Tư liệu của chùa Pháp Vân


Trong chùa Pháp Vân, con nghiện và người nhiễm HIV rất nhiều, nhưng mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ. Ngôi chùa nhỏ với ngôi nhà cấp bốn cùng cái ao sen mới được đào. Mấy chú nghiện chạy tới, chạy lui người nào việc nấy đã được phân công. Người ra kẻ vào, đầu cạo trọc, mình xăm trổ rồng phượng. Nhìn thì vậy nhưng sắc khí và tướng mạo của kẻ nghiện, người nhiễm không có gì đáng ngại ngần.

Họ trầm tư, thỉnh thoảng nở những nụ cười phiêu bồng như chẳng còn vướng bận ham muốn gì. Ăn chay, trồng hoa. Chùa có cổng mà không có cửa, nhưng chẳng ai bỏ về. Nhiều chú nghiện giãi bày, tự dưng lên đây thấy ngại, chẳng dám nghĩ đến chuyện hút hít gì! Lên đây lại thấy thương gia đình, mình cai vì bố mẹ, vợ con đã quá khổ khi có một con nghiện trong nhà…

Nói về những người đã cai nghiện thành công trong thời gian sinh hoạt tại chùa, Đại đức Thích Thanh Huân khẳng định: "Không có bí quyết nào trong việc cai nghiện tại chùa ngoài tình thương, sự thông cảm, lối sống lành mạnh và thiền. Thiền giúp cho tâm thanh thản để người ta chiến thắng được những vật vã, đau đớn mỗi khi cơn nghiện tới".

Tấm gương của sư Huân, tận tụy với đời, không bao giờ đòi hỏi, trách phạt, phân biệt cư xử. Cuộc sống giản dị, toàn tâm toàn ý cho một cuộc sống bình đẳng và lo cho mọi người đều được cư xử như nhau. Chùa không có cửa, đến hay đi, đấy là tùy tâm của mỗi con người. Sư nói, nghiện hay không nghiện nữa đều là do ý chí của con người. Muốn có ý chí, cái tâm phải tốt.

Người xưa nói "tâm sáng chí bền" thật không sai! Người nghiện sống trong môi trường thanh bạch, không nhuốm sự ham hố, sáng cuốc cỏ tưới hoa, chiều nghe kinh. Thiếu thuốc vài ngày thì vật lắm. Nhưng ngày qua ngày, bản thân người đó lại thấy xấu hổ vì bản thân thành dở người dở ngợm vì một thứ ham hố vô giá trị. Họ cố tìm lấy sự thanh thản trong tâm để quên đi cái vật vã của thuốc. Lúc đó bản ngã con người đã thắng. Những ngày kế tiếp, các anh các chú mới nằm nghỉ ngơi, chạy ra phụ với sư để tưới hoa. Cơm thì chỉ có rau, canh. Ưu tiên người yếu vài con cá cơm khô. Nhưng vài ba tháng thì ai nấy đều mập ra, vui khỏe. Có chú đào hố, trồng hoa khỏe hơn cả người nhà chùa. Phép cai nghiện của sư Huân vừa kỳ diệu, vừa giản dị.

Kỳ diệu ở chỗ ta không thấy phác đồ ở đâu, ta không dễ gì cắt nghĩa làm sao người lại bỏ những thứ đam mê trói buộc để trở thành một con người tự do. Giản dị ở chỗ, rút cục người ta tự mình thoát được những đam mê lầm lạc, mà không cần nhờ đến ai. Tự mình tìm thấy cho mình một con đường. Dăm ba tháng lại một lớp học viên mới, kết quả rõ ràng. Ban đầu nhà chùa chỉ nhận nam, nhưng sau thấy có nhiều cô gái cứ thập thò ở cổng, gương mặt e sợ, thầy mới "phá lệ" đón nhận cả nữ vào cai nghiện. Nhưng cai được nghiện chưa phải đã thoát bởi trong người họ vẫn còn virus HIV.

Ai cũng biết rồi họ sẽ không thoát khỏi cái chết! Nhưng khi đặt chân tới chốn cửa thiền, họ đã ngộ ra nhiều điều. Sự tỉnh ngộ đã tiếp cho họ một sinh khí để sống có ý nghĩa những năm cuối đời... Năm 2001, thầy Huân tham gia Ban hoàng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội nên đi giảng khắp 10 chùa của Thủ đô. Từ những bài giảng, Phật tử tìm đến để nghe ngày càng đông, rồi họ tìm về tận chùa Pháp Vân gặp sư Huân giãi bày nỗi niềm.

Sư Huân cho biết: "Dần dần, tôi biết tới số người nhiễm HIV nhiều hơn, tôi nghĩ những người có căn bệnh này là một nỗi bất hạnh lớn, tôi muốn chia sẻ với họ và quyết định mở một trung tâm tư vấn HIV".

Rồi sư Huân tiếp tục cho lập thêm CLB Hương Sen, thu hút gần 100 người bị nhiễm HIV, lấy chùa Pháp Vân làm trụ sở.

Tuy nhiên hoạt động của CLB không chỉ thu mình trong chùa mà còn vươn ra cộng đồng, tư vấn cho thành viên nhiễm HIV mới "nhập môn", làm nhiều việc nghĩa (sắp tới chính họ cùng các nhà sư sẽ đem nồi cháo tình thương vào các bệnh viện ở Hà Nội để phân phát cho bệnh nhân nghèo). Rồi gần đây sư Huân lại cho lập hai nhóm mới: Hoa Sữa và Hướng Dương, rồi thêm nhóm Bình Minh, chia nhau rải khắp địa bàn Hà Nội. Nhóm Bình Minh "đóng" tại quận Thanh Xuân, do Nguyễn Trọng Kiên, một họa sĩ nhiễm HIV, đã từng mở triển lãm tranh tại Hà Nội hồi cuối năm 2004, trình ý tưởng và được sư Huân chấp thuận. Nhóm Hướng Dương được mở ra từ ý tưởng của sư Huân, muốn dành một "sân chơi" riêng cho các bà mẹ đang mang thai hoặc sinh con bị nhiễm HIV.

Ngoài ra, quán cà phê có cái tên "Vì ngày mai tươi sáng" nằm ở huyện Gia Lâm, được mở ra với sự trợ giúp vật chất của thành viên Hội chữ thập đỏ Australia, đang phát huy tốt vai trò xã hội trong việc hỗ trợ, tư vấn đồng đẳng cho những người bị HIV/AIDS. Sư Huân cho biết: "Trong tương lai, Trung tâm tư vấn sẽ đẩy mạnh triển khai mạng lưới tư vấn chân rết, bên cạnh đó cần phải quan tâm tới gia đình người bị nhiễm HIV".

Những nỗ lực của CLB Hương Sen đã thu hút được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Hiện nay, với sự tài trợ của UNICEF, mô hình hỗ trợ tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS đã được triển khai thí điểm ở ba chùa là Pháp Vân (Hà Nội); Kỳ Quang 2 và Diệu Giác (TP Hồ Chí Minh). Mỗi con người khi theo đuổi một mục đích hay sự nghiệp thường có câu hỏi mình theo nó vì cái gì, dường như sư Huân đã tìm được câu trả lời cho công việc tu hành. Đó là đem ánh sáng niềm tin và sự bình an đến với những người đang cần nó! Sự an lạc của người tu hành nằm trong sự an lạc của chúng sinh.

Xuân Thanh (Pháp luật&xã hội)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch